Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Tự tìm ra cái đẹp (1)

 

Ở bậc tiểu học - mở đầu cuộc đời đi học, trẻ em học cách học (còn nói là học phương pháp học) để tự tìm đến với các loại tri thức. Với việc học Văn, các em cần phương pháp gì để tìm đến với loại tri thức gì?

Nhóm Cánh Buồm có kiến giải của mình như sau:
Để bắt đầu, cần nhìn nhận các tác phẩm văn chương không như là những sản phẩm cao siêu để giáo viên ngâm ngợi và để học trò nhại lại những "cảm thụ" các loại. Phải thấy ở tác phẩm văn chương những cái mẫu thuận tiện nhất cho công việc giáo dục nghệ thuật nói chung cho trẻ em ở trường phổ thông. Nói một cách đơn giản nhất: các tác phẩm văn chương là những vật liệu nghệ thuật chứa đựng toàn bộ phương pháp nghệ thuật cần trao vào tay trẻ em ngay từ khi học lớp Một ở trường phổ thông.
Các "vật liệu" văn chương đó rất nhẹ và không mất tiền mua: đó chỉ là lời nói của con người. Văn chương có thể chép lại thành sách, nhưng văn chương cũng có thể ở dạng truyền khẩu. Những bản trường ca của người thi sĩ du ca mù Homer đang nằm chật các kệ sách. Cũng như vậy, những bản trường ca Tây Nguyện Việt Nam mà người Ê Đê gọi là Khan, người Ba Na gọi là Hơmôn, người Giarai gọi là Hơri, và người M'Nông gọi là Ot Nrông cũng chẳng thua kém! Tất cả chúng đều giống nhau ở chỗ trải qua nhiều đời, những "cuốn sách" đó đã được truyền đi bằng lời chỉ qua miệng kể...
Một khi nhà sư phạm nhìn kỹ vào các tác phẩm văn chương, sẽ thấy trong đó những yếu tố quan trọng về phương pháp tạo ra một tác phẩm nghệ thuật như sau:
  • Một cảm hứng nghệ thuật thúc đẩy người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm;
  • Một năng lực tưởng tượng khiến người nghệ sĩ tạo ra được một hình tượng nghệ thuật sinh động "y như thật";
  • Một năng lực liên tưởng khiến cho cái hình tượng nghệ thuật kia mang một ý nghĩa nhất định;
  • Một năng lực sắp xếp khiến cho có thể nhào nặn cái hình tượng nghệ thuật kia sao cho nó mang một tư tưởng nhất định;
Theo đó mà hướng dẫn học sinh "đi lại con đường mà người nghệ sĩ đã đi" để đến cuối giáo dục phổ thông các em sẽ có năng lực văn như sau:
  • Nhân lõi tinh thần là một lòng đồng cảm với thân phận con người.
  • Cương cốt vật chất là một ngữ pháp nghệ thuật với 3 thành phần là thao tác tưởng tượng (gửi trong một hình tượng), thao tác liên tưởng (gửi trong một ý, hoặc một "nghĩa bóng") và thao tác bố cục tác phẩm (gửi trong một chủ đề).
  • Thịt da kiến thức là sự am tường các bộ môn nghệ thuật suy ra được từ cái MẪU dùng trong nhà trường phổ thông là thơ, văn xuôi và kịch.
Trong thực tiễn giáo dục diễn ra tuyến tính, công việc học sẽ như sau qua năm tháng :
  • Ngay từ lớp Một : Huấn luyện thành tố hạt nhân của năng lực nghệ thuật : sự ĐỒNG CẢM.
  • Ở ba lớp tiếp theo : Huấn luyện ba thành tố của Ngữ pháp Nghệ thuật là năng lực TƯỞNG TƯỢNG để tạo ra những hình tượng nghệ thuật ; năng lực LIÊN TƯỞNG để tạo ra những ý nghĩa gửi trong các hình tượng ; và năng lực BỐ CỤC (sắp xếp) để từ một ĐỀ TÀI có thể biết tạo ra những CHỦ ĐỀ một cách có ý thức.
  • Ở các lớp tiếp theo : Vận dụng ngữ pháp nghệ thuật vào những loại hình nghệ thuật của con người như nghệ thuật dùng ngôn từ, nghệ thuật dùng ánh sáng và màu sắc, nghệ thuật dùng âm thanh, nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể, nghệ thuật sắp đặt-tạo dựng...
Cần nhấn mạnh rằng, nhóm Cánh Buồm coi nghệ thuật là việc làm ra cái Đẹp và việc giáo dục nghệ thuật trong nhà trường phổ thông được tiến hành qua việc học sinh tự làm ra cái Đẹp chứ không trong việc nghe giảng giải về nghệ thuật rồi nhại lại việc "cảm thụ" các "giá trị nghệ thuật". Các giá trị mà chúng ta phải tổ chức cho trẻ em đem lại cho chính mình phải là những giá trị cao nhất có thể - tuy nhiên cách tiến hành lại phải hết sức giản dị, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ em và năng lực tổ chức của giáo viên.
Nhóm Cánh Buồm
Đây là bản đầy đủ của bài đã đăng trên tạp chí Tia sáng số 15 ngày 5/8/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét