Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Đất nước gian lao, chưa bao giờ bình yên (2)....

Nhìn lại lịch sử, đã đến lúc chúng ta phải nhận biết sai lầm của mình dù sự thật đó có cay đắng thế nào đi nữa. Chúng ta luôn ca tụng sự phát triển từ ngày thống nhất đất nước năm 1975, song chỉ còn 2 năm nữa là chúng ta đã thống nhất đất nước được 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam. 40 năm, người ta có thể từ đống tro tàn phát triển thành một quốc gia thịnh vượng.
40 năm, nước Nhật, nước Đức từ đống tro tàn của chủ nghĩa Phát xít ngu xuẩn đã trỗi dậy thành những cường quốc kinh tế khôn ngoan vào bậc nhất thế giới.
40 năm nước Nam Hàn với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu cũng đã trỗi dậy trở thành cường quốc kinh tế đáng gờm....
40 năm, từ một thanh niên cường tráng, thanh nữ xinh đẹp đầy sức sống sẽ biến thành ông già đau khổ hay bà già tóc bạc.
40 năm là chặng đường rất dài nếu tính theo cuộc đời ngắn ngủi của kiếp người.

Chúng ta có gì?

Băng rôn, khẩu hiệu, mít tinh kỉ niệm hoành tráng, tốn tiền, hét khản cả cổ nhưng Đảng đã bị mất lòng tin gần như hoàn toàn. Không nên tự ru ngủ mình, hãy ra đường hỏi bất kỳ người nào ở ngoài đó xem họ nhận xét thế nào về thể chế Chính trị hiện tại ở Việt nam?
Tham nhũng, cơ hội, rác rưởi, ô nhiễm hầu như ở khắp các đô thị và vùng quê trên cả nước.

"Đất nước gian lao, chưa bao giờ bình yên..."

Chúng ta phải nhìn nhận cuộc chiến mà ta gọi là chống Mỹ thực chất là cuộc nội chiến đẫm máu, "nồi da nấu thịt" mà kẻ can thiệp là Hợp Chủng quốc Hoa kỹ đã giữa chừng bỏ dở.
Ta bảo Mỹ thua. Nói vậy cũng đúng và cũng chẳng đúng. Thua vì họ đã mất quá nhiều của cải, con người, danh tiếng vào chiến tranh Việt nam và ý định của họ là xây dựng một chế độ dân chủ ở miền Nam Việt nam, nhưng họ đã thất bại mặc dù họ đã thành công ở Nam Hàn.
Ta có thể nói là họ thất bại thì sẽ đúng hơn họ thua (thất bại:  là không đạt được kết quả, mục đích như dự định).
Và nếu bạn nào vẫn nghĩ là chúng ta thắng, Mỹ thua (thua: chịu để cho đối phương giành phần hơn, phần thắng trong cuộc tranh chấp hoặc đọ sức giữa hai bên) thì tất nhiên là các bạn luôn có quyền nghĩ như thế.

Tôi thì không!

Ý định của Mỹ có thể xuất phát từ một thiện ý tốt là xây dựng một Chính thể dân chủ ở miền Nam Việt Nam.
Song, xin thưa, ý định đó thất bại ở Việt nam vì nguyện vọng dân chủ phải do người Việt nam tự quyết định chứ không phải dùng súng ống mà can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Hàng ngàn năm chịu sự bành trướng của người Phương Bắc, "não trạng phản kháng" của người Việt đã thành gen di truyền, và dường như không sự áp đặt nào của ngoại bang có thể bắt dân tộc này tuân theo, bất kể sự áp đặt đó được gọi là tốt hay xấu.

Nếu ta khẳng định Mỹ thua.
Tôi luôn cho rằng không đúng.
Nước Mỹ là cường quốc số 1 thế giới. Nền Chính trị Mỹ dường như có thể làm gì nó thích bất kể thế giới còn lại nghĩ gì, nói gì. Một quả bom nguyên tử bỏ xuống là chúng ta chẳng còn gì nhiều. Mỹ đã định làm điều đó trong chiến dịch Điện Biên Phủ(Mỹ định dùng bom nguyên tử tại Điện Biên Phủ). Nếu không vì con bài lấy lòng người Trung quốc để đối đầu với Liên Xô(cũ) thì họ đã chẳng bỏ miền Nam. Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon đã trả lời rõ ràng cho điều đó và chúng ta không phải bàn cãi nhiều về chủ đề này (Chuyến thăm Trung Quốc của Richard Nixon).

Chúng ta phấn đấu cho một nền dân chủ mà nền dân chủ đó đã được người Mỹ cố gắng duy trì từ hơn 50 năm trước tại Việt nam.
Vậy tại sao chúng ta phải đối đầu?

Cuộc chiến này là vô nghĩa?

Chúng ta đã sợ hãi mà không dám nói đến điều đó, có chăng chỉ là thông tin ngoài luồng. Chúng ta sợ nói đến điều đó vì nếu như vậy, hàng triệu đồng bào đã chết vì cái gì?

Vì Chủ nghĩa Xã hội (?), vì chủ nghĩa anh hùng dân tộc (?) hay vì độc lập tự chủ (?)......

Chủ nghĩa Xã hội là không tưởng, giờ đây, ai cũng biết điều đó.
Chủ nghĩa anh hùng dân tộc? Nhưng anh hùng về cái gì?
Nếu người Phương Bắc định đồng hóa chúng ta, xóa chúng ta trên bản đồ thế giới thì đến lúc chúng ta phải tôn vinh chủ nghĩa này, song thử hỏi Nam Hàn có bị xóa tên trên bản đồ thế giới không? Đảo quốc Đài loan có mất tên của mình không?
Vậy câu hỏi là chúng ta anh hùng với ai? Chúng ta bảo Mỹ là Chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Xin thưa, thế hệ trẻ bây giờ không tin vào những chuyện vớ vẩn như thế nữa.
Còn độc lập tự chủ? Xin thưa, người Hàn quốc có mất độc lập và tự chủ không?

Vậy mấy cụm từ ta vừa bàn tới chỉ là những từ ngữ sáo rỗng nếu chúng ta không thực sự biết chúng ta muốn gì.

Bây giờ, không ai tin điều đó nữa, có chăng chỉ là số ít. Chúng ta đang cai trị đất nước bằng quân đội và cảnh sát. Không ai tin Đảng Cộng sản nữa, ngay cả rất nhiều Đảng viên, chỉ có điều vì lợi ích cá nhân, họ không dám nói mà thôi. Vậy chúng ta tạo nên một đất nước nói dối, được cai trị bởi những người không thực tế, viển vông và những người nói tin Đảng nhưng họ không tin hay nói đúng hơn là vì một lý do nào đó mà họ nói là họ tin.
Tôi cũng không loại trừ rất nhiều người không tin Đảng nhưng muốn vào hàng ngũ Đảng để sống sót và hơn nữa, họ muốn làm gì đó cho đất nước, và muốn vậy, họ không thể đứng ngoài Đảng.
Họ muốn đấu tranh cho cái tốt trong Đảng ngoài lợi ích cá nhân mà ai cũng cần phải có.
Tôi tôn trọng thành phần này. Người xưa nói:

"Muốn bắt hổ phải vào hang hổ".

Song một sự thật phũ phàng là tất cả chúng ta vẫn đang tự dối mình và nói dối nhau.


Rồi một vài Chính kiến khác xuất hiện. Họ bị bắt, bị xử, bỏ tù. Rồi sẽ có nhiều người khác sẵn sàng bị bắt, bị bỏ tù, họ sẽ không bỏ cuộc, tôi tin 100% là thế. Đó là mong muốn nói lên sự thật, mong muốn sống thật, một tính cách tôi nghĩ mang tính bản năng của con người.
Chúng ta không thể bắt được hết những người này, họ sẽ mọc lên như lá mùa xuân, đông đến, họ rụng xuống, nhưng xuân sang, họ lại đâm chồi.

Vâng, hãy tin tôi đi!

Họ muốn dân tộc nghĩ khác, không nói dối, không tham nhũng và cơ hội nữa vì có thể gia đình họ, con cái họ, họ hàng của họ đã phải trả giá quá nhiều cho sự dối trá. Họ nhìn thấy đất nước đi lạc đường, họ nhìn thấy thiên nhiên, môi trường bị tàn phá...
Họ đấu tranh ôn hòa, nếu không kết tội được, họ sẽ bị bắt về tội trốn thuế.

Có lần đi xích lô, anh xích lô nói chuyện với tôi và bảo rằng ở Việt nam, mỗi người là một tù nhân dự bị.
Tại sao vậy?
Chúng ta có một cơ chế nói dối. Tôi thấy hầu như tất cả các doanh nghiệp đều khai gian thuế, doanh nghiệp nào khai đủ thì sẽ khó cạnh tranh vì chi phí sản phẩm sẽ cao. Tất cả trốn thuế và tất cả đều cho là bình thường. Chúng ta có luật, nhưng hầu như tất cả các luật đều lỏng lẻo để người dân nhờn với luật và họ vô tình hay hữu ý trở thành kẻ phạm luật.
Có một luật chúng ta nghiêm khắc nhất có lẽ là luật chống lại những kẻ nói thật.

Nếu một công dân ôn hòa và nói thật thì sẽ bị bắt vì trốn thuế. Có nhiều cách để bắt anh ta, và tội dễ nhất là trốn thuế. Ngày mai, tôi có thể bị bắt nếu lôi hết sổ sách của Cty tôi ra mà soi. Tôi là tù nhân dự bị và tôi sợ. Tôi sợ cho tôi, sợ cho các con tôi, bố mẹ tôi, vợ tôi, và tôi phải trở thành kẻ nói dối.

Nếu một kẻ không kinh doanh, có thể anh ta có nhà cho thuê, người ta sẽ hỏi là hóa đơn tiền đóng thuế thu nhập đâu (?), trong quá trình mua bán nhà đất, anh có đóng thuế thu nhập không (?)......và có thể anh ta cũng sẽ bị bắt.
Câu trả lời là hầu như đối với tất cả mọi công dân Việt nam, cảnh sát có thể sờ gáy mà bản thân lực lượng này cũng có rất nhiều tai tiếng.

Vậy chẳng phải với cơ chế này, chẳng phải mỗi người dân là một tù nhân dự bị hay sao? Và chúng ta không loại trừ khả năng khi chúng ta không có tội gì, đóng thuế đầy đủ, công dân gương mẫu, nhưng một ngày đẹp trời, sẽ có một gói ma túy ở trong nhà ta, người ta ập đến và vào một buổi sáng tinh mơ, ta sẽ phải ra pháp trường trong uất ức, sợ hãi mà đái tồ tồ ra quần, rồi một phát súng vào thái dương để kết liễu đời "thằng phản quốc".
Trong một cơ chế mất lòng tin, người ta luôn nghĩ đến nhiều thứ và tự cho rằng mọi việc đều có thể xẩy ra khi xã hội tỏ cho ta thấy rằng cái xấu, cái dở hơi đang hoành hành.

Vậy phải làm sao?
Có một cách mà nhiều người đã lựa chọn. Họ tìm cách trở thành công dân của một nước văn minh nào đó, và họ sẽ được Chính phủ nước đó bảo trợ. Chúng tôi hay gọi họ là "hạ cánh an toàn".  Những người này sẽ không sợ cảnh sát Việt nam sờ gáy nữa, tất nhiên, họ phải trả giá về một cái gì đó, song rất nhiều kẻ vẫn chọn cách giải quyết đó.

Vậy những kẻ ở lại sẽ ra sao?
Có lẽ không có cách nào khác là tất cả đều nói, nói lên sự thực, không nói dối, không quanh co nữa: hay nói hay, dở nói dở, đúng nói đúng, sai nói sai.... Nếu ai nghĩ rằng chủ nghĩa Marx là viển vông, là phi thực tế, là con đường tôi không tin thì hãy nói ra, đừng giấu giếm, đừng sợ.
Nếu chúng ta có điều kiện để đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, hãy cố gắng đóng đầy đủ, nếu chưa làm được ngay, hãy bắt đầu đi, đừng nghĩ rằng đồng tiền đó vào túi bọn tham nhũng. Việc tham nhũng là việc của kẻ tham nhũng, ông Trời sẽ có mắt, việc của bạn là đóng thuế.
Chúng ta có thể chưa có điều kiện làm được ngay thì hãy làm từ từ, làm từng bước để xây dựng một cơ chế văn minh ngay từ trong doanh nghiệp.
Việc này rất khó, song tôi tin là không phải không làm được.

Lại nghĩ về những ý kiến trái chiều của những tư tưởng dân chủ, đa đảng gần đây bị bắt vì lý do nọ, lý do kia, tôi thiết nghĩ Chính quyền có thể tiếp tục bắt, tiếp tục gây khó dễ cho họ, song trước hay sau, một thể chế đa đảng là cần thiết và không thể tránh khỏi.
Đó cũng là triết học Marx mà tôi từng được học khi nói đến qui luật mâu thuẫn hay qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (Xem wiki).
Hôm nay Chính quyền có thể bắt, ngày mai có thể bắt tiếp, ngày kia có thể bắt tiếp, song một ngày, Chính quyền không thể bắt tất cả mọi người, và lúc đó, tôi e rằng sẽ dở vì sẽ có sự trả thù khi thể chế này không còn nữa.
Nếu thế hệ này qua đi, con cháu họ sẽ mang tiếng xấu về ông cha mình, và đó là nỗi tủi hổ.
Đừng viển vông, vì đó tôi tin là qui luật của lịch sử.
Mọi việc tương đối rõ ràng.

Huy Quang

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Trí thức cận thần và trí thức độc lập

Bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên "Trí thức cận thần" để đi trên con đường mới - con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần" và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi.
Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến Nguyễn Trường Tộ.
Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là là những nhà tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng một người thành công, một người thất bại.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn Nguyễn Trường Tộ thì thất bại?
Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách tiếp cận của hai người.
Trí thức độc lập
Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của mình.
Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối phong phú, nhưng có thể khái quát ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch sách, viết sách, làm báo để truyền bá văn minh phương Tây cho trí thức và dân chúng Nhật Bản.

Ảnh minh họa.
Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí thức Nhật Bản, lúc đó còn chìm đắm trong lối học từ chương ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ lối thực học của phương Tây; xây dựng hình mẫu trí thức độc lập và chủ trương "độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân".
Bản thân ông cũng hành động như một hình mẫu của trí thức độc lập, không phục thuộc vào giới cầm quyền.
Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ hãy "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn đến niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh mới mẻ có tác dụng giải phóng tư duy và bồi đắp sự độc lập của cá nhân.
Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có nguy cơ phải đóng cửa vì nội chiến, chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn tin tưởng: "Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững, Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới".
Fukuzawa Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập điển hình.
"Trí thức cận thần"
Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi nhà Vua. Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông đều không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết được giá trị thật của chúng: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối vào nhà cầm quyền, đánh mất vị thế độc lập của người trí thức. Nói cách khác, ông hành xử như một "trí thức cận thần": Viết tấu trình và chờ đợi sự sáng suốt của nhà Vua.
Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính mình, và rộng ra là của cả dân tộc, vì trong suốt lịch sử, số lượng các minh quân vô cùng ít.
Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm vóc thời đại, nhưng rốt cuộc lại trở nên vô dụng.
Do hành xử như một "trí thức cận thần", không có được sự độc lập cho bản thân mình, dẫn đến không có đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí thức đúng nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư tưởng canh tân đổi mới của ông vì thế bị chìm vào quên lãng.
Bài học cho hậu thế
Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ mà còn cả dân tộc, không được sử dụng.
Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo lối con đường "trí thức cận thần" của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách trước khi phổ biến ra ngoài xã hội.
Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của dân tộc.
Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí thức phải tự giác tránh con đường cụt đó, con đường "trí thức cận thần", để đi con đường mới: con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân.
Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành "đất nước cận thần", và giữ được nền độc lập đúng nghĩa.
Việc Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc lập trong thời gian gần đây cho thấy con đường trí thức độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước.
________________________
Ghi chú:
1. Trái với dự đoán, sau khi kiểm tra tôi thấy: cụm từ "trí thức cận thần" chưa phổ biến, và chưa thấy xuất hiện trên mạng internet.
2. Tôi được biết cụm từ này trong một thảo luận với một người bạn, TS. Nguyễn Đức Thành, vào khoảng đầu tháng 5/2010. Theo anh Thành, cụm từ này được hình thành trong một thảo luận của anh với một người bạn khác, TS. Nguyễn An Nguyên. Tuy nhiên, anh cũng không rõ đã có ai sử dung cụm từ này trước đó hay chưa.
3. Có một cụm từ khác có nghĩa gần tương tự với "trí thức cận thần", đó là "trí thức phò chính thống", do nhà văn Phạm Thị Hoài nêu ra. Tuy nhiên, theo tôi, nội hàm của hai cụm từ này có nhiều điểm khác biệt khá tinh tế.
4. Nếu ai đã thấy văn bản nào có cụm từ này rồi thì vui lòng báo cho tôi biết. Cá nhân tôi thấy cụm từ này có một nội hàm đáng suy ngẫm.
Fukuzawa là nhà giáo dục và học giả có thể nói là người ở bên ngoài chính quyền Nhật Bản có ảnh hưởng nhất trong giai đoạn cuộc Canh Tân Minh Trị, lật đổ chế độ Tokugawa năm 1868. Ông lãnh đạo cuộc đấu tranh học tập những ý tưởng của phương Tây nhằm xây dựng "một nước Nhật Bản hùng mạnh và độc lập".
Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và biện minh cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ.
Trong tác phẩm Phúc ông Tự truyện viết năm 1901, trước khi mất ít lâu, Fukuzawa tuyên bố việc xoá bỏ mọi đặc ân phong kiến của triều đại Minh Trị và chiến thắng chế độ phong kiến Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1894-1895 để hình thành một nhà nước Nhật Bản hiện đại chính là ước mơ suốt cuộc đời ông.
Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 trong một gia đình Công giáo, quê làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Từ nhỏ ông đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy tiếng Pháp cùng với các môn khoa học thường thức của Tây phương. Ông lại được cho đi du học ở nhiều nơi như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã... Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm tòi và lĩnh hội được nhiều tri thức khoa học mới, trong lòng nung nấu đem những điều mình đã học hỏi được về phục vụ cho lợi ích nước nhà.
Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước.
Sau ba bản điều trần trên, Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi nhiều bản khác lên Triều đình Huế (có 58 di thảo gửi cho Triều trình, liên tục trong vòng 10 năm). Những bản điều trần của ông là những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sỹ đương thời.
Song thật tiếc, những dòng tâm huyết ấy lại không được chấp nhận do hạn chế của thời đại.
  • Theo Blog Giap Van Duong

Cách người Mỹ dạy học sinh tiểu học

Động lực đằng sau một cường quốc kinh tế là gì? Rốt cục họ đã có một nền giáo dục như thế nào? Sau đây là bài viết của một tác giả người Trung Quốc về nền giáo dục tiểu học Mỹ cộng với các câu chuyện để bạn đọc tiện so sánh hai nền giáo dục Mỹ – Trung Quốc.

Mục tiêu giáo dục tiểu học Mỹ

Cho dù là người Hoa ở Mỹ, bạn cũng khó hiểu rõ được đâu là trình độ tri thức mà học sinh tiểu học ở Mỹ phải đạt đến, sau đây chỉ là một tiêu chuẩn sơ lược để tham khảo.

1. Tốt nghiệp mẫu giáo

Có thể nhận biết và phân biệt con số, có thể biểu đạt khái niệm toán học trừu tượng bằng những vật thể cụ thể như hòn sỏi, mẩu giấy, cái que…; nhận biết 26 chữ cái tiếng Anh, phân biệt nguyên âm và phụ âm; phân biệt được các ngành nghề khác nhau đại ý làm những gì, ví dụ như bác sĩ, giáo viên, người đưa thư, cảnh sát, cảnh sát phòng cháy chữa cháy… hiểu được quá trình diễn biến của cuộc đời sinh vật, bao gồm sinh, lão, bệnh, tử của con người, sâu biến thành bướm,…; học địa lý từ địa cầu, bản đồ; hiểu được rằng trên trái đất có rất nhiều cư dân, rất nhiều quốc gia và những màu da khác nhau, hiểu được rằng người cần ở trong nhà, trẻ em cần đến trường, người trưởng thành cần đi làm…

2. Lớp 1

Có thể đếm từ 1 đến 100, có thể đếm số có hai chữ số hoặc thế nào là bội số của 5, biết số lẻ và số chẵn, biết phép cộng trừ đơn giản; học cách quan sát, chia ngành phân loại đối với những sự vật và vật phẩm khác nhau; có thể lấy dẫn chứng về quá trình diễn biến của sự sống, hiểu được quan hệ sống tương trợ giữa động thực vật trong thiên nhiên; học sử dụng tranh ảnh để biểu đạt ý; hiểu tính tất yếu của việc mặc, ăn, ở và mái ấm gia đình; hiểu rõ quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa những người làng xóm.

3. Lớp 2

Biết đọc, viết số có ba chữ số, từ năm số tùy ý chọn, có thể đếm xuôi hoặc đếm ngược; vận dụng thành thạo phép cộng trừ đối với số có hai chữ số, biết dùng những đơn vị đo lường như inch (tấc Anh) hoặc centimet để đo độ dài, biết xem đồng hồ; đọc sách, duy trì đều đặn việc viết (nhận xét, bình luận) sau khi đọc sách, học cách viết tổng kết, hiểu và phân biệt được những hình thức văn học khác nhau như: thơ, tản văn, tiểu thuyết, truyện ký…, biết được sự khác nhau giữa tác phẩm hư cấu và tác phẩm phi hư cấu; bắt đầu học nghiên cứu độc lập về động vật, ví dụ như vấn đề sinh thái của côn trùng…

4. Lớp 3

Học được cách biến tư liệu thành biểu đồ; biết so sánh sự lớn nhỏ và cộng trừ trong phạm vi 100.000, thành thạo phép cộng, trừ, nhân, chia đối với số có ba chữ số; có thể lấy những tài liệu tại chỗ trong môi trường xung quanh, sưu tập, tổ chức tài liệu, hiểu được cách giữ gìn sức khỏe của con người, hiểu rõ quá trình diễn biến cuộc đời của những động vật nhỏ như: ếch, bướm, gà con, chuột bạch…; hiểu cách sử dụng tự điển; có thể hiểu tư tưởng của những tác phẩm và các nhà văn, họa sĩ mình yêu thích biểu đạt, hiểu được các tác phẩm văn học trong các bối cảnh văn hóa khác nhau.

5. Lớp 4

Dùng máy tính để tính toán những con số rất lớn, so sánh lớn nhỏ trong phạm vi 1.000.000, học số thập phân và phân số, vẽ biểu đồ; có thể giải thích sự khác nhau của khí hậu giữa các vùng đất trên thế giới nhờ bản đồ, hình ảnh, biểu đồ; thông qua việc đọc, hiểu thêm một bước về những thể loại văn học khác nhau, ví dụ như tác phẩm khoa học viễn tưởng, truyện ký,…

6. Lớp 5

Biết điền, đọc các loại bảng biểu, thành thạo các phép tính cộng, trừ, nhân, chia phân số; có thể vận dụng hệ thống thư viện và các tư liệu để tiến hành nghiên cứu; tiến hành so sánh và tổng hợp các loại tin tức thông qua việc viết bút ký; bắt đầu tự viết những bài văn dạng tả thật (phi hư cấu) và những đoản văn theo thể thức năm đoạn; học được cách viết chính thức, không chính thức và cách viết thư cho bạn bè; hiểu việc chia ngành phân loại những sách báo khác nhau, có thể nắm được nội dung chủ yếu của một cuốn sách, đồng thời tiến hành bình luận về cấu tứ, bối cảnh, cách xây dựng nhân vật, phương thức biểu đạt, nghệ thuật ngôn ngữ.

Giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ

Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ có cảm giác rằng, một học sinh học lớp 5, chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học mà yêu cầu về năng lực toán học chỉ là biết cộng, trừ, nhân, chia, thì trình độ… thấp quá.

Một cô giáo mẫu giáo về hưu thấy học sinh tiểu học Mỹ suốt ngày “chỉ biết chơi” thì không khỏi ngạc nhiên và lo lắng cho cậu cháu Hoa kiều ở Mỹ của mình. Bà nói với mẹ của cậu bé: Nếu là ở Trung Quốc, áp lực của học sinh chuẩn bị tốt nghiệp tiểu học rất lớn, cả ngày phải cắm đầu vào làm bài tập… Nhưng cháu tôi thì sao? Mỗi ngày tan học về là đi đá bóng, chơi bóng bầu dục cùng lũ trẻ… thời gian cho việc làm bài, tập đàn ít như thế, làm mẹ thì phải chú ý!

Người mẹ nói, thành tích của cháu ở trường hầu như là điểm A, trừ đôi khi ngẫu nhiên sai sót, nhiều lần cháu đem về toàn điểm 100. Đối với học sinh tiểu học ở Mỹ thì như vậy là đủ rồi. Giáo dục tiểu học không phải là giáo dục tinh anh, cần tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa.

Đương nhiên, người bà của cậu bé vẫn không bằng lòng, bà nói bài giảng của Mỹ quá nhẹ nhàng, bài tập quá đơn giản, thì chắc thi cử cũng rất dễ dàng. Bà nhấn mạnh, người Trung Quốc chúng tôi coi trọng các nền tảng cơ sở vững chắc. Kỳ thực, người Mỹ cũng coi trọng việc xây dựng nền tảng.

Chỉ có điều cái gọi là “cơ sở” của người Trung Quốc và người Mỹ khác nhau. Người Mỹ coi trọng nền tảng làm người, quan niệm này đã được bồi đắp từ nhỏ. Cơ sở mà học sinh ở Mỹ cần tạo dựng là ý thức tự tin, thành thực, lương thiện, công bằng, bao dung và độc lập tự chủ để làm người, cũng có nghĩa là, ngay từ nhỏ, họ đã học được giá trị cơ bản của văn hóa Mỹ, chứ không phải là tri thức để phục vụ giá trị cơ bản này.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là có rất nhiều người Trung Quốc suy nghĩ như người bà kể trên, coi giáo dục trung tiểu học ở Mỹ là “hỏng bét”, mà nhiều nhất trong số đó không ai khác chính là những giáo viên trung tiểu học ở Trung Quốc. Cái mà họ đắc ý là những học sinh đứng đầu trong danh sách đoạt giải thưởng toán quốc tế hàng năm luôn là những học sinh Trung Quốc, giáo dục trung tiểu học ở Mỹ không thể so sánh được với Trung Quốc. Có lần, trên một tờ báo Trung văn ở Mỹ còn có một bài viết mang tên: “So về toán học, Mỹ chỉ có thể được coi là nước đang phát triển”.

Trong một cuộc họp của người Hoa, các bậc cha mẹ nhớ lại những câu chuyện thời trẻ của mình, một nữ sĩ đã thẳng thắn nói, tiêu chuẩn chọn chồng khi đó dường như đều phải là “học giỏi”, cũng có nghĩa là “thành tích tốt”, ngoại hình, tính tình, tu dưỡng đều là thứ yếu. Trong mắt của các nữ sinh chỉ có những người đứng đầu lớp mới là tốt, người đứng đầu toàn năm lại càng tốt.

Nhưng giờ đây, thế hệ sau của chúng ta thì sao? Nếu như bạn hỏi ai là bạn nam có thành tích học tập tốt nhất trong lớp thì con gái bạn ắt trở nên lúng túng, nhưng nếu hỏi, bạn nam nào giỏi thể thao nhất trường, thì con bạn sẽ rõ như lòng bàn tay vậy. Nếu bạn tâng bốc một cô gái xinh đẹp nào đó, bảo rằng cô sẽ lấy được một trạng nguyên, thì cô gái sẽ cho rằng không xứng đáng, thậm chí còn cảm thấy thua thiệt, “Cái gì, ai thèm cái đồ mọt sách đó?”

Những người học giỏi nhất (nếu chỉ biết học tập, không có sở thích, sở trường nào khác) thường bị bạn bè cô lập. Để tránh mất đi tình bạn, để được biết đến nhiều hơn, được hoan nghênh nhiều hơn, không ít học sinh xuất sắc đã từ chối học các lớp chất lượng cao (lớp vinh dự), sợ mất đi những người bạn cũ từ lớp phổ thông, thậm chí có một số học sinh còn cố tình làm bài sai trong kỳ thi để hòa đồng với bạn bè. Trong mắt của bọn trẻ, bạn bè, tình bạn, niềm vui quan trọng hơn thành tích rất nhiều.

“Độ khó” trong bài tập của học sinh tiểu học Mỹ

Một người cha Trung Quốc đưa cậu con trai chín tuổi tới Mỹ, cho con vào học một ngôi trường ở Mỹ thì trong lòng lo lắng vô cùng, không hiểu đó là trường học kiểu gì! Trong lớp học sinh tự do tùy ý thảo luận, có thể cười ầm ĩ; giáo viên và học sinh thường xuyên cùng ngồi bệt trên mặt đất không phân biệt lớn bé; vào giờ học mà cứ như đang chơi trò chơi; Ba giờ chiều đã là tan học; lại không có sách giáo khoa thống nhất.

Ông đem cho giáo viên xem bài học tiểu học lớp 4 mà con ông đã học ở Trung Quốc, giáo viên nói với ông, cho tới lớp 6, con trai ông không phải học thêm môn toán nữa. Lúc đó, ông bắt đầu hối hận vì đem con đến Mỹ mà làm lỡ việc học của con. Ở Trung Quốc, cặp sách của học sinh nặng trịch những tri thức, còn nhìn con mình bây giờ, mỗi ngày mang cái cặp nhẹ tênh đến trường, đi học như đi chơi. Một học kỳ nháy mắt đã hết, ông không khỏi nghĩ ngợi, hỏi con, ấn tượng sâu sắc nhất khi đến Mỹ học là gì? Cậu bé đáp: “Tự do”.

Lại một bận, cứ tan học, đứa trẻ lại chạy tới thư viện rồi mang một lô sách về nhà, thế mà chưa tới hai ngày đã trả. Ông lại hỏi, mượn sách nhiều như thế để làm gì? Con trai đáp: “Làm bài tập”. Sau đó, ông nhìn thấy tên bài tập mà cậu bé đang làm trên máy vi tính “Hôm qua và hôm nay của Trung Quốc”, ông kinh ngạc suýt ngã, đây là chủ đề môn học gì vậy? Thử hỏi vị nào đang làm tiến sĩ dám “ôm” đề tài lớn như thế?

Ông chất vấn con trai, đây là chủ ý của ai, cậu bé hồn nhiên đáp: “Thầy giáo nói, Mỹ là một nước di dân, mỗi học sinh đều cần viết một bài về đất nước mà tổ tiên mình đã sinh sống, còn phải phân tích sự khác biệt so với nước Mỹ dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đưa ra quan điểm và cách nhìn của mình”. Người cha im lặng.

Mấy ngày sau, ông thấy bài tập của con trai đã xong, một tập gồm hơn 20 trang giấy, từ Hoàng Hà chín khúc đến văn tự tượng hình; từ con đường tơ lụa tới lá cờ ngũ tinh… Cả bài văn được viết với một khí thế hào hùng, có lý lẽ, có căn cứ, phân chương phân tiết, đặc biệt là một danh sách thư mục tham khảo ở phần cuối khiến người cha không khỏi bàng hoàng, cái cách thức của một luận văn tiến sĩ này, ngoài ba mươi tuổi ông mới học được.

Đến khi sắp kết thúc học kỳ lớp 6 của con, ông lại được một phen cứng lưỡi, giáo viên đưa ra một loạt câu hỏi liên quan đến “Chiến tranh thế giới thứ hai”, nghe như một kỳ huấn luyện trước khi ứng cử của một thượng nghị sĩ tương lai:

“Bạn cho rằng ai nên chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này?”

“Theo bạn, nguyên nhân thất bại của đảng Nazi (Đức) là gì?”

“Nếu bạn là cố vấn cao cấp của tổng thống Truman1, bạn sẽ tỏ thái độ gì đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”

“Bạn có cho rằng, biện pháp tốt nhất để kết thúc chiến tranh khi đó chỉ là ném bom nguyên tử?”

“Theo bạn, cách tốt nhất đế tránh chiến tranh ngày nay là gì?”

Lịch sử nước Mỹ mới chỉ có vỏn vẹn 200 năm, nhưng đã đủ sức mở cánh cửa trí tuệ của các em học sinh.

Sự khác biệt giữa công nhân và ông chủ

Người cha này vẫn nhớ rằng khi con trai ông tốt nghiệp tiểu học, cậu bé đã có thể sử dụng thành thạo hệ thống máy vi tính và vi phim của thư viện để tra cứu tư liệu và hình ảnh. Có lần, hai bố con tranh luận về tập tính săn mồi của sư tử và báo, ngày hôm sau, cậu con trai mượn từ thư viện tập phim về động vật của Hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, hai cha con vừa xem vừa thảo luận. Học sinh tiểu học của Mỹ lúc này đã học được phương pháp tìm đáp án ở đâu mỗi khi có nghi vấn. Ngoài thư viện, học sinh trung tiểu học ở Mỹ cũng tìm tài liệu trên các trang web liên quan khi làm bài tập và một số báo cáo nghiên cứu.

Lưu học sinh Trung Quốc tới Mỹ làm tiến sĩ, từ lúc vào học tới lúc tốt nghiệp, giành được học vị tiến sĩ cần năm năm. Trong viện nghiên cứu sinh, rất nhiều người có cảm giác rằng người Mỹ thường không phải là đối thủ của lưu học sinh Trung Quốc trong chuyện thi lấy học bổng, nhưng cứ đụng tới lĩnh vực thực tiễn, làm một vài vấn đề có tính nghiên cứu, thì người Trung Quốc không thể linh hoạt được bằng người Mỹ, không có tính sáng tạo dồi dào như họ.

Tới khi cầm được bằng tiến sĩ để đi tìm việc, viết sơ yếu lý lịch, họ lại lạc hậu một bước lớn, không biết tự quảng bá cho bản thân mình. Không thể “viết về bản thân mình” không phải vì họ không biết, mà là vì không có đủ bản lĩnh để thể hiện cái “tôi” của mình.

Đương nhiên, điều này có liên quan tới sự bất đồng giữa giáo dục và toàn bộ hệ thống giáo dục cơ sở. Người Trung Quốc chỉ quen phát huy bản lĩnh trong một khung quy định nào đó, một khi không còn quy định, mất đi sự chỉ đạo, không nhìn thấy hệ thống quy chiếu vốn có nữa, thì với người Mỹ là giành được tự do, còn với người Trung Quốc, có lẽ chỉ còn lại cảm giác mất phương hướng, khủng hoảng, trống rỗng, không biết dựa vào đâu.

Khi đã công tác được năm năm, mười năm, thực tế ấy lại càng rõ ràng hơn. Người Trung Quốc thường chỉ có thể làm kỹ thuật, cùng lắm là lên quản lý một bộ phận kỹ thuật nào đó, dường như không mấy ai làm được giám đốc công ty lớn. Người Trung Quốc không phục những ông chủ không giỏi về kỹ thuật và thường băn khoăn: bản lĩnh của họ rốt cục nằm ở đâu?

Bản lĩnh đó là: hiểu được sở trường của từng thành viên trong công ty, giúp họ phát huy tận lực sở trường của mình, nhân viên và công ty cùng hợp tác, nâng cao giá trị của công ty mình trong mắt nhà đầu tư và khách hàng, không ngừng thu hút thêm vốn đầu tư và tăng thêm đầu ra cho sản phẩm… Hiển nhiên, đây là tác phẩm của một ông chủ, chứ không phải của một công nhân.

Sưu tầm.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Ngày 27/7 trên facebook


"Việc phô trương rầm rộ các buổi lễ; biểu diễn văn nghệ chào mừng, này nọ nhân ngày 27/7, chỉ làm tủi thân thêm vong linh người quá cố; chỉ gợi lại vết thương đau của các thương bệnh binh có gia cảnh đang khó khăn"


FB Thiết Phan

MỘT CHIỀU BA-TƠ

Kíng tặng hương hồn anh Phan Dũng và các Liệt sĩ
Kính tặng Anh Vân và mảnh đất Ba-Tơ
Mến tặng những người Bạn đã từng là Lính

Bà Nội tôi Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng...
Gia đình tôi cùng dòng họ Bùi Hữu, qua hai cuộc chiến lớn đã chết nhiều người...Những người thân yêu khoác áo mầu xanh lá đã nằm xuống khắp dải đất chữ S Bắc Trung Nam...

Thời gian trôi đi. Cuộc sống chuyển dịch quá nhanh về phia trước với mọi thứ mà nó chứa đựng...Trong nó chỉ ký ức lặng lẽ lùi lại và dần chìm sâu khuất bóng...cho dù không ai quên và muốn quên...quên chính máu của những người thân yêu nhất...đã đổ xuống thấm đỏ núi sông biển trời Quê hương Việt...

Chiến tranh đã và sẽ mãi là những ám ảnh kinh hồn đau xót...
Cảm giác thiêng liêng, hào hùng đã không còn như xưa bởi cuộc sống hôm nay đầy trăn trở, khổ đau và nhiều khi là cả dày vò vô vọng...

Với ruột thịt của những linh hồn bơ vơ lạc lõng ... chỉ còn nỗi đau mất mát và những hình ảnh mờ nhòa, những kỷ niệm mong manh chập chờn về cuộc sống qua ư ngắn ngủi của người thân mặc áo lính trước khi họ ngã xuống ở nơi xa vắng với cái tên Vô Danh Liệt Sĩ...

Năm 1997...Tôi đã đi cùng anh Vân, Bí thư Ba Tơ, một địa danh hai lần Anh Hùng trong hai cuộc chiến...
Một chiều vắng lặng...hai anh em lúi húi, mải miết tìm đọc từng cái tên trên từng ngôi mộ trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ huyện Ba Tơ...
Hơn một nghìn ngôi mộ...hơn chín trăm ngôi mộ không tên và có thể lắm...không cả mảnh xương trong lòng đất lanh...

Suốt đơi tôi không bao giờ quên Anh Vân và câu chuyện Anh kể...
Khi ấy anh được biệt phái từ du kích địa phương sang phối hợp vơi Trung đoàn Ba Tơ bộ đội chủ lực...đơn ví có Dũng anh tôi tham chiến...
Đó là những ngày mà lần đầu tiên anh được sống cùng những chàng trai Hà Nội, những chàng lính sinh viên trẻ măng trải qua trận mạc hế rời cây súng là tụ lại ôm cây đàn ghi ta ca hát...là đọc thơ tình Xuân Quỳnh Lưu Quang Vũ...
Anh nói giọng người Ba Tơ nặng đục nên anh nghe giọng trai Hà thành như giọng con gái...Anh bảo anh yêu họ ngỡ ngàng, anh ngưỡng mộ họ trong khi đêm cũng như ngày từng đoàn lính trẻ lầm lũi theo dấu chân anh từng bước nhỏ, ngàn cân sợi tóc, nín thở trôi qua những bãi mìn dầy đặc...
Anh ngưỡng mộ họ bởi họ bởi họ đa phần là sinh viên, là hiện thân của giấc mơ anh và quê hương Ba Tơ của anh...
Anh kể họ thư sinh tài hoa là thế mà vào trận lại bình thản và lỳ đòn đến lạ lùng...
Anh vô cùng khâm phục và yêu thương che chở họ như những đứa em ruột thịt...

Đến ngày hôm nay, khi đã là Bí Thư huyện Ba Tơ anh hùng, nhiều đêm anh vẫn vùng dậy, chới với ôm choàng lấy những khuôn mặt Hà Nội đau đớn của anh và anh tức tưởi khóc, khóc như những ngày mưa bom bão đạn, khóc như những ngày anh đau cắt ruột lần lượt chôn cất vĩnh biệt những đứa em Hà Nôi máu thịt anh, những tâm hồn Hà Nội mộng mơ giữa lòng đất Ba Tơ quê anh...
Anh nói trước mặt tao chúng nó cứ lần lượt bỏ tao từng ngày từng giờ...
Tim tao thắt buốt ngực không thở nổi...mắt tao cứng đơ không khóc nổi, hai cánh tay tê dại vì đào không biết bao nhiêu chiến huyệt nông choèn vội vã...

Anh chậm rãi vê điếu thuốc Cơ ho, bất chợt hỏi lai : Tên Dũng à...?
Tiếng tôi nghẹt sét : Vâng...Phan Dũng, anh cả em, sinh viên bách khoa ra trận...
Giọng anh bỗng rộc lên : Ôi cái tên Dũng...Tao biết đến vài chục cái tên Dũng xanh mầu áo lính....
Anh châm thuốc thuốc hít một hơi dài rồi ngửa mặt lên trơi thả một dải khói vàng vàng sậm nắng chiều...
Anh nhìn quanh một lượt khắp nghia trang đang vội chìm nhanh vào hoàng hôn núi rừng... ánh mắt anh cô quạnh : Em à, cái tên Dũng, anh của em là cái tên chung cho tất cả những vong hồn tươi rói ngã xuống trong bom đạn từ hai phía trút xuống khắp mảnh đất Mẹ đau thương này...

Mắt tôi nhòa ráng chiều đỏ máu...Anh đứng dây kéo mạnh tay tôi...Tôi choàng tỉnh....

Bóng tối ập xuống nhanh quá...
Trước mặt tôi là người con của vùng Đất dữ dội này...Là Bí thư Ba Tơ hôm nay với bao chồng chất khó khăn nghèo đói...
Tôi bắt đầu vấp những hòn đá đầu tiên...người chuí về phia trước, anh chộp vai tôi giật lại mỉm cười: Thua xa nhưng thằng lính Hà Nội khi xưa...
Anh rút từ trong túi ra cái đèn pin...Tôi lặng đi xúc động...Ánh sáng đèn loang loáng...Hai má tôi ấm nóng nước mắt...Tôi chợt thấy anh Dũng tôi là Anh Vân lúc này...

Tôi níu tay anh đùa :Nếu cứ như anh nói về cái tên Dũng dành cho những người hy sinh Dũng cảm... thì còn phải tên Hùng chứ, ví như Anh Hùng...?
Anh nhíu mày : Em may mắn không đối mặt sinh tử nên có thể em không hiểu...Anh Hùng là người ta truy tặng , phong tặng...ít lắm, rất ít em ạ...như Bà Nội của em đáy...Còn biết bao nhiêu Bà Mẹ đau khổ, cô độc hôm nay...
Giọng anh như có vị đắng : Dũng, Anh Dũng... mãi mãi là cái tên cho tất cả những ai đã vô tư nằm xuống vì tồn vong được mất của Quê Hương mình...
Giọng anh vang lên trong lòng tôi rồi như cố vọng lên lên bầu trời và núi rừng Ba Tơ trùng trùng sập tối...

Tôi cảm thấy thật rõ luồng hơi nóng của anh Dũng như khi còn bé, hai anh em vật nhau, anh luôn giả vờ thua...
Sao lúc này rõ quá hơi nóng của anh hà vào mắt tôi lúc tôi được quyền thắng cuộc và đang ngây ngất ngự lên trên bụng anh...
Anh Dũng của tôi còn nhiều lắm trong những người thoát ra từ lửa đạn chết chóc...bình dị trở về cuộc sống hôm nay, trong đó có những người bạn học của tôi thân thiết vô cùng...Những người mãi khoác mầu xanh lá úa buồn thẳm trong tâm hồn họ và trong phần đời còn lại...

Anh Vân và những người bạn của tôi và rất nhiều những người khác nữa đi ra từ lửa đạn là Anh Dũng của tôi được Sống

FB Nồng Nàn Phố



MẸ! CON LÀ THẰNG CHIẾN SỸ CHẾT RỒI
(Tặng Bác Nhượng và các Bác)

Mẹ
Nhóm bếp lên cho đỏ lửa con về
Chiến trường lạnh những xác người con không nhớ tuổi
Không nhớ tên, không nhớ cả hình hài
Con chỉ biết xác con là ai
Xác con là con trai của mẹ

Mẹ
Con vừa qua cơn mê
Cơn mê con vẫn cười cõng mẹ qua sông
Cõng mẹ thăm đồng
Cõng mẹ lên mộ cha nức nở khóc
Con đi qua cơn mê khó nhọc
Bởi vì bây giờ con không đi bằng hai chân, không nắm bằng hai tay, không nhìn bằng hai mắt
Chiến tranh đã cướp mất
Giọt máu bất hiếu của mẹ và của cha

Mẹ
Ngày mai là
Ngày thương binh liệt sỹ
Người ta kéo nhau lên chỗ con nằm nghỉ
Đốt nghi ngút nhang và Hứa đủ lời
Người ta cười
Khi nhang tắt
Mẹ nằm ôm ảnh thằng bé mặc áo rách vừa khóc vừa ngất
Thằng bé được Vinh danh khi đã chết lâu rồi
Trong nôi
Còn sót lại một cọng tóc tơ không dám chết đi vì sợ mẹ thương con, nhớ con mà muốn chết
...
Sông quê mình năm nào cũng chảy xiết
Cánh đồng quê mình năm nào cũng ngập nước
Mộ cha năm nào cũng nhoè mỗi bước mẹ thôi!

Trong nôi
Bây giờ toàn nước mắt
Đắng ngắt
Con thương

Mẹ
Ngày mai mẹ cời lửa con về cho khỏi nhầm đường
Thằng chiến sỹ cụt chân, cụt tay, chột mắt
Về quê mình, về nhà mình, vấp cục đất mẹ đào trước vườn mà ngỡ lòng vụng dại
Mai con vụng dại cho giống tuổi Thơ gầy
Con đây
Mẹ ôm con cho đỡ nhớ

Mẹ
Ngày mai
Con từ bỏ cuộc Vinh danh ồn ào kia để về ôm mẹ vào lòng cho thoả nhớ mong
Nên mẹ đừng sợ
Con là thằng chiến sỹ chết lâu rồi
Thằng từng nằm ăn vạ trong nôi
Thằng bây giờ cụt hình hài đủ thứ
Mai con chỉ đủ
Thời gian và Linh hồn để về ôm mẹ mà thôi
...
...
..
.
Những sáo rỗng, Vinh danh kia con nghe đủ lắm rồi
Mẹ ạ!

FB Sao Hồng


Ngày 27/7 là Ngày Thương Binh – Liệt sỹ. Ai cũng biết cả rồi. Đó là ngày tri ân những người đã hi sinh tính mạng và để lại phần xương máu trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc của… Bên Thắng Cuộc. Muốn hiểu rõ ngọn nguồn vì sao có ngày 27/7, xin đọc tạiđây.

Sáng sớm nay gặp bác cựu chiến binh xóm. Bác hỏi, sao tối hôm qua không đi họp, bỏ bữa… cháo vịt à? Mình mới nhớ ra là trước đó, có nhận được tin nhắn họp CCB Xóm, lúc 19g, 26/7.

Hội CCB Xóm Cây Ngô đồng mỗi quý họp một. Họp vào dịp lễ: 30/4, 27/7, 02/9 và 22/12. Nội dung họp khoảng 30 phút. Thu phí và thông báo ai còn ai mất ai bệnh ai khỏe, quỹ hội còn bao nhiêu. Phần hai là nhậu… cháo vịt.
Quán cháo vịt của cô Nhạn người Huế phục vụ tận nơi. Gọi là cháo vịt, nhưng có thêm đĩa vịt luộc hoặc nướng. Có tiết canh nhưng chẳng ai dám kêu, vì sợ nhiễm giun sán và... cúm mùa.
Thường thì mình rút sớm sau khi nâng ly “chào sân” của phần hai. Mình rút sớm vì những dịp này mình không có hứng nhậu nhẹt. Tiền quỹ cũng chẳng bao nhiêu. Chủ yếu là “căm-pu-chia” hoặc chú Thành Phát, chủ một doanh nghiệp tài trợ. Ăn nhậu vào dịp này dễ tủi thân vong linh đồng đội và bao nhiêu người chết vì chiến tranh. Mình nghĩ thế. 

Những ngày này, mình hay nghĩ vẫn vơ về nạn nhân chiến tranh và đồng đội cũ. Mình chỉ tham gia một phần ba thời gian cuộc chiến ở Căm-pu-chia. Nhưng mình biết có rất nhiều người ngã xuống. Không phải ai cũng được hưởng chế độ liệt sỹ. Số người bị thương vàtàn tật sau cuộc chiến gấp hàng chục lần số người đã chết. Cũng không phải ai cũng được hưởng suất thương binh. Mà chiến trường K thương tật cụt chân (bàn chân và cẳng chân) do mìn 65-2A của Trung Quốc nhiều lắm.
Mãi đến một hai năm nay, mới có chế độ cho người đi K thời đánh nhau với Poltot. Cũng chỉ 5 đối tượng phục viên, ra quân mà không được hưởng lương ngân sách. Dẫu sao họ cũng được an ủi phần nào vì hơn ba chục năm sau đã được nhớ đến. 

Chết là hết. Dù chết vinh quang hay chết trong ô nhục. Người hy sinh trong chiến tranh chẳng bao giờ so đo hay tính toán mình sẽ được gì sau khi chết. Tri ân là để giáo dục thế hệ sau biết công ơn người ngã xuống, người mất mát vì dân tộc. Tri ân là để làm nguôi ngoai nỗi đau của người thân, gia đình người chết có ích cho dân tộc. Vì thế, tri ân cũng nên âm thầm lặng lẽ mà nghiêm trang.
Việc phô trương rầm rộ các buổi lễ; biểu diễn văn nghệ chào mừng, này nọ nhân ngày 27/7, chỉ làm tủi thân thêm vong linh người quá cố; chỉ gợi lại vết thương đau của các thương bệnh binh có gia cảnh đang khó khăn.
Đó là chưa kể còn biết bao nhiêu gia đình con cháu liệt sỹ chưa tìm được hài cốt; chưa được nhắc đến đúng mức một cách vô lý, như các liệt sỹ hy sinh chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc 1979-1989.  

Minh nhớ mãi một kỷ niệm với những thương bệnh binh mà mình góp phần chăm sóc và điều trị.
Đó là một chiều mùa thu năm 1985, tại Đà Nẵng. Trong chuyến đi cứu trợ các gia đình quân nhân, khắcphục hậu quả trận bão 1985 ở Bình – Trị - Thiên. Mình bị tai nạn tre đâm vào bàn chân lúc băng đồng từ làng Thanh Quýt lên Bao Vinh, Huế khi nước còn ngập trắng đồng. Nhiễm trùng lan rộng và sốt cao. Điều trị một tuần ở Viện 428 (QK4), rồi chuyển vào Viện 17, (QK5). 

Đã gần tối, khi ôm chăn màn bước khập khiểng từ phòng khám vô cổng, mình thấy rất đông thương bệnh binh trong khuôn viên bệnh viện. Họ ngồi rãi rác ở vườn hoa, dưới các cây cổ thụ hoặc dạo chơi sau bữa chiều.
Nhiều người nhận ra mình. Họ reo lên "bác sỹ!" và ùa đến vây quanh hỏi han mình. Trước lúc về nước họ đều đã trãi qua những ngày điều trị ở bệnh viện tiền phương, nơi mình làm việc. Tình cảm rất tự nhiên của người lính chiến trường khi gặp lại làm mình xúc động.
 
Những hình hài xanh xao tái nhợt vì thiếu máu trong màu áo xanh hòa bình. Họ rồng rắn kéo đi trên những chân cụt nương nhờ chân gỗ ào ra chào đón mình mình. Họ sốt sắng hỏi han bạn bè đồng đội đang điều trị bên đó. Rồi một số dẫn mình về buồng bệnh chỉ dẫn cho mình khu vệ sinh, nhà ăn, căn tin ở đâu. Thương binh như họ nằm hằng tháng trời mà vết thương chưa lên da vì cơ thể quá suy kiệt.Thế nên họ như người của bệnh viện.

Mỗi dịp này, mình vẫnthấy lòng rưng rưng khi nhớ về họ.

Đất nước này quá nhiều thương đau và người thương tật vì chiến tranh. Nhiều gia đình chia lia, thất lạc. Người lành lặn trở về còn vất vả với cuộc sống bao năm nay, huống chi đa số họ mất đi một chân hoặc một tay. Có thể đây đó mình đã gặp họ trên đường đời nhưng bao năm rồi không còn nhận ra nhau.

Bây giờ họ sống ra sao?
27/7/2013
Sao Hồng

FB Nguyen Quang Thach

 Chú ruột tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ vào năm 1954. Tôi lên đồi Độc Lập thăm mộ chú vào năm 2007, 99% là mộ vô danh. Chú tôi bỏ nhà ra đi bộ đội khi chưa đủ tuổi, bà nội tôi phải cho người đuổi theo để cho chú tiền dứt lưng. Trong khi đó, lớn tuổi hơn chú tôi có người trốn lính bằng cách lấy mo cau bó tay để lừa chính quyền địa phương. Cô tôi ruột tôi cũng hy sinh ở hậu phương.

Dòng họ tôi có trên dưới 20 người tham gia chống Pháp và Mỹ. 4 người hy sinh. Có một ông hy sinh chiều 30/4 tại Sài Gòn, gần đây mới được công nhận là liệt sĩ.

Nhiều lúc tôi đặt câu hỏi "tại sao lúc chiến tranh người ta sẵn sàng lao vào cái chết?" Câu hỏi đó thừa vì lúc đó ngày ta biết mất tổ quốc là nhục, người ta biết nếu mình không đi thì ai bảo vệ tổ quốc.

Trong cuộc sống hôm nay, khi bao nhiêu điều bất công, bao nhiêu kẻ tham nhũng, bao nhiêu kẻ có chữ vô cảm, bị xã hội phỉ nhổ...NHƯNG ít ai "đào ngũ" ra khỏi sự ô nhục đó. Hay họ đã súc vật hóa mình đến mức cực đại!!!????

FB Dongngan Doduc

8h 15, Đang có chương trình "chúng tôi là chiến sĩ" tiếng vỗ tay giới thiệu chức sắc rào rào từng vị như có tiệc gì vui í!”

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Những đóng góp của LV "Những kẻ bên lề", hay "Hận cá, chém thớt"



Entry dưới đây là một ngoại lệ trên blog này, vì nó không phải là một bài do tôi viết (ngoài lời dẫn này) mà bài đăng lại của người khác - là điều mà tôi hầu như không bao giờ làm, trừ phi được yêu cầu (đăng dùm những người không có chỗ để đăng). Vì tôi nghĩ việc đăng lại không làm tăng thêm lượng tri thức cho xã hội, là điều mà tôi nhắm đến khi viết blog.

Nhưng hôm nay thì khác. Tôi phải đăng lại bài của người khác vì hai lẽ:


1. Nhiều lý lẽ trong bài dưới đây trùng hoàn toàn với ý tưởng của tôi, nhưng được diễn đạt một cách xuất sắc hơn tôi rất nhiều; còn những gì khác với ý tưởng của tôi thì lại bổ sung hoặc điều chỉnh một cách hoàn hảo cho những gì tôi đã viết ra liên quan đến luận văn của ĐTT hoặc về nhóm Mở miệng.


Vì vậy, đăng bài này sẽ có tác dụng củng cố, bổ sung, hoặc điều chỉnh những gì tôi đã viết trước đó. Đó cũng là cách giúp tôi có trách nhiệm với những bạn đọc blog này, mà tôi đoán đa số là các học viên của tôi (hoặc có thể không học nhưng có biết tôi với tư cách một giảng viên).


2. Bài viết của anh Nguyễn Vạn Phú, một nhà báo tài năng (theo đánh giá của tôi) là một trong rất ít những bài viết xem xét cuốn luận văn của ĐTT dưới cái nhìn cởi mở và khoa học, nên tôi thấy có trách nhiệm phải phổ biến nó ra để rộng đường dư luận. Hơn nữa, nó đã chỉ ra những điểm mà nhiều người Việt Nam nói chung và những người làm việc trong lãnh vực khoa học và giáo dục - đào tạo nói riêng (trong đó có tôi), đã không nhìn ra - hoặc do không có khả năng để nhìn, hoặc do bị bối rối trước hàng loạt các bài viết đầy tính quy chụp, đấu tố trên báo chí nên đã bỏ sót.


Theo tôi, những điểm cần lưu ý trong bài viết của anh NVP là:


(a) Luận văn của ĐTT nghiên cứu về nhóm MM, nên đương nhiên phải trích dẫn thơ của họ, dù để khen - chê, hay chỉ để hiểu và mô tả (đây là lựa chọn của ĐTT). Cũng vậy, vì nhóm MM ra đời trong một bối cảnh thời đại ở VN với những đặc điểm về kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể, nên việc mô tả lại bối cảnh này một cách khách quan là cần thiết. Không thể nói việc ĐTT trích đăng lại những thơ của MM hay đề cập đến tình hình chính trị xã hội của VN trong luận văn là phản động được.


(b) Nhóm MM là một phần của thực tại xã hội VN, và dù có hay không có LV của ĐTT thì những hiện tượng "phản kháng" tương tự vẫn cứ tồn tại song song với "dòng chính". Nói theo biện chứng pháp thì đó chính là quy luật mâu thuẫn, tức quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập (ai quên Triết học Mác - Lênin đã học hồi đi học đại học thì google mà đọc lại nhé).


Như vậy, việc nghiên cứu nó là rất cần thiết, và thực sự là một đóng góp, ngay cả và trước hết là cho những người có quan điểm chính thống - nói đúng hơn là quan điểm thống trị - về văn học và vai trò của văn học trong xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã đi từ một phiên bản hoang dã, tàn ác, đẫm máu sang một CNTB có rất nhiều cải thiện như hiện nay cũng chính vì nó đã biết lắng nghe những tiếng nói trái chiều (tức là chúng ta, những người theo chủ nghĩa cộng sản) để tự điều chỉnh.


Những ví dụ cụ thể và gần gũi hơn có thể kể là: "câu chuyện thành công" của TQ trong việc vận dụng quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập: ngay trong thời còn tồn tại chiến tranh lạnh, TQ đã sớm bắt tay với Hoa Kỳ, trước khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, đồng thời bắt đầu áp dụng ngay quy luật kinh tế thị trường - mặt đối lập của quy luật kinh tế kế hoạch tập trung của các xã hội cộng sản - để tạo ra sự phát triển kinh tế thần kỳ trong mấy thập niên qua. Sự sụp đổ của Liên Xô, trái lại, là hậu quả của việc che giấu, bưng bít sự thật.


Nhân tiện, xin tiết lộ thêm: Tôi không quen biết gì ĐTT cả, nhưng khi có vụ om xòm về LV này, tôi đã đọc nhanh những gì ĐTT công bố trên trang damau.org dưới bút hiệu Nhã Thuyên và sau đó viết vài bài trên blog và gửi cho "cô giáo trẻ" (lời của NVP) này. Trong cả hai bài viết của mình, tôi khẳng định nhóm Mở Miệng là hậu hiện đại và vì thế (hàm ý) khẳng định rằng Nhã Thuyên đang nghiên cứu về hậu hiện đại, muốn đánh giá cô thì phải dựa vào hậu hiện đại. 


Viết xong, tôi gửi link hai bài trên cho Nhã Thuyên trên blog của cô (ở đây: nhathuyen.com) để trao đổi, và đã nhận được một comment dài của cô, mà tôi sẽ đăng lại dưới phần nhận xét của tôi. Quả thật, khi đọc được comment ấy của cô thì từ chỗ không quen biết tôi đã thực sự quý mến người bạn trẻ này vì tinh thần tư duy độc lập của cô ấy. Hai bài viết của tôi dựa trên lập luận rằng hậu hiện đại là một trào lưu tư tưởng rất phổ biến hiện nay ở phương Tây, và chúng ta vì đã hội nhập nên cần có những người hiểu biết và nghiên cứu về hậu hiện đại ở VN. 

Có thể xem hậu hiện đại chính là lập luận nhằm bênh vực cô ấy, mặc dù tôi - cũng như Nhã Thuyên với nhóm MM - chỉ quan tâm đến luận văn của ĐTT như một hiện tượng trong ngành giáo dục mà tôi cần hiểu, chứ không có ý định khen hay chê gì cả. Nhưng thật bất ngờ, NT đã không vớ lấy lập luận ấy như người chết đuối vớ lấy cọng rơm, mà khẳng định rằng mặc dù MM có thể gần với hậu hiện đại, nhưng cô đang không dùng lý luận của hậu hiện đại (và tránh không dùng từ hậu hiện đại vốn được hiểu một cách khá mơ hồ ở VN) mà đang muốn nhìn cách thực hành thơ (chứ không phải là chính bản thân các "sản phẩm thơ") của MM trên một điểm tựa văn hóa và dưới khía cạnh văn học sử chứ không phải dưới ánh sáng của các lý thuyết văn học. 

Xin đọc comment của NT dưới đây (tôi có cắt đoạn ra cho dễ theo dõi hơn, và in đậm vài chỗ để nhấn mạnh):

Thực ra “hậu hiện đại” là một dạng nhãn mà em luôn tránh phải dùng đến. Một điểm tựa để em tiếp cận đối tượng trong luận văn là khái niệm lề (margin)trong nghiên cứu văn hoá (cutural studies) – và đó là cái mà gọi là “góc nhìn văn hoá” của luận văn. Tên luận văn nói rõ điều đó: Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm MM từ góc nhìn bên hoá. Nếu lý tưởng, từ cái nhan đề, “vị trí kẻ bên lề” là cách em nhìn đối tượng, “thực hành thơ” (chứ không phải những thực hành chính trị, nếu có) là điểm em khai thác ở MM, và thực hành thơ – chứ không phải chỉ là thơ – vì thơ của họ liên quan chặt chẽ tới dạng thức samizdat (tự xuất bản) mà Mở Miệng và nxb Giấy Vụn là một trong những điểm nổi bật của phong trào tự xuất bản đương đại ở Việt Nam… Và góc nhìn văn hoá cho phép em khai thác đối tượng trong mối liên hệ với bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá (và do đó không thể tránh việc có những mô tả này nọ về văn hoá, chính trị) chứ không phải chỉ dùng những nhãn hiệu để đánh giá họ thành công hay thất bại


Có thể nói, luận văn là một nỗ lực và có góc nhìn phê bình hơn là ..”nghiên cứu” mang tính đo đạc (có thể có những cái khác biệt khi chị Phương Anh nghiên cứu các hiện tượng giáo dục tương tự – có thể có những sự nổi loạn trong giáo dục chăng?) …. Hậu hiện đại, em không muốn dùng, dù có vẻ như nó tương thích với Mở Miệng, là vì nó biểu hiện một cái nhìn có tính chất lịch sử, nó là một dạng nhãn hiệu vừa khó cắt nghĩa (vì dù có gọi tên bằng các tính chất như giải thiêng, phá vỡ trung tâm, v..v thì mỗi người có một cách cắt nghĩa khác nhau về thuật ngữ này) vừa mơ hồ vì các thời điểm và tính chất được sử dụng… Trong tiểu luận của em trên Damau về Mở Miệng, em cố gắng cân bằng giữa những quan sát và những sự đọc có tính chất phê bình.

Dẫu sao, nói gọn lại, luận văn của em là một góc tiếp cận văn học sử chứ không dựa trên lập thuyết và tìm ví dụ minh hoạ cho lập thuyết của mình.


Cảm ơn chị Phương Anh đã có những trao đổi mà em nghĩ có thể nghĩ và bàn bạc thêm nữa.

Viết thêm lời dẫn và đăng bài của anh NVP lên đây, tôi chỉ mong rằng vụ việc sẽ được xử lý ổn thỏa, có tình có lý, có tính khoa học, và không để lại một tiền lệ xấu cho nền khoa học còn vô cùng non trẻ và yếu ớt của chúng ta, Tôi nghĩ, có lẽ không một ai, ngay cả Ban Tuyên giáo Trung ương, lại có chủ trương rằng bất cứ ai không hề có chuyên môn cũng có thể nhân danh những giá trị "chính thống" để kêu gọi đánh giá lại thành quả lao động của các nhà khoa học, đặc biệt là những người này lại là những nhà khoa học có tên tuổi đang làm việc ở một cơ sở giáo dục công lập có truyền thống và danh tiếng.


Nếu tôi không lầm thì Luật giáo dục đại học của chúng ta (áp dụng từ đầu năm nay) đã được soạn thảo với tinh thần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường. Lẽ nào lời nói của Hội nhà văn, của báo chí, và của dư luận (nếu có) lại có trọng lượng hơn những phán đoán khoa học của một cơ sở giáo dục công lập đã có bề dày truyền thống và đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam, hay sao? Nếu quả thật thế, thì làm sao trách được rằng ngành giáo dục của chúng ta đào tạo không có chất lượng, và làm sao đòi hỏi VN phải có nhiều công trình khoa học hơn để sánh vai được với các nước khác trong khu vực ASEAN?


Cuối cùng, xin lỗi anh NVP vì đã viết quá dài để dẫn bài viết mà một người bạn của tôi, cũng là giảng viên và nhà nghiên cứu văn học ở một đại học công, đã khen là "viết ngắn gọn, lập luận chắc nịch", khiến bài viết mất đi sự nổi bật lẽ ra phải có để cho xứng đáng. Nhưng thôi, bài của anh NVP thì dù có ở vị trí nào cũng sẽ nổi bật, "gió Đông thổi bạt gió Tây", nên chắc chắn là anh không phiền đâu nhỉ. Và rất cám ơn anh đã cho phép đăng lại ở đây. 

Tôi nghĩ, với bài viết này của anh Phú thì tôi cũng có thể khép lại hoàn toàn vấn đề này rồi; mấy ngày nay tôi mất thì giờ vào vụ luận văn của NT quá, mà tôi có phải là dân lý luận văn học đâu cơ chứ! Bàn chuyện này cũng chỉ vì nó là một hiện tượng nổi bật trong thời gian gần đây trong ngành giáo dục khiến tôi phải quan tâm mà thôi.

Các bạn đọc bài của anh NVP dưới đây nhé. Cho đến khi tôi đăng lên đây thì bài viết ấy đã có đến 30 người share lại! Hoan hô anh NVP! (Những chỗ in đậm trong bài của NVP là do tôi nhấn mạnh).

--------------
https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201080775095190
Hận cá, chém thớt

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực…

Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm?

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”.

Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép.
Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định.

Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:

- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).

- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.

- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.

Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.

Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”.

Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ.
Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích.

Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ.

Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối.

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống.

Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi.
Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.
 (http://ncgdvn.blogspot.com/2013/07/nhung-ong-gop-cua-lv-nhung-ke-ben-le.html)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

"Vụ án văn chương" Nhã Thuyên

Khả năng thành công/thất bại của ‘Vụ Xử’ Nhã Thuyên 
Đào Trung Đạo 


Tôi muốn mượn tựa đề truyện ‘Vụ Xử’ của Kafka để nói đến tính chất mông muội vây bủa quanh vụ truy sát Nhã Thuyên, một nữ giảng viên đại học và một cây viết trẻ có bản lãnh đang được giới trẻ quan tâm tới văn học nghệ thuật tìm đọc. Vụ việc đã xảy ra ngót nghét tháng nay, khởi đầu bùng lên với phát biểu báo động và chỉ điểm của Chu Giang Nguyễn văn Lưu vào ngày chót của hội nghị Lý luận Phê bình Toàn quốc do đảng tổ chức ở Tam Đảo.

 Với những người để ý theo dõi ‘hành tung’ của ‘vệ binh’ Chu Giang thì tuyên bố chỉ điểm này ở Tam Đảo không có gì lạ, hơn thế nữa: thôi đành chặc lưỡi ‘miễn bàn’. Vì Chu Giang cũng chính là ‘cây bút phê bình’ (sic) đã dai dẳng truy sát Nguyễn Huy Thiệp bằng những bài báo ‘luận chiến’ đăng trên Tuần báo Văn nghệ Tp HCM năm ngoái nhưng không đem lại kết quả nào. Tiếp theo Chu Giang, báo đảng xông lên với nào là Cẩm Khê trên tờ Nhân Dân, Tuyên Hóa trên tờ Quân Đội Nhân Dân, và mới đây nhất là ‘nhà phê bình’ Nguyễn Văn Dân trên VanVn.net. Về những tiếng nói phản biện chúng ta có bài ‘Cú giẫy cuối cùng của nền phê bình chính huấn’ của Phạm Thị Hoài trên mạng Pro/Contra, và mới nhất là bài ‘Phê bình kiểm dịch’ của Gs Trần Đình Sử. Qua bài viết của mình vị giáo sư này cho thấy ông có sự trong sáng trí thức (probité intellectuelle), tuy không trực tiếp đề cập tới án xử Nhã Thuyên nhưng trên một diện rộng gián tiếp báo động giới làm văn học nghệ thuật về sự trỗi dậy của những ‘phê bình gia kiểm dịch’ trong hiện tình văn học nghệ thuật hiện tại, và đồng thời cũng có ý đánh thức lương năng của những nhà phê bình kiểm dịch với giả thuyết họ còn lương năng.

Thông tin về hậu quả tức thời của án xử Nhã Thuyên đã được các trang mạng lề dân loan tải: Nhã Thuyên bị cho thôi việc ở Đại học Sư phạm Hà nội, PGS TS Nguyễn Thị Hòa Bình, người bảo trợ cho luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên sẽ ‘nghỉ hưu non’.

Nhưng vì câu hỏi của giới bình luận gần đây được nêu lên nhân vụ việc này là: ‘Phải chăng một vụ án dập khuôn Vụ án Nhân văn Giai phẩm (NVGP) một lần nữa lại tái diễn?’ nên chúng tôi thiết nghĩ để tìm được câu trả lời cho câu hỏi này trước hết chúng ta thử nêu câu hỏi: Trong tình thế hiện nay Tuyên giáo TW tính toán ra sao? Chúng tôi đặt câu hỏi này ra và thử đưa ra những dự đoán.

Ta hãy quay lại vụ án NVGP. Trước hết là điểm mặt những nhà phê bình kiểm dịch thời xảy ra vụ án này. Nhà văn Phạm Thi Hoài đã liệt kê khá đầy đủ:

“Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ. Trong cuộc truy sát Nhân văn-Giai phẩm, ít ra chúng ta biết: Người “vạch trần bộ mặt thật” “trụy lạc phản động” của Trần Dần là nhạc sĩ Đỗ Nhuận; người hô hào cả nước “phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại” là nhà phê bình Hoài Thanh, cũng chính là người xác định tính chất “xuyên tạc”, “vu khống”, “phản động” của bài thơ “Nhất định thắng” của Trần Dần; người tố giác cả một “hệ thống những sai lầm xấu xa”, những “dụng ý rất đen tối” của Tử Phác là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác; người lột “cái mặt gian xảo” của Lê Đạt như “một kẻ ẩn núp, tàng hình, đã từng quay quắt được một thời gian, nhưng rốt cục cái bản chất phản lại giai cấp vô sản lòi ra mồn một” là nhà thơ Xuân Diệu, cũng chính là người phát hiện Văn Cao “gài mìn chống phá Đảng và nhân dân”; người quyết “vạch rõ tội lỗi của Phan Khôi đã bao nhiêu năm làm tay sai cho đế quốc, nịnh hót phong kiến, huyễn hoặc, lừa bịp, đầu độc nhân dân để kiếm bát cơm, manh áo”, “chống Đảng, chống cách mạng, phản nhân dân, phản Tổ quốc”, “từ bé đến già bóc lột của nông dân, ăn cướp của nhân dân” là nhà văn Nguyễn Công Hoan; người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…; chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm, Đào Vũ, Bùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ. (Trích Pro/Contra).

Thôi thì đủ mặt ‘anh hào’ lưu xú danh hậu thế.

Câu hỏi: với ‘Vụ Xử’ Nhã Thuyên trong tình thế hiện nay liệu Tuyên huấn TW có khả năng huy động được con số đông đảo những tay phê bình kiểm dịch như thời trước không?

Dự đoán của chúng tôi là: Không. Củng cố cho dự đoán này là nhưng lý do sau.

Thứ nhất, chính quyền hiện tại không còn có quyền năng tuyệt đối như ở những năm cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Tình thế nay đã khác, điều này hẳn những vị lãnh đạo Tuyên giáo TW phải hiểu rõ hơn ai hết. Trong giới làm văn học nghệ thuật hiện nay, việc áp lực đông đảo giới này làm theo lệnh Tuyên giáo TW là bất khả. Thế nên, khi những đội trưởng truy sát như Phong Lê, Phan Trọng Thương, tốt đen Chu Giang, Cẩm Kê, Tuyên Hóa, và Nguyễn văn Dân (chỉ cần đọc sơ bài ‘Văn học nhìn từ lý thuyết trung tâm – ngoại vi’ của vị GSTS này cũng thấy ngay tiến sĩ (sic) của chúng ta đã “lạc đề”, “gượng gạo”, “viết /nói về hùa đánh hôi” như thế nào) có xếp hàng sẵn sàng ra tay chờ chỉ thị thì Tuyên giáo TW – nhìn quanh quất chỉ thấy lèo tèo vài vệ binh - quá lắm cũng chỉ đành liếc mắt bảo “các chú mày để từ từ”, và vì vụ việc đã loan truyền rộng rãi cả trong lẫn ngoài nước nên chẳng đặng đừng đành phải xử lý hành chính cô giáo Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan và giáo sư Nguyễn Thị Hòa Bình. Và rất có thể hồ sơ vụ xử này sẽ tạm thời được khép lại ở thời điểm này. Để củng cố cho hành xử răn đe này (nói theo kiểu TBT Nguyễn Phú Trọng về hiệu quả việc chỉnh đốn đảng vừa qua là cũng khiến “khối anh run đấy!”. Một kết luận mượn cách đùa cợt nhẹ nhàng để che dấu sự bất lực và thất bại. Nhưng câu nói nửa đùa nửa thật này của TBT NPT không phải là không có phần đúng) là Lớp tập huấn “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật năm 2013″ diễn ra khắp các tỉnh thành trong nước. Chúng tôi đánh giá đây là những động thái chỉ có mục đích răn đe, chỉnh đốn mà thôi. Về hình thức xử lý hành chính đối với giảng viên Đỗ Thi Thoan, chúng tôi nghĩ hiệu quả không đáng kể vì chức vụ giảng viên không còn có cái danh giá và quyền lợi như trước đây nên hiện nay chẳng đáng quan tâm (vì mới chỉ nhận chức vụ giảng viên trên dưới một năm nên việc bảo vệ ‘sổ lương’ dĩ nhiên là không thành vấn đề đối với Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan). Còn với Gs Nguyễn Thị Hòa Bình chúng tôi nghĩ ‘hưu non’ là giải pháp tối hảo để cho lương tâm được bình yên, trong sáng trí tuệ và thanh danh được bảo toàn. Vả lại thời nay kinh tế thị trường việc “thắt bao tử”, trù dập vây bủa kinh tế không còn hữu hiệu: Gs Nguyễn Thi Hòa Bình và giảng viên Đỗ Thị thoan hẳn không đến nỗi phải về quê đập đá mưu sinh như thi sĩ Hữu Loan trước đây! Ngoài ra cũng phải kể đến hậu quả ngược của vụ xử: đối với giới trẻ, nhất là những sinh viên ở đại học sư phạm Hà Nội, rất có thể họ không đồng tình, và khinh bỉ, cách ứng xử của Tuyên giáo TW và các quản lý giáo dục, sự bày tỏ này sẽ lan rộng, có tác động tiêu cực trong xã hội. Xa hơn nữa, từ không đồng tình, khinh bỉ đến phản kháng, con đường dẫn đến bày tỏ thái độ phản biện bấy lâu chưa hiện rõ để được trung thành với bản thân và lương tâm trong sáng của giới trẻ sẽ không xa.

Thứ nhì, vì những vấn đề Tuyên giáo TW cấp thiết, sinh tử, phải ứng phó như những vụ bắt nhốt những blogger như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào…, những việc khuấy động dư luận xã hội như vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà vũ, Điếu cày Nguyễn văn Hải, vụ xét xử Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Khang cũng như nhiều vụ án chính trị khác trong mấy tháng nay, và làm sao bịt miệng được những tiếng nói phản biện ‘không trung thành’ ngày càng mạnh dạn lên tiếng nhắm vào tử huyệt, triệt hủy tính chính danh của đảng về toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo. Cũng phải kể ngay đến nan đề thành tích nhân quyền tệ hại của chính quyền VN đang bị đặt dưới áp lực ngày càng đè nặng từ những nước phương Tây, nhất là từ quốc hội và chính quyền Mỹ vào thời điểm xảy ra chuyến công du Mỹ để gặp tổng thống Obama của chủ tịch nước Trương Tấn Sang v.v… Đấy là chưa kể đến một yếu tố ‘ngầm’ quan trọng hơn cả: trong cơn lốc xoay chiều chính trị đang diễn ra, những vị trong Tuyên giáo TW rất có thể nếu không ‘nín thở chờ thời’ thì cũng càng ‘bất động’ được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Do đó không khó nhận ra nhóm các ‘phê bình gia kiểm dịch’ đã tính toán sai lầm về thời điểm (timing) để đưa ra ‘án xử’. Vào thời điểm này “chuyện lý luận (ný niếc) phê bình (phê biếc) hãy tạm thời dẹp sang một bên! Sao các chú rách việc quá!” [Các chú phải biết thân biết phận, các chú có hiểu địa vị của các chú chỉ ở bậc gần như thấp nhất trong các bậc thang quyền lực không?] Đó là sách lược tưởng như khó hiểu của người cộng sản với bản chất muôn thuở của anh du kích chuyên trị ‘đối phó’ để tồn tại. Do đó khả năng thất bại của mưu toan truy sát của những vệ binh đỏ bảo vệ đường lối chính thống này nhiều phần đang lộ rõ.

Lý do sau chót: nhóm Mở Miệng – nhất là thành viên Bùi Chát – hiện đang trong tầm ngắm của chính quyền, nhất là sau vụ việc Bùi Chát cùng hai người bạn học lập nhóm chủ trương trang mạng kêu gọi hậu thuẫn xã hội cho “tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vương,” và tiếp đó là công khai thách thức những người lãnh đạo của đại học Luật TP HCM công khai tranh luận về việc phỉ báng và vi phạm pháp luật khi công bố nhân thân cũng như thành tích học tập của nhóm này. Việc lãnh đạo TP HCM và đại học Luật của thành phố này “ngậm tăm” không có nghĩa Bùi Chát và hai bạn học cũng như Mở Miệng đã ra khỏi tầm ngắm trả thù.

Để kết luận chúng tôi cũng nhân ‘án xử’ Nhã Thuyên không thể không đặt câu hỏi: Không kể “nền” phê bình văn học tản mạn cảm tính của những Hoài Thanh Hoài Chân, Đặng Thái Mai, Vũ Ngọc Phan… tụt hậu so với thế giới cả thế kỷ ở thời điểm của nền phê bình này xuất hiện, nhận định nói ra tuy đau lòng nhưng là sự thực: rằng từ 1955 đến nay không những không hề có lý thuyết và phê bình văn học đích thực, vậy đến bao giờ lý thuyết và phê bình văn học nước ta mới thoát khỏi thảm họa do sự ngu xuẩn mông muội đã vây bủa hơn nửa thế kỷ nay để mở ra một sinh khí, một tinh thần mới?

Theo RFA
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/07/kha-nang-thanh-congthat-bai-cua-vu-xu.html


Viết nhanh nhân vụ luận văn của ĐTT, hay "Chúa đã bỏ loài người ..."

Bài viết này của tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề lý luận của giáo dục học, nhưng liên quan đến những hiện tượng đang diễn ra trong ngành giáo dục, mà theo tôi là đáng được lưu ý và cần được diễn giải trên cơ sở khoa học. Tất nhiên để lý giải nó thì cần có đầy đủ dữ kiện từ những người bên trong, là điều mà hiện nay tôi chưa thể (không thể?) có. Nên entry này tôi chỉ viết nhanh những cảm nhận đầu tiên của mình  liên quan đến sự việc ấy mà thôi, hoàn toàn không có ý định đưa ra những kết luận gì cả.

Số là gần đây trên báo chí có nhắc đến vụ một luận văn thạc sỹ chuyên ngành văn học VN của một thạc sỹ trẻ tên là Đỗ Thị Thoan, được thực hiện ở ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2010 với điểm chấm tuyệt đối là 10/10. Để thực hiện luận văn, ĐTT đã chọn phân tích thơ của nhóm Mở miệng, một nhóm thơ trẻ "ngoài luồng" mà tôi có đọc qua một vài bài thơ nhưng không quan tâm lắm. Thực sự nếu vụ này không được làm ầm lên trên báo thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết đến luận văn này hoặc tác giả của nó.

Khi vụ việc được đưa ra lần đầu trên báo Văn nghệ TP HCM cách đây ít lâu thì tôi hoàn toàn không quan tâm và cũng không hiểu tại sao việc đã xong từ 2010 (và đã được các vị lão sư, những người thầy của thầy, đánh giá là rất tốt - thì điểm số đạt được của LV đã khẳng định như thế) - mà mãi đến 3 năm sau mới được tác giả của bài báo lôi ra phân tích với những lời kết án hết sức nặng nề như vậy. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ vụ này cũng chỉ là việc các nhà phê bình văn học  đem ra nói cho có chuyện mà nói, vì đời sống văn hóa nghệ thuật của ta không có gì để tranh cãi thì ... buồn lắm.

Nhưng không ngờ sau đó vụ này lại được đưa lên những tờ báo đại diện quan trọng cho quan điểm chính trị tư tưởng chính thống và có thể gọi là "chuyên chính" của Đảng và Nhà nước. Ví dụ  như Quân đội nhân dân (có đến mấy bài, và đây là bài gần nhất http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/6/66/66/252973/Default.aspx), Báo Thanh Tra (thử đọc bài cuối này của loạt 3 bài liên quan đến luận văn http://thanhtra.com.vn/ky-cuoi-khong-the-xam-pham-gia-tri-thieng-lieng_t221c8n57577tn.aspx), chứ không chỉ là những tờ báo, trang blog của các văn nghệ sĩ và nhà báo (lề phải) khác.

Rồi gần đây nhất, theo thông tin của báo chí nước ngoài, cụ thể là một bài viết mới đây của đài RFA, thì tôi được biết là chính vì những bài viết phê bình này mà cô thạc sỹ trẻ ĐTT đã bị cắt hợp đồng và không còn được đứng lớp (cô đang dạy theo hợp đồng ở Khoa Văn của ĐHSP nơi cô làm luận văn), còn người thầy hướng dẫn cô thì bị cách chức trưởng khoa. Quả là những hệ quả không ai ngờ được cho những người làm nghề giáo và làm khoa học.

Những thông tin này khiến tôi nhớ lại một buổi nói chuyện gần đây với một số bạn bè thuộc khối ngành nhân văn (ngôn ngữ, văn học, ngoại ngữ vv), gồm một vài giảng viên, dăm ba nghiên cứu viên làm việc trong các viện nghiên cứu, và mấy người học viên cao học. Hôm ấy, những bài báo đầu tiên về luận văn này mới được đưa ra, khiến cho mọi người trong giới ai ai cũng xôn xao bàn luận. Nhưng sự xôn xao đó không phải là về nhóm Mở miệng hoặc cuốn LV của ĐTT, mà là vì những bài viết trên báo chí chính thống đó nặng về lên án dựa trên cảm tính, ném đá hơn là một sự trao đổi, phê bình dựa trên cơ sở lập luận khoa học. Nhiều người cho rằng cách viết như thế khiến cho loạt bài hầu như rất ít giá trị khoa học, chưa bàn đến là kết luận của những bài báo này có đúng hay không.

Điều làm cho tôi nhớ nhất về buổi nói chuyện hôm ấy là sự băn khoăn của một cậu học viên cao học còn khá trẻ, đã nêu đích danh cho tôi hai câu hỏi như sau:

(1) Mục đích của khoa học phải chăng là đi tìm và lý giải các hiện tượng mới (như trường hợp của ĐTT và nhóm Mở miệng), dù cách lý giải đó có thể là chưa hoàn toàn đúng, hay là cứ quanh quẩn mãi với những hiện tượng cũ kỹ đã được nhiều người nghiên cứu và có sẵn những kết luận mà ai cũng biết, để được an toàn và làm vừa lòng những quan điểm thủ cựu; và

(2) Một luận văn thạc sỹ là một công trình khoa học và tác giả của nó là một nhà khoa học, vậy điều quan trọng trong việc thực hiện một công trình phải chăng là có một cơ sở lý thuyết và phương pháp thực hiện phù hợp, hay là gạt qua hết những vấn đề lý luận và phương pháp mà chỉ xem xét những kết luận và lên án nó nếu nó không làm mình vừa lòng? 

Tôi đã lặng im không trả lời, vì tôi biết tất nhiên cậu học viên nọ không cần đến nó. Hai câu hỏi của cậu thực ra là hai câu hỏi tu từ, hỏi tức là đã trả lời. Nhưng cũng chính vì hai câu hỏi ấy mà hôm nay tôi phải tìm đọc lại các tài liệu về lý luận phê bình văn học để có cơ sở xem Đỗ Thị Thoan có thực sự đáng bị phê phán nặng nề như trên báo chí hay không.

Và để cho bài bản, tôi đã đọc lại một tài liệu nhập môn rất căn bản về Lý luận phê bình văn học, cuốn Introduction to Literature, Criticism and Theory (3rd edition, Pearson 2004). Nhân tiện, các bạn có thể vào đây mà lấy về đọc hoặc lưu, vì đây thực sự là một tài liệu quý mà không hiểu ai đó đã đưa lên mạng để mọi người có thể sử dụng miễn phí: http://site.iugaza.edu.ps/ahabeeb/files/2012/02/An_Introduction_to_Literature__Criticism_and_Theory.pdf.)

Toàn bộ cuốn sách đều đáng đọc, tuy nhiên, do vụ ĐTT nên tôi chỉ đọc lại chương về Hậu hiện đại Postmodernism (chương 29), vì qua những gì tôi đọc được trên báo chí thì tôi tin rằng ĐTT đã dựa trên quan điểm hậu hiện đại để phân tích và đưa ra những kết luận trong luận văn của mình về nhóm Mở miệng. Và càng đọc, tôi càng có cơ sở để tin rằng nếu xét theo hai tiêu chí về chất lượng của một nghiên cứu khoa học như đã được cậu học viên cao học của tôi nêu ra ở trên, thì kết quả 10/10 cho Đỗ Thị Thoan có lẽ là xứng đáng, vì:

- LV đã chọn một đề tài mới mẻ (tiêu chí 1),
- LV đã chọn một khung lý thuyết phù hợp để thực hiện phân tích, ở đây là lý thuyết hậu hiện đại (tiêu chí 2). Tất nhiên, vì chưa đọc LV nên tôi không thể bàn thêm được là những phân tích của ĐTT có thực sự logic theo chính khung lý thuyết mà tác giả đã chọn hay không.

Như vậy, theo tôi thì vấn đề cần bàn về LV của ĐTT nên xét theo những tiêu chí khoa học rõ ràng, và kết luận trên cơ sở những tiêu chí đó. Còn việc sử dụng kết quả nghiên cứu trong LV đó, ví dụ cho cho phép phổ biến rộng rãi nội dung của LV hay không, có nên đem áp dụng những quan điểm của tác giả trong việc quản lý văn hóa, nghệ thuật hay chưa thì đó lại là vấn đề khác, vấn đề của các nhà quản lý và các nhà chính trị, không phải là chuyện khoa học.

Tôi nghĩ, hiện nay chúng ta đã mở cửa và hội nhập sâu rộng về nhiều mặt với thế giới, và các nhà khoa học của ta cần phải tiếp cận cũng như có khả năng sử dụng các lý thuyết mới trong các ngành khoa học, trong đó có ngành lý luận văn học. Vì không có lý gì mà chúng ta lại buộc các nhà khoa học chỉ được áp dụng duy nhất một quan điểm, ví dụ quan điểm Mác-xít, để phân tích mọi hiện tượng, khi thế giới đã phát triển nhiều lý thuyết mới để lý giải các hiện tượng đa dạng và phức tạp trong xã hội.

Nếu vì lý do gì đó mà phải buộc mọi người chỉ được theo một quan điểm duy nhất thì có lẽ chúng ta phải xem xét lại rất nhiều chính sách khác nữa: có nên cho phép mọi người đi du học không, có nên thu hút các nhà khoa học trên thế giới đến làm việc với chúng ta hay không, có nên kiểm duyệt mọi thứ sách báo gửi vào VN hay không, có nên cho mọi người tiếp cận Internet và đài phát thanh, truyền hình nước ngoài hay không, và có lẽ, quả thật thế, có nên mở trường đại học để mọi người đi học hay không, hay nên đóng cửa hết các trường đại học và mở ra các công trường, nông trường để mọi người vào đó lao động, như TQ thời cách mạng văn hóa, hoặc Bắc Triều Tiên hiện nay.

Cuối cùng, để mọi người cùng có chung một số thông tin về lý luận hậu hiện đại, xin trích dịch (dịch ý, không dịch từng từ) và tóm tắt ở đây một số điểm quan trọng trong chương sách mà tôi đã đề cập ở trên (hậu hiện đại):

[T]he postmodern appears to welcome and embrace a thinking of itself in terms of multiplicity. It resists the totalizing gesture of a metalanguage, the attempt to describe it as a set of coherent explanatory theories. Rather than trying to explain it in terms of a fixed philosophical position or as a kind of knowledge, we shall instead present a ‘postmodern vocabulary’ in order to suggest its mobile, fragmented and paradoxical nature. (p. 261)

Đặc điểm cốt lõi của trường phái hậu hiện đại là tính "đa diện"; nó không chấp nhận một hệ thống siêu ngôn ngữ để mô tả nó theo bất kỳ một hệ thống lý luận cụ thể nào. Những thuật ngữ được dùng để mô tả nó cho thấy nó là một hệ thống động (mobile), rời rạc (fragmented), và đầy nghịch lý (paradoxical). 

Little and grand narratives
One of the best-known distinctions in the postmodern is that made by Jean- François Lyotard concerning what he calls ‘grand’ narratives and ‘little’ narratives. ‘Grand narratives’ such as Christianity, Marxism, the Enlightenment attempt to provide a framework for everything. Such narratives follow a ‘teleological’ movement towards a time of equality and justice: after the last judgement, the revolution, or the scientific conquest of nature, injustice, unreason and evil will end. 

Lyotard argues that the contemporary ‘worldview’, by contrast, is characterized by ‘little narratives’. Contemporary Western discourse is characteristically unstable, fragmented, dispersed – not a world-view at all. ‘Little narratives’ present local explanations of individual events or phenomena but do not claim to explain everything. Little narratives are fragmentary, non-totalizing and non-teleological. Lyotard claims that, in the West, grand narratives have all but lost their efficacy, that their legitimacy and their powers of legitimation have been dispersed. Legitimation is now plural, local and contingent. No supreme authority – Marx, Hegel or God – can sit in judgement.

Theo Jean-Francois Lyotard, trường phái hậu hiện đại phân biệt rạch ròi giữa "những kế hoạch lớn" và "những câu chuyện vặt". Những kế hoạch lớn như của Đạo Thiên Chúa, hay của Chủ nghĩa Mác, hoặc của Thời Khai sáng nhắm đến việc đưa ra một khung giải thích cho toàn bộ thế giới. "Những kế hoạch lớn" như vậy tin rằng thế giới này vận động theo một hướng sao cho cuối cùng chúng ta sẽ đạt được sự bình đẳng và công lý: sau cuộc phán xét cuối cùng, hay sau một cuộc cách mạng, hoặc sau sự thành công của khoa học trong việc khám phá thiên nhiên, thì những bất công, sự phi lý và các ác sẽ phải chấm dứt. 

Lyotard lập luận rằng quan điểm đương đại về thế giới thì ngược lại với quan điểm trên, và đặc điểm của nó là "những câu chuyện vặt". Câu chuyện của thế giới phương tây hiện đại ngày nay thì bất ổn, rời rạc, đứt khúc - hoàn toàn không có một thế giới quan nào cả. "Những câu chuyện vặt" thì vụn vặt, không thể khái quát hóa và không có mục đích. Lyotard khẳng định rằng ở phương Tây giờ đây "những kế hoạch lớn" không còn hiệu nghiệm, và sức mạnh cũng như tính chính danh/hợp pháp của nó hầu như đã mất. Tính hợp pháp/chính danh hiện nay có đặc điểm là đa dạng, đậm màu sắc địa phương hóa, và chỉ có giá trị tạm thời. Không còn Đấng tối cao nào - Marx, hay Hegel, hay Thượng đế - có thể ngồi trên tòa cao mà phán xử được nữa.

Vâng, "không còn Đấng tối cao". Từ trước năm 1975 nhạc sĩ TCS (hình như thế) cũng đã thốt lên: Chúa đã bỏ loài người .... Chẳng lẽ nền lý luận của chúng ta, những người Mác-xít và vô thần, những người tin vào biện chứng pháp, lại muốn biến Marx hay ai đó thành đấng tối cao mới để ngồi trên tòa cao phán xử hay sao?
 http://ncgdvn.blogspot.dk/2013/07/viet-nhanh-nhan-vu-luan-van-cua-tt-hay.html