Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Mục đích – Động cơ – Phương tiện


Trong công việc hàng ngày, khi chúng ta giải quyết vấn đề, phải luôn luôn xác định rõ, biết thật rõ mục đích và động cơ. Về bí quyết sử dụng ý căn hay sử dụng bộ óc của chúng ta thì hãy căn cứ vào mục đích và động cơ chứ đừng căn cứ vào phương pháp. Giữa mục đích và động cơ là một loạt các biện pháp mà chúng ta thường bị kẹt vào. Chúng ta thường suy tư, do dự, đắn đo, tính toán lợi hại là ở chỗ biện pháp, hay dừng ở chỗ biện pháp, cứ băn khoăn không biết là biện pháp này đúng hay sai, hay hay dở, v.v. Do đó, quý vị chỉ nên chú ý đến hai đầu mối chính thôi. Đó là mục đích và động cơ.
Ví dụ, một người vợ có một ông chồng lười biếng. Người vợ này muốn dùng cách nào đó với mục đích để ông chồng không lười biếng nữa. Dĩ nhiên, với một ông chồng thì bà vợ có nhiều mục đích lắm, trong đó chính là mục đích là làm sao cho chồng mình siêng năng. Còn động cơ là gì, là lý do thúc đẩy người ta làm điều gì đó. Ở đây, động cơ thúc đẩy người vợ hành động là bởi vì ông ấy là chồng, là cha của mấy đứa con mình. Cho nên, động cơ của người vợ là cố gắng làm sao để chồng mình siêng năng, để gia đình hạnh phúc, chồng vợ hạnh phúc, con cái hạnh phúc, để cuộc sống gia đình đầy đủ.
Sau khi quý vị xác định được mục đích và động cơ rồi, đoạn giữa là các phương tiện để sử dụng, thì quý vị có thể dùng bất cứ phương tiện gì. Quý vị có thể nói Phật giáo, có thể quý vị nói Thiên chúa giáo, có thể quý vị sử dụng chuyện thần thoại, chuyện thiền, ca dao tục ngữ hay bất kể chuyện gì… Nhưng thông thường khi bắt đầu sử dụng phương pháp thì chúng ta bị kẹt. Ví dụ, quý vị học thiền là quý vị phải nói về thiền, học giáo lý là phải nói về giáo lý… Mình cứ bị kẹt vào đó và chấp rằng mình là cái đó, chẳng hạn như mình giỏi thiền lắm, giỏi giáo lý lắm, rằng người này không biết Mật Tông. Hoặc mình cho rằng Mật Tông hay lắm, mình phải dùng pháp Mật Tông niệm chú để người này làm siêng. Hoặc là mình sử dụng lý lẽ của Mật Tông, cho rằng mình thông Tam Tạng kinh điển, cho rằng Mật Tông dạy thế này là làm siêng, ông Lão Tử dạy thế này là làm siêng, hay Phật dạy thế này, Chúa dạy thế này là làm siêng… Tức là anh học cái gì thì anh cho rằng anh nói cái đó đúng, buộc người kia phải chấp nhận phương pháp của anh, rằng anh là người có học, có thành tích, có trải nghiệm. Anh dùng phương pháp và nói ra có vẻ đạo đức và cao siêu lắm, rất đạo đức, rất cao siêu.
Quý vị nhớ tất cả những gì tôi trao đổi với quý vị là để quý vị mở trí chủ, đừng kẹt ở cái chỗ là tôi nói như vậy là đúng hay sai, hay sao tôi nói mà không đề cao đạo đức. Mục đích mà tôi nói cho quý vị là để quý vị mở trí chủ, chứ không phải mục đích của tôi nói là để quý vị thấy tôi là người quá có đạo đức. Tôi nói gì kệ tôi, miễn cái đầu quý vị mở được trí chủ, mở được bản lĩnh ra.
FB Duy Tuệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét