Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Mấy suy nghĩ về “Cải cách giáo dục”



            “Người thầy tốt là người  truyền đạt nhiều kiến thức cho học sinh
            Người thầy giỏi là người truyền đạt được cảm hứng cho học sinh”.



Mấy suy nghĩ về “Cải cách giáo dục”

Mục đích của Giáo dục là gì?
Mục đích của Giáo dục là huấn luyện trẻ em có năng lực hành động và có tấm lòng nhân ái, năng lực đó sẽ giúp các em sống hài hoà trong nền văn minh đương thời.
Phẩm chất của sản phẩm Giáo dục là con người biết làm việc và biết yêu thương.

Phân chia bậc học để làm gì?
Mỗi bậc học có mục tiêu khác nhau. Bậc Tiểu học huấn luyện trẻ em Phương pháp học cơ bản. Bậc Trung học cơ sở chuẩn bị cho trẻ em có năng lực phát triển riêng, theo hai nhánh: học nghề sản xuất (sau bậc Trung học cơ sở) và học nghề nghiên cứu (sau bậc Trung học phổ thông), để lên Đại học là bậc tập nghiên cứu hoặc độc lập nghiên cứu.

Bậc Tiểu học là gì?
Bậc Tiểu học là nền móng của sự nghiệp Giáo dục phổ thông. Nền móng nằm ở chỉ một điều: học sinh Tiểu học phải chiếm lĩnh được phương pháp học.
Phương pháp học là gì? Đó là hệ thống những thao tác nằm trong đối tượng khoa học, đối tượng nghệ thuật, và trong hành xử theo lối sống đạo đức.
Bậc Tiểu học sẽ có năm môn học: Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Khoa học, Môi trường, Lối sống. Bậc Tiểu học nếu được tổ chức đúng hướng có thể chỉ cần kéo dài 3 năm.

Bậc Trung học là gì?
Bậc trung học hiện nay có 2 cấp (trung học cơ sở và trung học phổ thông), thực ra toàn bộ hai cấp Trung học hiện nay chỉ là một bậc Trung học mang tính chất cơ sở.
Cả hai cấp trong bậc Trung học đều có nhiệm vụ huấn luyện trẻ em củng cố phương pháp học đã có từ bậc Tiểu học bằng cách đưa các em từ những lĩnh vực cũ trang bị thêm những vật liệu và phương pháp mới. Như vậy, các môn học cũ trở nên chuyên biệt hơn qua việc chiếm lĩnh thêm những tài liệu, tư liệu, dữ kiện, chứng cứ mới.
Sau 4 năm Trung học cơ sở, đã có thể định hướng nghề nghiệp sản xuất cho các em. Cần tránh dồn các em vào một luồng lên lớp 12 cho chỉ một hướng lên Đại học.
Những học sinh chọn con đường thực hành, thì việc “rẽ ngang” sau khi học xong lớp 9 phổ thông là hợp lý. Cần có chế độ học lên Đại học cho những học sinh này sau một thời gian lao động sản xuất.  
Các em Trung học phổ thông được huấn luyện theo hướng tập nghiên cứu thông qua các môn học: Phương pháp và công cụ nghiên cứu tự nhiên và xã hội (gọi tắt là môn Phương pháp khoa học), và các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn khác. Việc học của các em tiến hành cả dưới hình thức diễn giảng lẫn hình thức những đề tài - dự án, ngoài phần “phổ thông” bắt buộc, có cả những phần tự chọn nâng cao, thậm chí có cả những thành phần của bậc Đại học chuyên ngành các em sẽ chọn.

"Học và Hành" là như thế nào?
Nay nên nhận rõ “Học và Hành” như sau:
Chính khoá: Chủ động chiếm lĩnh tri thức, ngay cả những vấn đề lý thuyết cao, dứt khoát không học theo lối nhồi sọ, nhại lại lời giảng, ghi nhớ máy móc. Đó là cách học theo đường lối ``lấy học sinh làm trung tâm`` thông qua hệ thống việc làm và thao tác được thiết kế chặt chẽ. Chỉ những chuyên gia giỏi và tâm huyết mới tìm ra cách dạy theo yêu cầu vừa nêu.
Ngoại khoá: Tại tất cả các bậc học đều có các nội dung tập làm, tuy có thể là ngoại khoá, nhưng cũng vẫn thuộc chương trình giáo dục chính khoá. Hoạt động ngoại khoá rất đa dạng, giúp trẻ em đến với các nghề truyền thống, đến với các hoạt động nghệ thuật, tổ chức thâm nhập đời sống, tập điều tra xã hội, tập ra báo, tập tạo quan hệ, tập hoạt động từ thiện, tập tổ chức giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn...

Thi cử như thế nào?
Cấn bãi bỏ toàn bộ hình thức thi cử hiện hành để thay bằng hình thức đánh giá mới có những đặc điểm sau:
Thiết kế cách học sao cho việc đánh giá nằm ngay trong bản thân từng bài học và từng môn học - đây là điều cơ bản bảo đảm những điều nói tiếp sau đây.
Bãi bỏ thi hết cấp và chuyển cấp. Việc chuyển lớp và chuyển từ Tiểu học lên Trung học sơ sở thực hiện qua việc học sinh tự đánh giá kết hợp với nhận xét của thày giáo, của bạn học và của gia đình.
Kết quả 2 kỳ thi cuối bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học sẽ tự động đánh giá lại những thành tích đã được đánh giá trên.
Việc vào học Đại học được giao cho các trường Đại học tự tổ chức và từng trường chịu trách nhiệm với xã hội và với thị trường.

Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thế nào?
Các trường sư phạm hiện nay chưa phải là những trường dạy nghề. Vì nội dung học ở trường sư phạm vẫn chưa dựa trên các thiết kế đúc rút ra từ việc nghiên cứu các thao tác học của học sinh.
Quy trình cải cách nền Giáo dục phổ thông phải bắt đầu bằng nghiên cứu cách học của học sinh theo tư tưởng sách giáo khoa là Cái thày và trò cùng nhau tìm ra trong tiết học.
Cách học trên sẽ được đúc kết lại thành các bản “thiết kế” mà khi chúng đã hoàn thiện thì trở thành tài liệu cho giáo sinh sư phạm và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ.
Việc đào tạo ở các trường sư phạm sẽ không còn tình trạng chạy theo hình thức, và cũng rút ngắn được cả thời hạn đào tạo, mà nếu không cần rút ngắn thì có thể thêm thời gian cho thực hành và nghiên cứu.

Biên chế năm học như thế nào?
Năm học sẽ gồm mười tháng, mỗi ngày học hai buổi, mỗi tuần học 5 ngày, và cứ học 3 tuần thì được nghỉ 1 tuần, hoặc học 6 tuần thì nghỉ 2 tuần, trong tuần lễ nghỉ học đó học sinh được tổ chức thực hiện các sinh hoạt ngoài nhà trường còn giáo viên thì luân phiên sinh hoạt khoa học nâng cao tay nghề và trình độ nghiên cứu.
Những tổ chức xã hội, thanh niên tình nguyện trong khi chờ việc làm hoặc trong thời kỳ rảnh rỗi, các cá nhân tình nguyện khác, đều có thể phụ trợ vào công việc tổ chức những ngày nghỉ tích cực này cho trẻ em. Các đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên hãy tập làm công việc giáo dục thiết thực này thay vì làm những công việc kinh doanh nhân thời buổi kinh tế thị trường. 
Theo Thầy Phạm Toàn (Nhóm Cánh buồm – Canhbuom.edu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét