Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Người Việt vội vã nhưng tiến chậm

Hà Nội tắc nghẽn, một phần do cơ sở hạ tầng yếu kém, một phần do tính “vội vã” của người dân. Nếu ai đã từng tham gia giao thông ở Hà Nội sẽ thấy, khi đường bắt đầu dồn ứ ở một làn, mọi người lập tức lao sang làn bên kia, cho dù ai cũng biết sang làn bên kia là phải “đối đầu” với các xe trái chiều. Tuy nhiên, chúng ta không đợi được, không chờ được vì trước mặt chúng ta là một khoảng trống. Quán tính giục chúng ta lao lên, tưởng nhanh được một chút, nhưng hậu quả là “đối đầu”, “bịt nút chai”, và tất cả vừa hít khói bụi vừa nhìn nhau nhăn nhó.

Ảnh: người Việt có quán tính tiến lên, không thể dừng, đợi? (nguồn: internet)
Ảnh: người Việt có quán tính tiến lên, không thể dừng, đợi? (nguồn: internet)


Trong lịch sử, chúng ta có nhiều cuộc cách mạng. Đã là cách mạng thì vừa nhanh vừa triệt để. Có thể, tinh thần đó vẫn để lại di chứng trong mỗi chúng ta. Hà Nội có kế hoạch chặt cây mục, cây chết, cây “không đạt chuẩn”, nhưng thay vì lên một kế hoạch thay dần trong 10 năm, 20 năm để không ảnh hưởng đến diện tích cây xanh, cảnh quan đô thị, chúng ta làm cái “rụp”, đốn hạ hàng trăm, hàng nghìn cây, biến Hà Nội thành một công trường. Bỏ qua những khuất tất mà ngành thanh tra đang phải vào cuộc, rõ ràng quán tính muốn làm nhanh cộng với năng lực giám sát yếu kém đã dẫn đến việc làm ẩu. 

Tâm lý làm “cách mạng” cũng xuất hiện trong nhiều cuộc cải cách, từ giáo dục đến nông nghiệp nông thôn, từ nếp sống văn hóa đến công nghiệp hóa hiện đại hóa. Chúng ta không biết rằng, cho dù đây là thời đại của công nghệ, mọi thứ có thể làm nhanh và rộng hơn ngày trước, nhưng có những cái chúng ta không thể vội được, đặc biệt khi chúng ta chưa có được một viễn cảnh rõ ràng, thực tế về cái đích chúng ta muốn đến. 

Thử hỏi cái đích của nền giáo dục Việt Nam là gì để từ đó làm nền tảng cho cải cách? Chúng ta đang loay hoay quanh cái vỏ, từ tranh cãi bậc đại học quan trọng hơn hay bậc tiểu học cần kíp cải cách hơn; chúng ta tăng môn này, bỏ môn kia; cấm học thêm, tăng học ngoại khóa; bỏ thi tốt nghiệp, gộp thi đại học. Tất cả những thay đổi “dồn dập” này chỉ là vẽ lại sơn cho cái vỏ còn cái quan trọng nhất là triết lý giáo dục vẫn chưa có lối thoát. Một bạn trẻ khi tham gia các phong trào thanh niên khu vực chia sẻ: “đoàn thanh niên Việt Nam nhiều khi bị lép vế lắm, thanh niên các nước khác họ đặt câu hỏi, phản biện ầm ầm, còn thanh niên mình nghe hiểu đấy nhưng không biết nói làm sao. Chắc do giáo dục anh ạ, học ở trường toàn nghe lời thầy cô chứ có được phản biện để có tư duy độc lập đâu.” 

Còn chương trình nông thôn mới với 19 tiêu chí được phổ biến cho tất cả các địa phương để triển khai đồng loạt. Chẳng biết cái “mới” ở đây là gì, nhưng các địa phương thay nhau theo chuẩn, đường làng nhỏ chưa đạt chuẩn thì chặt cây, đổ thêm bê tông cho rộng; cổng làng cổ không đủ rộng, thì gỡ xuống làm cái cổng trào sơn màu mè cho mới. Không biết có phải chương trình muốn dùng vỏ bê tông để thay áo cho văn hóa làng xã vốn bị coi là “manh mún”, “lạc hậu”, “sau lũy tre làng” không. Tuy nhiên, văn hóa đâu có thể thay đổi bằng cách mạng được, văn hóa phải biến đổi từ từ qua giao lưu tiếp xúc, qua thay đổi của không gian kinh tế, đô thị và kết nối vùng miền. Nếu áp đặt từ ngoài vào thì chúng ta lại quên bài học duy ý chí trong đối xử với văn hóa rồi. 

“Muốn nhanh thì cứ phải từ từ” nghe như là mâu thuẫn nhưng thực tế cho thấy đúng là như vậy. Muốn đường không tắc, thì thay vì lao vội vào làn đối diện chúng ta chờ đợi cho người trên thoát rồi thong thả đi tiếp. Muốn tạo ra những con người tốt thì chúng ta hãy cẩn trọng vạch ra viễn cảnh giáo dục khai phóng, rồi từ từ thiết kế nội dung và phương pháp giảng dậy thay thế để đạt được nền tảng vững chắc. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta không thể “đốt cháy giai đoạn” được, chúng ta cần nền tảng vững chắc làm sức bật, nếu không, chúng ta không thể bật cao, bật xa, mà còn bật sai hướng!