Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

VỀ SỰ HÌNH THÀNH BẢN SẮC DÂN TỘC VIỆT NAM (1)

HÀ VĂN TẤN
Bản sắc dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc là những vấn đề chung có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận cần phải được làm sáng tỏ trước khi chúng ta bàn đến bản sắc dân tộc Việt Nam, tính cách, tâm lý dân tộc Việt Nam.
Những vấn đề này hiện nay đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà lý lụận mác-xít. Chẳng hạn, nhà tâm lý học xã hội Liên Xô I.S. Kôn đã viết một bài báo mà đầu đề là một câu hỏi: “Tính cách dân tộc – huyền thoại hay thực tế ?” Ông viết: “Nếu chúng ta hiểu tính cách dân tộc là một bản chất không thay đổi nào đó, vốn sẵn có của tất cả mọi người trong một dân tộc nhất định, bản chất ấy phân biệt họ với tất cả những nhóm tộc người khác, và quyết định một cách kín đáo hành vi xã hội của họ, thì trên quan điểm khoa học, đó là huyền thoại. Nhưng giống như mọi huyền thoại tâm lý-xã hội, nó phản ánh một thực tế lịch sử nhất định: sự cộng đồng, những nét tâm lý được hình thành và lĩnh hội trong quá trình phát triển lịch sử nói chung và những phương thức hành động được củng cố bởi ý thức tự giác của nhóm(2)

Chính Stalin đã đưa dấu hiệu tâm lý dân tộc vào định nghĩa dân tộc: “Cộng đồng tâm lý biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa”. Nhưng hiện nay có nhiều người phê phán định nghĩa của ông. Riêng về mặt cộng đồng tâm lý dân tộc, có người cho rằng nếu dựa vào luận điểm của Lê-nin, trong văn bản của một dân tộc có hai nền văn hóa, vậy thì cũng không thể nói về mặt cộng đồng tâm lý: “Dân tộc bao gồm các giai cấp có những nhu cầu, những lợi ích đối lập nhau dĩ nhiên là không thể có chung một nếp tâm lý” (3).
Vây phải chăng có cái gọi là tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc? Theo tôi có tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc. Marx, Engels đã nói nhiều đến vấn đề này Chính trong tác phẩm “Tình hình nước Anh”, Engels đã nói về sự khác nhau giữa tính cách dân tộc Anh với tính cách dân tộc Đức và Pháp. Trong cuốn “Tình cảnh giai cấp lao động Anh”, ông đã phân biệt tính cách dân tộc Anh và Ailen. Như vậy theo Engels là có tính cách dân tộc. Đương nhiên, không nên tuyệt đối hóa đối lập các mặt hay một địa điểm ở dân tộc này với các dân tộc khác, và không đối lập với đặc điểm giai cấp.

Tâm lý là của nhóm, nhưng qua giao tiếp giữa các nhóm dẫn đến sự lan tỏa giữạ các nhóm, tạo ra những nét chung – tâm lý cộng đồng, đồng thời cũng tạo ra những sự biến thiên nào đó. Tâm lý dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi) đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm dân tộc. Nó bị chế ước bởi các điều kiện tự nhiên mà trong đó cộng đồng đang tồn tại, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử. Mà các điều kiện này có những yếu tố ổn định, có những yếu tố luôn luôn vận động và phát triển. Do đó khi nghiên cứu, cần phải thấy tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc là có biến chuyển.
Không phải mỗi dân tộc chỉ có những đặc điểm tâm lý riêng mà không có cái chung với các dân tộc khác. Nhưng ngay cả những đặc điểm chung của nhiều dân tộc khi có ở một dân tộc nào đó cũng trở thành một bộ phận của tâm lý dân tộc đó, cấu thành nên cái riêng của chính dân tộc đó(4).
Tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc là một hệ thống các yếu tố mà sự khác nhau giữa các dân tộc là do yếu tố trội. Yếu tố trội này bị quy định bởi các điều kiện tự nhiên xã hội và lịch sử như đã nói trên. Trong tâm lý dân tộc hay tính cách dân tộc, có cả những mặt tích cực lẫn những mặt tiêu cực. Ngay trong mặt tích cực hay tiêu cực đó cũng phải hiểu thật biện chứng, tức là trong mặt tốt cũng có những cái chưa tốt, hoặc tốt lúc này, xấu lúc khác, và ngược lại. Như vậy, bất cứ truyền thống văn hóa lịch sử nào cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực(5), Và tại thời điểm lịch sử này, những nét tâm lý truyền thống nào đó được xem là tích cực nhưng sang giai đoạn lịch sử khác có thể bị xem là tiêu cực hoặc ngược lại.
a/ Dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể, chịu sự chi phối mạnh mẽ của cả ba yếu tố này. Nhưng theo tôi vai trò của các yếu tố này là không như nhau. Điều kiện tự nhiên đó ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa của dân tộc, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách, tâm lý dân tộc, điều kiện tự nhiên như nhiệt, ẩm, gió mùa, cùng với nền văn minh trồng lúa nước là những yếu tố ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt nói riêng, người Đông Nam Á nói chung (6). Nhưng cũng là dân trồng lúa nước, cũng sống trong điều kiện tự nhiên tương đối giống nhau, tại sao người Việt có nhiều đặc điểm về văn hóa, tính cách khác với người Ấn Độ, người Lào và các dân tộc phía nam Trung Quốc. Phải chăng đó là do điều kiện xã hội và lịch sử cụ thể của từng dân tộc đó quy định? Yếu tố xã hội và yếu tố lịch sử là yếu tố quyết định, chi phôi nhiều nhất các đặc điểm tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc, bản sắc dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam về cội nguồn vốn dĩ là nền văn hóa thuộc vùng Đông Nam Á. Nhưng sau đó, do sự xâm lược của nhà Hán, cùng với sự xâm nhập của văn hóa Hán, nền văn hóa Việt Nam tiếp tục biến đổi theo hướng tiếp tục mang thêm các đặc điểm vùng Đông Á. Hiện tượng này rõ ràng chịu sự chi phối nhiều nhất của điều kiện lịch sử-xã hội (ví dụ: các dân tộc Tây Nguyên sử dụng các nhạc cụ mang những đặc trưng của nền văn hóa Đông Nam Á, còn người Kinh dùng đàn thập lục mang đặc trưng của nền văn hóa Đông Á).
b/ Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nông dân theo hệ thống nông nghiệp kỹ thuật cũ, đa canh, trồng lúa nước. Dân tộc Việt Nam hình thành sớm và luôn phải làm các cuộc chiến tranh giữ nước. Đây là những đặc điểm lớn nhất, ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành tính cách người Việt Nam, tâm lý người Việt Nam, hay nói cụ thể hơn là quy định nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt.
Chiến tranh liên miên, đó là lý do chủ yếu tạo nên tính bất thường trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Nó để lại dấu ấn rất đậm nét lên toàn bộ nền văn hóa nói chung và đời sống tâm lý nói riêng của người Việt Nam. Đây thực tế không có định luật xã hội nào biểu hiện chính thường như ở những nơi khác. Tất cả cơ cấu kinh tế – xã hội thường bị chiến tranh làm gián đoạn, hay phát triển chậm lại, thậm chí ngay từ lúc phôi thai hoặc vừa mới hình thành. Do vậy kết cấu kinh tế – xã hội của Việt Nam chưa bao giờ đạt được sự phát triển đến đỉnh điểm của sự chín muồi ở tất cả các giai đoạn vận động của nó.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi nghiên cứu đặc điểm dân tộc, có một điểm có thể khẳng định được, có thể tin được là: Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn đã hình thành vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đó là văn hóa Đông Sơn. Trong thời kỳ Tiền Đông Sơn, chưa có một văn hóa nào phân bố rộng lớn như vậy. Theo những tài liệu nghiên cứu mà chúng tôi có được thì những con đường phát triển văn hóa Tiền Đông Sơn khác nhau tại các khu vực khác nhau (lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả…) cùng tiến lên Đông Sơn. Có thể ví như các dòng sông đổ vào một biển. Chúng tôi coi đó là thời kỳ các bộ lạc tiến lên dân tộc như trong các tác phẩm của Marx và Engels đã bàn tới (7).
Cộng đồng văn hóa Đông Sơn phát triển cao so với các nền văn hóa khác đương thời trong khu vực, có nhiều nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều đặc điểm đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á. Có thể lúc này có sự ra đời của nhà nước “phôi thai” đầu tiên của Việt Nam. Nhà nước phôi thai đó được hình thành như một cộng đồng siêu làng. Trong đó có nhiều làng, giữa các làng có mối liên hệ liên làng và siêu làng. Đây là cái lõi kết tinh đầu tiên của người Việt cổ được hình thành.
Trước khi đi đến sự hội tụ để hình thành nền văn hóa Đông Sơn, từ văn hóa Phùng Nguyên đã có sự giao lưu với văn hóa Hán (thời Ân Thương). Nhưng trong suốt quá trình đi lên văn hóa Đông Sơn và kể cả thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, ảnh hưởng của văn hóa Hán là không lớn. Chưa thể nói là có sự tiếp biến (acculturation) với văn hóa Hán. Nhưng sau đó cuộc xâm lăng của người Hán, người Hán trực tiếp thống trị (Bắc thuộc) thì một acculturation cưỡng bức đã xảy ra. Và để chống lại sự xâm lăng, chống đồng hóa, người Việt Nam phải cố kết lại mà lúc này phương thức chủ yếu là duy trì các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thuỷ đáng lẽ ra phải tan rã theo đúng quy luật.
Nước, tức thể cộng đồng siêu làng, đã mất nhưng hình ảnh của nó vẫn còn trong những người dân của làng. Lại bắt đầu một cuộc vận động đưa mối liên hệ làng – liên làng gắn bó trở lại, nhằm khôi phục cộng đồng siêu làng đã mất. Chỉ có sự cố kết thể cộng đồng mới tạo ra “sức mạnh chống xâm lược”. Ý thức cộng đồng này là điểm xuất phát, là cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc. Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng nhiều yếu tố cộng đồng được duy trì trong trường kỳ lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta có nguồn gốc nguyên thuỷ và đã bị biến dạng đi trong quá trình phát triển của dân tộc, đã bị giai cấp thống trị lợi dụng. Từ đây chúng ta cho rằng tính cộng đồng cao là một nét tâm lý, một nét tính cách Việt Nam, đó là mặt tích cực, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hạn chế, đó là sự ức chê phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển của cá nhân (do cộng đồng không chấp nhận cá nhân ngoài cộng đồng và cá tính không phù hợp với “luật bầy đàn” của cộng đồng).
Mặt khác, cùng với sự duy trì thể cộng đồng, hệ thống nông nghiệp kỹ thuật cũ (chẳng thay đổi mấy qua hàng ngàn năm) cũng làm cho nhiều tàn dư nguyên thủy được bảo lưu lâu dài. Chiến tranh liên miên làm cho kinh tế luôn bị đình đốn, bị đẩy lùi, khoa học kỹ thuật kém phát triển cũng là một lý do khách quan khiến nhiều tàn dư nguyên thuỷ được bảo lưu.
Khoa học kỹ thuật kém phát triển kéo theo tư duy lô-gích kém phát triển. Đây là đặc điểm nổi bật trong tư duy của người Việt. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu coi tư duy lưỡng hợp (với hai cực đối lập, dualisme, binaire) là đặc điểm tư duy Việt Nam hay tư duy Đông Nam Á. Nhưng thực ra điều đó gần như là một đặc điểm trong tư duy của nhiều dân tộc nguyên thủy trên thế giới, chẳng hạn ở Nam Mỹ (xem các công trình nghiên cứu của Levi – Strauss). Chỉ khác là ở Việt Nam nó tồn tại khá lâu dài. Duy lý ít phát triển làm cho cách xem xét đánh giá các mối quan hệ, các sự vật, hiện tượng thường nặng tình hơn lý. Hình thức tư duy chủ yếu được sử dụng rộng rãi là tư duy cụ thể, tư duy hình tượng. Xem quy nạp là phương tiện truyền đạt, chứng minh tốt hơn diễn dịch(8). Thích sùng bái và thần thánh hóa cũng là một nét tư duy có cội nguồn nguyên thủy. Các đặc điểm này làm thành một thứ “màng lọc chủ quan” có ảnh hưởng đến sự tiếp thu văn hóa bên ngoài.
Từ những nhận xét trên đây, chúng tôi thấỵ rằng trong điều kiện xã hội mà kinh tế kém phát triển, tư duy lý luận không phát triển, nhiều tàn dư nguyên thủy còn tồn tại (đặc biệt khá phổ biến trong nếp nghĩ, nếp cảm của mỗi người) thì đó là một khó khăn vô cùng lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phi thường mới có thể khắc phục được khi muốn biến dân tộc ta thành một dân tộc hiện đại.
* Nguồn: Đến với LỊCH SỬ – VĂN HÓA VIỆT NAM, nhà xuất bản Hội nhà văn, Tác giả: HÀ VĂN TẤN.
(1) Đã in trong Thông tin Khoa học giáo dục, số 12, 1987.
(2) I.S. Kôn: Tính cách dân tộc – huyền thoại hay thực tế? Tạp chí Văn học nước ngoài, số 9 – 1968, tr 228.
(3) S.T Kantahjan: Chủ nghĩa Lênin bàn về bản sắc dân tộc và các con đường hình thành cộng đồng người quốc tế, Moskva, 1976, tr 108.
(4) Về vấn đề tâm lý dân tộc, có thể đọc N. Dzhanzizin: Bản chất của tâm lý dân tộc,, Alma Ata, 1971.
(5) Hà Văn Tấn: Biện chứng của truyền thống, Tạp chí Cộng sản, số 3, 1981, tr 50-54.
(6) Có thể xem Hà Văn Tấn: Các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á, tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1982.
(7) Hà Văn Tấn: Về khái niệm “dân tộc” của Marx và Engels và sự hình thành dân tộc Việt, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1980.
(8) Xem thêm Hà Văn Tấn: Bàn thêm về cội nguồn lịch sử của đặc điểm văn hóa Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 11, 1979.
About these ads

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét