Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

1. Thời gian gần đây, chúng tôi hay có những trao đổi về tương lai của Việt Nam trong cơn gian khó: Trong đất liền thì lạm phát cao, kinh tế khó khăn, sức sản xuất giảm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Ngoài biển Đông thì Trung Quốc liên tục gây căng thẳng, gia tăng tranh chấp không chỉ với Việt Nam mà còn cả khu vực. Nhìn xa hơn sang các nước Âu – Mỹ, tình hình cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Châu Âu vẫn ngập trong khủng hoảng. Một số nước nếu chỉ năm ngoái thôi còn được coi là vững vàng, như Pháp chẳng hạn, thì sang năm nay, đã bị nhiều chuyên gia coi là một “quả bom hẹn giờ” mới.

Trước tình hình đó, nhiều người đã rất bi quan. Nhiều lúc chúng tôi có cảm giác, sự bi quan chán nản đã rút hết sinh khí của ngay cả những người được coi là từng trải và vững vàng nhất. Nhưng với riêng tôi, cảm thức bi quan chưa bao giờ là chủ đạo. Lý do: Thay vì nhìn mãi vào bức tranh màu xám, tôi nhìn vào những người Việt trẻ.

Tôi tin vào sức trẻ. Tôi tin đó là tài sản lớn nhất của dân tộc. Và tôi tin, chính tuổi trẻ chứ không phải các lý thuyết kinh tế xã hội kinh điển và nhiều tranh cãi, hay những lý tưởng khuôn sáo đã không còn sức sống, sẽ là cứu tinh của đất nước.

Tôi đi tìm tương lai của đất nước trên khuôn mặt những người Việt trẻ.

2. Có những ngày, tôi dành hàng giờ để quan sát những người trẻ tuổi, nghe họ nói, họ cười, họ đi lại, họ tranh cãi, họ thở dài… Ở hai đầu đất nước, và ở cả những nơi khác mỗi khi tôi có dịp. Tôi quan sát họ trong quán nước vỉa hè, trước cổng trường đại học, giữa đám tắc đường trên phố, trên mạng xã hội, trong các buổi nhóm họp tán gẫu…

Những quan sát này mách bảo tôi điều gì? Có phải người Việt trẻ không có lý tưởng? Có phải người Việt trẻ không có hoài bão lớn? Có phải người Việt trẻ không còn yêu nước? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng vô cảm? Có phải người Việt trẻ đang ngày càng ích kỷ và thực dụng?

Tôi không phán xét. Tôi chỉ quan sát.

Không. Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy họ đang sống. Họ đang sống theo cách của họ và giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ của họ. Cách sống này, thứ ngôn ngữ này, có thể xa lạ với nhiều người có tuổi, nhưng không thể coi đó là không tốt, là đáng lo ngại.

Chúng ta chỉ có thể ghi nhận và tôn trọng họ.

Họ đang sống. Đôi khi hết mình. Đôi khi dật dờ. Đôi khi chao đảo. Nhưng chắc chắn là họ đang sống. Mà tôi tin rằng, ở đâu có sự sống thì ở đó có sự phát triển.

Chính vì vậy mà tôi không bi quan.

Tôi cũng không quá hân hoan. Vì đằng sau những gương mặt trẻ trung kia, ẩn sau bộ tóc xanh đen kia, có thể là những trống rỗng, những đổ vỡ và hoang mang mà người ngoài không thể hiểu hết được. Những lo toan thường ngày có thể quật ngã họ bất cứ lúc nào. Giữa bộn bề của khó khăn chung, người trẻ và người nghèo bao giờ cũng bị ảnh hưởng lớn nhất. Vì thiếu vị thế và không được tôn trọng đúng mức.

Nhưng tôi lo lắng. Đôi khi đến mức dằn vặt, thậm chí cáu bẳn vì cảm giác bất công và bất lực. Trong số những người Việt trẻ tôi gặp thì phần đông là sinh viên, tức thành phần ưu tú của đất nước, nhưng tôi không thấy một sự rực rỡ hiện lên trên khuôn mặt, trong ánh mắt, trong sự tự tin quả cảm. Tôi không thấy được sự lan tỏa của một tuổi trẻ tự do phóng khoáng, sự rực sáng của khát vọng.

Rất ít lửa trong những đôi mắt. Rất nhiều lảng tránh xa xôi. Rất dài những tiếng thở. Và rất thường xuyên cam chịu.

Rất ít ngọn đuốc trên những con đường.

3. Tôi đã đi qua một rừng sinh viên trong ngày hội “Sáng tạo vì khát vọng Việt” ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 11 vừa qua. Tôi đã nhìn sâu vào những gương mặt trẻ mà tôi gặp. Cảm giác đau nhói vì có quá nhiều khuôn mặt sạm đen, tuy chưa đến mức tiều tụy nhưng thiếu sắc khí. Tôi nhìn một người, rồi nhìn mọi người, cảm giác mặn chát vì thấy quá nhiều người trẻ gầy gò ốm yếu. Nhiều người còn còi cọc hơn cả thế hệ chúng tôi khi đất nước đang trong thời bao cấp khó khăn, còi cọc hơn cả thế hệ trước tôi khi đất nước đang trong chiến tranh. Tôi chợt nghĩ: suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng giữa thời bình.

Tôi tự hỏi vì đâu? Tôi không tin đó là vì họ thức khuya học nhiều. Tôi cũng không tin đó là vì chủng tộc hay khí hậu vùng miền. Những sinh viên Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà tôi gặp đều học hành chăm chỉ dữ dội, chủng tộc và khí hậu cũng tương tự như mình, nhưng đôi má họ căng phính, giọng nói và ánh mắt đầy vẻ tự tin. Chiều cao cân nặng của họ cũng đều vượt xa những sinh viên tôi đang trò chuyện trong sân Dinh Thống Nhất này.

Tôi hỏi họ vì sao? Tụi em khó khăn. Khó khăn với cả chuyện ăn uống hàng ngày? Vâng…

Tôi và họ không còn dám nhìn vào mặt nhau nữa. Không xa xôi nhưng ngăn cách bởi một chông chênh. Bảng lảng xa xôi. Nỗi đau riêng người ta chỉ có thể hiểu chứ không thể xoáy mãi vào.

Tôi lắng nghe lòng mình. Có một cái gì rất vô lý ở đây. Có thể gọi đó là sự bỏ rơi chăng? Nhiều người đã bị bỏ rơi, tự bươn chải để tự đánh vật với những nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Sự bươn chải này nhiều khi làm họ kiệt sức.

4. Ngoài hội trường, có bạn tìm mọi cách gặp tôi chỉ để hỏi một câu: Em muốn trở thành doanh nhân, vậy thì em phải quan tâm đến loại người nào nhất? Một thoáng sửng sốt trước câu hỏi đó. Dù không phải là doanh nhân, tôi cũng trả lời ngay lập tức: Doanh nhân thì cần quan tâm đến khách hàng nhất.

Trong hội trường, có bạn trẻ bật khóc vì không tìm được việc làm thêm. Có quá ít cơ hội dành cho người trẻ tuổi. Cảm giác bất lực và bị bỏ rơi hiện lên rất rõ. Rất nhiều trẻ đã hoàn toàn đánh mất sự tự tin vào bản thân mình. Ý niệm về một đời sống trẻ tuổi sung mãn đầy hoài bão hoàn toàn vắng bóng.

Tôi chợt nhớ đến những buổi tranh luận với bạn bè quốc tế, khi tôi cho rằng không nên quá bi quan: Việt Nam là một đất nước trẻ. Tuổi trung bình của toàn dân chưa đến 30. Hãy nghĩ xem, trước 30 tuổi thì người ta làm gì? Người ta sẽ khám phá và hừng hực sức sống. Người ta sống. Và khi người ta sống thì người ta phát triển.

Vì thế không nên quá bi quan.

Nhưng lúc này đây, giữa quảng trường này, lập luận của tôi dường như đã bị lung lay. Khi người ta trẻ và bị bỏ rơi, người ta mất hết tự tin thì không chắc người ta đã sống. Họ chỉ đơn giản là đang tồn tại.

Khi người ta bị bỏ rơi và mất tự tin, không chắc người ta sẽ khám phá và hừng hực sức sống. Người ta cũng sẽ mệt mỏi, chán nản và tiều tụy như thường.

5. Người Việt trẻ nhưng không hẳn là trẻ. Tôi đã nhìn thấy sự mệt mỏi và chán nản trên gương mặt họ. Tôi đã nhìn thấy sự tiều tụy trong cơ thể họ. Tôi mong đợi một sức sống hừng hực, một tinh thần phóng khoáng, một sự tò mò tươi mới, một bạo dạn khám phá dấn thân. Nhưng điều tôi thấy lại quá ít so với trông đợi.

Có một cái gì đó thiếu vắng ở đây. Có một cái gì đó như bị bóp nghẹt không thoát ra được. Một cảm giác như bất lực, như hờn trách, như dằn dỗi dâng trào.

Nhiều người trẻ đã vô tình đánh mất tài sản quý giá nhất của mình. Đó là tuổi trẻ. Những vật lộn và toan tính đời thường đã quật ngã họ. Ý niệm về một sức trẻ dũng mãnh, một tinh thần tự do bay bổng, giờ đây bỗng trở thành xa lạ.

Lỗi tại ai? Không hẳn đã là lỗi của người trẻ tuổi. Nhưng chắc chắn là lỗi một phần của những người đi trước, của hệ thống, của xã hội, đã phần nào bỏ rơi họ.

6. Câu chuyện của người Việt trẻ chính là câu chuyện của đất nước. Vì tuổi trẻ không phải là một tương lai xa xôi, mà chính là hiện thực của đất nước này. Hiện thực ở đây và ngay lúc này. Gương mặt của người trẻ chính là gương mặt của đất nước. Khi tuổi trẻ bị bỏ rơi thì cũng chính là đất nước bị bỏ rơi. Khi tuổi trẻ bỗng nhiên trở nên già nua mệt mỏi thì cũng chính là đất nước đã trở nên già nua mệt mỏi.

Không gì đáng sợ hơn tuổi trẻ mỗi ngày mỗi trở nên tiều tụy. Không gì xót xa hơn khi nhìn thấy những người Việt trẻ ốm yếu còi cọc hơn so với bạn bè đồng lứa năm châu. Với sức vóc đó, với tinh thần đó, đòi hỏi họ phải gánh vác giang sơn, đưa đất nước đến bến phồn vinh là một đòi hỏi quá lớn và quá vô lý. Vì thế, những người đi trước, những người hữu trách trong hệ thống công quyền, cần thiết nhìn lại xem mình đã làm được gì cho người trẻ, trước khi đặt lên vai họ những gánh nặng quá lớn như vậy.

7. Đất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước.

Sức trẻ là tài sản quý giá nhất mà mỗi người đang nắm giữ. Vậy thì đừng bỏ phí nó.

Hãy sống.

Hãy sáng tạo.

Hãy bay bổng.

Hãy tò mò khám phá.

Hãy cất bước dấn thân.

Hãy tin vào bản thân mình.

Hãy vun đắp những khát vọng lớn.

Hãy xây dựng cho mình hình ảnh về một con người tự do một công dân.

Vì không phải ai khác, mà chính người Việt trẻ mới là cứu tinh của đất nước.


Giáp Văn Dương


 7 điều người trẻ cần có

Người 20 tuổi khác người 50 tuổi ở chỗ, họ còn nhiều thời gian để sửa chữa những sai lầm. Vì thế đừng ngại thất bại.

1. Niềm tin vào bản thân
Muốn tin tưởng người khác, trước hết bạn phải có niềm tin vào chính mình. Không ai thật sự hoàn hảo, vì thế, đừng "trầm trọng hoá" những điểm yếu của bản thân. Những khi muốn buông xuôi hoặc từ bỏ, hãy nghĩ về những điểm mạnh bạn đang có và không ngừng tin tưởng rằng, bạn sẽ làm được chỉ cần bạn muốn. 
2.  Dám thất bại
Người 20 tuổi khác người 50 ở chỗ, họ còn nhiều thời gian để sửa chữa những sai lầm. Vì thế đừng ngại thất bại, cho dù đó là điều không ai mong muốn. Có trải qua thất bại, bạn mới hưởng trọn cảm giác ngọt ngào của thành công. Không ai khuyến khích bạn gặp thất bại, nhưng hãy luôn giữ tư thế sẵn sàng chấp nhận "lùi một bước" trong mọi hoàn cảnh. Khi vượt qua được nó, bạn sẽ trưởng thành hơn.
3. Lòng vị tha
Ai cũng có thể mắc sai lầm, ngay cả bạn cũng vậy. Vì vậy, hãy tha thứ cho những lỗi lầm của người khác để chắc rằng, khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn cũng sẽ nhận được sự vị tha.
4. Không đánh mất hy vọng
Hãy nhớ rằng, còn trẻ nghĩa là bạn còn cơ hội để sửa sai, làm lại và tiếp tục cố gắng. Cho dù hiện tại bạn chưa thành công, nhưng bạn đừng để mất niềm tin vào ngày mai. Thành công vẫn đang đợi ở phía trước, chỉ cần bạn không đánh mất hy vọng.
5. Tình yêu cuộc sống
Tuổi trẻ là những năm tháng thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời, một khi đã qua thì không bao giờ trở lại. Hãy cảm nhận cuộc sống từ những điều bình dị nhất, hãy trân trọng cuộc sống với những gì đang có và không ngừng hướng đến tương lai. Đừng để những bộn bề, lo toan của cuộc sống khiến bạn quên mất rằng: "Cuộc sống thật tươi đẹp!". Tình yêu cuộc sống là chất xúc tác giúp bạn luôn lạc quan, vui sống và dạt dào năng lượng để làm mọi việc.
6. Tự đưa ra quyết định
Nhiều người thường ao ước thời gian quay trở lại để được làm theo ý mình. Nhưng sự thật là thời gian chẳng bao giờ chờ đợi ai. Vì thế, ít nhất một lần trong đời, bạn hãy đưa ra quyết định của chính mình và chịu trách nhiệm với nó. Quyết định của bạn có thể đúng hoặc sai nhưng ít nhất, bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc vì luôn phải sống cuộc đời của người khác.
7. Có mục đích
Tuổi trẻ là khoảng thời gian vô giá để khám phá bản thân, nhưng sẽ không ít lần bạn rơi vào tâm trạng hoang mang khi chưa tìm được mục đích sống. Để tránh rơi vào cảm xúc tiêu cực này, hãy vạch ra cho bản thân mục tiêu trong công việc, trong cuộc sống. Khi đạt được mục tiêu đó, lúc nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đi được bao xa và tiến bộ nhường nào. Còn không, ít nhất, bạn cũng biết mình đang ở đâu và cần đi đến đâu.
Tường Vi

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Lại sắp “bắt” này!

Có vẻ hơi giống cái bắt tay giữa hai ngài bộ trưởng. Lại hơi giống cái bắt tay của hai anh “lái” sau khi đã ngã giá xong. Cũng lại hơi giống cái bắt tay của hai hào kiệt lúc trước vừa “tương ngộ”, bây giờ lại “tương ngộ” và còn muốn “tương ngộ” nữa... Hơi giống rất nhiều và rất nhiều. 
 
Vâng, chỉ là “hơi giống” thôi, chứ những cú bắt tay quanh bàn rượu thật ra nó chẳng thuộc loại nghi thức giao tiếp nào. Thậm chí còn thấy kỳ cục và hơi ghê ghê. Kỳ cục bởi trước khi vào tiệc, hầu như mọi người đã tay bắt mặt mừng từ ngoài hành lang. Rồi trước khi dao dĩa, bát đũa hoạt động, tất cả đã cùng cụng ly, chúc tụng râm ran mãn nhĩ lời vàng ý ngọc. Phần tiếp theo hiển nhiên phải là phần của dao dĩa, răng miệng, bát đũa và những câu chuyện vui vẻ.
Nhưng mà không, cứ chốc chốc lại vài ông cầm ly hoặc cốc đứng lên, hiên ngang tiến lại phía “đối tượng”. Đối tượng có khi đang gặm xương, mép chẳng kịp lau cũng vơ vội cốc đứng lên. Cả hai cùng “ực”. Cùng hân hoan siết chặt tay nhau. Coi như xong một màn.

Lại một màn mới y chang diễn. Có những ông đã “ực”, đã “bắt” vẫn thấy chưa đủ thắm thiết, còn ôm chầm lấy nhau, chỉ thiếu nước hôn môi kiểu bên xứ Âu. Có bà, có cô sau cái “bắt” rõ lâu, mặt cứ đỏ như cua luộc. Té ra là bị quý ông cù lấy cù để vào lòng bàn tay. Đểu nhỉ!...
Cô Elena Zubtsova - cộng tác viên Báo Lao Động tại Cộng hòa LB Nga - trong một bữa làm khách mời của công đoàn một tỉnh miền núi bên ta, hết ngơ ngác lại cười ngặt nghẽo  bởi những “màn bắt tay”, chỉ sợ đến lượt mình. “Lại sắp “bắt” rồi này... Sắp “bắt” rồi này!” - cứ mỗi quý ông cầm ly rượu đứng lên, cô bạn đồng nghiệp mắt lại tròn xoe, nửa kinh ngạc, nửa khiếp hãi. “Không hiểu được... Thật là không hiểu được” - Cái mũi dài chợt thấy rớm mồ hôi,  liên tục ngọ nguậy.
Chợt nghĩ, cô này đúng là “máy móc như tư duy tây”. Chứ cái xứ ta mọi thứ đều đổi mới nhanh lắm. Cô ta từng ở Hà Nội mà không để ý đấy thôi. Hai mươi năm trước, cái Tháp Rùa hồ Gươm đang mốc meo gầy còm, chỉ sau mấy bữa bỗng được đắp cho mập ú như bà bán phở. Cái hòn Vọng Phu xứ Lạng thì bị “mộng nhà lầu” lùa vào lò vôi. Đến cái chùa Trăm Gian xứ Đoài cổ kính nghìn năm, mới đây nếu báo chí không làm ầm lên, có khi cũng bị “làm” nhanh như thui chó. Thì cũng như thứ “văn hóa bắt tay” kia, có cần thể thức gì đâu!
 Ngô Mai Phong
http://laodong.com.vn/Van-hoa/Cau-chuyen-van-hoa-Lai-sap-bat-nay/82123.bld

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Xin lỗi con vì bố đã không bảo vệ được con


K. C.
Kết thúc năm học, sau một tuần về nhà ông bà nội cùng với sách vở và bài tập gọi là để “duy trì tinh thần học tập”, con trở lại với bố mẹ. Được một người giới thiệu, bà và mẹ tìm lại địa chỉ của ông thầy đã dạy mẹ con, cậu con, và cả các anh các chị họ của mẹ. Bố chưa bao giờ tán thành việc “học thêm” đang là tình trạng hết sức phổ biến từ lâu nay ở cả nước ta, bố thật sự đã phải cố gắng thật nhiều để không phản đối mẹ và bà một cách gay gắt. Vì bố hiếu rằng cũng vì mẹ và bà lo cho con quá thôi.

 Con ngồi trên xe, nghe mẹ con nói về mục đích của học tập là để sau này khi nóng con có điều hòa mát, con có xe ôtô đi, con có thức ăn ngon, có nhà cửa đàng hoàng sạch sẽ, con cũng không nói gì. Khi biết rằng con được dẫn đi tới nhà thầy giáo, con chỉ bảo là sao các bạn con được nghỉ cơ mà, sao con vừa nghỉ học lại phải đi học. Nghe con nói mà bố thấy có lỗi với con quá. Thật tội cho con, thật khốn nạn cho bố đã không bảo vệ được con. 
Trông thấy trí óc và thân xác non nớt của con bị hành hạ mà bố không làm gì được. Mẹ con muốn con đi học, chắc chắn cũng chẳng phải muốn làm khổ con đâu, có thể mẹ con có lòng tin mãnh liệt vào các việc học thêm này nên mẹ muốn con đi học. Giá mà bố cũng có cái đức tin như thế để bố động viên con, mắng mỏ con, biết đâu như thế lại hay hơn cho con.


Tìm đến nhà thầy giáo trong một cái ngõ ngoằn ngoèo, vợ thầy ra tiếp ngay trước cửa, cũng chẳng thèm mở cửa, cũng chẳng thèm hỏi han gì nhiều. Mẹ của con muốn xin gặp thầy cũng để tỏ lòng mình là học trò cũ; thầy giáo quần đùi, áo sơ mi mặc vội chạy ra, viết nguệch ngoạc vào mẩu giấy hẹn ngày con tới học.

Đáng ra bố phải phản đối quyết liệt chứ, đáng ra bố phải bảo vệ con trai của bố chứ, nhưng bố không bảo vệ nổi, vì khi người ta nghi ngờ chính bản thân mình, chính suy nghĩ của mình thì người ta làm sao có thể đấu tranh gì được. Có thể mẹ con đúng, có thể ông thầy này tuyệt vời lắm chứ, học thầy sẽ giúp con trở nên giỏi giang hơn, chương trình học ở trường có thể quá đơn giản hoặc không phù hợp, thầy giáo này sẽ làm con trai bố giỏi giang hơn. Cần gì môi trường sư phạm hay những con người sư phạm, bản thân cô ruột bố, em họ bố, những người làm việc ở những ngôi trường có tiếng ở Hà Nội, cũng phải dạy thêm ngày đêm để tăng thu nhập để có thể theo kịp được nhip sống hàng ngày.

Mà xét đến cùng thì cuộc đời thật công bằng, sức mạnh công bằng của nó thể hiện ra ở mọi nơi. Trách sao được những thầy cô giáo đang lao vào dạy thêm, trong khi bố là một người thầy thuốc, nhưng bố không làm đầy đủ cũng như không có cơ hội đề mà làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Bố cũng nhận những thu nhập ngoài lương một cách gián tiếp hay trực tiếp từ túi tiền của người bệnh. Cuộc đời, xã hội sẽ lấy lại của bố, sẽ lấy lại. Nó không thèm đánh vào bố mà đánh vào con trai bố, nó bắt bố phải hiểu, phải chấp nhận, phải tự tay móc túi, bỏ tiền ra cho nó hành hạ thể xác và tinh thần đứa con mình.

7 tuổi, con đâu cần gì nhiều những bài toán lắt léo hay những câu văn vẻ, cái con cần là cảm nhận cuộc sống xung quanh bằng cái hồn tinh khiết của con, bố không tìm được cách, được cơ hội để giúp con làm như vậy.

Một xã hội mà sự gian dối đựợc che đậy dưới những cải vỏ mỹ miều của giáo dục và y tế, hai ngành nghề đáng được tôn vinh nhất nhưng cũng mang tội ác xấu xa nhất khi nó đã và đang đánh cắp, giết chết những tuổi thơ, làm ngắn lại những cuộc đời xã hội hoặc đôi khi cuộc đời sinh học của người bệnh.


Đã chấp nhận cái xấu cái ác của bản thân thì thật nực cười khi người ta lại mong điều xấu điều ác không xảy đến với mình. Khi mà cả xã hội chấp nhận như vậy thì cái sự không chấp nhận của anh đồng nghĩa với việc anh là một thằng điên.

Viết đến đây tôi nhận ra là mình đang cố gắng tìm một cái lý do gì đó bao biện cho việc hành hạ con tôi mà không sao tìm ra được. Tôi chỉ biết cầu mong: “Con tha thứ cho bố”.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Hai mươi bảy dấu hiệu cho thấy bạn được lớn lên trong các gia đình gốc Á châu, đặc biệt là Đông Á (Tàu, Hàn, Việt, v.v.)

Nuôi nấng con cái ở phương Tây qua cái nhìn của Tây

 http://i.livescience.com/images/i/000/023/722/iFF/asian-family-120119.jpg?1327011874








Tôi mới nhặt được bài sau đây trên buzzfeed.com (Hai mươi bảy dấu hiệu cho thấy bạn được lớn lên trong các gia đình gốc Á châu) thấy vui vui, nên dịch sang tiếng Việt để chia sẻ cùng các bạn. Có thể nói rằng 27 điểm này được viết bởi các em gốc Việt lớn lên ở Mĩ, nên có vài điểm giống như người Tây nhìn vào, và do đó có phần hài hước, nhưng rất thật. Tôi cũng chèn thêm một vài chú thích / bình luận đề các bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những điều được đề cập đến trong bài báo.

Có khi nào bạn gặp một người đồng hương ngoài đường và nghe cách họ nói, hay ghé thăm nhà một người bạn đồng hương, và thấy có gì quen quen.  Đó là những gì nó khác khác với phong cách sinh hoạt trong một gia đình người phương Tây. Sau một thời gian so sánh, bạn nhận ra đó là sự khác biệt về văn hoá, cách ứng xử, và suy nghĩ. Những khác biệt đó thể hiện ra ngoài mà Dao Nguyen Kevin Tang đã sưu tầm, tổng kết trong bài viết đầy tính minh hoạ sau đây. Xin giới thiệu cùng các bạn như là một món quà giải trí vui vui trong ngày cuối tuần.
http://www.buzzfeed.com/daozers/27-signs-you-were-raised-by-asian-immigrant-parents
Hai mươi bảy dấu hiệu cho thấy bạn được lớn lên trong các gia đình gốc Á châu, đặc biệt là Đông Á (Tàu, Hàn, Việt, v.v.)
NVT: Tôi nghĩ để cho công bằng, tôi dịch “Chinese” là “Tàu”, chứ không phải “người Trung Quốc”. Chữ China cũng không bao giờ có nghĩa là “Trung Quốc”. Ai đó xưng tụng họ là “Trung Quốc” thì quyền của họ, nhưng cá nhân tôi thì không chấp nhận. Ngày xưa, do thói quen, nên tôi cũng thỉnh thoảng dùng "Trung Quốc" để chỉ China, nhưng nay thì cố gắng hạn chế cách dùng này.

1.  Trước buổi dạ vũ chia tay các bạn học, bạn đã nhận được lời cảnh báo nghiêm khắc của ba má về người bạn trai hay bạn gái tương lai.
NVT: Ở nước ngoài, các trường trung học và đại học thường tổ chức một buổi dạ vũ khi lớp học kết thúc vào cuối năm, gọi nôm na là prom. Đó là lúc bạn bè chia tay, nên cũng có khi tình cảm lưu luyến. Có những buổi mấy cô cậu “quậy”, nên chuyện ba má căn dặn và cảnh báo là thường. Tôi nghĩ vậy với tư cách là bậc phụ huynh.
Before prom, your parents had stern words for your date:
Via: mothersdaymeme.tumblr.com
2. Trong những kì nghỉ hè, ba má bạn chụp hình như thế này:
NVT: Phong cách chụp hình của người Á châu mình cũng đáng để nói. Nó có một cái gì đó có thể nói là “là lạ” và không hợp với phong cách của người phương Tây. Nó cũng giống như người mình hay ngồi chồm hổm vốn rất bình thường với người mình, nhưng rất kì cục với người Tây phương. 
On vacations, your parents took photos like this:
Via: m.lolsnaps.com
3. Họ làm như thế này trong các quầy hàng rau quả ở siêu thị.
NVT: Chuyện “phe ta” thử nắn trái cây trong siêu thị là … phổ biến. Nhưng với người phương Tây thì thói quen đó hơi lạ. Có lẽ xuất phát từ sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào người bán hàng, nên chúng ta có thói quen đó chăng?
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents

4. Và gọi nước nóng trong nhà hàng.
NVT: Lại thêm một điều lạ lùng!
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents

5. Họ (ba má bạn) dặn dò bạn phải nhịn đói trước khi ăn buffet và chỉ chọn món thịt bò cắt theo kiểu Tô Cách Lan (rib eye hay Scotch beefsteak) và tôm hùm. Ai sợ thức ăn đồ biển như lực sĩ Olympic sợ lên cân, chứ họ thì chẳng ngán.
NVT: Câu này (seafood-phobes were dead weight in buffet Olympics) khó dịch, nhưng tôi cố gắng biên tập cho dễ hiểu hơn, hi vọng là không sai ý tác giả. Cũng là một thói quen không mấy hay ho, nhưng tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì. Mình đã trả tiền trước đàng hoàng, nhà hàng bày món ăn thì mình có quyền chọn món ăn mình thích, dĩ nhiên với điều kiện: (a) có khả năng ăn, (b) không phung phí, và (c) dứt khoát không đem về nhà.
They coached you on starving before a buffet and gorging only on rib eye and lobsters. Seafood-phobes were deadweight in buffet Olympics.

6.  Khi hoá đơn tính tiền đến, bà con chiến đấu nhau, như la hét, trong giữa nhà hàng để dành quyền thanh toán tiền.
NVT: Đây là một tình huống hay thấy trong các nhà hàng. Người Tây đã mời ăn thì họ lo chi trả, chẳng có chuyện dành quyền trả. Ở Úc thì có văn hoá chia điều; mỗi khi có tiệc tùng tiễn đưa đồng nghiệp, thì cả nhóm kéo nhau ra nhà hàng, và khi tính tiền thì lấy máy tính ra cộng trừ nhân chia cho đều, và mỗi người chia nhau trả. Còn ở VN thì hình như chúng ta vẫn còn văn hoá “anh hùng” trong chi trả, ai cũng dành quyền thanh toán!
When the bill came, older relatives fought, i.e., yelled and screamed in the middle of the restaurant, for the right to pay.

7. Một số anh em họ xa hay con trai con gái của gia đình bạn bè lúc nào cũng được “cho đi nước kiệu” như là những tấm gương mẫu mực về sự hoàn hảo mà bạn chưa đạt được.
NVT: Chúng ta có thói quen so sánh con cái mình với những người thân quen. Con Hoa nó đỗ tú tài 99% kìa, mày phải cố gắng lên. Thằng Hoà nó mới tốt nghiệp kĩ sư hạng danh dự, mày thì sao? Một kiểu gây áp lực lên con mình. Cũng giống như người Tây có câu đại khái rằng sân cỏ của nhà láng giềng lúc nào cũng xanh tươi hơn sân cỏ nhà ta.
Some distant cousin or family friend's son/daughter is always being trotted out as a paragon of perfection that you're falling short of.
Source: zazzle.com

8. Khi bạn mắc bệnh, ba má bạn cho uống mấy thứ thuốc đắng ngắt chế biến cây cỏ, và chở bạn đi điều trị bằng thuật cạo gió kì dị. Thuật cạo gió không gây tổn thương, nhưng bạn lúc nào cũng sợ ai đó nhận ra dấu cạo gió (trong phòng thay đồ) và báo cho cơ quan bảo vệ trẻ em.
NVT: Chuyện bên Úc vào những ngày mới sang định cư (trên 30 năm trước). Con bé con của bạn tôi bị cảm, và thế là cả nhà cạo gió cho nó. Chẳng những cạo gió ở lưng mà còn ở cổ nữa. Đến khi con bé vào trường, cô giáo thấy dấu cạo gió, rồi đem vào khám xét, thấy trên lưng và bụng cũng có dấu đỏ. Cô giáo lập tức gọi điện cho Sở an sinh xã hội, và Sở cử nhân viên đến tận nhà để điều tra xem có bạo hành trẻ em hay không. Gia đình thì ú ớ (vì có hiểu tiếng Anh đâu) chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Khi thông dịch đến thì người thông dịch cũng chẳng biết “cạo gió” nên dịch sang tiếng Anh là gì. Anh ta dịch là “wind scratching”, nhưng nhân viên Sở gãi đầu chẳng hiểu đó là cái gì. Câu chuyện dẫn đến cảnh sát điều tra, tốn bao nhiêu tiền và thì giờ, rồi cũng có kết thúc có hậu: không phạt gia đình. Nhưng họ cảnh báo là phải điều trị bằng thuốc Tây, chứ không “wind scratching” nữa!
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents
Source: youtube.com

9.  Khi bạn đi ra ngoài, má của bạn lúc nào cũng choàng thêm cho bạn cái áo lạnh vì cho rằng ngoài trời rất lạnh. Và bạn không bao giờ để quạt máy chạy trong khi ngủ.
NVT: Thì chỉ là một cách bày tỏ sự quan tâm đến con cái thôi. Đối với bậc cha mẹ, con cái mình lúc nào cũng là bé bỏng, chưa trưởng thành.
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents

10. Bà con của bạn nấu nướng toàn những món ăn kinh khủng. Và họ không ngần ngại bình luận rằng cái vòng eo của bạn đã phình ra.
NVT: Thật ra, dịch “awesome” là “kinh khủng” có lẽ hơi quá đáng, vì chữ này cũng có nghĩa tích cực (tuyệt diệu). Nhưng quả thật đối với người Tây thì chuyện ăn chân gà, tiết canh vịt, gan mề, v.v. có thể xem là awesome. “Phe ta” cũng không ngần ngại bình luận rằng bạn đã lên cân, nhưng người Tây thì rất tế nhị khi đưa ra nhận xét về cân nặng.
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents
Via: fucking-hyolyn.tumblr.com

11. Bạn ăn sáng với những món ăn thơm tho kèm theo những món dưa muối. Gạo thì lúc nào cũng phải có.
NVT: Món ăn sáng của người Á châu chúng ta thì phải nói là phong phú. Thử ở trong một khách sạn Á châu, buổi sáng ra chúng ta sẽ thấy nào là gạo trắng, cháo trắng, cháo gà, dưa cải, của cải muối, hột vịt bắc thảo, soup miso, shusi, bánh ướt, bún, phở, v.v. Ôi, phong phú làm sao! Còn người Tây thì họ ăn sáng nhẹ và gọn: phần lớn là trứng gà, thịt ba rọi hun khói, đậu, khoai tây chiên, và bánh mì. Theo tôi thì món ăn sáng của người Tây rất xoàng; tôi thích món ăn sáng của người Á châu hơn.
You ate savory breakfasts littered with jarred pickles. Rice was always involved.

12. Khi ghé thăm bạn, họ lúc nào cũng sà xuống bộ đi văng, hoặc lôi bạn dậy từ giường ngủ.
NVT: Ghế salon ở phòng khách chính là nơi tề tụ của gia đình và bà con. Nếu còn đang ngủ, thì bà con mình không ngần ngại dựng dậy để ra nói chuyện. :-)
When they visited you, they always crashed on some relative's couch, or kicked you out of your own bed.

13. Cái bàn phiếm điều khiển từ xa (remote control) thì được gói trong plastic.
NVT: Điều này chẳng biết xuất phát từ đâu, nhưng quả là phổ biến trong các gia đình Á châu. Tôi đoán là do thói quen tiết kiệm và muốn giữ đồ dùng cẩn thận, nên không muốn làm dơ bẩn hay hư hao đến đồ đạc. Không ít người bao bọc toàn bộ bộ sofa, thậm chí ghế xe hơi bằng cao su. Điện thoại di động cũng không thoát khỏi sự bủa vây của cao su. Hệ quả là có khi chúng ta ít khi nào được sờ vào món đồ cho đến ngày chết!
The remote control is wrapped in plastic wrap.

14.  Trong những hộ gia đình với mức độ xa xỉ thấp, có rất nhiều dụng cụ xoa bóp chân, xoa bóp lưng.
NVT: Quá đúng!
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents

15. Má của bạn nhét thịt nạc heo xấy khô trong bánh mì, làm cho bạn bè của bạn tưởng là … tóc.
NVT: Haha, cũng đúng luôn. Nhưng nói gì thì nói, món này cũng ngon đó chứ. Chỉ với điều kiện là không mua từ các hãng của China chế biến, vì chúng ta không thể tin vào đạo đức kinh doanh của họ.
Your mom put fluffy dried pork into your sandwiches, and your friends said it looked like hair.
Scarred for life.
Source: seriouseats.com

16.  Tủ lạnh của bạn được chất đầy những lọ mà nhãn hiệu ngoài lọ thì chẳng ăn nhập gì với thức ăn trong lọ.
NVT: Đối với người Việt chúng ta, các lọ thức ăn sau khi đã hết thức ăn thì được tái sử dụng và cho nhiều chức năng. Do đó, một lọ cà phê có thể được dùng để chứa nước mắm pha chế. Có khi cũng có lợi. Nhớ hôm tôi đem hủ mắm lóc từ VN sang Sydney, nhân viên hải quan chận lại và hỏi home made? (làm ở nhà hả?) tôi tự hào nói “yes”, nhưng anh ta nói làm ở nhà thì không được kiểm nghiệm nên phải vứt đi. Tôi cãi một hồi nhưng xem ra anh ta không đổi ý. Còn em tôi trong cùng chuyến bay nó dùng một lọ có nhãn nước mắm (bằng tiếng Việt) nhưng lại chứa mắm cá lóc thì được hải quan Úc gật đầu ok vì họ nghĩ có nhãn hiệu in ấn đàng hoàng là chắc ăn hơn home made! Đúng là máy móc như Tây!
Your fridge was packed with jars whose labels never matched the food within.
You also saved every jar to store pickled stuff.

17. Bạn chỉ có tô chén. Không có dĩa.
NVT: Tôi không rõ ý nghĩa đằng sau điểm này. Một bạn đọc chỉ ra rằng người Á châu chúng ta dùng tô/chén để ăn cơm, còn người Tây dùng dĩa.
You only had bowls. No plates.
Source: pzed

18. Máy rửa chén được dùng làm chỗ phơi khô.
NVT: Rửa xong, để cho khô luôn!
The dishwasher was used only as a drying rack.

19.  Trong những ngăn kép là khăn giấy, tách, dụng cụ nhà bếp, và những lọ xà phòng nhỏ được kì cóp từ các khách sạn.
NVT: Đúng là người Á châu có thói quen “sưu tầm” những đồ vệ sinh cá nhân từ khách sạn. Đại kị. Thiếu văn minh. Nhưng “phe ta” lại nghĩ rằng những đồ dùng đó đã được trả (qua tiền phòng) nên dù không dùng, họ vẫn sưu tầm đem về nhà dùng! Có lẽ là một nét văn hoá nhà nghèo, văn hoá làng xã.
In the drawers were free napkins, cups, utensils, and mini shampoo bottles your parents hoarded from hotels.
Also shower caps, though no one in your family has ever used one before.

20.  Những ngày thứ Bảy, bạn đi học tiếng mẹ đẻ. Chủ Nhật, bạn rèn luyện một dụng cụ hay nhạc khí. Ba của bạn rất “ấn tượng” nếu bạn cầm cây đàn guitar.
NVT: Là con cái trong gia đình người Việt ở nước ngoài thì không bao giờ được relax. Sau giờ học là … học tiếp. Hai ngày cuối tuần phải học tiếng Việt hay học một môn nhạc nào đó. Nhưng chơi thể thao thì “phe ta” không mặn mà mấy. Mà, đối với trường Tây thì môn thể thao rất quan trọng; học sinh mà không tham gia chơi thể thao có thể được đánh điểm thấp trong hồ sơ học bạ.
Saturdays, you studied your parents' native tongues. Sundays, you practiced an instrument. Your dad was rad if he let you pick the guitar.

21. Bạn bè của bạn lúc nào cũng ngạc nhiên tại sao ba má bạn cãi cọ nhau. Thật ra, đó là cách nói chuyện của họ.
NVT: Điều này hình như ứng dụng cho Tàu nhiều hơn là Ta.
Your friends were always wondering why your parents were arguing. That's just how they speak.

22.  Ai cũng là cô/dì hay cậu/chú/bác của bạn, nhưng bạn chẳng biết họ có thật sự là bà con với mình hay không. Ba má bạn xưng hô với nhau là “Ba”, “Má” thay vì dùng tên. Thật ra, bạn thậm chí không biết tên của những người lớn.
NVT: Đúng rồi. Tôi nghĩ chúng ta văn minh hơn Tây về mặt xưng hô. Chúng ta đoán tuổi người đối diện để tìm cách xưng hô cho thích hợp, chứ đâu thể xưng hô theo kiểu tên trống không như người Tây được. Ba má chúng ta thì quen gọi như là “Ba nó” hay “Má nó”, chứ có ai lại gọi tên.
Everyone was your aunt or uncle, but you had no idea if they were actually related to you.
Also your parents called each other Mom and Dad instead of their first names. In fact, you didn't even know adults had first names.

23. Bạn biết mùi sầu riêng nặng như thế nào.
NVT: Mùi thì nặng đó, nhưng ăn thì ngon không chê được.
You know what durians smell like.

24. Người ta lúc nào cũng giả định rằng bạn có liên hệ huyết thống với nhau: Lee/Chung/Nguyen/Hong/Kim
NVT: Hình như có thống kê cho thấy trên dưới 1/4 người Việt có họ Nguyễn. Người Hàn thì có Kim Lee; Tàu thì Wong, Wang, Chan, Lee. Nhớ có lần tôi và Nguyên đi dự hội nghị bên Mĩ, gặp một bà giáo sư Canada vốn ngưỡng mộ công trình của chúng tôi (vì chúng tôi kí tên chung trong các bài báo), đang đi trong đại sảnh rất đông người, bà kêu chúng tôi lại, chỉ vào Nguyên rồi hỏi tôi: Thằng này là Dr Nguyên phải không, nó là con hay cháu của mày hả? Chúng tôi cười bể bụng, rồi giải thích cho bà ấy biết là chẳng có liên hệ huyết thống gì cả, nó là học trò tôi.
People always assume that you're related to another Lee/Chung/Nguyen/Hong/Kim that they know.
Source: daves4

25.  Không có gì ngăn cản được các dì cô của bạn cố gắng dàn xếp để bạn có được những văn bằng từ các đại học danh giá.
NVT: Cả đại gia đình cố gắng làm tất cả để con cháu mình được vào các trường danh giá. Đó là một nét “văn hoá cộng đồng” rất ư đặc thù trong các gia đình Á châu.
27 Signs You Were Raised By Asian Immigrant Parents
Source: 

26.  Mỗi năm, nhân dịp đầu năm, bạn nhận được tiền lì xì trong bao thư màu đỏ.
NVT: Một nét văn hoá hơi lạ với người phương Tây, nhưng tôi lại thấy hay ở người Á châu.
Every year, you got money in red envelopes on New Year's.

27. Sau cùng: Ba má bạn dành tất cả những gì họ có cho bạn, mà không hề chi tiêu gì cho chính họ. Họ là những người trực tiếp biết được những rủi ro trong thế giới, và họ cảm thấy chưa bao giờ xong việc nếu bạn chưa ổn định và an toàn. Quần áo họ mặc là những trang phục có tuổi đời 20 năm, nhưng họ đưa bạn vào đại học. Bề ngoài, họ có thể cứng rắn, không bao giờ nói “Ba má thương con”, nhưng bạn biết rằng họ thương mình, và bạn vẫn thờ ơ, chẳng đổi thay gì cả. Cám ơn Ba Má!
NVT: Một câu kết tóm lược tất cả, và phản ảnh rất đúng về suy nghĩ của các bậc cha mẹ gốc Á châu.
Finally: Your parents gave you everything they had and spent nothing on themselves. They know firsthand the dangers of the world, and their work isn't done until they see you settled and safe.

Hà Nội - Phố

 

1. Bài thơ của Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đang trong giai đoạn cuối, khi sự khốc liệt và chịu đựng trên khắp xứ sở như đã đến mức tột cùng. Hủy diệt có thể dẫn đến sớm kết thúc cuộc chiến. Bài học về hai thành phố Nhật bản vẫn còn. Có lẽ trong quyết định rải thảm Hà Nội bằng pháo đài bay B52 có mối liên hệ này.

Hà Nội - thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít màu sắc rực rỡ. Cái sắc màu chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không.

Viết gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt, bài thơ của Phan Vũ không có tiếng bom rơi, không có nhà đổ, không có người chết. Chỉ có lời bình thản của những ngày bình an. Giữa sự sống và cái chết, bình thản là một chọn lựa.

2. Tuy phân ra nhiều chương, nhưng bài thơ như không có sự khác biệt giữa các chương. Tất cả là cảm xúc của tác giả về phố và người Hà Nội. Ba chữ "Ta còn em" được lặp nhiều lần, mở đầu cho nhiều khổ thơ. Đại từ "em" phải chăng có thể hiểu là phố Hà Nội, là người con gái nào đó ẩn hiện suốt bài thơ ? Tác giả, người ở lại trong thành phố bom rơi, như đã hóa thân. Ta còn em ... vì không muốn mất và không mất.

Bài thơ nhiều hình ảnh, từng chữ, từng câu được chắt lọc kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ điều làm bài thơ thật hay là những câu chữ chắt lọc rất đẹp ấy được viết thật giản dị. Giản dị như nói, như những lời người thân nhắn gửi. Và vì thế mà gửi gắm được tới người đọc, tới người đi xa.

3. Thơ có nhạc và nhạc có thơ. Hay vì bản nhạc đã thấm vào lòng mà đọc bài thơ luôn thấy ngân nga tiếng hát. Hay vì bài thơ ngọt ngào mà khi đọc lòng thường cất tiếng hát theo.

4. "Hà Nội - phố" có nhiều câu chữ, nhiều hình ảnh "đắt", gợi cảm xúc, gợi nhớ về những gì thật riêng của thành phố, những gì thật riêng của mỗi người. Đó là những lời tần ngần về "ngôi sao lẻ", "chiếc lá lạc", "mối tình hờ", "giàn thiên lý chết khô", "giọt sương nhòa nhòa bóng điện", tóc "xõa xõa bờ vai"...

Một chút nao nao, một chút bâng khuâng, một chút lung linh.

Về những căn nhà cũ của ba mươi sáu phố phường. Ở Hà Nội, chỉ những nhà đã xây cất từ thời Pháp mới có thang gác bằng gỗ, cũ lắm rồi

Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...

Về Hồ Tây mênh mông mà đứng đâu cũng thấy chiều tan trên mặt nước

Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội

Về những mái chùa xưa xiêu xiêu cùng năm tháng

Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại

Về tiếng chuông chiều nhà thờ quen thuộc

Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...

Về một cuộc sống còn nhiều vất vả, một thuở xa xưa đã hào hoa

Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát
Lanh canh ! lanh canh !

Về say đắm quên cả đất trời

Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha

Và khắc khoải của sự sáng tạo vốn không có bến bờ

Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở ...

5. Bài thơ thấp thoáng nét kiêu sa của người con gái

Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ ?

để rồi mọi gã trai Hà Nội si tình

Lặng lẽ theo em về phố ...

Nhưng nhiều hơn vẫn là những con người của cuộc sống hàng ngày bình dị, là "bà quán" "mê câu chuyện nàng Kiều", là "cô nàng" mắt "lúng liếng, đong đưa", là "những chàng trai say suốt mùa" ...

6. "Hà Nội - phố" có nhiều câu thơ lạ và đẹp. Lạ nhưng không cố tình làm lạ, và vì thế mà đẹp hơn.

Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ !

Người ta thường chỉ nói "xôn xao nỗi nhớ". Nhưng nhớ đã thành khổ là nhớ lắm. Thấy khổ vì người lạ thì chắc đã thầm mong nhiều. Khổ nhưng mong nên mới xôn xao.

Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ

Guốc gỗ mài mòn được đại lộ bao giờ ? Thuở ấy con gái Hà Nội hay đi guốc. Đôi guốc được tác giả hai lần nói đến trong bài thơ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Bỏ quên guốc bên ghế đá thì phải say sưa lắm, cũng say như "áo qua cầu gió bay".

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ

Hà Nội có nhiều làng trồng hoa, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà ... những làng quanh Hồ Tây. Đàn bà, con gái nhà trồng hoa cũng thường là người gánh hoa vào phố bán. Gánh hàng hoa Hà Nội đã đi vào văn học mấy chục năm trước. Gánh gồng là việc nặng, nào có thơ gì. Nhưng "gánh mùa thu" vào phố thì thật là đẹp, thật trân trọng và biết ơn.
Thơ ca hay nói đến Hà Nội với hoa lan, hoa sữa. Cây bàng lại thường đem cho tôi thật nhiều nỗi nhớ về tuổi thơ ở Hà Nội. Lũ trẻ con chúng tôi thường đi chọc hay ném những quả bàng chín vàng ăn ngọt lừ. Rồi hột bàng phơi khô đập lấy nhân ăn béo ngậy. Cây lá xứ mình xanh quanh năm, ít cây như cây bàng lá chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi rụng rồi chỉ còn những cành trơ trụi khẳng khiu run run trong gió bấc (mà tác giả bài hát "Hà Nội - phố" đã gọi là "cây bàng mồ côi mùa Đông")

Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ

Đấy là khi mùa Đông đến. Rồi mùa Đông đi qua mùa Xuân tới, khi trời Hà Nội hơi mưa phùn, hơi se se lạnh, cây cối trổ lộc, sẽ thật ấm lòng nhìn thấy cành cành xanh nõn lá non

Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình

Và mùa Xuân bỗng xôn xao khi qua đường chợt thoáng thấy tay trần con gái trong cửa sổ

Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung

7. "Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" ...

Tháng chạp năm 1972, sau hai năm đầu đại học ngành toán tôi đã trong quân đội và xa Hà Nội. Đêm đêm trong căn hầm bên bờ Thạch Hãn chúng tôi quây quanh chiếc đài bán dẫn nhỏ ngóng chờ giọng nói thân quen, "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Biết Hà Nội bị B52 đe dọa. Rồi những ngày bỗng không bắt được tín hiệu gì, mở máy chỉ thấy u u. Nhìn về trời đêm phương Bắc xa xăm mà lòng thắt lại ...

Hà Nội bé nhỏ đã qua gần một thế kỷ của những xung đột và chinh chiến, của những tàn phá và xây dựng, của những điều làm Hà Nội "đẹp và chưa đẹp". Trong những ngày khốc liệt ấy, cái "ta còn" trong bài thơ của Phan Vũ là tình yêu bình dị của cuộc sống Hà Nội. Mãi mãi vẫn còn !

Tùng Nguyên

 
 Hà Nội - Phố
Phan Vũ
  
                                                                                 Gửi những người Hà Nội đi xa...
1.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về...

2.
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...
Ta còn em một ngã ba vội vã,
Chiếc khăn quàng tím đỏ thoáng qua,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ...
Mỗi góc phố một trang tình sử...

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ.
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi.
Nhà thờ Cửa Bắc
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà.
Gã Trương Chi ôm ghita
Từng đêm
Hoá đá...
Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga...

5.
Em ơi! Hà Nội – phố!
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ.
Thằng bé thẫn thờ.
Tuổi thơ qua cuộc chơi,
Vội vã...
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó bâng khuâng,
Nhớ tuổi học trò...

6.
Ta còn em giàn thiên lý,
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt.
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...
Ta còn em tiếng ghita
Bập bùng tự sự
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua,
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo.
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ.
Trên nóc phố,
Mùa trăng không tỏ.
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...
Ta còn em bảy nốt cù cưa,
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
cô gái mặc áo đỏ venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Những mảnh vỡ trên thềm –
Beethoven và Sonate Ánh Trăng –
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả.
Một kiếp người,
Một phím đàn long...

9.
Ta còn em khuya phố,
Mênh mông,
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngọt.
Mắt cô nàng lúng liếng,
Đong đưa,
Những chàng trai say suốt cả mùa

10.
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố.
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện cuối ngày,
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày...

11.
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang theo hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già,
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...
Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông.
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ.
Dãy phố buồn..
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm,
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá.
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...
Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư,
Cành phượng vĩ là đà.
Chiều phai nắng,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...
Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió.
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ ?
Những bước chân tìm nhau vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai...

14.
Ta còn em cơn mưa rào
Đi nhanh qua phố.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn,
Trời Hà Nội hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

15.
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em một Hàng Đào,
Không bán đào.
Một Hàng Bạc,
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm,
Người đi xa trở về.
Căn nhà không biển số.
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ.
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ,
Điệp vàng rực rỡ.
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa.
Những gót son dập dìu đại lộ.
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa,
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Ngõ phố nào in dấu hài hoa...?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi.
Cuộc đời, có lẽ nào,
Là một thoáng
Bâng quơ...
Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã.
Ngựa, xe, võng, lọng,
Những hình nhân nuối tiếc vàng son.
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than...?

19.
Ta còn em nóc phố lô xô,
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa.
Con đường đá lát bao niên kỷ ?
Qua sông nhớ mẹ tuổi già...

20.
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ.
Một thời thịnh,
Một thời suy,
Hưng vong lẽ thường.
Người qua đó,
Hững hờ bài học sử..
Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ.
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.
Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự ?
Đám mây nào in bóng rồng bay?...

21.
Ta còn em tháng chạp,
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp,
Mùi hương dài theo phố.
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hoá vàng...

22.
Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em năm cửa ô –
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó –
Ba mươi sáu phố,
Bao nhiêu mảnh vỡ ?
Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhoè,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng...

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ,
Ô cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ...
Người nghệ sĩ lang thang
Hoài,
Trên phố.
Bống thấy mình không nhớ nổi con đường.
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

24.
Ta còn em những giọt sương,
Nhoè nhoè bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.
Cánh nhạn chao nghiêng chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy,
Cầm bằng như cánh chim bay...

25.
Em ơi! Hà Nội – phố!
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông...
Hà nội phố, hoa sữa.... góc nhỏ, bình yên...

(Tháng chạp, 1972)
 

Giáo dục nhân văn và nền giáo dục khai phóng



Sự ra đời và phát triển của giáo dục khai phóng trong lịch sử
Theo Connor, những bài viết sớm nhất về giáo dục khai phóng được bắt đầu tại Athens (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ 5, và có liên quan chặt chẽ đến phong trào dân chủ của xã hội Hy Lạp thời ấy. Cũng theo tác giả, một nền giáo dục khai phóng như nó được hiểu vào thời ấy có những đặc điểm như sau:
(1) gắn chặt với bối cảnh xã hội đương thời (cụ thể là thành Athens thời ấy);
(2) không nhấn mạnh kiến thức, mà nhấn mạnh các kỹ năng, cụ thể là kỹ năng nói trước công chúng (public speaking) cùng những kỹ năng trí tuệ khác như phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp, và nắm vững tâm lý của khán giả (audience psychology); và
(3) những kỹ năng mà giáo dục khai phóng cung cấp cho người học, đặc biệt là kỹ năng diễn thuyết (rhetorics), là nhằm vào việc giúp người học khả năng tham gia vào các hoạt động lãnh đạo chính trị (political leadership) thời ấy. Nói cách khác, giáo dục khai phóng chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là “giải phóng” con người bằng cách cung cấp cho người học những kỹ năng để có thể tham gia đầy đủ nhất vào một xã hội dân chủ với tư cách là một chủ thể độc lập và tự do.
Mục tiêu như vậy, nhưng thực hiện mục tiêu đó như thế nào? Trong bối cảnh của Hy Lạp thế kỷ thứ 5, các kỹ năng diễn thuyết, và cùng với nó là các kỹ năng tư duy, lập luận, phân tích, giải quyết vấn đề vv được xem là những kỹ năng cần thiết nhất, và vì thế nội dung giáo dục khai phóng thoạt tiên chỉ gồm có 3 môn: ngữ pháp (grammar), tu từ (rhetorics), và biện chứng (dialectic) – những ngành nghệ thuật (arts) hoặc nhân văn. Sau đó, cũng từ những đòi hỏi của thực tế cuộc sống, 4 môn học khác được thêm vào, đó là âm nhạc (harmony), số học (arithmatics), hình học (geometry), và thiên văn học (astronomy) – những kỹ năng được xem là cần thiết để giúp người học phát triển cá nhân, có kỹ năng tham gia vào xã hội và quản lý cuộc sống của chính mình ở mức cao nhất và hiệu quả nhất. Cần chú ý là trong 4 môn học được thêm vào sau này thì chỉ có âm nhạc là thuộc về nghệ thuật, còn 3 môn kia thuộc về khoa học.
Một điều cần nhấn mạnh là sự thiết thực của giáo dục khai phóng từ khởi thủy của nó. Mục đích của nền giáo dục khai phóng nguyên thủy vốn nhằm để giải quyết những vấn đề đang được đặt ra cho xã hội dân chủ đang hình thành, và cần có những con người phù hợp với xã hội lúc ấy. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay về mặt chính trị và xã hội, rất nhanh chóng các mục tiêu nguyên thủy của giáo dục khai phóng đã bị biến đổi. Mục tiêu của giáo dục khai phóng không còn tính thiết thực và gắn liền với xã hội như trước, mà gắn với những động cơ chính trị hoặc động cơ cá nhân và thực dụng. Nhiều môn học mới được giới tăng lữ thêm vào nhằm bảo vệ những thành tựu về tư tưởng và văn hóa của họ. Giáo dục khai phóng với sự nhấn mạnh vào ý thức công dân và khả năng tham gia xã hội của nó đã được cải biến thành “giáo dục toàn diện” nhằm mục tiêu đào tạo giai cấp thượng lưu. Nội dung học tập không còn gắn liền với thực tiễn xã hội, và người đi học cũng không có mục tiêu đạt được những kỹ năng thiết yếu cho việc tham gia vào một xã hội dân chủ, mà chỉ để được lọt vào giới thượng lưu, học như một công cụ thăng tiến về mặt xã hội hoặc nhằm đạt được những lợi ích về kinh tế của thời ấy.
Tất nhiên, một nền giáo dục như vậy cũng đem lại những lợi ích cho người học, nhưng nó rất xa với ý nghĩa nguyên thủy của giáo dục khai phóng. Và tuy không viết ra cụ thể, nhưng ta có thể hiểu Connor đã ngầm kết luận rằng với những thay đổi của lịch sử, khi vai trò của giai cấp thống trị thời ấy (chủ yếu là giới tăng lữ của nhà thờ Thiên chúa giáo) không còn nữa thì giá trị của một nền giáo dục theo định nghĩa của họ cũng phải trải qua nhiều thay đổi, hoặc chấp nhận sự suy giảm và thậm chí có thể hoàn toàn biến mất.

Giáo dục khai phóng ở Mỹ: Sự lập lại của lịch sử
Quay lại bối cảnh của xã hội Mỹ. Sự sụt giảm của các ngành nhân văn và khoa học ở một đất nước đã từ lâu hãnh diện với một truyền thống đạị học dựa trên nền tảng “giáo dục khai phóng” vững chắc phải chăng là một lời cảnh báo về sự thiếu phù hợp của các ngành này đối với những đòi hỏi của xã hội hôm nay?
Câu trả lời của Connor cho câu hỏi trên là một lời khẳng định. Theo ông, giáo dục khai phóng – hay chính xác hơn là ngành nhân văn – của Mỹ đã lập lại vết xe đổ của sự phát triển thiếu bền vững của giáo dục khai phóng từ khởi thủy qua sự phát triển rực rỡ rồi suy giảm ở Châu Âu. Ở thời kỳ đầu khi mới lập quốc, giáo dục đại học của Mỹ dựa trên cơ sở giáo dục khai phóng gắn rất chặt với sự phát triển xã hội và ý thức công dân, nhằm cung cấp những kỹ năng cần thiết cho các công dân để tham gia hiệu quả nhất vào việc xây dựng một xã hội mới trên một vùng đất mới.
Nhưng dần dà, mục tiêu của giáo dục khai phóng đã trở nên mơ hồ dần, và nội dung của nó thì ngành càng rộng ra, sự nhấn mạnh kỹ năng đã nhường bước cho sự nhấn mạnh nội dung, và người học thì học lấy kiến thức chỉ vì kiến thức (knowledge for knowledge’s sake, cách nói của người Việt là biết chỉ để mà biết). Và hậu quả là phản ứng của người học và của xã hội: sự lựa chọn của người học và sự thái độ của xã hội đối với khối ngành này ngày càng suy giảm, như những số liệu u ám đã đưa ở đầu bài viết.
Như vậy, giải pháp sẽ là gì, để cứu vãn khối ngành nhân văn – và thực ra, ta có thể nói giúp cho cả khối khoa học cơ bản nữa, vốn cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng không kém?
Tác giả Connor không đưa ra một câu trả lời cụ thể, mà ngược lại, lại đặt ra một loạt những câu hỏi. Theo ông, nếu chúng ta đồng ý rằng mục tiêu của giáo dục khai phóng (bao gồm cả khối ngành nhân văn lẫn khoa học cơ bản) là đem lại cho người học những kỹ năng để tồn tại và phát triển trong xã hội như những chủ thể tự do, thì chúng ta phải tự mình trả lời những câu hỏi sau đây:
 (1) Liệu các môn học mà chúng ta đang dạy ở đại học có chuẩn bị cho người học tham gia một cách có hiệu quả vào một xã hội đầy biến động và toàn cầu hóa như hiện nay chưa? Các ngành ngoại ngữ liệu có còn cần thiết như trước đây hay không nếu tiếng Anh hiện nay đã trở thành một ngôn ngữ toàn cầu, và thứ “ngoại ngữ” mà người ta thực sự cần chỉ là ngôn ngữ Java (một loại ngôn ngữ lập trình web)? Chúng ta đã nghĩ đến vai trò của ngành truyền thông (media) trong nội dung giảng dạy của khối ngành nhân văn hay chưa?

Giáo dục nhân văn liệu có còn chỗ đứng trong thế kỷ 21?
Không đưa ra giải pháp cụ thể để cứu các ngành nhân văn, nhưng Connor đã kết thúc một bài viết được bắt đầu khá u ám bằng những lời khẳng định mạnh mẽ: Hơn bao giờ hết, vai trò của khối ngành nhân văn trong thế kỷ 21 càng được khẳng định, nếu ta kiên trì với mục tiêu khởi thủy của giáo dục khai phóng, đó là cung cấp cho người học những kỹ năng của một con người tự do, hay có thể nói là kỹ năng tự giải phóng (the skills of freedom). Những kỹ năng mà khối ngành nhân văn giúp phát triển ở người học – khả năng đọc và hiểu các lập luận, cảnh giác đối với ngụy biện, tư duy logic, khả năng diễn đạt và thuyết phục, có những hiểu biết sâu sắc về con người và xã hội đương đại, kỹ năng phán đoán và giải quyết vấn đề – sự quan trọng và cần thiết của chúng đối với người học ngày nay là điều không còn gì để bàn cãi. Để góp phần phát triển xã hội với rất nhiều tiến bộ, nhưng cũng rất nhiều phát sinh vấn nạn mới của ngày hôm nay.
Vấn đề là làm sao để giúp người học phát triển được các kỹ năng căn bản ấy nhưng trong bối cảnh cụ thể của xã hội ngày nay? Rõ ràng là câu trả lời không thể đến chỉ từ những người trong ngành, hoặc thậm chí toàn bộ giới học giả và các nhà khoa học đang hoạt động trong các trường, viện, mà còn cần cả sự đóng góp tích cực của toàn xã hội nữa.
Đó cũng là ý kiến kết luận của Connor. Một kết luận không chỉ đúng cho nước Mỹ vào cuối thế kỷ trước, mà còn đúng cho cả Việt Nam của ngày hôm nay.
Còn các học giả của Việt Nam, và toàn xã hội nữa, chúng ta có định làm gì để cứu vãn sự suy giảm của khối ngành nhân văn ở VN, và giảm bớt những điểm 0 của môn Lịch sử như trong kỳ thi đại học vừa qua, hay chăng?
(GS Connor, Giám đốc Trung tâm Nhân văn quốc gia (The National Humanities Center) thuộc Viện Giáo dục khai phóng Hoa Kỳ (American Academy for Liberal Education).)

Theo "Giáo dục nhân văn trong thế kỷ 21" của Vũ Thị Phương Anh

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Từ phương cách tư duy ý thức hệ chuyển sang các hệ thống tri thức mở



Từ phương cách tư duy ý thức hệ chuyển sang các hệ thống tri thức mở là con đường để xã hội tiếp bước, một cách bình thản, sáng tạo, từ tốn, bao dung, nhưng dứt khoát.

Đêm dài trung cổ
Tất cả các xã hội trên thế giới đều đã từng được ninh nhừ trong các nồi hầm “đêm dài trung cổ”. Không cần phải giải thích dài dòng, nguyên tắc lớn nhất là mỗi con người của các xã hội đó không cần và không có quyền được có các suy nghĩ riêng về các cư xử tổ chức xã hội: hãy làm theo cái mà bề trên yêu cầu. Bề trên là tập tục, là giáo lý tôn giáo, là giáo chủ. Trong xã hội Á Đông xưa thì vua chúa thường đóng luôn vai giáo chủ này. Chỉ có một hệ ý thức đơn giản đóng vai trò uốn nắn cách nghĩ cho muôn dân.

Chuyển đoạn ý thức hệ
Với các tiến bộ về tinh thần, khoa học, công nghệ, các xã hội dần dà cựa mình. Con người hiểu dần ra giới tự nhiên và tìm cách khai thác, “chinh phục” các sức mạnh của tự nhiên. Nhưng con người chậm hiểu được nhất về chính bản thân mình, về tổ chức xã hội và tinh thần của mình, để rồi hẵng nói đến chuyện cải tiến chúng. Con người thường phải đi qua một giai đoạn đặc biệt như một hình thái khác chưa kết thúc của đêm dài trung cổ, giai đoạn chuyển mình mang tính ý thức hệ: người ta bắt đầu ý thức về hệ thống ý thức chính thống, nghi ngờ mặc cả với nó, nhưng chưa biết làm sao để vượt lên khỏi chính nó. Giai đoạn này dài hay ngắn tùy thuộc vào sức thức tỉnh, khả năng học hỏi, và năng lực tự tái tổ chức tiến hóa của các cộng đồng. Giai đoạn ý thức hệ này thường mang những đặc điểm như sau trong các ý thức cộng đồng:
- Một hệ thống cắt nghĩa giữ vai trò độc tôn. Hệ thống này hình thành tùy theo các điều kiện tôn giáo, văn hóa, lịch sử… mà có các hình hài khác nhau ở các cộng đồng khác nhau. Điểm chung là hệ thống này mang tính độc tôn, không dung dưỡng các hệ thống lý giải khác cùng tồn tại.
- Đức tin được đặt lên trên sự nghi ngờ. Các tư duy, các phán xét đặt lại các vấn đề đều bị xã hội coi như lạc đàn, phản xây dựng, làm hao mòn đức tin.
- Vùng cấm địa. Ngay cả những tư duy chấp nhận hệ thống chính thống cũng bị cấm động chạm đến những vấn đề thuộc về những vùng cấm địa.
- Đóng kín. Ngay cả những suy tư theo hệ thống chính thống cũng không được phép mở rộng các quan sát ra những hiện thực “bên ngoài kia”. Ví như hệ thống chính thống cho rằng “đạo Hồi phải là nền tảng của pháp luật» thì không ai có thể đặt vấn đề một nền pháp luật tồn tại bên ngoài đạo Hồi.
- Chân lý tuyệt đối. Một phức hợp các chân lý tuyệt đối thường được đăng quang, mọi suy nghĩ và thảo luận chỉ được phép đóng vai trò thuyết trình cho những chân lý ấy.
- Phi thời gian. “Tri thức” của hệ thống chủ đạo có tinh thần “một lần cho mãi mãi”, hướng dẫn mọi tìm hiểu, giải thích toàn bộ lịch sử, hôm qua, hôm nay, hôm mai, một cách bất chấp thời gian.
- Chống sợ hãi. Loại bỏ một cách mơ hồ sự sợ hãi trước mọi vùng chưa hiểu biết được. Hệ thống này đặt vấn đề bào chữa cho các quan sát của mình về thế giới trước khi tìm hiểu nó. Nó làm như mình có sẵn mọi câu trả lời cho những nỗi lo sợ triền miên của con người, từ như cái chết, sự mờ mịt về tương lai, cho đến sự lo lắng về thế giới rộng mở xung quanh, về những phiêu lưu mới sẽ phải trải qua trên đường đời…
- Quyền lực tuyệt đối. Thực chất quyền lợi của nhóm lợi ích thắng thế được trình bày thành lợi ích chung bất khả thương nghị.
- Bất chấp mâu thuẫn. Mọi mâu thuẫn, bất kể thuộc lĩnh vực nào, đều được dung nạp và tái giải thích gắng gượng trong hệ thống này. Khi đời sống phức tạp lên, hệ thống này tích nạp mọi điều vô lý và thúc đẩy sự rối loạn suy tư trong xã hội.
- Vô chính phủ. Như một hệ quả cực đoan, xã hội hình thành song song trong nó tính vô trật tự, “vô chính phủ” trong nhận thức, ngay cả trong giới cầm chịch.
- Tính thủ pháp. Tính chất này ngày càng được đề cao trong thực tế để giải quyết các công việc theo tính vụ việc cần kíp tức thì, do bản thân hệ thống này khó lòng giải quyết được việc lý giải ổn thỏa.
- Tuyên truyền lấn át thông tin. Nhiều khi người ta phải thông qua các tuyên truyền để đoán ra các thông tin, đoán ra cái gì đó mới xảy ra. Xã hội đồn đoán phát triển thay thế cho xã hội được thông tin, mê tín thay thế sự phân tích lý tính.
- Ngôn ngữ chết cứng là điều thường nhận thấy. Khi hệ thống không đảm đương được tính thuyết phục nữa, nó đành chỉ quan tâm đến mục đích ngắn nhất theo cách khiên cưỡng bất chấp. Phép ngụy biện khi này được lạm dụng dễ dãi.
- Khoa học luận trở nên sáo ngữ hàn lâm, và được sử dụng khắp nơi để trang trí cho sự thiếu hiểu biết, mang tính lấn lướt, lạm niệm.
- Thái độ thù địch với các thay đổi thường được thể hiện thường trực, thay vì tinh thần sẵn sàng vươn tới tìm hiểu những cơ hội mới. Tính phải đạo và sự vâng lời được đề lên thành chuẩn mực.
- Yếu tố lý trí tập thể được đẩy lên thành phản xạ. Xúc cảm được đặt ở vị trí thống trị đối với phân tích lý tính.
- Tính nhận thức cắt rời lịch sử được kích hoạt, làm như người ta đang sống và suy nghĩ, hành động trong một cuộc đảo lộn tẩy não vĩ đại về nhận thức. Các yếu tố của giáo lý vừa được đánh bóng, vừa được hiển nhiên hóa, nhàm hóa, phổ thông hóa.
- Cuối cùng sự tôn thờ giả-đồng-thuận được đẩy lên thành thiêng liêng.

Hội nhập toàn cầu: các hệ thống hiểu biết mở, phi độc đoán
Xã hội phát triển, cởi mở, hội nhập toàn cầu, tự do hóa các lưu chuyển vốn, công nghệ, nhân lực… đưa con người đến một thực tế mới. Đời sống trở nên năng động, phong phú, đa dạng, phức hợp.
Con người dần từ bỏ ảo ảnh rằng mình luôn luôn đã là người biết hết mọi chuyện, đã nhận rõ tương lai rốt cùng, và luôn luôn thắng cuộc.
Con người học chung sống, học hợp tác, giữa mọi cá nhân và các tổ chức, ở phạm vi trong nước và toàn cầu. Khối tri thức của nhân loại chui vào trong từng máy tính, trong từng điện thoại thông minh của từng con người, và mỗi con người đó lại có thể đang dịch chuyển trong các không gian công việc hay đời sống của nền chính trị-kinh tế-xã hội của toàn cầu len lỏi khắp ngóc ngách mọi nơi.
Con người cùng xã hội của anh ta buộc phải trở nên dũng cảm hơn, và khiêm tốn hơn. Anh ta cùng xã hội phải học cởi mở, học suy nghĩ phi độc đoán, học tích hợp các hệ thống hiểu biết cần thiết, để thành công công việc trong các cộng đồng phức hợp, và để có được hạnh phúc của đời sống cá nhân và hạnh phúc của đời sống cộng đồng.

Theo Hoàng Hồng Minh

Chiến tranh



















Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang Biên Hòa