Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Giữ ký ức

Giữ ký ức

GS Ngô Bảo Châu
Một người bạn Pháp, sống ở Đức từ hơn ba chục năm nay, nói với tôi về thái độ dũng cảm của người Đức khi phải đối mặt với ký ức đen tối của dân tộc mình, so sánh với sự thiếu dũng cảm của người Pháp. Bà nói rằng, ở Essen nơi bà sống, vùng bắc sông Ranh, học sinh trung học được giao việc, như bài tập về nhà, đi điều tra trong khu phố nơi mình đang sống đã từng có những gia đình Do thái nào sinh sống, họ đã bị Đức quốc xã bắt đi như thế nào, họ đã chết ở trại tập trung như thế nào. Ký ức về một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại cần được làm sống lại, không chỉ qua những trang sách lịch sử, mà cả bởi những ngôi nhà, những khu phố thân quen. Cần phải mở toang những cánh cửa cứ muốn khép lên số phận những con người đã từng bị đối xử như súc vật.
Ký ức đen tối của dân tộc là một nỗi đau qua lớn đối với tâm hồn trẻ thơ. Một đứa trẻ còn ở tuổi cắp sách tới trường không có trách nhiệm với những tội ác mà ông cha nó đã phạm. Liệu có cần thiết hay không khuấy lên cái nỗi đau đó, làm sống lại cái nỗi đau đó qua từng năm tháng, qua từng thế hệ. Tại sao người lớn muốn làm đau trẻ con với ký ức về tội ác xảy ra nửa thế kỷ trước khi chúng ra đời. Tại sao trẻ con không được quyền sống một cuộc sống hồn nhiên, tin tưởng rằng đất nước mình luôn luôn tươi đẹp, cha ông mình không làm điều gì mà mình phải cảm thấy xấu hổ.
Với tôi, lý do ở đây là dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành, người Đức muốn con mình trở thành thành viên của một dân tộc trưởng thành. Mỗi người thừa kế từ cha ông mình tài sản hữu hình là nhà cửa, đường sá, tài sản vô hình là thể chế xã hội, là nền tảng đạo đức, tài sản tâm hồn là ký ức cả vinh quang và nhục nhã. Cái làm nên lòng yêu nước chính là việc cùng thừa kế, cùng chia sẻ những tài sản đó, có cái hữu hình, cái vô hình, có cái vinh quang và cái nhục nhã.  Tại sao không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào? Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi.
Ông bà ngoại tôi sinh ra ở làng Bạch Mai, người ở giữa làng, người ở cuối làng, gần ngã tư Trung Hiền. Có lần tôi hỏi bà ngoại, làm sao mà ông bà, người ở giữa làng, người ở cuối làng lại gặp được nhau. Ông ngoại tôi đã mất, bà ngoại tôi đã lớn tuổi nên cơ hội cho tôi tìm lại ký ức của mình không còn nhiều nữa. Bà tôi bảo, hôm ấy ông đứng ở gốc bàng dưới phố mà ngửa cổ gọi vọng lên: “Cô Hằng ơi, cô Hằng ơi”. Được một lúc thì cụ thân sinh ra bà ngoại tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ mắng: “Cái anh kia, sao cứ đứng giữa đường mà réo người ta thế. Anh gọi con tôi có việc gì?”.Ông tôi trả lời: “Dạ, con chỉ rủ cô Hằng đi dạy bình dân học vụ thôi ạ.” Vậy là ông bà ngoại tôi quen nhau khi đi dạy bình dân học vụ.
Tôi đưa bà ngoại về phố Bạch Mai với hy vọng tìm lại được gốc bàng nơi ông ngoại tôi đứng gọi bà ngoại tôi ngày xưa. Bà tôi cũng chỉ nhớ mang máng số nhà và dáng dấp của ngôi nhà nên chúng tôi phải vòng đi vòng lại mấy lần mà chưa thấy. May mà có cây bàng. Dọc phố Bạch Mai vốn trồng toàn bàng. Cái không may nhưng lại là may trong trường hợp của tôi là số bàng còn sống sót cũng không nhiều. Cái nhà giống nhất với những gì bà tôi còn nhớ bây giờ là một hiệu cầm đồ. Cả dãy phố đó còn lại một hai cây bàng nhưng có cả chục hiệu cầm đồ. Cái nào cũng giống cái nào, một đống máy vi tĩnh cũ nát, ba bốn cái xe máy lấm bùn. Tuy là trưa hè, nhưng người ta vẫn ngồi thành vòng trên hè phố quanh cỗ bài tá lả. Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch. Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ. Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi.
 http://thichhoctoan.net/2013/01/16/giu-ky-uc/

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Cafe trưa Hà Lụi

 
Hôm nay buổi trưa, trời vẫn lạnh nhưng có nắng. 
Dân văn phòng túa ra đi ăn cơm, như những đàn bươm bướm. Xanh đỏ sặc sỡ, váy áo giày tây caravat bóng lộn sang trọng. Nguyễn Chí Thanh - phố cao ốc những quán cà phê. Con đường đắt nhất thế giới và là đại lộ quê nhất thế giới. Đại lộ quê với những con thiêu thân xanh đỏ đầy mãn nguyện hớn hở. Tôi ngồi đây nhìn thiên hạ trôi qua trôi qua. Như những đám bèo phù du. Tất cả rồi cũng sẽ trôi qua. Chúng ta rồi sẽ trôi qua, sau 50 năm nữa. Sẽ có những lứa thiêu thân khác, nhưng có thể sẽ khá hơn bây giờ. 
Đàn ông bước vào quán là gếch chân gọi ngay đánh giày. Ngày nào cũng đánh giày, ít nhất một lần, nếu không nói là hai lần. Mười ngàn đồng để mua lấy mười lăm phút cảm giác trọc phú. Ê mày, ê cu đâu, đánh cho sạch vào nhé, cẩn thận không làm xước của bố, bố đéo giả tiền lại còn phạt mày. Vâng vâng, đại ka yên tâm, gì chứ ông anh thì em phải đánh cẩn thận. Những lời nói ngọt nhạt ỡm ờ đưa đẩy đùa giỡn thô bỉ như rác rến xoáy vào tai tôi. Những âm thanh bẩn. Đàn bà vào quán í ới gọi cơm đĩa, ỏn ẻn nào là em không ăn thịt, chị cho nhiều rau tươi, nào là hồi này tao chỉ uống sữa mà sao vẫn mập chúng mày ạ, tuần sau chắc phải đi mua cái máy tập chạy về nhà cho bớt mỡ. Rẻ lắm có 30 triệu thôi. Eo ôi chị ơi để hôm nào em dắt chị lên trên phòng tập thể hình khách sạn XYZ, vừa bơi vừa tập thể dục lại có massage hút mỡ luôn, rẻ lắm có 1 triệu đồng/ngày. Úi giời ơi hôm nào mày dắt chị lên nhé, tiền không thành vấn đề. Cứ nhao nhao lên như thế. Nghe sặc mùi khoe tiền, như những con công đang cố gắng thi nhau xòe đuôi con nào đẹp hơn giàu hơn. Rồi sau khi ăn xong nam thanh nữ tú ngồi xúm lại uống cà phê hút thuốc lá cắn hạt dưa chửi sếp và nói xấu đồng nghiệp vắng mặt. Đến tối lại ăn mặc đẹp lượn ra Nhà Thờ Lớn uống trà đá đường năm ngàn một ly cắn hạt dưa. Mẹ kiếp thú chơi của bọn đú đởn Hà Lội. Ở quê anh trà đá là cái thứ người ta cho không. Muốn sành điệu thì vào cà phê máy lạnh Windows, vào kem Bạch Đằng, chơi hai trăm ngàn một ly thằng hầu cúi gập người bên cạnh cho nó xứng đáng là chơi. Uống xong lại bo cho hai mươi ngàn. 
Tôi cười khẩy cái thú ăn chơi của bọn đú. Đôi lúc tôi cũng thích những cô gái, nhưng là những cô ngồi một mình lặng lẽ trong đám đông, đeo kính trắng, mảnh mai tóc ngắn đầy cá tính và không nói gì nhiều. Tôi có thể ngồi trong góc quán và ngắm cô ấy hàng giờ, chơi trò đoán tính cách và suy nghĩ. Chỉ thế thôi. Còn cái đàn bướm bướm đực cái kia... Mẹ kiếp chúng. Nói nhiều, phô trương và hôi thối bên dưới vẻ hào nhoáng, kể cả theo nghĩa bóng và nghĩa đen. Nhiều đứa đã đến với tôi, không đáng để nhớ, và giờ đây tôi ngồi đánh số cho chúng, như những con lợn cái. Chúng không đáng để có một cái tên với tôi...
.........
 Tôi đứng lên đi về. Xong buổi cà phê trưa. Các con bướm thiêu thân xanh đỏ cùng các con lợn đực giày bóng lộn cũng đã xong màn tinh tướng buổi trưa, quay về sở làm. Ngày mai, tôi lại ra đây và lại gặp chúng nó. Tôi có thể thuộc lòng mặt chúng và kiểu nói chuyện của từng đứa. Vẫn chỉ là như thế, không có gì bất ngờ. Cuộc đời buồn chán nhất khi mọi sự cứ đều đều đều đều. Ngày mai, có thể tôi sẽ đổi sang một cái quán nào khác, và lại tiếp tục khảo sát những đứa ở đấy. Không hy vọng gì chúng khác, phần lớn vẫn là như thế, cả cái Hà Lội này. Nhưng ít ra, tôi còn có thể nhìn thấy một đường phố khác, một khung cảnh khác. Chỉ là tạm thời. Chủ yếu vẫn là như thế. Không có hy vọng gì. Không còn hy vọng gì cả. Tất cả chúng ta đều dần mủn nát và hôi thối đi, bởi những lối mòn và thói quen. 
Nhưng đôi khi bạn nên trồng cây chuối để nhìn cuộc sống theo một cách ngược lại. Trong khi chưa thể thoát ra.
Trích "Những con số buồn tởm" - Trelangblogspotcom.blogspot.com.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Đâu là bản sắc văn hóa Việt?

Hôm trước có bạn làm kinh doanh hỏi: "Đâu là bản sắc văn hoá Việt Nam?". Mình suy nghĩ hơn một tháng và lục hết tất cả tàng kinh cát để đi tìm bản chất của câu hỏi này. Hôm nay thấy tạm ổn, nên viết bài để trả lời. Một bài trả lời đáng giá với một chai XO, như lời hứa của bạn ấy. Là vì kinh doanh mà không nắm rõ bản chất văn hoá của một dân tộc, lại đem chuông đi đánh xứ người, khác nào đánh vào khoảng không vô tận. Nên văn hoá không chỉ quyết định sự phát triển, mà văn hoá còn rất quan trọng trong tất cả các mặt của cuộc sống hiện đại.

Đứng về mặt học thuật, văn hoá thế giới chia làm hai loại hình văn hoá du mục và nông nghiệp dựa trên cơ sở phân loại duy lý hay duy tình trong cách tư duy và hành động của cộng đồng dân. Cũng trên cơ sở phân loại ấy, người ta thấy rằng không có một nền văn hoá nào là đồng nhất duy tình hay duy lý. Mà đã có sự pha trộn văn hoá trong quá trình giao lưu văn hoá của các nền văn minh khác nhau thông qua quá trình di dân, chiếm cứ của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Cho nên để nhìn ra bản sắc văn hoá của một dân tộc là một điều khó. Dù khó, nhưng nếu dựa trên duy vật luận: "Từ thực tiển khách quan đi vào tư duy trừu tượng. Rồi từ tư duy trừu tượng đem áp dụng vào thực tiển khách quan. Đó là con đường nhận thức chân lý, chân lý khách quan". Chúng ta có thể nhìn thấy được đâu là bản sác văn hoá Việt.

Trên khái niệm văn hoá là thói ăn, nết ở, thuần phong mỹ tục được hình thành và phát triển định hình nên tư duy và hành động của một cộng đồng dân sống trong một vùng địa lý dưới những hình thái xã hội khác nhau. Có thể nhận ra hai loại bản sắc văn hoá Việt rõ ràng, thứ nhất là bản sắc đặc thù của văn hoá Việt hình thành do quá trình lịch sử. Thứ hai là, bản văn văn hoá Việt do ảnh hưởng của sự giao thoa văn hoá thông qua lịch sử dân tộc Việt. Chúng ta thử đi vào từng phần của bản sắc văn hoá Việt.

Ở phần thứ nhất, nét đặc thù đầu tiên của văn hoá Việt là chiến tranh dựng và giữ nước. Hơn một nửa thời gian lịch sử dân tộc Việt là một lịch sử chiến tranh, ngày nay ai cũng rõ. Chiến tranh của người Việt có 2 đặc thù: giữ nước và mở cõi. Từ đó, cách tư duy và hành động của người Việt trông bề ngoài là vẻ hiền lành, chất phát, có nụ cười luôn trên môi đi tiếp xúc. Nhưng trong bản chất là một sự bùng nổ những lề thói có bản chất chiến tranh giữ và cơi nới. Ngày này, từ trong khẩu hiệu của tấm băng rôn trong các lễ hội cũng có không khí chiến tranh, ví dụ như: "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Học cái gì tốt đẹp hơn mà lại phải học chiến đấu? Dĩ nhiên chữ chiến đâu ở đây, không phải ý nói là chiến tranh, mà ý muốn nói sự phấn đấu. Nhưng thay vì sự phấn đấu thì văn hoá bản sắc của chiến tranh làm cho người ta hình tượng hoá sự phấn đấu lên thành từ chiến đấu. 

Chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều ví dụ cụ thể về bản sắc văn hoá chiến tranh này của dân Việt trong đời sống hằng ngày. Như lái xe ra đường không theo qui định, mà mạnh ai nấy lấn đường làm ách tắc giao thông. Như nhà đã có lề, đường đã có lề, nhưng buôn bán luôn cơi nới ra khỏi lề, xây nhà vẫn thêm hàng rào hay một chút diện tích để lấn lề, v.v...

Đặc biệt, bản chất của chiến tranh mở cõi là thuộc về nền văn hoá du mục, nhưng nó lại được đặt trong một cộng đồng có số đông sống theo văn hoá nông nghiệp. Nên nó có những mâu thuẩn nội tại xung đột trong cách ứng xử văn hoá sống có tính triệt tiêu hơn là thúc đẩy để phát triển đi lên. Vì duy tình không giải quyết thấu đáo vấn đề, mà chỉ theo cảm tính. Trong khi duy lý thì triệt để và sắt máu. Chính vì thế mới có câu chuyện 3 người Việt cùng làm việc thua 3 người Nhật. Và vì thế mới có câu chuyện đám đông vô thức của người Việt rất dễ định hướng đi theo một chiều tư tưởng, dù tư tưởng ấy là cực đoan và phi lý.

Nếu các nhà kinh doanh nắm bắt được bản sắc văn hoá này trong tâm hồn người Việt, họ rất dễ dàng giao thương và chiếm thế thượng phong trong công việc, dù mưu đồ của họ là không trong sáng.

Vấn đề thứ hai trong bản sắc đặc thù văn hoá Việt là, thờ cúng tổ tiên. Có lẽ không ở nơi đâu trong văn hoá nhân loại việc thờ cúng tổ tiên được nâng lên thành một đạo sống làm người như dân tộc Việt. Đến một gia đình bất kỳ, nếu khéo léo, đối tác xin phép thắp cây nhang lên bàn thờ tổ tiên là đánh đúng vào cái văn hoá duy tình trong giao tiếp. Qua nhiều thời đại, các chính khách cũng tận dụng nét đặc thù văn hoá này để định hướng lòng dân. Câu chuyện con rùa hồ Gươm, hay lễ hội đền Trần, v.v... cũng là một biểu hiện cụ thể cho nét văn hoá đặc thù này.

Vấn đề thứ ba của bản sắc đặc thù văn hoá Việt là, văn hoá ẩm thực. Vì quá trình lịch sử mở cõi, lấy ẩm thực làm vị thuốc để chống chọi với bệnh tật ở chốn rừng thiêng nước độc. Nên ẩm thực Việt rất khoa học về mặt dinh dưỡng học lâm sàng: "Ăn là thuốc, ăn đúng là trị bệnh, ăn sai là rước bệnh vào mình". Hãy nhìn cách ăn uống của bác nông dân rất khoa học: sáng sớm trước khi ra đồng ăn thật no, nhưđổ xăng cho xe chuẩn bị đi làm, ăn trưa nhiều để làm việc tiếp, ăn tối vừa phải cho một đêm nghỉ ngơi. Trong các mốn ăn Việt cũng nhiều  tinh bột, rau xanh và chất đạm, nhưng mỡ thì vừa phải giống như một tháp dinh dưỡng trong y học. Ngoài ra, rau xanh Việt không thiếu các vị thuốc như: giá cường dương, rau răm hãm dương, v.v... Các món ăn cũng phối hợp rất khoa học triết lý phương Đông: ăn hột vịt lộn phải ăn với rau răm và muối tiêu. Để liệt kê hết tất cả khoa học ẩm thực Việt thì rất nhiều.

Ở phần còn lại, những bản sắc văn hoá khác, không là đặc thù của người Việt mà là, do sự giao lưu văn hoá mà thành. Trong giao lưu văn hoá ấy có sự giao thoa, sự sao chép nguyên bản rất đa dạng. Ví như, nho giáo với tam cương, ngũ luân một thời gian dài nghìn năm sao y bản chính. Phật giáo là giao thoa văn hoá từ nguyên gốc Ấn độ và nho giáo của Trung Hoa mà thành. Nên phật giáo Việt Nam đỉnh cao được xem là thiền tông, nhưng nhuốm màu mật tông trong thực hành trong cuộc sống.

Tất cả những sự giao thoa và sao y ấy đều có cùng mục đích là phục vụ cho lịch sử hình thành và phát triển địa lý, giống nòi của dân tộc Việt từ Thuỷ Chân Lạp để có bờ cõi như ngày hôm nay. Nó giúp cho tránh được sự đồng hoá của người Trung Hoa phương Bắc mà tạo ra sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt, không bị mất đi, mà ngày càng phát triển về phương Nam.

Trong tất cả những ưu điểm từ giao lưu văn hoá ấy, có một ưu điểm nổi bật của dân Việt là rất biết sống hợp thời khi lịch sử đòi hỏi. Sự thức thời ấy thể hiện qua 2 lần thay đổi chữ viết để thoát Á: lần đầu là thời nhà Tây Sơn, nhờ có La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp kế thừa và phát triển chữ Nôm thay thế cho chữ Hán. Và thời thuộc Pháp có các nhà văn hoá Tự Lực Văn Đoàn đã tiếp sức các vị Linh mục làm ra chữ quốc ngữ ngày nay theo mẫu tự La Tinh cho một ngôn ngữ đơn âm tiết. Một nét văn hoá hiếm thấy ở Chấu Á.

Trong những nhược điểm của giao lưu văn hoá để lại cho dân Việt, thì nhược điểm lớn nhất là sức đấu tranh nội tại của văn hoá du mục duy lý không thắng được văn hoá nông nghiệp duy tình. Nên văn hoá sống dân Việt làm lùn đi dân trí khi đứng trước một sự vật hiện tượng, không được nhìn duy lý triệt để mà, mà được nhìn bằng tư duy duy tình cảm tính nửa vời. Cái nửa vời ấy thể hiện từ tư duy đến hành động thông qua hình thái xã hội qua bao đời.

Để có được một dân tộc và đất nước hùng cường, không gì khác hơn người Việt cần hiểu biết văn hoá đặc thù của mình ở đâu, và kết quả của giao lưu văn hoá ở đâu? Đâu là tinh hoa của 2 miền văn hoá và biết sửa mình. Nếu không lịch sử sẽ lập lại những mảng tối cho đất nước và dân tộc lắm khổ nhục này.
Nguồn:  http://bshohai.blogspot.gr/2011/04/au-la-ban-sac-van-hoa-viet.html