Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Năm Tỵ nói chuyện rắn: Biểu tượng rắn trong các nền văn hóa



Rắn là loài sinh vật có mặt nhiều nơi trên trái đất. Trong một số nền văn hoá, rắn là một siêu biểu tượng, biểu trưng cho sự sống (tính đa giá trị và mâu thuẫn tự thân): cho vật tổ (totem) của tộc người, cho nước và lửa, cho linh hồn và nhục dục, huỷ diệt và tái sinh, sự linh hoạt và thụ động, quyết đoán và đa nghi… Chính nét đặc trưng sinh học của loài rắn đã góp phần quyết định ý nghĩa biểu tượng của nó: cách di chuyển uyển chuyển và sự siết chặt trong động tác bắt mồi khiến nó biểu trưng cho sức mạnh; sự lột da biểu trưng cho sự tái sinh; nọc độc của rắn có liên hệ đến đặc tính xấu; tính lưỡng giới tượng trưng cho khởi nguồn của vũ trụ; thân hình rắn là một đường ngoằn ngoèo không đầu không đuôi kéo dài vô tận hoặc là một đường tròn thể hiện tính luân hồi của sống và chết. 


Ở Ai Cập, rắn là biểu tượng của thánh thần, sự thông thái và khả năng tiên tri về tương lai. Rắn được coi là thần hộ mệnh cho các bậc vua chúa nên vương miện của các pha-ra-ông thường chạm trổ hình rắn.

Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp. Ở đây, rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.


 
Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược để cứu con rắn đã chết. Từ đó ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Esculape được xem như thần bảo hộ của các thầy thuốc. Để khắc họa thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh. Ngoài ra, rắn thường lột da để lớn và để loại bỏ các ký sinh trùng trên da nên rắn cũng là biểu trưng của sự tái sinh, hồi phục, tuần hoàn luân hồi và bất tử.

 
Ấn Độ được xem là một nền văn hoá lớn ở phương Đông, là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng và dĩ nhiên đó là nơi xuất phát của nhiều biểu tượng tín ngưỡng và tâm linh. Từ Ấn Độ, các tôn giáo và biểu tượng tâm linh được truyền nhập vào văn hoá bản địa của các quốc gia khác, đặc biệt là văn hoá một số quốc gia Đông Nam Á, làm nên bản sắc của các quốc gia. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là con rắn lớn, cũng là tên gọi của vị thần rắn trong Ấn Độ giáo (Hindouisme). Rắn Naga được gắn với hai vị thần quan trọng là Vishnu và Shiva, với ý nghĩa cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và huỷ diệt, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định của thế giới.
Đối với người Hindu, rắn được coi như thần thánh. Trong lễ hội, người ta chia gạo cho rắn với hy vọng tai ương sẽ qua đi và những điều tốt đẹp sẽ tới. Tín ngưỡng này còn được thể hiện trong điêu khắc, với hình ảnh các vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn ngang mình. Trên các mái, vách của các ngôi đền, hang động cổ, người ta cũng tìm thấy những hình ảnh rắn được chạm khắc

 

Người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn Naga (tiếng Khmer gọi là Niệk) chín đầu, là biểu tượng cho thần đất và thần nước, giúp ích cho cuộc sống con người. Về sau, dưới những ảnh hưởng của đạo Bà la môn, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc của các vị vua lập quốc. Truyền thuyết của người Khmer cho rằng vị vua lập quốc là con của một người Bà la môn (từ Ấn Độ đến vùng đất người Khmer bằng thuyền) tên là Kaudinya và con gái thần rắn Naga tên là Nagini. Người Khmer tin rằng: “chính Kaudinya đã truyền cho họ bí quyết nghề trồng lúa và công việc thuỷ lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Chúng còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thuỷ nông của người Khmer cổ”. Trong kiến trúc nhiều ngôi đền cổ của người Khmer, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khmer có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hoả hoạn và bảo vệ đạo Phật

Trong văn hoá dân gian Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo (trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer Nam Bộ) với các vị vua khai quốc. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thuỷ thần.
Việc xem rắn như là thuỷ thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp và tương đối phổ biến ở nhiều vùng, cho đến ngày nay vẫn còn chứng tích. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống…. “Người Mường ở Thanh Hoá cũng có tục thờ rắn, ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thông Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. (…) Đình làng Phú Bài, xã Thuỷ Phù, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế cũng lập bài vị thờ hai vị thần rắn là ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hoà, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thuỷ thần. (…) Tại xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình rắn, tại đây vẫn lưu truyền đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành”.
Cùng với việc thờ thần rắn ông Dài và ông Cụt là truyện kể dân gian với nhiều dị bản với hình ảnh con rắn bị bố mẹ (có khi là bố mẹ nuôi) chém nhầm đứt đuôi, có khi người phụ nữ đẻ ra quả trứng rồi nở ra con rắn trong các truyện kể của các dân tộc Tày, Thái, Mường. Người Việt vùng Nghệ An có truyền thuyết về rắn ông Dài ông Cụt gắn liền với một cái giếng cổ trên đồi cao, sâu chừng một mét nhưng không bao giờ cạn. Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nghèo lấy nhau mãi mới sinh được một cặp rắn. Hai con rắn rất tinh nghịch và thường hay theo người cha ra đồng. Một hôm, sau trận mưa to, người cha ra đồng be bờ ngăn nước và hai con rắn theo. Rắn nghịch ngợm dùng đuôi đục lỗ cho nước chảy. Người cha vô tình chặt đứt đuôi của một con. Rắn nghĩ cha cố ý hại mình nên tức dận bỏ đi. Từ đó người dân gọi con rắn bị đứt đuôi là ông Cụt và con còn lại là ông Dài. Ông Cụt bị đứt đuôi, máu ra nhiều nên khát nước. Lúc đi qua vùng này, phát hiện thấy mạch nước liền ủi cho nước trào lên để uống và dưỡng thương đồng thời tạo nên một cái giếng được dân gian gọi là giếng ông Cụt. Người dân tôn tạo giếng thành nơi thờ phượng ông Dài và ông Cụt. Ngày giỗ mẹ của ông Dài và ông Cụt, hai ông thường về báo mộng cho dân làng tránh được những trận cuồng phong. Nếu với người Thái, rắn tượng trưng cho âm, cho thần mẹ thì với người Việt “rắn lại là dương, rắn là ông Dài - ông Cụt, là Bố Rồng.
Biểu tượng rắn thuỷ thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuật gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Hình tượng con Chằn (một biến thể của rắn) trong văn hoá người Khmer Nam Bộ lại thể hiện cả hai mặt tốt và xấu: có vai trò bảo vệ con người nhưng đồng thời cũng đại diện cho tính ác, phá hoại cuộc sống bình yên của con người. Dù rắn có mang thuộc tính nào đi chăng nữa thì với cư dân vẫn một lòng kính trọng và thờ phượng.
Có thể thấy, trong truyện kể dân gian của người Việt, ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, hình tượng rắn thể hiện trong nhóm các truyền thuyết về thuỷ thần (nhóm truyện Ông Cộc ông Dài và người anh hùng rắn); ở miền trung và Tây Nguyên hình tượng rắn thể hiện trong các truyện kể về người dũng sĩ diệt rắn ác cứu người đẹp hay hôn nhân giữa người và rắn (rắn lấy người, rắn hoá người như chuyện Chàng Rắn của người Gia Rai); trong các truyện kể ở Nam Bộ hình tượng rắn gắn với ông thầy trị rắn, nơi chốn linh thiêng và loài rắn khổng lồ. Nhìn chung, trong câu chuyện dân gian rắn có quan hệ với con người qua qua 3 dạng thức: rắn là bố của người, chồng của người và con nuôi của người.
(Linh tinh trên mạng)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét