Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Các chốn chùa, đền, miếu, phủ chật người nhưng vẫn đói niềm tin chân thật

Nguyễn Quốc Tuấn

Một chủ nhật với công việc buổi sáng và buổi chiều không thấy nắng.
Sáng nay có cuộc họp về dự án tu bổ, tôn tạo chùa Dạm, Bắc Ninh. Mình có phát biểu về một số chuyện xung quanh khai quật khảo cổ học tiếp tục thế nào, dựng chùa mới trên nền chùa hiện hữu có tên THẦN QUANG TỰ do dân tự dựng vào những năm 1980 sau vụ CCRĐ đốt trụi. Cái sự quá tả trong nhận thức, dẫn đến sự mồ côi tâm linh (spirit), sự phế bỏ các dấu tích của "chế độ phong kiến lạc hậu" đã in hằn nhiều thế hệ cán bộ, nông dân của miền Bắc ở nhiều địa phương vào sau năm 1954. 

Nhưng đến những năm 1990, bỗng lại bùng lên sự trở lại của niềm tin vào thế giới thiêng, các tôn giáo ở Việt Nam được dịp phục hồi rồi cả xã hội đi đến chỗ quá tin và quá sợ tới mức người dân và hầu hết cán bộ (cả cấp cao) bỗng dưng đi lễ liên tục, nhưng không được chuẩn bị gì, không được giáo dục gì (Pháp gọi là giảng dạy fait religieux) và thế là hầu hết các chốn chùa, đền, miếu, phủ chật người nhưng vẫn đói niềm tin chân thật. Đua nhau đi lễ, rồi dẫn đến cảnh một số nơi bỗng dưng "linh" quá mức so với gốc, một đồn trăm, trăm đồn nghìn... rồi tâm lý đám đông, sự lệch chuẩn điển lễ cổ, sự đua đòi về trưng đồ mới của nước ngoài bỗng ào ạt nhảy vào chốn vốn u tịch, nghiêm trang, vừa phải. Cứ thế họ đua nhau đưa sư tử kiểu tàu, cột đèn kiểu Nhật, Quan Âm đứng (theo dạng Ngọc Quan Âm) tràn lan ở các chùa miền Bắc... dẫn đến hỗn loạn vô cùng tận... Trong một stt ngắn khó có thể mô tả hết thực trạng bát nháo của sinh hoạt tâm linh ở miền Bắc (có khác với miền Trung, Nam). Đó là chưa kể đến các hiện tượng hỗn hợp niềm tin, rồi sinh ra các "guru" (đạo sư) của các nhóm tự xưng là đạo mới, nhưng lại bị chính quyền gọi là tà đạo, tà giáo, đạo lạ mọc lên như nấm sau mưa, chưa kể đến vô số các điện, phủ tư gia của vô số nhà. Người nào cũng tự xưng mình nhận được lệnh của đáng bề trên, đấng linh thiêng, các Mẫu cho lộc vì hợp căn... Rồi thấu thị, rồi ngoại cảm loạn xà bát nháo. Rồi phong thủy, rồi Thạch đạo (giống như Trà đạo), rồi yểm (bi kịch của một số vị quan to), rồi chấn rạch, rồi chọn phương chọn hướng phòng ngủ, phòng làm việc, cửa nhà... Rồi địa lý tả ao... Rồi gọi hồn, rồi hiển linh... tràn lan.


Tất cả đã tạo nên một bộ mặt náo nhiệt đấy nhưng tin nhảm, thờ nhảm cũng quá nhiều. Nhiều giá trị tâm linh được xây dựng hằng nghìn năm, chí ít cũng vài trăm năm bỗng trở nên bị "nhem nhuốc", bị lợi dụng, bị bóp méo. Nhiều lắm, không tả xiết.


Đấy, cho nên nếu không có một sự giáo dục cẩn thận thì nó ra thế đấy. Nhưng ai làm việc này? Câu hỏi vẫn là câu hỏi. Nhà nhà nghiên cứu "tín ngưỡng", tôn giáo, người người ra sách "tín ngưỡng", tôn giáo, hết trung tâm này đến viện tư nhân kia được lập ra, song càng lập càng rối rắm.
Thôi thế nhé, một chủ nhật mà cất công ngồi viết stt dài như thế bố ai thèm đọc. Thôi thì cứ nói ra đây, ai đọc thì đọc, không đọc thì chịu vậy.