Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Văn hóa giao thông: Đừng “nhè” mãi vào ý thức người dân!

Trung Thuần (Hà Nội) | 07/05/2013 09:36

(Soha.vn) - Tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay một phần là do lỗi từ ý thức của người dân, song đó không phải là tất cả.

Tôi còn nhớ từng có một cuộc Hội thảo tầm cỡ quốc gia về văn hóa giao thông (tổ chức ngày 8/9/2010 tại Hà Nội) có sự tham dự của những người khá tầm cỡ song cũng không nêu được định nghĩa “Thế nào là văn hóa giao thông?”.
Trong nội dung của cả buổi hội thảo, dễ dàng nhận thấy đối tượng được nhằm đến để trừng phạt, để giáo dục, để cải thiện văn hóa giao thông là người tham gia giao thông, là nhằm đến ý thức người dân, là đổ hết nguyên nhân gây nên tình trạng giao thông hỗn loạn như hiện giờ cho họ.
Bao nhiêu “tội lỗi” của “người dân” đã được kể ra cho… bằng sạch: Nào là xe cộ tranh nhau từng bước, phóng nhanh vượt ẩu, lên xe khách thì tranh chỗ, rất ít khi thấy nhường chỗ cho các cụ già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai... Ngoài ra còn xuất hiện những cuộc đua xe bất chấp cảnh sát giao thông và tính mạng người đi đường. Đây không chỉ là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thực sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người...
Rồi có người hiến kế: Muốn có “văn hóa giao thông”, cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững. Tại cuộc Hội thảo, “gây sốc” nhất là một biểu thức của Giáo sư Vũ Khiêu: Trừng phạt + giáo hóa = Văn hóa giao thông (?!).
Văn hóa giao thông: Đừng “nhè” mãi vào ý thức người dân!
 
Theo quan niệm chung của các nước, văn hóa giao thông được cấu thành từ các yếu tố sau:
- Nằm ở tầng cốt lõi của hệ thống kết cấu văn hóa giao thông và không thể không hàm chứa phần trí tuệ, sáng tạo chính là sự hình thành nên văn hóa ngành nghề, làm đẹp hình ảnh ngành giao thông của các cán bộ nhân viên giao thông.
- Nằm ở tầng giữa của hệ thống kết cấu văn hóa giao thông là tinh thần nhân văn cùng những biểu hiện văn hóa được hình thành trong các chế độ quản lí và mô hình quản lí giao thông, được thể hiện trong các tiêu chuẩn thiết kế và qui phạm kĩ thuật cùng những thay đổi mang tính lịch sử của chúng, qua các hình thức dịch vụ, tiêu chuẩn dịch vụ giao thông và trong các pháp luật pháp qui giao thông.
- Nằm ở tầng ngoài hệ thống kết cấu văn hóa giao thông là sự phô diễn môi trường hình ảnh bên ngoài của ngành giao thông, hình thành nên thực thể cơ bản của văn hóa giao thông, là cơ sở vật chất cấu thành văn hóa giao thông.
Ba yếu tố trên có mối tương hỗ qua lại với nhau, liên thông với nhau, đồng thời chuyển hóa lẫn vào nhau ở những điều kiện nhất định, trở thành một kết cấu chỉnh thể hữu cơ đa tầng cấp, đa phương diện, đa chiều.
Như vậy, chủ thể tạo nên văn hóa giao thông là thuộc về ngành giao thông.
Xét trong thế tương quan giữa bên cung cấp dịch vụ giao thông với bên hưởng dịch vụ giao thông, thì ngành giao thông đóng vai trò chủ động. Nhắm đến người tham gia giao thông, tức chỉ mới nhắm đến phần ngọn của vấn đề.
Và, không thể có được “văn hóa giao thông” chừng nào chưa có được một nền tảng giao thông cho thật tốt. Chỉ đòi hỏi “giáo hóa” người tham gia giao thông mà không đếm xỉa gì đến hiện trạng giao thông hay dở ra sao là một sự đòi hỏi ngược, là mới chỉ trị ngọn chứ chưa trị gốc!
Rõ là vậy mà sao các cấp chủ quản khi đề cập đến văn hóa giao thông lại cứ “nhè” vào “ý thức người dân” mãi thế nhỉ?
Lạ thật!