Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

"Mõ làng" và "Loa phường"

            Mõ làng
Trong làng xã Việt Nam xưa, nghề mõ làng là thấp kém nhất, chỉ dành cho hạng ngụ cư, hạng khố rách áo ôm. Khi trong làng có việc gì từ ma chay đến cưới xin... thì thằng mõ phải gõ mõ đi rao khắp nơi để đưa thông tin đến thiên hạ. Dụng cụ hành nghề là thanh bằng tre hoặc bằng gỗ trong rỗng để khi đánh vào kêu “cốc cốc” hoặc “đốp đốp” (tùy dùi đánh vào) - phổ biến nhất là mõ bằng gộc tre được uốn khoăm khoăm hai đầu. 


Mõ làng là “chân rết” trong hệ thống thông tin xưa và khác với gia nô, tá điền của chủ. Mõ không riêng của ai, Mõ là của cả làng. Mõ là lao động dịch vụ chứ không phải lao động sản xuất, do đó không quan hệ gì nhiều và trực tiếp đến ruộng đồng và công cụ lao động.
Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp, các phe, giáp trong làng. Mõ gần gũi với chức dịch nên biết rõ nội dung tranh chấp giữa các cá nhân hay dòng họ, nhưng không ủng hộ một phe phái nào, Mõ không có hành vi tiêu cực trong đời sống cộng đồng.
“Nghề mõ” và người rao mõ có lẽ là một đặc thù rất riêng của làng xã Việt Nam xưa và đó cũng là một công việc đặc biệt trong tổ chức xã hội thời phong kiến.
Khi gõ mõ phải rao lên: “Tôi trình làng nước...”. Công việc này nặng nhọc, bất kể đàn anh nào trong làng sai bảo cũng được, bất kể thời gian, mưa, nắng... Nếu là thông báo chuyện hiếu hỉ, khao vọng... thì sau khi xong việc, người ta dọn cho một cỗ ngồi một mình mà ăn, cỗ này gọi là “cỗ tiến dư” - sống bằng của dư thừa trong thiên hạ. “Lương” hằng năm là một số thóc, hoặc một số công điền do dân làng góp lại trả.
Trong văn chương ta cũng thỉnh thoảng bắt gặp hình tượng người mõ, như nhân vật Mẹ Đốp trong vở chèo Quan âm Thị Kính nổi tiếng. Mẹ Đốp là người thông minh hóm hỉnh lại hay chữ lắm tài. Mẹ Đốp là vợ  mõ làng, song do đau yếu nên Mẹ Đốp phải thay chồng đi lo việc làng nước.


 Mẹ Đốp vênh mặt: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Nghe thế, Xã Trưởng quát: “Láo! Mày trước bảo dân thì chẳng hóa ra mày là bà tiên chỉ của làng này à?”. Mẹ Đốp: “Dạ, nó thế này ạ: Có công việc gì thầy sai con đi rao mõ thì dân làng mới biết, thế chẳng phải trước bảo là gì ạ?”. Xã Trưởng: “Nhưng phải nói rõ là đi rao mõ!”. Mẹ Đốp: “Từ việc hỉ cho chí việc hảo - Giấy quan về là báo đến tôi - Tôi chưa ra, là làng chửa được ngồi”. Xã Trưởng: “A, con mẹ này, nhật nhật đa hỉ, lộng giả thành chân, ngày càng láo!”. Mẹ Đốp: “Ấy, thưa thầy, để con nói đã. Con chửa ra giải chiếu thì các cụ ngồi vào đâu ạ?”.

            Loa phường

Từ “văn hóa làng xã” chúng ta thẳng tiến lên “ văn minh đô thị”, bằng cách trang bị cho các phường những cái loa kêu thật to thay cho mõ làng xưa. Kể ra cũng đã có thời loa phường đúng là “mõ làng” gắn bó với bà con khối phố với khẩu lệnh thời chiến quen thuộc: “bà con chú ý, bà con chú ý! Máy bay địch hiện cách Hà Nội 70 km…”  Hay sau khi đất nước hết chiến tranh thì cứ sáng  chủ nhật vào năm giờ sáng loa phường lại réo gọi mọi người dậy khua quét đường, chỉ tiếng đồng hồ sau là ổn, rồi ai lại về nhà nấy đi ngủ tiếp. Chỉ có điều quét sạch được một buổi sáng chủ nhật thì sáu ngày còn lại bẩn vẫn hoàn bẩn.
Khi chuyển sang nền kinh tế thì trường với sự lên ngôi của nhà mặt phố thì loa phường trở nên lỗi thời hết tác dụng và trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ khoảng 6 giờ, chiếc loa phường lại “hét” lên phá vỡ sự yên tĩnh: “Dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” Cái bài hát yêu thích một thời qua giọng ca Hồng Nhung mượt mà, giờ âm lượng mạnh và dữ dội như tra tấn, nhức óc….Rồi vẫn bản nhạc muôn thuở đinh tai mở màn, vẫn những bản tin, dù căng tai cũng không thể nghe rõ, chỉ thấy nhức óc, vì tiếng nói xen lẫn tiếng lạo sạo, tiếng lục sục. Có lúc, dường như bản tin đã xong, mà chưa hết giờ phát thanh, đột nhiên một giọng nữ nhão nhoẹt rè rè cất lên: “Theo…i..em anh… thì…vè. Theo…i…em anh…thì…vè”…rất chi là cây nhà lá vườn.Và có những buổi sáng mùa đông mưa phùn gió bấc mọi người còn co ro chưa muốn ra khỏi chăn, thì ngoài kia loa phường cứ vô tư hét “Nỗi nhớ mùa đông” da diết: “thôi đành tự ru lòng mình vậy, dường như mùa đông đã về”.

 

Ngày nay, sự phát triển của đời sống cho phép con người ta không chỉ nắm thông tin qua báo giấy, báo hình, qua tivi mà đặc biệt, còn qua công nghệ thông tin- mạng Internet- bước tiến vĩ đại của lịch sử, thúc đẩy sự quản lý nhà nước và sinh hoạt xã hội buộc phải dân chủ và minh bạch hơn. Nhưng loa phường thì vẫn không có thay thế được, vì trong bao nhiêu năm qua trong sự nghiệp “mõ phường”, loa phường cũng không bao giờ đi chạy chọt xin xỏ phường cho Loa được làm việc này chức nọ. Cái chức năng mõ phường do phường giao cho, Loa phường chưa bao giờ từ chối hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào mà phường giao. Phường cử và dân vẫn chịu trận thì loa phường sẽ vẫn như bao nhiêu năm qua tiếp tục…trơ gan cùng tuế nguyêt. Phía người dân thì hãy cứ cố tiếp tục mà chịu trận, không phải cứ bức xúc là đòi bỏ loa phường. Bởi bỏ mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ…
          Ấy mới là quan điểm cách mạng, là phương pháp “mõ” nhân văn Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét