Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Con rồng là cá sấu

Cuối năm rồng nói chuyện...cá sấu

Thạch Thảo
Vậy “rồng là cá sấu” thì quả rồng là con vật chẳng xa lạ gì với con người. Sự chọn lựa cá sấu để cầm tinh một năm thì hoàn toàn phù hợp với tính hệ thống, sự nhất quán trong việc định danh của người xưa rồi!
Bộ con giáp: “Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.” mà người Đông phương xưa chọn cầm tinh cho chu kì 12 năm thường là những con vật rất gần gũi với con người, chỉ duy nhất có một con vật xa lạ, đó là con rồng (Thìn).
Các con vật này, có thể có lợi cho con người hoàn toàn như những người bạn từng gắn bó với cuộc sống con người (gia súc) mà con người đã nuôi chúng, như: con trâu (Sửu), con mèo (Mẹo), con ngựa (Ngọ), con dê (Mùi), con gà (Dậu), con chó (Tuất), con heo (Hợi). Có những con vật hoang dã mà con người đôi lúc cảm nhận vừa có lợi cho mình; nhưng cũng vừa có hại vì có thể gây ra sự phá hoại mùa màng, đồ đạc trong nhà hoặc tranh chấp, đe dọa chính mạng sống con người, như: “con chuột (Tí), con cọp (Dần), con rắn (Tỵ), con khỉ (Thân).”. Ngày nay, con người đã thấy được lợi ích của các con: “cọp, rắn, khỉ” trong y học và trong hệ sinh thái; đồng thời, khoa học đã cảnh báo về sự tiệt chủng của “cọp, một số loài rắn, loài khỉ” nên kêu gọi con người ra sức bảo vệ chúng và thậm chí trân trọng mạng sống của chúng, nào có khác những “yếu nhân”. (VIP)
Thế, người xưa chọn con rồng (Thìn) đặt để vào nhóm con giáp, quả là thiếu nhất quán trong việc định danh. Vì có một con “lạ quắc, lạ quơ”, trong khi các con khác đều là chỗ “quen biết”. Tư duy người xưa hay người nay có vấn đề gì ở đây?
Tìm hiểu con rồng qua những tư liệu cổ, rất nhiều người nghi ngờ con vật này không có thực. Một ít người hiện nay từ hoài nghi, kết hợp việc kiểm tra lại hệ thống định danh thấy có lỗi ở vấn đề hệ thống, nên mới nghĩ, hay “con rồng chính là con cá sấu được lên đời?”. - Vương Lập Thuyên, Huệ Thiên và người viết là thuộc số ít ấy.
Cá sấu trên thế giới từ xưa cho đến nay, xứ nào cũng có, có rất nhiều loài, nhưng ít nhất có 3 nhóm khu vực: cá sấu châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Con vật này, tuy sống dưới nước nhưng rất nguy hiểm và chính sự nguy hiểm của nó cùng môi trường nước nhiều bí hiểm, khó khám phá kết hợp với vài tập tính kì lạ của nó, khiến người ta nghĩ nó linh thiêng và trong nỗi sợ cố hữu người xưa, họ đã thần thoại nó, biến nó thành con vật linh thần, huyễn hoặc trong khái niệm “rồng” mà chúng ta biết hiện nay.
Tuy nhiên, một sự truy tìm ngữ nghĩa trên cơ sở động vật học cho phép người nay đi đến kết luận: “rồng là cá sấu” vì những sự tương đồng trong ý niệm của con người về rồng chính là những thuộc tính hiện hữu trong loài cá sấu. Có thể nêu một số cơ sở sau đây:
1. Những lời miêu tả con rồng trong sách xưa, hoàn toàn là thuộc tính con cá sấu. Nói cách khác, “long” () chính là một trong những tên gọi xưa của cá sấu. Đời Hạ, đời Thương, cá sấu đã từng hiện diện ở trung và hạ lưu sông Hoàng Hà.
2. Rồng là một loài bò sát lưỡng thê. Sách xưa Tả truyện chép: “rồng là giống vật ở dưới nước (Long, thủy vật dã).”. Quẻ Càn Kinh Dịnh chép: “rồng có khi lội nhảy nơi vực sâu (Long hoặc dược tại uyên.)”. Tống sử chép: “Thái Tổ theo Chu Thế Tông đánh Hoài Nam, lúc đánh nhau ở Giang Đình, có con rồng từ dưới nước hướng về phía Thái Tổ mà nhảy bổng lên.”. Tuy rồng sống dưới nước, nhưng cũng có thể bò trên cạn. Quẻ Càn Kinh Dịch chép: “rồng hiện ở ruộng (hiện long tại điền).”. Bắc mộng tỏa ngôn chép: “Ở phía bờ Nam của sông lớn, trong lau lách, vẫn thường đốt cỏ mà bắt được rồng. Vào niên hiệu Thiên Phúc nhà Đường, một nông dân họ Đặng thôn Diệp Nguyên ở Lễ Châu đốt rẫy, rồng bất ngờ xuất hiện, nhảy lên giữa trời rồi rơi phịch xuống đất mà chết.”…
3. Rồng giống con thằn lằn mà to hơn nhiều. Hoài Nam Tử chép: “vua Vũ đi thăm phương Nam, lúc qua sông, có con rồng màu vàng bơi cặp theo thuyền, Người trên thuyền thảy đều kinh dị. Chỉ có vua Vũ khi nhìn thấy con rồng giống con thạch sùng (thị long do yển đình) thì sắc mặt không hề thay đổi.”. Bắc mộng tỏa ngôn chép: “thời Hậu Thục, ở huyện Vân Nam có ao trời (Thiên trì) sâu bảy, tám trượng. Trong ao có con vật giống con thằn lằn, có đủ năm sắc, nhảy trên mặt nước giống như con rồng nhỏ.”. Biện hoặc thiên, quyển 1, có chép: “Có con rồng giống con thằn lằn mà ngũ sắc.”. Trong Thuyết văn giải tự, Hứa Thận lại viết: “con cá sấu giống như con thằn lằn nhưng mà to.”. Điều này cho thấy, người xưa tả “rồng” không khác gì tả “sấu”. Sở dĩ có chuyện ấy, vì rồng chính là sấu chứ không phải con nào khác.
4. Rồng có vuốt sắc, giỏi đào hang. Tư trị thông giám có chép chuyện đời Lương Vũ Đế (502-549): “…người ta tu sửa đập nước Phù Sơn vì sợ rồng đào hang mà làm hỏng đê (phạ long oát động hủy đê).”. Nghiêm Sơn ngoại tập thì chép: “thời Minh Sơ, bờ sông vùng phụ cận Nam Kinh bị sụt lở. Dân địa phương cho rằng, đó là do rồng heo nái (“Trư bà long”, tên gọi của một loài cá sấu sông Dương Tử) đào hang mà gây ra.”. Vì vậy, họ đã câu chúng lên mà đem giết sạch. Thuộc tính được gán cho rồng ở đây chính là đặc điểm của giống cá sấu.
5. Rồng có một mùa ngủ dài trong năm. Khổng Tử gia ngữ chép: “rồng mùa hạ thì kiếm ăn, còn mùa đông thì nấp ngủ (hạ thực nhi đông trập).”. Bão Phác Tử lại chép: “rồng có thể trải qua suốt mùa đông, thời kì không ăn mà vẫn béo mập hơn thời kì kiếm ăn.”. Đặc tính này của rồng cũng chính là đặc tính ngủ mùa của cá sấu, nằm bất động trong hang mà không ăn.
6. Rồng đẻ trứng mà sấu cũng đẻ trứng. Bi nhã chép: “rồng đẻ trứng, ấp từ xa.”. Còn Hoài Nam Tử chép: “cá sấu nằm ấp dưới vực mà trứng nở trên gò.”. Mộng Khê bút đàm chép, tại Triều Châu, Quảng Đông “cá sấu to đẻ trứng rất nhiều (sinh noãn thậm đa).”. Vậy chuyện rồng đẻ trứng chẳng qua là cá sấu đẻ trứng.
7. Rồng có hai loại: hiền lành và hung dữ. Tả truyện chép: “… vua Thuấn đặt chức quan chuyên môn để nuôi rồng. Viên quan họ Đổng này dày dạn kinh nghiệm, rồng ở vùng hoang dã chung quanh đều đến tập trung ở chỗ ông mà người và vật đều an toàn.”. Đó là giống rồng hiền. Còn rồng dữ thì cũng được chép trong chuyện vua Vũ gặp rồng dữ khiến mọi người phải sợ vì nó có thể lật thuyền mà nuốt người. Lễ Ký thì chép: “Tháng cuối mùa thu, diệt trừ sấu dữ, bắt giữ sấu lành.”. Vậy, rồng lành, rồng dữ chẳng qua là sấu lành, sấu dữ.
Nhìn chung, qua sách xưa miêu tả thì “rồng là loài bò sát có hình dạng thằn lằn, nhưng rất to, lại sống lưỡng thê trên cạn, dưới nước, mình có vẩy và sống lưng có gai, chân có ngón vuốt nhọn, giỏi đào hang, ngủ mùa hàng năm, đẻ trứng và có loại hiền, loại dữ...”. Những đặc tính vừa nêu là của cá sấu mà danh từ “long” () chẳng qua chỉ là một cái tên rất xưa của loài này.
Nhưng vì sao loài này lại được huyền thoại là con vật linh thiêng? Thật ra, con người ngày trước vốn rất nể sợ những “lực cản tự nhiên” vốn là loài vật hung dữ nên không dám gọi tên, mà còn thêu dệt thêm những huyền thoại cho những con vật ấy và gọi chúng bằng những cái tên kiêng cử để nhắc người người nên tránh xa. Chẳng hạn, con cọp được người xưa gọi “Ông Ba Mươi” (cọp thường xuất hiện lúc tối trời), “Ông Ra” (cọp ra), “Ông Rầy” (cọp hay đến quấy rầy)… Vì vậy, việc huyền thoại cho con vật sống ở hai môi trường nước và cạn, giỏi bơi và bò, mà môi trường nước vốn ít được phơi bày, nhận diện rõ ràng, khiến niềm kiêng sợ của người xưa càng lớn và đó chính là lí do để họ huyền thoại con vật này. Có rất nhiều thần thoại về rồng mà thực tế là từ chuyện con cá sấu, như:
1. Thần thoại về long cung, cung điện dưới nước của rồng. Thần thoại này bắt nguồn từ việc cá sấu, nhất là những con sấu già có khả năng tạo “mê cung” dưới lòng đất, đã đào nhiều hang ngách, đầm, hố, đường ngang, lối dọc… được ngụy trang khéo léo để trú ngụ; lại được người thêu dệt thêm thành lộng lẫy, nguy nga...
2. Thần thoại về rồng là thần sấm, làm mưa, cỡi mây… Thực chất lúc trời sắp mưa, sấm chớp giật liên hồi, cá sấu thường kêu rống như một số loài vật khác. Vì thế, con người dựa vào hiện tượng kêu rống của cá sấu mà đoán mưa và quy cho cá sấu là thần sấm, thần mưa như chúng ta cũng đã quy cho “cóc là cậu ông Trời” vậy thôi. Còn chuyện cỡi mây phải chăng là cá sấu bị lốc xoáy cuốn lên trời. Trong cơn vần vũ của tự nhiên, không chỉ có cá sấu mà nhiều con vật khác sống dưới nước cũng “đi mây, về gió” kia mà!
3. Thần thoại về đuôi rồng. Sở từ viết: “Thời vua Vũ trị nạn hồng thủy, có con rồng thần lấy đuôi vạch đất thành lối dẫn nước chảy đi.”. Cũng có truyền tụng từ người Thái ở Vân Nam, rằng: “Thần Rồng đã từng giúp dân chúng bằng cách lấy đuôi quật ông vua hung tàn xuống đáy sông Lan Thương.”. Như vậy, sức mạnh của đuôi rồng bắt nguồn từ thực tế là sức mạnh của đuôi cá sấu dùng để lật đất, quật thuyền, bắt mồi, đánh nhau… Nắm được sức mạnh nằm ở đuôi sấu, người bắt sấu chỉ cần “xắn nhè nhẹ sau lưng sấu để cắt gân đuôi, thế là đuôi sấu bị liệt.”, còn miệng thì cho ngậm một khúc mốp không nhả ra được, thế là yên trí điều khiển được chúng.
4. Thần thoại về rồng ăn thịt người nào khác chuyện cá sấu ăn thịt người mà Sơn Nam trong Hương rừng Cà Mau đã từng ghi lại rất nhiều trường hợp ở vùng U Minh.
5. Thần thoại về ngọc rồng (long châu). Trang Tử có nhắc chuyện người con trai nghèo lặn xuống vực sâu được hạt ngọc đáng giá mà cha anh chàng bảo: “…nó nằm trong hàm một con rồng đen dưới vực sâu đang ngủ, nên con mới lấy được.”. Lại còn nhiều chuyện kể về rồng nhả ngọc, phun châu. Nguồn gốc của vấn đề là chỗ rồng, tức cá sấu, ăn tạp; chúng ăn cả sò, ốc, trai lẫn sỏi đá để giúp dạ dày nghiền nát các vỏ trai, sò, ốc…; thành thử, khi mổ bụng cá sấu ra, còn có cả hạt trai, đá quý, vàng vòng…, chứ rồng hay cá sấu làm gì tạo ra được ngọc mà nhả ngọc, phun châu?!
6. Thần thoại về rồng ngủ. Thái bình quảng ký có ghi: “rồng thích ngủ, giấc dài thì nghìn năm, giấc ngắn thì vài trăm năm…”. Chuyện rồng ngủ dài hạn cũng bắt nguồn từ chuyện cá sấu ngủ. Cá sấu sông Dương Tử theo ghi nhận có thể ngủ sáu tháng trong năm, sáu tháng còn lại chỉ bắt mồi mỗi đêm 3 tiếng, còn ban ngày vẫn ở trạng thái lừ đừ mê ngủ. Người giỏi tưởng tượng như Bác Ba Phi mới huyền thoại thêm “giấc dài thì nghìn năm, giấc ngắn thì vài trăm năm.”, chớ làm gì có.
Vậy “rồng là cá sấu” thì quả rồng là con vật chẳng xa lạ gì với con người. Sự chọn lựa cá sấu để cầm tinh một năm thì hoàn toàn phù hợp với tính hệ thống, sự nhất quán trong việc định danh của người xưa rồi!

Bảo tàng Nông dân


Suốt 30 năm qua, ông Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã dày công sưu tầm hàng nghìn hiện vật về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Chủ nhân “bảo tàng mi ni” giải thích lý do sưu tầm hiện vật xuất phát từ ý tưởng Việt Nam là xứ sở của nền văn minh lúa nước, đầy tiềm năng về kinh tế nông nghiệp và hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người nông dân đã ghi dấu ấn đậm nét.


Cách đây vài năm, ông Ngôn quyết định trưng dụng một phòng lớn trong căn nhà của gia đình để giới thiệu hiện vật cho bạn bè, du khách 
 “Thế hệ chúng tôi đã lớn lên từ hạt lúa, củ khoai, từng lấm lem với mùi bùn đất nên hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Hơn thế, có thể nói chính ông cha chúng ta, những con người đầu trần, chân đất đã tạo nên hình ảnh Việt Nam hôm nay. Người nông dân đáng được tôn vinh”, ông Ngôn nhấn mạnh.
Hơn 30 năm qua, mỗi dịp rảnh rỗi, ông Ngôn lại đạp xe về các làng quê xa xôi để tìm những thứ người ta vứt đi đem về nhà mình. Khoản tiền lương ít ỏi hàng tháng đều bị ông nướng vào “sở thích gàn dở” này. Không đủ tiền, ông làm thêm nghề viết sách báo, chụp ảnh lấy tiền mua hiện vật.
Hiện trong “bảo tàng mi ni” của ông Ngôn đã có hàng nghìn hiện vật về nông thôn và người nông dân Việt qua các thời kỳ. Từ những dụng cụ nhỏ nhặt như liềm, cuốc, mũ kè, giỏ bắt cua, đến cái cày, bừa, cối xay, máy quạt lúa…

Theo ông Ngôn, mỗi dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ… hay mỗi vùng quê đều có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, nên càng đi sâu khám phá, ông càng thấy đam mê. Cách đây vài năm, ông Ngôn quyết định trưng dụng một phòng lớn trong căn nhà của gia đình để giới thiệu hiện vật cho bạn bè, du khách và nhiều nhà nghiên cứu về thăm. Mỗi dịp cuối tuần, ông lại ngồi trầm ngâm ngắm nghía, lau chùi rồi tỉ mẩn ghi chép để phân loại, sắp xếp hiện vật theo hệ thống và từng chủ đề.
Trong bộ sưu tập của ông Ngôn, nổi bật là hệ thống chum chóe, nồi niêu, xoong chậu. Riêng hệ thống nồi của người nông dân xưa, ông Ngôn có cả bộ từ nồi một, nồi hai cho đến nồi ba mươi. Mâm thì có mâm tre, gỗ, đồng cỡ tiểu, trung, đại.
“Chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Dân tộc học... cùng hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố và quân, binh chủng... Song dường như có một khoảng trống nếu không muốn nói là khiếm khuyết khi ta chưa có bảo tàng nông nghiệp để bảo lưu, tôn vinh, phát huy những giá trị văn minh nông nghiệp mà người Việt đã sáng tạo hơn 4000 năm qua…”, ông Ngôn nhấn mạnh.
Trên tay ông Ngôn là cuốn sổ địa bạ hộ gia đình nông dân thời kỳ phong kiến với hai loại chữ Quốc ngữ và Hán ngữ. Ảnh: Lê Hoàng.
Dù chưa từng được đào tạo qua chuyên môn về bảo tàng học, nhưng theo ông Ngôn, bảo tàng nông nghiệp Việt Nam có thể triển khai theo hai nội dung lớn: văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam và văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn minh vật chất phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp, như hệ thống công cụ sản xuất bao gồm: công cụ làm đất (cày, bừa, cuốc, mai, vồ...), công cụ làm cỏ (các loại cào, dao phạt, liềm...), công cụ thủy lợi (gàu giai, gàu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...).
Còn văn hóa nông nghiệp là hệ thống đình, đền, miếu mạo, là cây đa, bến nước sân đình với những câu ca dao, hò vè… thấm đẫm chất dân gian mộc mạc, phản ánh tâm hồn bình dị của người nông dân.
Hiện ông Ngôn đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ý tưởng thành lập bảo tàng nông nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa. Bộ Văn hóa có công văn phúc đáp, đánh giá “bộ sưu tầm là rất quý báu, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Việt. Công trình như một sự ghi ơn những người nông dân truyền kiếp truyền đời cày cuốc làm nên hạt gạo, củ khoai nuôi sống cả dân tộc”…


Hơn 30 năm qua, ông Nguyễn Hữu Ngôn (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã dày công sưu tầm hàng nghìn hiện vật độc đáo về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam qua các thời kì lịch sử

 Hiện trong “bảo tàng mi ni” của ông Ngôn đã có hàng nghìn hiện vật khác nhau. (Trong ảnh là chiếc cày chìa vôi của nông dân Bắc bộ).

 Chiếc cào khoai lang, một trong những nông cụ phổ biến của nông dân.

 Theo “nhà nông học”, mỗi dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ…hay mỗi vùng quê nông thôn đều có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, nên càng đi sâu vào khám phá, ông càng thấy đam mê. (trong ảnh là chiếc mũ kè, nón quai thao, đèn lồng.. của nông dân

 Nổi bật trong bộ sưu tập của ông Ngôn là các loại nồi đồng của người dân Việt Nam xưa kia

 Giỏ đựng tôm cá, chiếc đó là một trong những dụng cụ đánh bắt phổ biến của người nông dân

 Khi mua chiếc quạt thóc hay còn gọi là quạt thùng hay quạt tăng trống nặng hàng tạ này, ông Ngôn đã thuê cả một chuyến xe công nông đi chở.

 Ông Ngôn cho biết, các dụng cụ được chế tác từ đồng thau như nồi đồng, mâm đồng, ấm đồng (ảnh) được người nông thôn xưa rất ưu chuộng vì có độ bền cao.

 Các loại be, vò, chum, chĩnh… là nhưng dụng cụ chứa đựng sản phẩm nông nghiệp phổ biến trước đây

 Một chiếc mâm gỗ quý còn sót lại trong bảo tàng của ông Ngôn

 Cái đấu, một dụng cụ đo lường của người Việt thời phong kiến

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thành ngữ, tục ngữ Việt qua một truyện vui

 
Trăm dâu đổ đầu tằm, giỗ tết cúng bái trong nhà, công to việc lớn ngoài xóm, hai sương một nắng, tất bật quanh năm, một tay chị lo toan định liệu. Anh chồng thì như gà què ăn quẩn cối xay, lừ đừ như ông từ vào đền, như cỗ máy không giật không động. Giàu vì bạn, sang vì vợ, hàng xóm láng giềng kháo nhau:
“ Chàng ngốc thật tốt số, mả táng hàm rồng, như mèo mù vớ được cá rán”.
Chị vợ mỏng mày hay hạt, tháo vát đảm đang, hay lam hay làm, vớ phải chàng ngốc đành nước mắt ngắn nước mắt dài, đèo sầu nuốt tủi, ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua ngày đoạn tháng. Nhiều lúc tức bầm gan tím ruột, cực chẳng đã, chị định một liều ba bảy cũng liều, lành làm gáo vỡ làm muôi, rồi anh đi đường anh, tôi đường tôi cho thoát nợ. Nhưng gái có chồng như gông đeo cổ, chim vào lồng biết thuở nào ra, nên đành ngậm đắng nuốt cay, một điều nhịn chín điều lành, tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại, vợ chồng đóng cửa bảo nhau cho êm cửa êm nhà, sao nỡ vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng hổ ai?
Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Biết chồng tại gia không trót, liền trổ tài điều binh khiển tướng dạy chồng một phen, những mong mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ, không thua anh kém chị trong họ ngoài làng. Một hôm ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, giữa thanh thiên bạch nhật, chị vợ dỗ ngon dỗ ngọt bảo chồng đi chợ mua bò, không quên dặn đi dặn lại: đến chợ phải tuỳ cơ ứng biến, xem mặt đặt tên, liệu cơm gắp mắm, tiền trao cháo múc, đồng tiền phải liền khúc ruột kẻo lại mất cả chì lẫn chài.
Được lời như cởi tấm lòng, ngốc ta mở cờ trong bụng, gật đầu như búa máy, vội khăn gói quả mướp lên đường quyết phen này lập công chuộc tội. Bụng bảo dạ, phải đi đến nơi về đến chốn, một sự bất tín vạn sự bất tin, ngốc quàng chân lên cổ đi như chạy đến chợ. Chợ giữa phiên, người đông như kiến, áo quần như nêm, biết bao của ngon vật lạ, thèm rỏ dãi mà đành nhắm mắt bước qua. Hai tay giữ bọc tiền khư khư như từ giữ oản, ngốc nuốt nước bọt bước đến bãi bán bò.
Sau một hồi bới lông tìm vết, cò kè bớt một thêm hai, nài lên ép xuống, cuối cùng ngốc cũng mua được 6 con bò. Thấy mình cũng được việc, không đến nỗi ăn không ngồi rồi báo vợ hại con, ngốc mừng như được của. Hai năm rõ mười, ai dám bảo anh ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Nghĩ vậy, ngốc ung dung leo lên lưng con bò đi đầu, mồm hô miệng hét diễu võ dương oai, lùa đàn bò ra về mà lòng vui như hội.Giữa đường sực nhớ lời vợ dặn, suy đi tính lại, cẩn tắc vô áy náy, ngốc quyết định đếm lại đàn bò cho chắc ăn. Ngoảnh trước ngó sau, đếm đi đếm lại, đếm tái đếm hồi chỉ thấy có 5 con, còn một con không cánh mà bay đi mất. Toát mồ hôi, dựng tóc gáy, mặt cắt không còn giọt máu, ngốc vò đầu gãi tai, sợ về nhà vợ mắng cho mất mặn mất nhạt rồi lại bù lu bù loa kêu làng kêu nước mà than thân trách phận, ngốc về nhà với bộ mặt buồn thiu như đưa đám.
Thấy chồng về, chị vợ tươi như hoa ra đón, nhưng ngốc vẫn ngồi như bụt mọc trên lưng con bò đi đầu, chắp tay lạy vợ như tế sao:
- Mình ơi, tôi đánh mất bò, xin mình tha tội cho tôi…
Nhìn chồng mặt như chàm đổ mình dường giẻ run, chị vợ không khỏi lo vốn liếng đi đời nhà ma, liền rít lên như xé lụa:
- Đồ ăn hại. Đàn ông con trai mà trói gà không chặt. Làm sao lại để bò sổng?
Sợ thót tim vãi đái, nhưng ngốc vẫn lấy hết sức bình tĩnh để phân trần:
- Tôi mua tất cả 6 con, họ giao đủ 6, bây giờ đếm mãi vẫn chỉ 5 con.
Nhìn ngốc ta vẫn ngồi như đóng đinh trên lưng bò, chị vợ hiểu rõ đầu đuôi cơ sự, dở khóc dở cười bảo chồng:
- Thôi xuống đi! Thiếu đâu mà thiếu, có mà thừa một con thì có!

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

"Sùng bái thuyền hàng" hay còn gọi là "hội chứng thầy mo"



 
 Cầu khấn thượng đế giáng trần bằng thuyền tre này
     Như mọi năm kể từ Thế chiến II, ngày 15 tháng Hai là ngày lễ lớn của một số thổ dân hải đảo tại xứ Vanuatu, mà thời Pháp được biết dưới tên là Nouvelles Hébrides ở miền Nam Thái bình dương, gần quần đảo Nam Dương. Họ thuộc sắc tộc Nam đảo hay Melanesian, và đến ngày 15 tháng Hai thì một số tù trưởng làm lễ kỷ niệm sự xuất hiện của một vị Thượng đế hay Thiên sứ nào đó. Họ còn tôn vinh tên vị Thiên sứ ấy là John Frum. Họ tổ chức rước lễ với đám thổ dân chân đất, mặc quân phục như lính Mỹ, vai đeo súng tre, có lưỡi lê bằng tre sơn đỏ, bước đều dưới lá cờ Mỹ, mà chỉ có một ngôi sao! Trên ngực, họ sơn ba chữ USA! Họ nói rằng vị Thiên sứ ấy có nói trước là sẽ quay trở về với rất nhiều phẩm vật kỳ diệu của một nền văn minh trù phú, như những gì mà người ta có thể ước mơ về một cõi thiên đàng.  

 

 Đạo binh thiên sứ

     Tìm hiểu kỹ, người ta biết là khi Thế chiến II bùng nổ trên Thái bình dương, nhiều phi cơ hay tầu chở hàng của quân đội Mỹ đã rớt hoặc ghé vào mấy hải đảo hoang sơ ấy. Vì không hiểu gì về thế giới bên ngoài, thổ dân địa phương cho đó là thần linh. Có lẽ, dân làng thấp thoáng thấy anh lính Mỹ và tưởng rằng đây là Thiên sứ Thiên thần gì từ trên trời hiện xuống bằng cái xe bốc lửa, hoặc từ các tầu hàng có những phẩm vật kỳ diệu của một nền văn minh khác. Các bậc lãnh đạo trong làng, từ viên tù trưởng đến các thầy mo, thầy thuốc, thầy cúng hay thầy pháp gì cũng không hiểu luôn! Nhưng họ rất uyên bác thủ vai thông ngôn bằng tay, để trở thành người duy nhất đối thoại với sứ giả nhà trời. Và dân làng được hứa hẹn là sẽ có ngày thiên sứ quay lại, với một tầu hàng đầy nhóc của ngon vật lạ. Ngon như thức ăn đóng hộp. Lạ như một cái hộp có tiếng nói mà ta gọi là "radio" hay các chú bộ đội vào Nam ngày xưa gọi là "cái đài". 

     Khi bắt đầu tiếp xúc thì các tù trưởng là lãnh đạo chính trị hay thầy mo - là lãnh đạo tôn giáo và "khoa học" theo kiểu suy nghĩ của họ - trở thành tay thông ngôn hiểu được bí quyết thần thông của thiên đế. Sự hiểu biết ấy cho các lãnh tụ này thêm quyền lực và họ bịp dân để che giấu sự thiếu hiểu biết của họ. Rồi hứa hẹn những chuyện hoảng tiều. Ta có thể gọi hiện tượng này là "hội chứng thầy mo"


  Từ một hiện tượng lịch sử - là chuyện có thật do sự cách ngỡ về không gian, địa dư - mà ta suy ra hiện tượng tâm lý xã hội thì ta thấy một hội chứng tâm lý của các xã hội tự cô lập với thế giới bên ngoài vì lý do văn hoá, chính trị. Đây là một hiện tượng thật ra rất phổ biến. 
     Thí dụ như trước khi tiếp xúc với Tây phương đang công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, thì xã hội Việt Nam hay đa số dân Á Châu bị Hán hóa thật ra đã tự cô lập với thế giới bên ngoài. Bên trong, vua chúa hay đại thần, các quan thái sử, thái bốc - là kẻ đếm trăng sao, viết sử và coi bói để đoán chuyện cát hung cho triều đình - cũng chỉ như là các tù trưởng và thầy mo thầy cúng trong các hải đảo hoang vu chưa tiếp xúc với bên ngoài. Họ có phản ứng sùng chuộng Thánh hiền phương Bắc, cấm đạo, kỳ thị văn hoá ngoại bang, coi thường khoa học và cô lập cả nước với thế giới bên ngoài để bảo vệ đặc quyền đặc lợi làm cho xứ sở lụn bại trong sự nghèo khốn và dốt nát. Nói cho ngắn gọn thì đó là hiện tượng "đầu cơ kiến thức" hay giấu nhẹm một dúm kiến thức hạn chế, của những kẻ hiểu biết có hạn hầu duy trì quyền lực nhờ chánh sách ngu dân.

     Bây giờ, sau thời đổi mới, "hội chứng thầy mo" ấy vẫn còn khi có người đi nước ngoài rồi về nói phét về những điều mập mờ mà họ thật ra cũng không biết hết về nước ngoài để kiếm chút danh hão, chút lợi vặt bằng sự bịp bợm. Suy ra từ đó, chúng ta thấy ra nhiều trường hợp khôi hài lắm! Đi Las Vegas đánh bạc về cũng có thể thủ vai thầy mo nói phét! 

     Từ đấy, các nhà nhân chủng học nói đến hiện tượng "sùng bái thuyền hàng", hay "cargo cult", là khi con người trong các xã hội lạc hậu và tự cô lập được tiếp xúc với một nền văn minh cao hơn, có hàng hóa kỹ thuật quá lạ và những hứa hẹn phồn vinh mà người ta không hiểu nổi và cứ ước mơ thôi. Về sau, khái niệm "sùng bái tầu hàng" này cũng áp dụng cho mọi hiện tượng bắt chước ở ngọn mà không hiểu gì tới cái gốc, thậm chí cả hiện tượng khoa học giả tạo của tầng lớp trung gian đi học lóm rồi lừa phỉnh người dân thiểu hiểu biết! 
Theo Nguyễn Xuân Nghĩa
http://dainamaxtribune.blogspot.com/

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

"Ba nghề rất được tin cậy và tôn trong là giáo viên, cảnh sát và bác sỹ"



Canada
Mark sinh ở Chicago. Từng rất cố gắng làm việc từ bồi bàn, dọn dẹp, bán hàng để góp thêm tiền trả học phí đại học và sau đó là… bảo vệ thành công hai bằng tiến sỹ. Một âm nhạc và một về nhân chủng học. Hai hướng đi chả có gì gần nhau nhưng đó là ý thích của anh từ bé muốn hiểu rõ về giống người và âm thanh. 13 năm cuộc đời để làm hai cái Ph.D. rồi chàng yêu và lấy một cô Canada. Hiện nay người trung niên da trắng gốc Mỹ ấy là giáo sư của hai trong ba đại học của Toronto.
Chưa yên tâm hành nghề giáo sư đại học; từ khi có con Mark  mới thấy là mình thích thành giáo viên. Để làm giáo viên ở Ontario thì dù là giáo sư anh vẫn phải đi học thêm một năm sư phạm nữa. Nhiều khi gặp các thầy cô ở trường phổ thông hỏi họ trước làm nghề gì. Nhiều người nói là tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư cao cấp… Động cơ nào khiến họ từ bỏ công việc thu nhập cả vài trăm ngàn, học lại ra làm giáo viên với lương chỉ 50-80 ngàn$/năm. Tiền bạc không thể lý giải nổi thì chắc động cơ chỉ còn là niềm đam mê.
Khi tới Canada định cư, ở sân bay tôi được phát tờ quảng cáo của chính phủ hướng dẫn là có ba nghề rất được tin cậy và tôn trọng ở đây là giáo viên, cảnh sát và bác sỹ. Vào quốc tịch cần có người biết mình từ ba năm trở lên chứng nhận và danh sách hàng đầu những người có thể ký chứng nhận không phải là tiến sỹ hay giáo sư nọ kia … mà là ba nhóm người hành nghề trên.
(Trích “Tạp…” của Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)

Việt Nam
Tôi đã hỏi hơn 500 giáo viên ở 3 cấp với câu hỏi: Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Kết quả là số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%. Thế là có ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học nữa. Họ hối hận với lựa chọn nghề giáo. Một bộ phận đáng kể đang chán nghề.
Cô thử đọc trên báo chí hiện nay xem hình ảnh người thầy thế nào. Họ chọn những câu chuyện giật gân, làm xã hội nhìn nhà giáo bằng con mắt khác. Còn đâu truyền thống tôn sư trọng đạo. Bao nhiêu tấm gương người tốt việc tốt thì không thấy đưa. Thế mà toàn chỗ này thầy giáo đánh học sinh, chỗ kia lạm dụng tình dục học sinh... Chưa bao giờ phương tiện thông tin đại chúng lại bôi nhọ nghề giáo như bây giờ.
(PGS.TS Vũ Trọng Rỹ. Viện Khoa học giáo dục.Nguồn: http://news.zing.vn/giao-duc/mot-nua-giao-vien-hoi-han-vi-nghe-da-chon/a265864.html)

Một cán bộ y tế có thể nhận phong bì của bệnh nhân không ngại ngần sau 1-3 năm công tác tại bệnh viện, đặc biệt ở khoa sản và ngoại, theo khảo sát của Tổ chức Hướng tới Minh bạch. Đây là thời gian thử thách vào biên chế.
Nghiên cứu được tiến hành tại 4 tỉnh là Hà Nội, Sơn La, Đăk Lăk và Cần Thơ từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2011.
Kết quả cho thấy, "chi phí không chính thức" trong dịch vụ y tế bắt đầu phổ biến từ năm 2000 và ngày càng gia tăng, với hình thức chủ yếu là đưa tiền trực tiếp và để tiền trong phong bì. Các hình thức khác có thể là biếu quà bằng hiện vật và tặng “cơ hội” cho nhân viên y tế.
 
Hình thức tặng "cơ hội" cho bác sĩ mới xuất hiện mấy năm gần đây và chỉ có ở các thành phố lớn, như giới thiệu suất mua nhà giá gốc, xin học cho con vào trường danh tiếng, mua hàng nước ngoài...
CSGT nhận mãi lộ của tài xế xe tải

Theo kết quả khảo sát được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố sáng 20/11, 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

Theo ý kiến của các nhóm người được phỏng vấn, bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, xây dựng. Trên 75% số người cho rằng tham nhũng trong những ngành này là phổ biến.

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Lòng yêu nước

LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình hình thành Đất và Nước đầy cam go, còn mất trong trường kỳ lịch sử. Và vì vậy LÒNG YÊU NƯỚC mang đậm giá trị của văn hóa người Việt, nhân hậu, vị tha, nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy thì sự xả thân là nét đặc thù của dân tộc. Đấy cũng chính là nhân cách, là bản lĩnh của người Việt trước lịch sử hình thành dân tộc và phát triển đất nước.


 
 Tuần hành phản đối Trung Quốc xâm lược (HN 9/12/2012)

 
 Tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” vang rền 
khắp bốn ngả phố Tràng Thi – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – Tràng Tiền
(HN 9/12/2012)

 Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam
(HN 9/12/2012)

 
 Đả đảo Trung Quốc xâm lược (SG, 9/12/2012)

Phản đối đường lưỡi bò (SG 9/12/2012)

Vào thời điểm còn mất ấy, người Việt không có lựa chọn thứ hai, chỉ có sự đồng thuận. Ai đi ngược lại thì đấy là kẻ bán nước. Chính văn hóa ấy, nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp chúng ta không bị đồng hóa trước một gã khổng lồ phương Bắc gian manh, xảo quyệt và tham lam vô độ. (Hoàng Lại Giang)

NHỮNG KẺ TRẤN ÁP BIỂU TÌNH

 
HN, 9/12/2012

 
 HN, 9/12/2012

 
 SG 9/12/2012

 
SG 9/12/2012



 Chính văn hóa ấy, nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp chúng ta không bị đồng hóa trước một gã khổng lồ phương Bắc gian manh, xảo quyệt và tham lam vô độ. (Hoàng Lại Giang)


 Ảnh nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/43388 và http://www.boxitvn.net/bai/43421

Bonus 

 
Ảnh: đương kim đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một trong những trí thức đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại nhà hát lớn Sài Gòn ngày chủ nhật 09/12/2012.
http://www.boxitvn.net/wp-content/uploads/2012/12/image028.jpg

(Ảnh: http://www.boxitvn.net/wp-content/uploads/2012/12/image028.jpg
người đàn ông mặc áo đen cầm máy chụp ảnh)

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn

Hoàng Ngọc Diệp là một người Việt ở nước ngoài. Ông về Việt Nam sống và mong cống hiến tâm sức để xây dựng đất nước đã gần 20 năm nay. Đây là những dòng tâm sự về hiện tình đất nước mà ông viết cho con trai của mình trên facebook.


                                                     LÒNG TRẮC ẨN VÀ SỰ HỔ THẸN

(Những tâm sự gửi đến các con ruột và con nuôi của bố)

Như những lần trước đây, ở những nơi chốn, diễn đàn khác, bố sẽ tâm sự và gửi gắm tới các con những gì bố ưu tư và đau buồn! Bố đưa lên diễn đàn này không những để các con đọc mà còn để các bạn trẻ khác của bố và của các con cũng chia sẻ. Nhân, con giúp bố dịch cho chị Amy của con nhé!

Một câu chuyện nhỏ về lòng trắc ẩn.
Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.
Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.
Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.
Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.
Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.
Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!
Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!


Một câu chuyện về sự hổ thẹn
Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!
Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!
Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!
Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?
Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!
Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.
Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!
Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?
Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:
Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?
Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thuỷ sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!
Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư… v.v…, nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.
Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể — theo lời ông Thủ tướng — được chứng minh là nghèo đói?
Vì tham nhũng chăng?
Đúng!
Nhưng gốc của tham nhũng từ đâu ra?
Do trời sinh, do người dân thiếu lòng tự trọng và tham lam, hay do tính đặc quyền từ một lối “cơ cấu” và “cơ chế” bởi guồng máy quyền lực?
Đừng đổ cho ông Trời nhé! Cũng đừng đổ cho nhân dân, vì người dân của hầu hết mọi quốc gia đều rất đơn giản, họ chỉ làm theo những gì guồng máy lãnh đạo làm và chính quyền cho phép hay lỏng lẻo trong quản lý mà thôi!
Thế thì còn lại là vấn đề “cơ cấu” và “cơ chế” của guồng máy lãnh đạo!
Vì thiếu nhân tài chăng?
Sai, nhưng thực tế thì Đúng!
Sai là vì mình có rất nhiều nhân tài, nhưng Đúng trên thực tế vì guồng máy lãnh đạo chỉ sử dụng những người trong “cơ cấu” cho dù họ yếu kém, bất tài hơn những người bên ngoài cơ cấu!
Phải chăng guồng máy quyền lực hiện nay không có ý định thay đổi để tận dụng nguồn lực bên ngoài này cho dù họ đã cho thấy sự bất lực của “cơ cấu” mà họ tạo ra?
Vì thiếu sản phẩm sản xuất trong nước chăng?
Sai, nhưng thực tế thì có khác! Sai vì mình là một trong vài nước dẫn đầu sản xuất và xuất khẩu nông thuỷ sản và nhiều mặt hàng khác, nhưng trên thực tế hầu hết đều chỉ là cung cấp ở mức nguyên liệu thô hay gia công với giá thành thấp nhất!
Phải chăng là vì các công ty không có khả năng? Hay guồng máy nhà nước không biết quản lý để giúp họ khắc phục và nâng cao giá trị sản phẩm?
Như vậy, nếu ta nghiêm túc đặt Việt Nam mình là nước nghèo đói và lạc hậu, thì phải tự mình nghiêm túc tìm hiểu tạo sao và tự khắc phục nó!
Ngay sau khi chiến tranh, thế giới cho nước mình là nghèo đói thì có thể chấp nhận được. Nhưng sau mấy chục năm thống nhất, khi thế giới dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, thì lãnh đạo nước lại đại diện cho đất nước tự biện giải để tiếp tục nằm trong danh sách các nước nghèo đói, hầu tiếp tục làm một đất nước ăn mày!
Như vậy thì làm sao công dân Việt Nam mình có thể có một niềm tự tin, niềm hãnh diện để góp sức và tận lực phát triển?
Đúng ra, khi nhận được dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, chúng ta nên xem nó là một tin vui; mọi người dân Việt Nam mình phải hoan nghênh và hãnh diện về khả năng tự phát triển thoát nghèo để tiếp tục thay đổi, tiếp tục chuyển mình! Như vậy mới là một quốc gia có danh dự, có lòng tự trọng và có khả năng tự lực phát triển, phải không nào?
Trong lịch sử nước Việt Nam mình đã có nhiều lần chịu nhục! Nhưng những lần đó đều là vì sự áp chế của bọn xâm lăng nước ngoài.
Nhưng lần này thì khác, các con nhớ dùm bố, đây sẽ là lần nhục nhã nhất trong lịch sử của Việt Nam!
Vì lãnh đạo nước mình tự nguyện chịu nhục với thế giới bằng cách tự nguyện xin làm một đất nước ăn mày, một dân tộc ăn mày, chứ không chịu chấp nhận sự kiện Việt Nam đã có khả năng thoát nghèo đói, hay chấp nhận sự kiện guồng máy lãnh đạo yếu kém trong khả năng lãnh đạo đất nước!
Họ đã chứng tỏ rằng họ không còn lòng tự trọng để là những đại diện và lãnh đạo đất nước Việt Nam mình!
Và bố, thế nào đi nữa, bố vẫn xem mình là một người Việt Nam, một con dân của dân tộc Việt Nam trong huyết thống, thì bố đau khổ và nhục nhã quá!
Nay bố già rồi, không còn nhiều sức lực và thời gian nữa; bố cũng không còn là công dân Việt Nam về mặt pháp lý, để đóng góp nhiều như mong muốn và khả năng cho phép, nhưng các con là công dân Việt Nam, các con còn cả một tương lai lâu dài, các con phải hứa với bố là khi trưởng thành các con sẽ luôn có lòng trắc ẩn cho những người dân đen, và đóng góp hết sức mình làm thay đổi guồng máy đần độn, thối nát và vô liêm sỉ này, để Việt Nam mình không còn là dân tộc ăn mày thế giới nữa nhé!
Bố thương các con lắm!

Hoàng Ngọc Diệp