Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Phân biệt doanh nhân, trọc phú, con buôn

"Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô thôi. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn. Để đánh giá là một doanh nhân hay là con buôn người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ".
Đốt tiền chơi ngông chỉ là hợm hĩnh, lố bịch!

Thế hệ doanh nhân “mới” sẽ có những đặc tính khác với thế hệ doanh nhân “cũ”. Thế hệ doanh nhân mới là thế hệ của một nền kinh thương mới và chính thế hệ này cũng góp phần tạo nên nền kinh thương mới. Theo tôi thế hệ doanh mới này cần có ba đặc tính cơ bản:

+ Khát vọng mới: Khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới, dù quy mô của doanh nghiệp là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình, dù là đua tranh ở bên ngoài đất nước hay đua tranh với thế giới ngay trong “nhà” của mình, chứ không chỉ là đua tranh giữa các doanh nhân Việt với nhau.

Đó còn là khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt xấu xí” mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

+ Năng lực mới: Năng lực quản lý và lãnh đạo mới để có thể thực hiện được khát vọng mới nói trên. Đó là những doanh nhân: có khả năng nhìn xa (không chỉ 2 năm, 5 năm, mà có thể là 20 năm, 30 năm..., thậm chí là xa hơn) và trông rộng (không chỉ giới hạn ở tầm nhìn Việt Nam, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới); có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công cùng những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, cũng như tôn giáo...

+ Văn hóa mới: Nếu có khát vọng mới, có năng lực mới mà thiếu đi một nền tảng văn hóa mới cho doanh nhân, doanh nghiệp, cho nền kinh thương thì có thành công nhưng cũng không bền vững và dễ đổ vỡ. Cái không bền đó là do kinh doanh của họ không dựa trên một nền tảng văn hóa vững chắc chứ không đơn giản là vì chiến lược. Mặc dù đầu óc chiến lược của họ là rất giỏi nhưng họ lại dựa trên những giá trị không bền vững để làm ăn, chỉ cần một sai sót nhỏ toàn bộ cơ nghiệp có thể bị sụp đổ.

Văn hóa ở đây được hiểu như là “hệ điều hành” của con người, nó chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành động của con người, của doanh nghiệp, của cả nền kinh thương.

Một con người có nền tảng văn hóa là người: Có một cái đầu đã được khai sáng, khai minh để có khả năng phân biệt được ai là ai, cái gì là cái gì, mình là ai...., biết phân định đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà…, biết sống ở trên đời này vì cái gì…; Có một trái tim giàu lòng lòng trắc ẩn, biết rung động trước cái đẹp (của con người của tự nhiên), biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, biết phẫn nộ trước cái sai, cái xấu và cái ác…

Một trong biểu hiện rõ nhất của nền tảng văn hóa đó là hành xử tín thực, tức là, nói những gì mà mình thực sự nghĩ và thực sự làm những gì mình nói; đó là, luôn biết là mình biết cái gì và đặc biệt là biết rõ cái mà mình không biết để tránh đặt mình vào tình trạng ấu trĩ, vô minh mà mình lại không hề biết…

Đối với doanh nhân, văn hóa nó biểu hiện rõ nhất ở cách kiếm tiền và cách xài tiền của họ.

Nếu anh kiếm tiền mà những đồng tiền đó là những đồng tiền tử tế, chân chính, không lừa ai, không hại ai, và đem lại lợi ích, giá trị cho người khác thì đó cũng được gọi là văn hóa.

Nhưng nếu khi anh có nhiều tiền rồi, anh muốn dùng tiền, muốn tiêu tiền như làm đám cưới khủng cho con, hay mua chó triệu đô để ngắm… thì có thể bị xã hội còn nhiều người nghèo cho là lố bịch, hợm hĩnh.

Tiêu tiền cũng phải có văn hóa, mà muốn tiêu tiền có văn hóa thì đòi hỏi người tiêu tiền phải có văn hóa. Nếu có nhiều tiền mà lại thiếu văn hóa thì rất dễ rơi vào những chuyện không hay…

Phân biệt doanh nhân, trọc phú và con buôn

 Thủy Tiên tại nhà riêng – Ảnh: Nana Chen

Trong giới làm ăn của quốc gia nào cũng có 3 nhóm người: doanh nhân, trọc phú và con buôn. Trọc phú và con buôn đều giống nhau ở chỗ kiếm được tiền bằng cách lừa ai đó hoặc hại ai đó, chỉ khác nhau về quy mô thôi. Con buôn thì quy mô nhỏ, còn trọc phú thì quy mô lớn. Để đánh giá là một doanh nhân hay là con buôn người ta không nhìn vào quy mô mà người ta nhìn vào cách kiếm tiền của họ. Không thể lấy cái quy mô để đánh giá mà phải nhìn vào bản chất của vấn đề.

Chẳng hạn, bà bán trái cây dạo cũng có thể là doanh nhân (nếu bán trái cây tử tế, không có thuốc trừ sâu, không phun hóa chất để bảo quản trái cây), cũng có thể là con buôn (nếu trái cây của bà ấy mua từ những nguồn độc hại, và được bảo quản bằng hóa chất…)

Doanh nhân là một từ cao quý và rất đẹp, nếu không có văn hóa và làm ăn có văn hóa thì không được gọi là doanh nhân. Trong giới làm ăn không phải ai cũng là doanh nhân. Phải có văn hóa mới là doanh nhân nếu không thì nó lại thành “trọc phú” hoặc là “con buôn” rồi. Cũng như những người có học hàm, học vị cũng chưa chắc là đã có giáo dục, nhiều người không có  học hàm học vị gì cả nhưng lại rất có giáo dục.



Doanh nhân phải là những người kiếm tiền mà không làm hại đến ai, không lừa gạt ai và sản phẩm của họ có thể đem lại những giá trị cho người tiêu dùng. Nói ngắn gọn, doanh nhân là những người “kiếm” bằng cách “mang” và không “gây”.

Theo Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét