Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Nhân văn

 Chùm truyện sưu tầm của FB DINH NGUYEN
1- CHIẾC BĂNG GẠC CHO TRÁI TIM TAN VỠ

- Mẹ, mẹ đang làm gì thế ? Cô bé Susie chỉ mới 6 tuổi hỏi mẹ.- Mẹ đang nấu món thịt hầm cho cô Smith hàng xóm.- Vì sao ạ ? - Susie thắc mắc.
- Vì cô Smith đang rất buồn con ạ. Con gái cô ấy vừa qua đời và trái tim cô ấy đang tan nát. Chúng ta sẽ chăm sóc cô ấy một thời gian - bà mẹ dịu dàng trả lời.- Tại sao lại thế hả mẹ ? - Susie vẫn chưa hiểu.- Thế này nhé con yêu, khi một người rất buồn, họ sẽ không thể làm tốt ngay cả những việc rất nhỏ như nấu bữa ăn tối hay một số việc vặt khác. Vì chúng ta cùng sống trong một khu phố và cô Smith là hàng xóm của gia đình mình, chúng ta cần phải giúp đỡ cô ấy. Cô Smith sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện, ôm hôn con gái cô ấy hoặc làm bất cứ điều gì thú vị mà mẹ và con có thể làm cùng nhau. Con là một cô bé thông minh Susie. Có thể con sẽ nghĩ ra cách nào để giúp đỡ cô ấy.

Susie suy nghĩ rất nghiêm túc về những điều mẹ nói và cố gắng tìm cách góp phần giúp đỡ cô Smith. Vài phút sau, Susie đã ở trước cửa nhà cô Smith, rụt rè bấm chuông. Mất một lúc lâu cô Smith mới ra mở cửa : "Chào Susie , cháu cần gì ?". Susie cảm thấy giọng cô Smith rất nhỏ, khuôn mặt cô trông rất buồn rầu, như thể cô vừa khóc vì mắt cô hãy còn đỏ mọng nước.

"Mẹ cháu nói con gái của cô vừa qua đời và cô đang rất buồn vì tim cô bị thương - Susie e dè xòe tay ra. Trong lòng bàn tay của cô bé là một chiếc băng gạc cá nhân - Cái này để băng cho trái tim của cô ạ". Như để chắc chắn, Susie nói thêm: "Cháu đã dùng vài lần và nó rất tốt". Cô Smith há miệng kinh ngạc, cố gắng không bật khóc. Cô xúc động quỳ xuống ôm chặt Susie, nghẹn ngào qua làn nước mắt : " Cảm ơn, cháu yêu quý, nó sẽ giúp cô rất nhiều".

Chiếc băng gạc nhỏ bé nhưng kỳ diệu của Susie đã đem đến sự ấm áp cho trái tim tuyệt vọng của cô Smith. Kể từ đó cô gài chíếc băng gạc vào một xâu chìa khoá nhỏ và luôn mang theo bên mình như một sự nhắc nhở phải quên đi nỗi đau và mất mát.

Khi phải chịu đựng một nỗi đau quá lớn thật không dễ để nhận ra ngay rằng vết thương ấy rồi cũng sẽ lành. Chiếc băng gạc nhỏ bé của Susie đã trở thành biểu tượng của sự hàn gắn nỗi đau và biến tất cả niềm vui, tình yêu, hạnh phúc cô đã có cùng con gái trở thành những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt chứ không phải một gánh nặng đeo vào tâm hồn suốt cuộc đời.

Nguồn: Hoa Thủy Tinh♥

2 - VÌ NÓ LÀ BẠN CHÁU

Tôi nghe câu chuyện này ở Việt Nam và người ta bảo đó là sự thật. Tôi không biết điều đó có thật hay không; nhưng tôi biết những điều kỳ lạ hơn thế đã xảy ra ở đất nước này." (John Mansur)

Cho dù đã được đoán trước, những khối bê tông vẫn rơi xuống trại trẻ mồ côi trong một làng nhỏ. Một, hai đứa trẻ bị chết ngay lập tức. Rất nhiều em khác bị thương, trong đó có một bé gái khoảng tám tuổi.
Dân làng yêu cầu thị trấn lân cận liên lạc với lực lượng quân đội Mỹ để giúp đỡ về mặt y tế. Cuối cùng, một bác sĩ và một y tá mang dụng cụ đến. Họ nói rằng bé gái bị thương rất nặng, nếu không được xử lý kịp thời nó sẽ chết vì bị sốc vì mất máu.
Phải truyền máu ngay. Nhưng cuộc thử máu nhanh cho thấy không có ai trong hai người Mỹ có nhóm máu đó, nhưng phần lớn những đứa trẻ mồ côi bị thương lại có.
Người bác sĩ nói vài tiếng Việt lơ lớ, còn cô y tá thì nói ít tiếng Pháp lõm bõm. Họ kết hợp với nhau và dùng điệu bộ, cử chỉ cố giải thích cho bọn trẻ đang sợ hãi rằng nếu họ không kịp thời truyền máu cho bé gái thì chắc chắn nó sẽ chết. Vì vậy, họ hỏi có em nào tình nguyện cho máu không.
Đáp lại lời yêu cầu là sự yên lặng cùng với những đôi mắt mở to. Một vài giây trôi qua, một cánh tay chậm chạp, run rẩy giơ lên, hạ xuống, rồi lại giơ lên.
- “Ồ, cảm ơn. Cháu tên gì?” - cô y tá nói bằng tiếng Pháp.
- “Hân ạ” - cậu bé trả lời.
Họ nhanh chóng đặt Hân lên cáng, xoa cồn lên cánh tay và cho kim vào tĩnh mạch. Hân nằm im không nói lời nào.
Một lát sau, cậu bé nấc lên, song nó nhanh chóng lấy cánh tay còn lại để che mặt.
Người bác sĩ hỏi: “Có đau không Hân?”. Hân lắc đầu nhưng chỉ vài giây sau lại có tiếng nấc khác. Một lần nữa, cậu bé cố chứng tỏ là mình không khóc. Bác sĩ hỏi kim có làm nó đau không, nhưng cậu bé lại lắc đầu.
Bây giờ thì tiếng nấc cách quãng nhường chỗ cho tiếng khóc thầm, đều đều. Mắt nhắm nghiền lại, cậu bé đặt nguyên cả nắm tay vào miệng để ngăn không cho những tiếng nấc thoát ra.
Các nhân viên y tế trở nên lo lắng. Rõ ràng là có điều gì không ổn rồi. Vừa lúc đó, một nữ y tá người Việt đến. Thấy rõ vẻ căng thẳng trên mặt cậu bé, chị nhanh chóng nói chuyện, nghe nó hỏi và trả lời bằng một giọng hết sức nhẹ nhàng.
Sau một lúc, cậu bé ngừng khóc và nhìn chị y tá bằng ánh mắt tỏ vẻ hoài nghi. Chị y tá gật đầu. Vẻ mặt cậu ta nhanh chóng trở nên nhẹ nhõm.
Chị y tá khẽ giải thích với những người Mỹ: “Cậu bé cứ nghĩ là mình sắp chết. Nó hiểu nhầm. Nó nghĩ các vị muốn nó cho hết máu để cứu sống bé gái kia.”
- “Vậy tại sao nó lại tự nguyện cho máu?” - người y tá lục quân hỏi.
Chị y tá người Việt phiên dịch câu hỏi lại cho cậu bé và nhận được câu trả lời rất đơn giản: “Vì nó là bạn cháu”.

( ST )

3 - ĐỪNG NÓI CHO BỐ BIẾT !

Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam, có một câu chuyện rất cảm động về một người lính bị bom đạn hủy hoại một cánh tay và cả đôi chân.Người lính trẻ nhập ngũ khi người vợ trẻ dang mang thai đứa con đầu lòng. Anh nhận lệnh chiến đấu ở miền Nam Việt Nam.
Trong một trận càn quét anh bị trúng bom nên mất toàn bộ đôi chân và một cánh tay. Sau đó, anh lại bị bắt làm tù binh trong 5 năm, suốt thời gian khủng khiếp đó, vợ anh đã sinh cho anh một đứa con trai và một mình nuôi dạy con khôn lớn chờ ngày anh trở về.
Cuối cùng các tù binh cũng được trả tự do và đưa về trên hai chiếc máy bay. Một chiếc chở những người lính còn lành lặn và một chiếc dành chở những người bị thương.Khi hạ cánh, hầu như các phương tiện truyền thông đều tập trung phỏng vấn những người lính trở về trên chiếc máy bay đầu tiên, còn các người khác được nhân viên y tế lặng lẽ đưa xuống từ cửa sau của chiếc máy bay thứ hai.
Cậu bé đứng đợi bố trong nỗi hồi hộp và mong chờ vì đây là lần đầu tiên cậu được gặp mặt bố. Khi trông thấy bố được đưa đến mà không có chân, cậu bé liền chạy đến bên mẹ và hỏi: "Mẹ ơi, bố con không có chân phải không?". Người mẹ trả lời con trong nước mắt dù đã cố kiềm nén nỗi đau: "Đúng vậy, con yêu! Bố không có chân"

Khi người bố được đẩy đến gần hơn, cậu bé lại thấy bố mình mất một cánh tay. Cậu lại chạy ngay đến bên mẹ hỏi tiếp: "Mẹ ơi, bố cũng chỉ có một cánh tay phải không mẹ?" Người mẹ chỉ biết gật đầu để trả lời con trong nỗi lòng đau xé

Sau một lúc im lặng cậu bé quay sang ghé sát tai mẹ thì thầm:" Mẹ ơi, chúng ta đừng nói cho bố biết về điều đó mẹ nhé!"

Trong cuộc sống này , tất cả chúng ta đều bị khuyết tật nhưng không phải khuyết tật nào cũng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

(Sưu tầm)♥
4.  BÀI VĂN BỊ ĐIỂM 0

- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba.

Tôi ngạc nhiên: "Đề bài khó lắm sao?"
- Không. Cô chỉ yêu cầu "Tả bố em đang đọc báo." Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điểm.

Tôi thở dài:- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?

- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô.

Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: "Sao trò không chịu làm bài?". Nó cứ làm thinh, mãi sau nó mới bảo: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, cô sững người. Té ra ba nó hi sinh từ lúc nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: "Sao mày không tả ba đứa khác?" Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.

Chuyện về cậu học sinh có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực.

( Việt Báo )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét