Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Văn hóa và Môi trường văn hóa

 






Văn hóa
 Văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, tùy theo từng lĩnh vực và cách tiếp cận người ta có các định nghĩa khác nhau về văn hóa. Khái niệm văn hóa trong lĩnh vực xã hội học (Lê Ngọc Văn):
Theo quan điểm xã hội học, văn hóa là đặc điểm riêng của con người và xã hội loài người. Văn hóa là tập hợp những hành vi và quan niệm mà con người học hỏi được với tư cách là thành viên của xã hội. Con người dùng văn hóa để thích ứng với thế giới trong họ đang sống và để thay đổi nó. Do đó văn hóa là khái niệm trung tâm dùng để giải thích lý do các hành vi của con người. Văn hóa có đặc điểm là do học hỏi mà có và cùng chia sẻ với người khác. Trong phần lớn trường hợp, văn hóa thường được học hỏi trong một nhóm người, có quan hệ xã hội tương đối gần gũi. Mỗi cộng đồng người có một truyền thống văn hóa riêng của mình. Có bao nhiêu cộng đồng người thì có bấy nhiêu truyền thống văn hóa.
Văn hóa là một thuộc tính của xã hội và thuộc về xã hội, vì thế không có văn hóa thì không có xã hội cũng như không có xã hội không có văn hóa. Mỗi xã hội có một nền văn hóa riêng nhưng tất cả các xã hội đều thông qua sử dụng những công cụ chung hay những yếu tố phổ biến để thể hiện văn hóa riêng của mình. Những yếu tố phổ biến của văn hóa là giá trị, chuẩn mực, biểu tượng và ngôn ngữ. Trong tất cả các biểu tượng của con người thì ngôn ngữ là hình thức phát triển cao nhất. Nó cho phép con người chia sẻ ý nghĩ, tư tưởng, kinh nghiệm, tình cảm và những ước muốn… Không có ngôn ngữ sẽ không truyền đạt được văn hóa. Ngôn ngữ là chìa khóa để hiểu bất cứ nền văn hóa nào và bất cứ xã hội nào.
Các nhà xã hội học thường đề cập đến các yếu tố chuẩn mực và giá trị với tư cách là hiện thân của văn hóa. Theo Robert Merton, văn hóa là “tập hợp các giá trị chuẩn mực có tổ chức điều khiển hành vi, có tính chất chung nhất đối với mọi thành viên của một xã hội nhất định hay một nhóm xã hội nhất định” (dẫn theo Vũ Quang Hà, 2001: 169).
Talcott Parsons (1951) coi văn hóa là nhân tố chính liên kết các nhân tố khác của xã hội, hoặc theo thuật ngữ của ông, hệ thống hành động xã hội. Trong một hệ thống xã hội, văn hóa được biểu hiện trong các chuẩn mực và các giá trị (dẫn theo George Ritzer, 2000: 448).
Anthony Giddens (2001) coi văn hóa là yếu tố gắn kết các cá nhân với nhau. Nó được biểu hiện trong hệ thống các giá trị và các chuẩn mực. Theo Giddens, giá trị (values) là những ý niệm trừu tượng xác định cái gì được coi là quan trọng, đánh giá và đáng ao ước trong phạm vi một nền văn hóa. Còn chuẩn mực (norm) là các qui tắc ứng xử phản ánh những giá trị của một nền văn hóa. Các giá trị và các chuẩn mực định hướng cho các thành viên của một nền văn hóa phải ứng xử như thế nào với môi trường xung quanh họ. Giá trị và chuẩn mực mang dấu ấn sâu sắc nhưng có thể thay đổi theo thời gian.
Các nhà xã hội học có xu hướng sử dụng thuyết tương đối văn hóa, tức là cố gắng tìm hiểu một nền văn hóa bằng chính những giá trị và chuẩn mực của nền văn hóa đó. Thuyết tương đối văn hóa đối lập với chủ nghĩa dân tộc (Ethno - centrism) là thói quen phán xét các nền văn hóa khác bằng cách so sanh qui chiếu với nền văn hóa của dân tộc mình. Những người theo chủ nghĩa dân tộc trung tâm thường có cảm giác bất ngờ và khó chịu khi tiếp xúc với những tập tục văn hóa xa lạ. Cảm giác đó còn được gọi là “cú sốc văn hóa”.
Việc sử dụng thuyết tương đối văn hóa cho thấy dưới con mắt của các nhà xã hội học tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng với nhau và có giá trị như nhau dù rất khác nhau. Việc sử dụng thuyết tương đối văn hóa không có ý nghĩa là chấp nhận vị trí của quyết định luận văn hóa. Theo quan điểm xã hội học, các nền văn hóa không bao giờ biệt lập mà luôn diễn ra quá trình tiếp xúc văn hóa, ảnh hưởng, tác động qua lại và học hỏi lẫn nhau. Biên giới giữa các nền văn hóa là không rõ ràng. Ngay trong nội bộ của một nền văn hóa cũng không phải là một thực thể thuần nhất, không chứa đựng những mâu thuẫn và bất đồng. Và những con người trong một nền văn hóa không tiếp thu các khuôn mẫu văn hóa một cách thụ động trong một thê giới quan duy nhất. Ngược lại con người có xu hướng cải tạo các khuôn mẫu lạc hậu và sáng tạo ra những khuôn mẫu mới phù hợp với hoàn cảnh, tạo nên sự biến đổi của văn hóa"

 Môi trường văn hóa

Sự phát triển của con người luôn gắn với các môi trường tự nhiên, xã hôi và văn hóa. Ngày này môi trường văn hóa càng trở nên hết sức quan trọng đối với sự phát triển của một con người, một cộng động và cả một quốc gia.

Khi nói đến môi trường văn hóa, tùy theo góc độ tiếp cận, người ta có những quan niệm khác nhau:
- Thứ nhất, coi môi trường văn hóa gần như đồng nhất với môi trường xã hội. Đây là quan niệm coi mọi hoạt động của con người đều là văn hóa. Quan niệm này đang ngày càng trở nên phổ biến, ví dụ như khi ta nói văn hóa nhậu, văn hóa từ chức….
- Thứ hai, coi môi trường văn hóa là bộ phận hợp thành của môi trường xã hội; môi trường văn hóa thường bền vững hơn trong khi môi trường xã hội luôn biến đổi linh hoạt. Môi trường văn hóa luôn gắn liền với hệ quan điểm, chuẩn mực thẩm mỹ và các giá trị văn hóa, có tác động sâu sắc và tích cực đến con người và xã hội. Đây là quan niệm nhìn văn hóa trong tổng thể cấu trúc xã hội khi coi môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng, có chiều sâu của môi trường xã hội. Quan niệm này nhấn mạnh đến tính đặc thù của môi trường văn hóa:
+ Đặc tính cơ bản của văn hóa chủ yếu là những sản phẩm tinh thần. Vì thế, môi trường văn hóa chủ yếu là môi trường tinh thần. Tính phi vật chất là nét nổi bật của môi trường văn hóa, nó khác biệt với môi trường xã hội là môi trường vật chất.
+ Tính đặc thù về phương thức tác dụng của môi trường văn hóa là tác động theo hình thức thấm dần vào cảm nhận và tinh thần của con người.
- Thứ ba, môi trường văn hóa là phương diện cấu thành của văn hóa và phát triển văn hóa bao gồm thực tiễn sáng tạo văn hóa, giá trị văn hóa và tâm lý văn hóa. Đó cũng là ba phương diện cơ bản tạo nên phát triển văn hóa. Quan niệm này tập trung vào mối quan hệ nội tại của văn hóa. Tuy nhiên cần tránh thu hẹp quan niện văn hóa chỉ là các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật.
Yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hóa là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lý dân tộc và tập tục truyền thống.....


 Vui cười




Văn hóa khu phố
Cuộc họp khu phố bàn xây dựng khu phố văn hóa đang rất căng thẳng. Có nhiều biện pháp được đưa ra, nhưng mọi người vẫn thấy chưa có phương án nào thực sự hữu hiệu để dẹp bỏ các hiện tượng mất vệ sinh, nói năng tục tĩu, cãi nhau... Ai nấy đang vò đầu bứt tai thì bỗng một giọng cất lên:
- Theo tôi, phải bắt phạt những ai vứt rác ra đường.
- Đúng, nếu bắt được đứa nào ném rác ra đường thì cứ đánh bỏ mẹ nó đi!
- Ừ! Đúng rồi, phải đánh cả thằng bố nó nữa!
Một giọng khác gay gắt cất lên:
- Gông cổ cả nhà nó lại cho ăn rác bằng hết thì thôi!
- ???


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét