Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Nền văn hóa "lạc chuẩn"



Hệ giá trị và chuẩn mực xã hội
Văn hóa là yếu tố gắn kết các cá nhân với nhau trong một cộng đồng bằng một hệ thống các giá trị và các chuẩn mực xã hội.
Giá trị văn hóa là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói cách khác đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Do vậy, giá trị văn hoá cũng chính là giá trị xã hội, nó gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội.
Chuẩn mực xã hội là các qui tắc ứng xử phản ánh những giá trị của một nền văn hóa. Các giá trị và các chuẩn mực định hướng cho các thành viên của một nền văn hóa phải ứng xử như thế nào với môi trường xung quanh họ.
Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Khi nói hệ thống các giá trị hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường bao hàm hai ý nghĩa: 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị.
Đối với mỗi dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Hệ giá trị tổng quát bao gồm những giá trị chung nhất, mang tính phổ quát, có vai trò định hướng đối với tư duy và hành động của cả cộng đồng. Để hình thành nên giá trị, bảng giá trị của một cộng đồng thì phải trải qua quá trình lịch sử lâu dài, nên giá trị thường mang tính ổn định và khá bền vững. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là giá trị là cái gì bất biến mà giá trị với tư cách là sự đánh giá của con người về cái hay, cái tốt, cái đẹp đối với tự nhiên, xã hội và tư duy, nó phản ánh nhu cầu của con người trong một môi trường xã hội nhất định. Do vậy, giá trị với tư cách là thước đo cũng mang tính biến động cùng với sự biến động xã hội. Và như vậy, nghiên cứu văn hóa luôn có hai nội dung quan trọng:
1. Phát hiện ra những giá trị, chuẩn mực đặc trưng của nền văn hóa được nghiên cứu.
 2. Nghiên cứu sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực và quá trình hình thành các giá trị, chuẩn mực mới của nền văn hóa.
Hệ thống các giá trị văn hóa Việt
GS. Trần Văn Giầu đã từng nêu hệ thống giá trị văn hóa Việt gồm 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là : yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Theo Nghị quyết TW 5  khóa VII (1991 – 1995) của Đảng,  những đức tính nổi bật của bản sắc Việt Nam, cũng có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam là: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”
Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây, GSTS. triết học Hồ Sĩ Quý – Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội đã đề cập những phẩm chất nổi bật của người Việt hiện nay là:“thông minh, năng động, học giỏi và ít nhiều chịu khó là phẩm chất khó phủ nhận của người Việt, trong so sánh với bất kỳ cộng động tương đương nào. Và, thiếu triệt để trong tư duy và hành động, thiếu đại lượng khi nhìn nhận cá nhân, khi đánh giá người bên cạnh mình, và thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi là những điểm dở nhất trong tính cách người Việt, kể cả người Việt sống ở nước ngoài”
 575961_10151082350668808_799101679_n

 *********************


GS. Hồ S Quý: Theo tôi, bảng giá trị điều chỉnh hành vi ở ta đang lệch lạc, thậm chí khá lệch lạc.
Nếu lần theo những hiện tượng kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể, có lẽ không mấy khó khăn để nhận ra, mục đích thực, mục đích kép, hoặc mục đích ẩn giấu đằng sau không ít các hiện tượng đó không trùng với hoặc không giống như mục đích mà chủ nhân của những hiện tượng ấy trình diễn trước công luận. Ngày nay, khi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân… trá hình hoặc công nhiên can thiệp vào các kế sách, thì giá trị nào chi phối các động cơ của con người cũng không quá khó để nhận diện. Dư luận và báo mạng gần như than vãn hàng ngày về những lợi ích đằng sau một số dự án, công trình, kế hoạch… Cái điều chỉnh hành vi của những người vụ lợi trong các công trình dự án đó, hẳn không phải là những lợi ích quốc kế dân sinh. Không hề quá nếu nói rằng, đôi khi những thành tích quốc kế dân sinh, rất tiếc, lại chỉ là hệ quả của một lợi ích khuất tất khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hội nghị TW 4 mới đây đã phải ra Nghị quyết nhằm chặn lại hiện tượng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” Thậm chí, Nghị quyết chỉ rõ, hiện tượng tệ hại đó đang “thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Bởi vậy, nói lệch lạc về giá trị có thể cũng còn là nhẹ.
Nếu động cơ tối thượng thúc đẩy sự ra đời ồ ạt của các trường đại học những năm vừa qua nằm ngoài sứ mệnh thiêng liêng của giáo dục, thì giá trị thực dẫn dắt và điều chỉnh hoạt động của những trường đó, trước hết, hẳn không phải là tri thức, cũng không phải là nâng cao dân trí hay đào tạo nguồn nhân lực. Và, cũng từ đó, nếu động cơ thúc đẩy người học đến trường không phải là tri thức… thì giá trị điều chỉnh hành vi của người học hẳn cũng không thể là trí tuệ, hay cao hơn, học để làm việc, làm người. Nhà trường và người học gặp nhau ở điểm này – mục tiêu cao nhất trên thực tế chỉ còn là mảnh bằng. Bằng thật, đương nhiên, nhưng kiến thức thì giả hoặc gần như giả. Ai đó nói vương quốc giả dối đã lên ngôi cũng không hề quá.
 

Hiện nay giá trị nào ở ta được tôn vinh xếp ở bậc thang cao nhất trong bảng các giá trị làm người. Rất tiếc, dù ít ai công khai thừa nhận, lại chính là “làm quan”giàu có. Tôi không nghĩ làm quan giàu có không phải là các giá trị đáng được trân quý. Nhưng làm quan giàu có là những giá trị cao hơn mọi giá trị khác, xếp đầu bảng trong bảng các giá trị, được tôn vinh từ công sở đến gia đình, thì ở đây đúng là có sự lệch lạc. Dĩ nhiên, những người thực sự mơ được làm quan và được trở thành giàu có không nhiều. Nhưng tôi nói bảng giá trị lệch lạc, vì biết rằng không ít cá nhân đã phải lỡ dở về sở trường sở đoản cá nhân, phải hy sinh niềm đam mê riêng của mình về văn chương, nghệ thuật, khoa học, hay thậm chí nhàn tản… để lao vào làm giàu và phấn đấu làm quan, vì nếu không như thế thì khó mà chịu nổi tiếng thở dài của vợ con, bố mẹ và những người thân, trước khi hứng chịu sự chê bai của xóm giềng, đồng nghiệp và xã hội. Người thành đạt được cộng đồng thừa nhận, ở ta, trước hết phải là người giàu có, hoặc “làm quan”, rồi mới đến các “tước vị” khác. Giải thưởng quốc tế và quốc gia về chuyên môn, dẫu có một không hai, cũng chưa phải là cao, nếu người nhận giải vẫn nghèo khó hoặc là người nằm ngoài vòng hoạn lộ (宦路). Nghệ sỹ tài ba, nhà khoa học tiếng tăm, người thày mẫu mực… cũng không tránh khỏi bị người thân và đồng nghiệp đo bằng thu nhập và chức vị.Tình trạng này nếu còn kéo dài thì quả thực là nguy hiểm.
Giải pháp hữu hiệu và triệt để cho căn bệnh nói trên, cũng là giải pháp hữu hiệu và triệt để cho mọi căn bệnh khác ở Việt Nam trên đường chuyển đổi để phát triển, theo tôi, là công khai tất cả những gì có thể công khai và loại trừ bằng được lợi ích cục bộ.
Ở tầm vĩ mô, tôi nghĩ đây là giải pháp trị được tận gốc mọi cái xấu trong xã hội. Mọi giải pháp khác chỉ là hệ quả của giải pháp này trong những lĩnh vực và hiện tượng cụ thể. Giải pháp này đụng đến cơ chế, xuyên qua các chính sách, gây sức ép đến từng người và tất cả các thiết chế xã hội, nên nó buộc cái xấu phải trả lại cho luật pháp tính nghiêm minh của luật pháp, trả lại cho văn hóa tính nhân văn của văn hóa, trả lại cho kinh tế tính chính đáng của lợi ích kinh tế, và trả lại cho chính trị tính “vị dân” của chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét