Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Những dấu hiệu thay đổi lối sống

             Khi kinh tế - xã hội thay đổi thì các giá trị xã hội cũng thay đổi, những giá trị cũ lạc hậu dần dần được thay thế bởi những giá trị mới được hình thành trong quá trình phát triển. Có thể nói, xã hội nước ta hiện nay đang trong quá trình hình thành những giá trị mới, trong đó không ít những giá trị lệch lạc nhưng cũng đã bắt đầu hình thành những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển sẽ được cộng đồng chấp nhận trở thành những giá trị xã hội và lối sống mới.


Quan niệm sống là để hưởng thụ
Sự biến đổi trong quan niệm sống của người Việt ngày nay được thể hiện trước  hết ở sự biến đổi trong mục đích sống. Trước đây người dân nước ta được khuyên là phải sống vì cộng đồng, sống cho cái ta, “cái tôi” bị lên án và đè nén. Nhưng ngày nay người ta bắt đầu được sống cho cái tôi, thậm chí trong một số trường hợp  người ta còn sống cho cái tôi nhiều hơn là cho cái ta. Từ đó bắt đầu xuất hiện một tư tưởng cho rằng “sống là để hưởng thụ”. Tất nhiên, tư tưởng “sống để hưởng thụ” thực sự chỉ xuất hiện từ tầng lớp trung lưu trở lên.  Nhưng có  thể nói, tư tưởng “sống để hưởng thụ” đang trở thành một mục tiêu phấn đấu của mọi tầng lớp xã hội. Đây là nhân tố tích cực vì đề cao “cái tôi” là cơ sở xã hội tôn trọng và đề cao bản sắc riêng, phát huy khả năng, lợi thế của từng cá thể và hình thành một lối sống mới – lối sống hiện đại
 
 Du lịch gia đình
Lối sống mới
- Lối sống nhanh hậu công nghiệp
Lối sống nhanh hậu công nghiệp là ăn nhanh, đi nhanh, hành động nhanh, phù hợp với tốc độ của công nghệ cao của  thời siêu hiện đại. Có thể nói đó là sự thay đổi về tốc độ sống. Ta có thể thấy tốc độ sống nhanh được thể hiện hàng ngày qua cách ăn, cách mặc. Mốt thời trang được cập nhật hàng ngày. Các quán “ăn  nhanh” xuất hiện ngày càng  nhiều. Tốc độ của cuộc sống có chiều  hướng tăng lên nhanh hơn so với trước đây. 
 
Tuy nhiên trong việc tiếp thu lối sống nhanh của phương Tây, nhiều khi chúng ta mới  chỉ tiếp thu cái bề mặt văn hoá mà chưa tiếp thu được cái chiều sâu kinh tế - xã hội của lối sống  đó. Chính vì vậy mà lối sống nhanh ở Việt Nam mới chỉ thể hiện ở bề nổi chứ chưa có cơ sở  bền vững ở chiều sâu. Bởi lẽ người ta vào quán ăn nhanh nhưng lại ngồi lai rai hàng mấy tiếng đồng hồ. Các đôi nam nữ nhiều khi chọn quán ăn nhanh để ngồi tâm sự cả buổi. Mặt khác, tác phong ăn nhanh và sống nhanh vẫn chưa thực sự làm thay đổi được lối sống của con người nông nghiệp  
 
Thú ham muốn liên hoan ăn nhậu vẫn thịnh hành trong nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là lứa tuổi trung niên công chức thành thị. 
 
 + Lối sống gia đình ít con. Với mục đích sống cho cái tôi cá nhân, gia đình ngày nay cũng bắt đầu có xu hướng đi theo mô hình gia đình đơn thế hệ và hai thế hệ. Con cái có xu  hướng thích sống độc lập, muốn xây dựng cuộc sống riêng sau khi lập gia đình.
Trên thế  giới, khi các quốc gia đến gần với trình độ của một xã hội tri thức, thì tỷ lệ sinh sẽ nhanh chóng giảm xuống. Hiện tại nước ta cũng  đang đi theo xu hướng này. Tư tưởng trọng nam khinh nữ trong việc sinh con đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Tuy nhiên, điều này chưa được thực hiện đồng đều trong mọi tầng lớp và  mọi khu vực dân cư: khu vực nông thôn vẫn có tình trạng đẻ nhiều để có con trai.
+ Lối sống theo kiểu chủ nghĩa tiêu thụ. Ngày nay, sự tiêu thụ không phải chỉ là để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cần thiết của con người. Mà nhiều khi người ta tiêu thụ chỉ để thoả mãn một thú vui, thậm chí chính bản thân việc mua sắm  được coi là một thú vui lớn nhất của con người hiện đại; hoặc người ta tiêu thụ là để theo  kịp với bước tiến của nhịp sống hiện đại. Tâm lý này xuất hiện ở giới trẻ và tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam.
 8S shopping

Bên cạnh đó, một số người giàu mới nổi chạy theo lối sống hưởng thụ nhưng do hạn chế về văn hóa  trở thành "trọc phú" thời hiện đại.
Xuất hiện nhiều lễ hội thế tục
Đã có một thời ở nước ta, những giá trị trái ngược với chủ nghĩa vô thần đều bị hạn  chế. Vào thời kỳ đổi mới, nhiều lễ hội truyền thống đã được phục hồi. Tuy nhiên đã xuất hiện việc nhân danh việc bảo vệ bản sắc dân tộc để phát động những chiến  dịch phục hồi tràn lan mọi hiện tượng văn hoá của quá khứ. Lễ hội được tổ chức triền miên  ở khắp các địa phương. Đi kèm với nó là những hủ tục lạc hậu như lên đồng, bói toán, đốt  vàng mã xa xỉ... 
 
 Lễ hội Bà Chúa kho

 
 Chen lấn Lễ hội phát ấn đền Trần

Các lễ hội truyền thống mang tính tín  ngưỡng có vẻ như đã trở nên bão hoà và ngày nay dường như đang nhường chỗ phần nào cho loại hình lễ hội thế  tục có xu hướng hội nhập quốc tế như lễ hội du lịch, lễ hội thể thao, lễ hội sách, lễ hội báo xuân, lễ hội trái cây, lễ hội sinh vật cảnh, lễ hội nhảy dù, lễ hội pháo hoa, lễ hội ẩm thực, lễ hội sông nước, v.v...
 
 Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng

 Tuy nhiên cũng không ít những lễ hội “thế tục” này chỉ mang tính phong trào hình thức thu hút ít người quan tâm tham gia như lễ hội báo xuân, hoặc bị thương mại hóa, chệch mục tiêu hướng tới những giá trị phát triển như “Festival Quan họ” được tổ chức hàng năm…
 
 Lễ hội báo xuân
 
Lễ hội Quan họ
Xuất hiện ngày càng nhiều các cậu lạc bộ và các tổ chức thiện nguyện dân sự
Với điều kiện kinh tế ít nhiều được cải thiện, quan hệ xã hội cởi mở hơn và do sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin liên lạc, trong xã hội ta ngày nay đã xuất hiện nhiều nhóm có cùng sở thích, nhu cầu giao lưu trao đổi đã tổ chức thành các câu lạc bộ hoàn toàn tự giác và các nhóm thiện nguyện, đây là những dấu hiệu đầu tiện của một xã hội dân sự đang được hình thành.
Nhóm nhiếp ảnh Bạn thân 


Câu lạc bộ Nhân sinh

Nhóm hành động Sách hóa nông thôn Việt Nam
của ông Nguyễn Quang Thạch 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét