Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Ngày 27/7 trên facebook


"Việc phô trương rầm rộ các buổi lễ; biểu diễn văn nghệ chào mừng, này nọ nhân ngày 27/7, chỉ làm tủi thân thêm vong linh người quá cố; chỉ gợi lại vết thương đau của các thương bệnh binh có gia cảnh đang khó khăn"


FB Thiết Phan

MỘT CHIỀU BA-TƠ

Kíng tặng hương hồn anh Phan Dũng và các Liệt sĩ
Kính tặng Anh Vân và mảnh đất Ba-Tơ
Mến tặng những người Bạn đã từng là Lính

Bà Nội tôi Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng...
Gia đình tôi cùng dòng họ Bùi Hữu, qua hai cuộc chiến lớn đã chết nhiều người...Những người thân yêu khoác áo mầu xanh lá đã nằm xuống khắp dải đất chữ S Bắc Trung Nam...

Thời gian trôi đi. Cuộc sống chuyển dịch quá nhanh về phia trước với mọi thứ mà nó chứa đựng...Trong nó chỉ ký ức lặng lẽ lùi lại và dần chìm sâu khuất bóng...cho dù không ai quên và muốn quên...quên chính máu của những người thân yêu nhất...đã đổ xuống thấm đỏ núi sông biển trời Quê hương Việt...

Chiến tranh đã và sẽ mãi là những ám ảnh kinh hồn đau xót...
Cảm giác thiêng liêng, hào hùng đã không còn như xưa bởi cuộc sống hôm nay đầy trăn trở, khổ đau và nhiều khi là cả dày vò vô vọng...

Với ruột thịt của những linh hồn bơ vơ lạc lõng ... chỉ còn nỗi đau mất mát và những hình ảnh mờ nhòa, những kỷ niệm mong manh chập chờn về cuộc sống qua ư ngắn ngủi của người thân mặc áo lính trước khi họ ngã xuống ở nơi xa vắng với cái tên Vô Danh Liệt Sĩ...

Năm 1997...Tôi đã đi cùng anh Vân, Bí thư Ba Tơ, một địa danh hai lần Anh Hùng trong hai cuộc chiến...
Một chiều vắng lặng...hai anh em lúi húi, mải miết tìm đọc từng cái tên trên từng ngôi mộ trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ huyện Ba Tơ...
Hơn một nghìn ngôi mộ...hơn chín trăm ngôi mộ không tên và có thể lắm...không cả mảnh xương trong lòng đất lanh...

Suốt đơi tôi không bao giờ quên Anh Vân và câu chuyện Anh kể...
Khi ấy anh được biệt phái từ du kích địa phương sang phối hợp vơi Trung đoàn Ba Tơ bộ đội chủ lực...đơn ví có Dũng anh tôi tham chiến...
Đó là những ngày mà lần đầu tiên anh được sống cùng những chàng trai Hà Nội, những chàng lính sinh viên trẻ măng trải qua trận mạc hế rời cây súng là tụ lại ôm cây đàn ghi ta ca hát...là đọc thơ tình Xuân Quỳnh Lưu Quang Vũ...
Anh nói giọng người Ba Tơ nặng đục nên anh nghe giọng trai Hà thành như giọng con gái...Anh bảo anh yêu họ ngỡ ngàng, anh ngưỡng mộ họ trong khi đêm cũng như ngày từng đoàn lính trẻ lầm lũi theo dấu chân anh từng bước nhỏ, ngàn cân sợi tóc, nín thở trôi qua những bãi mìn dầy đặc...
Anh ngưỡng mộ họ bởi họ bởi họ đa phần là sinh viên, là hiện thân của giấc mơ anh và quê hương Ba Tơ của anh...
Anh kể họ thư sinh tài hoa là thế mà vào trận lại bình thản và lỳ đòn đến lạ lùng...
Anh vô cùng khâm phục và yêu thương che chở họ như những đứa em ruột thịt...

Đến ngày hôm nay, khi đã là Bí Thư huyện Ba Tơ anh hùng, nhiều đêm anh vẫn vùng dậy, chới với ôm choàng lấy những khuôn mặt Hà Nội đau đớn của anh và anh tức tưởi khóc, khóc như những ngày mưa bom bão đạn, khóc như những ngày anh đau cắt ruột lần lượt chôn cất vĩnh biệt những đứa em Hà Nôi máu thịt anh, những tâm hồn Hà Nội mộng mơ giữa lòng đất Ba Tơ quê anh...
Anh nói trước mặt tao chúng nó cứ lần lượt bỏ tao từng ngày từng giờ...
Tim tao thắt buốt ngực không thở nổi...mắt tao cứng đơ không khóc nổi, hai cánh tay tê dại vì đào không biết bao nhiêu chiến huyệt nông choèn vội vã...

Anh chậm rãi vê điếu thuốc Cơ ho, bất chợt hỏi lai : Tên Dũng à...?
Tiếng tôi nghẹt sét : Vâng...Phan Dũng, anh cả em, sinh viên bách khoa ra trận...
Giọng anh bỗng rộc lên : Ôi cái tên Dũng...Tao biết đến vài chục cái tên Dũng xanh mầu áo lính....
Anh châm thuốc thuốc hít một hơi dài rồi ngửa mặt lên trơi thả một dải khói vàng vàng sậm nắng chiều...
Anh nhìn quanh một lượt khắp nghia trang đang vội chìm nhanh vào hoàng hôn núi rừng... ánh mắt anh cô quạnh : Em à, cái tên Dũng, anh của em là cái tên chung cho tất cả những vong hồn tươi rói ngã xuống trong bom đạn từ hai phía trút xuống khắp mảnh đất Mẹ đau thương này...

Mắt tôi nhòa ráng chiều đỏ máu...Anh đứng dây kéo mạnh tay tôi...Tôi choàng tỉnh....

Bóng tối ập xuống nhanh quá...
Trước mặt tôi là người con của vùng Đất dữ dội này...Là Bí thư Ba Tơ hôm nay với bao chồng chất khó khăn nghèo đói...
Tôi bắt đầu vấp những hòn đá đầu tiên...người chuí về phia trước, anh chộp vai tôi giật lại mỉm cười: Thua xa nhưng thằng lính Hà Nội khi xưa...
Anh rút từ trong túi ra cái đèn pin...Tôi lặng đi xúc động...Ánh sáng đèn loang loáng...Hai má tôi ấm nóng nước mắt...Tôi chợt thấy anh Dũng tôi là Anh Vân lúc này...

Tôi níu tay anh đùa :Nếu cứ như anh nói về cái tên Dũng dành cho những người hy sinh Dũng cảm... thì còn phải tên Hùng chứ, ví như Anh Hùng...?
Anh nhíu mày : Em may mắn không đối mặt sinh tử nên có thể em không hiểu...Anh Hùng là người ta truy tặng , phong tặng...ít lắm, rất ít em ạ...như Bà Nội của em đáy...Còn biết bao nhiêu Bà Mẹ đau khổ, cô độc hôm nay...
Giọng anh như có vị đắng : Dũng, Anh Dũng... mãi mãi là cái tên cho tất cả những ai đã vô tư nằm xuống vì tồn vong được mất của Quê Hương mình...
Giọng anh vang lên trong lòng tôi rồi như cố vọng lên lên bầu trời và núi rừng Ba Tơ trùng trùng sập tối...

Tôi cảm thấy thật rõ luồng hơi nóng của anh Dũng như khi còn bé, hai anh em vật nhau, anh luôn giả vờ thua...
Sao lúc này rõ quá hơi nóng của anh hà vào mắt tôi lúc tôi được quyền thắng cuộc và đang ngây ngất ngự lên trên bụng anh...
Anh Dũng của tôi còn nhiều lắm trong những người thoát ra từ lửa đạn chết chóc...bình dị trở về cuộc sống hôm nay, trong đó có những người bạn học của tôi thân thiết vô cùng...Những người mãi khoác mầu xanh lá úa buồn thẳm trong tâm hồn họ và trong phần đời còn lại...

Anh Vân và những người bạn của tôi và rất nhiều những người khác nữa đi ra từ lửa đạn là Anh Dũng của tôi được Sống

FB Nồng Nàn Phố



MẸ! CON LÀ THẰNG CHIẾN SỸ CHẾT RỒI
(Tặng Bác Nhượng và các Bác)

Mẹ
Nhóm bếp lên cho đỏ lửa con về
Chiến trường lạnh những xác người con không nhớ tuổi
Không nhớ tên, không nhớ cả hình hài
Con chỉ biết xác con là ai
Xác con là con trai của mẹ

Mẹ
Con vừa qua cơn mê
Cơn mê con vẫn cười cõng mẹ qua sông
Cõng mẹ thăm đồng
Cõng mẹ lên mộ cha nức nở khóc
Con đi qua cơn mê khó nhọc
Bởi vì bây giờ con không đi bằng hai chân, không nắm bằng hai tay, không nhìn bằng hai mắt
Chiến tranh đã cướp mất
Giọt máu bất hiếu của mẹ và của cha

Mẹ
Ngày mai là
Ngày thương binh liệt sỹ
Người ta kéo nhau lên chỗ con nằm nghỉ
Đốt nghi ngút nhang và Hứa đủ lời
Người ta cười
Khi nhang tắt
Mẹ nằm ôm ảnh thằng bé mặc áo rách vừa khóc vừa ngất
Thằng bé được Vinh danh khi đã chết lâu rồi
Trong nôi
Còn sót lại một cọng tóc tơ không dám chết đi vì sợ mẹ thương con, nhớ con mà muốn chết
...
Sông quê mình năm nào cũng chảy xiết
Cánh đồng quê mình năm nào cũng ngập nước
Mộ cha năm nào cũng nhoè mỗi bước mẹ thôi!

Trong nôi
Bây giờ toàn nước mắt
Đắng ngắt
Con thương

Mẹ
Ngày mai mẹ cời lửa con về cho khỏi nhầm đường
Thằng chiến sỹ cụt chân, cụt tay, chột mắt
Về quê mình, về nhà mình, vấp cục đất mẹ đào trước vườn mà ngỡ lòng vụng dại
Mai con vụng dại cho giống tuổi Thơ gầy
Con đây
Mẹ ôm con cho đỡ nhớ

Mẹ
Ngày mai
Con từ bỏ cuộc Vinh danh ồn ào kia để về ôm mẹ vào lòng cho thoả nhớ mong
Nên mẹ đừng sợ
Con là thằng chiến sỹ chết lâu rồi
Thằng từng nằm ăn vạ trong nôi
Thằng bây giờ cụt hình hài đủ thứ
Mai con chỉ đủ
Thời gian và Linh hồn để về ôm mẹ mà thôi
...
...
..
.
Những sáo rỗng, Vinh danh kia con nghe đủ lắm rồi
Mẹ ạ!

FB Sao Hồng


Ngày 27/7 là Ngày Thương Binh – Liệt sỹ. Ai cũng biết cả rồi. Đó là ngày tri ân những người đã hi sinh tính mạng và để lại phần xương máu trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc của… Bên Thắng Cuộc. Muốn hiểu rõ ngọn nguồn vì sao có ngày 27/7, xin đọc tạiđây.

Sáng sớm nay gặp bác cựu chiến binh xóm. Bác hỏi, sao tối hôm qua không đi họp, bỏ bữa… cháo vịt à? Mình mới nhớ ra là trước đó, có nhận được tin nhắn họp CCB Xóm, lúc 19g, 26/7.

Hội CCB Xóm Cây Ngô đồng mỗi quý họp một. Họp vào dịp lễ: 30/4, 27/7, 02/9 và 22/12. Nội dung họp khoảng 30 phút. Thu phí và thông báo ai còn ai mất ai bệnh ai khỏe, quỹ hội còn bao nhiêu. Phần hai là nhậu… cháo vịt.
Quán cháo vịt của cô Nhạn người Huế phục vụ tận nơi. Gọi là cháo vịt, nhưng có thêm đĩa vịt luộc hoặc nướng. Có tiết canh nhưng chẳng ai dám kêu, vì sợ nhiễm giun sán và... cúm mùa.
Thường thì mình rút sớm sau khi nâng ly “chào sân” của phần hai. Mình rút sớm vì những dịp này mình không có hứng nhậu nhẹt. Tiền quỹ cũng chẳng bao nhiêu. Chủ yếu là “căm-pu-chia” hoặc chú Thành Phát, chủ một doanh nghiệp tài trợ. Ăn nhậu vào dịp này dễ tủi thân vong linh đồng đội và bao nhiêu người chết vì chiến tranh. Mình nghĩ thế. 

Những ngày này, mình hay nghĩ vẫn vơ về nạn nhân chiến tranh và đồng đội cũ. Mình chỉ tham gia một phần ba thời gian cuộc chiến ở Căm-pu-chia. Nhưng mình biết có rất nhiều người ngã xuống. Không phải ai cũng được hưởng chế độ liệt sỹ. Số người bị thương vàtàn tật sau cuộc chiến gấp hàng chục lần số người đã chết. Cũng không phải ai cũng được hưởng suất thương binh. Mà chiến trường K thương tật cụt chân (bàn chân và cẳng chân) do mìn 65-2A của Trung Quốc nhiều lắm.
Mãi đến một hai năm nay, mới có chế độ cho người đi K thời đánh nhau với Poltot. Cũng chỉ 5 đối tượng phục viên, ra quân mà không được hưởng lương ngân sách. Dẫu sao họ cũng được an ủi phần nào vì hơn ba chục năm sau đã được nhớ đến. 

Chết là hết. Dù chết vinh quang hay chết trong ô nhục. Người hy sinh trong chiến tranh chẳng bao giờ so đo hay tính toán mình sẽ được gì sau khi chết. Tri ân là để giáo dục thế hệ sau biết công ơn người ngã xuống, người mất mát vì dân tộc. Tri ân là để làm nguôi ngoai nỗi đau của người thân, gia đình người chết có ích cho dân tộc. Vì thế, tri ân cũng nên âm thầm lặng lẽ mà nghiêm trang.
Việc phô trương rầm rộ các buổi lễ; biểu diễn văn nghệ chào mừng, này nọ nhân ngày 27/7, chỉ làm tủi thân thêm vong linh người quá cố; chỉ gợi lại vết thương đau của các thương bệnh binh có gia cảnh đang khó khăn.
Đó là chưa kể còn biết bao nhiêu gia đình con cháu liệt sỹ chưa tìm được hài cốt; chưa được nhắc đến đúng mức một cách vô lý, như các liệt sỹ hy sinh chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc 1979-1989.  

Minh nhớ mãi một kỷ niệm với những thương bệnh binh mà mình góp phần chăm sóc và điều trị.
Đó là một chiều mùa thu năm 1985, tại Đà Nẵng. Trong chuyến đi cứu trợ các gia đình quân nhân, khắcphục hậu quả trận bão 1985 ở Bình – Trị - Thiên. Mình bị tai nạn tre đâm vào bàn chân lúc băng đồng từ làng Thanh Quýt lên Bao Vinh, Huế khi nước còn ngập trắng đồng. Nhiễm trùng lan rộng và sốt cao. Điều trị một tuần ở Viện 428 (QK4), rồi chuyển vào Viện 17, (QK5). 

Đã gần tối, khi ôm chăn màn bước khập khiểng từ phòng khám vô cổng, mình thấy rất đông thương bệnh binh trong khuôn viên bệnh viện. Họ ngồi rãi rác ở vườn hoa, dưới các cây cổ thụ hoặc dạo chơi sau bữa chiều.
Nhiều người nhận ra mình. Họ reo lên "bác sỹ!" và ùa đến vây quanh hỏi han mình. Trước lúc về nước họ đều đã trãi qua những ngày điều trị ở bệnh viện tiền phương, nơi mình làm việc. Tình cảm rất tự nhiên của người lính chiến trường khi gặp lại làm mình xúc động.
 
Những hình hài xanh xao tái nhợt vì thiếu máu trong màu áo xanh hòa bình. Họ rồng rắn kéo đi trên những chân cụt nương nhờ chân gỗ ào ra chào đón mình mình. Họ sốt sắng hỏi han bạn bè đồng đội đang điều trị bên đó. Rồi một số dẫn mình về buồng bệnh chỉ dẫn cho mình khu vệ sinh, nhà ăn, căn tin ở đâu. Thương binh như họ nằm hằng tháng trời mà vết thương chưa lên da vì cơ thể quá suy kiệt.Thế nên họ như người của bệnh viện.

Mỗi dịp này, mình vẫnthấy lòng rưng rưng khi nhớ về họ.

Đất nước này quá nhiều thương đau và người thương tật vì chiến tranh. Nhiều gia đình chia lia, thất lạc. Người lành lặn trở về còn vất vả với cuộc sống bao năm nay, huống chi đa số họ mất đi một chân hoặc một tay. Có thể đây đó mình đã gặp họ trên đường đời nhưng bao năm rồi không còn nhận ra nhau.

Bây giờ họ sống ra sao?
27/7/2013
Sao Hồng

FB Nguyen Quang Thach

 Chú ruột tôi hy sinh ở Điện Biên Phủ vào năm 1954. Tôi lên đồi Độc Lập thăm mộ chú vào năm 2007, 99% là mộ vô danh. Chú tôi bỏ nhà ra đi bộ đội khi chưa đủ tuổi, bà nội tôi phải cho người đuổi theo để cho chú tiền dứt lưng. Trong khi đó, lớn tuổi hơn chú tôi có người trốn lính bằng cách lấy mo cau bó tay để lừa chính quyền địa phương. Cô tôi ruột tôi cũng hy sinh ở hậu phương.

Dòng họ tôi có trên dưới 20 người tham gia chống Pháp và Mỹ. 4 người hy sinh. Có một ông hy sinh chiều 30/4 tại Sài Gòn, gần đây mới được công nhận là liệt sĩ.

Nhiều lúc tôi đặt câu hỏi "tại sao lúc chiến tranh người ta sẵn sàng lao vào cái chết?" Câu hỏi đó thừa vì lúc đó ngày ta biết mất tổ quốc là nhục, người ta biết nếu mình không đi thì ai bảo vệ tổ quốc.

Trong cuộc sống hôm nay, khi bao nhiêu điều bất công, bao nhiêu kẻ tham nhũng, bao nhiêu kẻ có chữ vô cảm, bị xã hội phỉ nhổ...NHƯNG ít ai "đào ngũ" ra khỏi sự ô nhục đó. Hay họ đã súc vật hóa mình đến mức cực đại!!!????

FB Dongngan Doduc

8h 15, Đang có chương trình "chúng tôi là chiến sĩ" tiếng vỗ tay giới thiệu chức sắc rào rào từng vị như có tiệc gì vui í!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét