Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Trí thức và sự tiến bộ của xã hội


Khái niệm “trí thức” (intellectual) trong tiếng Việt cũng như trong các thứ tiếng phương Tây xuất phát từ các từ như trí tuệ, nhận thức (intellect, intelligence, có cùng gốc là động từ intelligere tiếng La-tinh, có nghĩa là biết phân biệt chọn lựa giữa các thứ). Ngày xưa, khi mà phần lớn người dân trên thế giới mù chữ, thì cụm từ “người có chữ” (man of letters) được dùng đồng nghĩa với “trí thức”.  Trong các từ điển ngày nay, khái niệm “trí thức” bao gồm không chỉ sự hiểu biết, nhận thức cao, mà còn có cả sự đóng góp các giá trị tinh thần, các sản phẩm trí tuệ (khoa học, triết học, văn học, nghệ thuật, luật pháp, v.v.), và các giải pháp cho các vấn đề xã hội. Nhà triết học Jean-Paul Sartre có nói “trí thức” là “người nhúng tay vào những việc không phải của họ” (“quelqu’un qui se mêle de ce qui ne le regarde pas”).  Hiểu theo nghĩa tốt, điều đó có nghĩa là người trí thức không chỉ lo cho riêng mình, mà còn lo giải quyết những việc có lợi ích chung cho xã hội.  
Ý nghĩa cao đẹp trên của khái niệm “trí thức” xuất phát từ vụ án Dreyfus nổi tiếng ở Pháp cách đây hơn một thế kỷ (1894-1906), trong đó sĩ quan Dreyfus bị kết án phản quốc bằng các chứng cứ giả. Dreyfus  được các nhà trí thức tiêu biểu như Emile Zola, Anatole France, George Clémenceau  tập hợp một lực lượng đông đảo các trí thức tiến bộ đấu tranh đòi lại công lý cho ông ta, chống lại sự vùi dập, xuyên tạc sự thật, lừa dối công chúng của những kẻ nắm quyền hành. Cuối cùng Dreyfus đã được trắng án và khôi phục danh dự sau 12 năm.  Từ sau  vụ án Dreyfus, đã không ít lần các nhà trí thức tập hợp lại với nhau để đưa ra các “tuyên ngôn của trí thức” về các vấn đề nóng bỏng của xã hội. Các tuyên ngôn đó nói chung có tính chất tiến bộ và khai sáng.  Một ví dụ gần đây là “Tuyên ngôn của các trí thức Tunisia” vào năm 2012, chống lại các xu hướng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra ở Tunisia như là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tôn giáo hoá chính quyền.
Có những người dùng từ “trí thức” theo nghĩa hạn hẹp, khắt khe, coi rằng người trí thức phải là nhà tư tưởng lớn tiên phong với những tác phẩm triết lý  lớn để đời.  Khi giáo sư sử học James Kloppenberg ở Harvard gọi Barack Obama là “nhà trí thức thực sự, triết gia tổng thống” thì bị một học giả nổi tiếng khác là giáo sư quan hệ quốc tế Barry Rubin ở Israel phản đối dữ dội.  Lý do mà Rubin đưa ra là Obama không thật uyên thâm về lịch sử, triết học hay luật pháp, không viết được công trình lý thuyết lớn nào như là những bậc tiền bối John Adams, Thomas Jefferson và James Davidson. Nếu hiểu kiểu khắt khe như vậy thì số lượng người trí thức rất ít và không tạo thành một tầng lớp trong xã hội.
Để tránh cãi nhau một cách vô ích xem “ai là trí thức”, chúng ta có thể coi khái niệm “trí thức” là một khái niệm tương đối, thay vì tuyệt đối, tương tự như “giàu” và “nghèo” là những khái niệm tương đối. Một người có thể là trí thức trong mắt người này nhưng chưa đạt mức trí thức trong mắt người khác. Những người có mức độ trí thức cao thì tạo thành tầng lớp trí thức ưu tú trong xã hội. Theo nhà kinh tế Friedrich August von Hayek (1899-1992), tầng lớp trí thức không chỉ gồm những nhà tư tưởng tiên phong, mà còn là tầng lớp trung gian giữa các nhà tư tưởng tiên phong và đại chúng, với vai trò “dẫn dắt đại chúng”, truyền đạt lại các tri thức, giác ngộ từ những nhà tiên phong đến đại chúng.
Thế nào là có mức độ trí thức cao? Nói theo kiểu tâm lý học, một người càng có trí tuệ cao, tình cảm cao (đồng cảm với nỗi khổ của nhân loại) và quyết tâm cao thì mức độ trí thức càng cao. Thiếu một trong ba vế đó thì mức độ trí thức bị giảm đi. Không có quyết tâm thì chỉ là “trí ngủ”, thiếu tình cảm thì có thể thành quỷ dữ như Hitler, còn thiếu trí tuệ thì là nhiệt tình cộng với ngu dốt dễ dẫn đến phá hoại.
Có nhiều khi từ “trí thức”  bị dùng với nghĩa xấu. Ngay trong vụ án Dreyfus, ban đầu từ “trí thức” được phe chống Dreyfus dùng một cách mỉa mai để chỉ những người ủng hộ Dreyfus như là những kẻ “hám danh, rách việc, kém hiểu biết thực tế nhưng lại thích chõ miệng vào việc không phải của mình”.  Trong lịch sử cận hiện đại, giới trí thức còn bị nghi ngại hay khinh miệt ở nhiều nơi. Nước Nga là nơi có tầng lớp trí thức khá mạnh vào cuối thế ký 19 – đầu thế kỷ 20 (khái niệm intelligentsia để chỉ tầng lớp trí thức chính là xuất phát từ Ba Lan và Nga), và Lenin sinh ra trong một gia đình trí thức, nhưng ông lại không ưa tầng lớp này vì họ không ủng hộ cuộc cách mạng bạo lực của ông, và đã từng phát biểu đại ý: “Trí thức không phải là bộ óc, mà là cục cứt của xã hội”. Mao Trạch Đông cũng từng nói câu tương tự như vậy, và đã đàn áp giới trí thức Trung Quốc trong thời kỳ “Cách mạng văn hoá” (1966-1976).
Bản thân giới “có học” và tự nhận mình là “trí thức” cũng mắc một số căn bệnh khiến từ “trí thức” bị mang nghĩa xấu.  Những căn bệnh phổ biến nhất là: thừa lý thuyết thiếu thực hành, thừa học vấn thiếu trách nhiệm, tự cao tự đại.  Ở Việt Nam từ thời phong kiến có câu thơ: “Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Ngay ở Hà Lan ngày nay, từ “trí thức” hay bị hiểu là “học quá nhiều và có những quan điểm không thực tế về thế giới”. Ở cộng hoà Tiệp, từ “trí thức” cũng được dùng để chỉ những người lắm triết lý viển vông xa vời thực tế. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận rằng cố tổng thống Vaclav Havel là một biểu tượng của nhà trí thức lớn đem lại thay đổi tốt đẹp cho xã hội Tiệp.
Có một số học giả coi rằng không có một tầng lớp trí thức chung của xã hội, mà mỗi giai cấp trong xã hội có đội ngũ trí thức riêng của giai cấp đó để phục vụ giai cấp đó. (Xem phân tích về các quan niệm về giới trí thức trong bài báo: Kurzman và Owens, The sociology of intellectuals, Annu. Rev. Sociol. 2002, No. 28: 63-90). Ví dụ như giai cấp vô sản có trí thức vô sản, giai cấp tư sản có trí thức tư sản, phe cánh tả có trí thức cánh tả, cánh hữu có trí thức cánh hữu. Tuy rằng việc phân loại này có thể còn đúng một phần nào đó, nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay,  sự khác biệt giữa một người “trí thức cao” và một người “kém trí thức” lớn hơn nhiều so với sự khác biệt giữa một người “trí thức cánh tả” và một người “trí thức cánh hữu”. Nếu là những người có “mức độ trị thức cao” thì dù theo “trường phái nào” cũng dễ gần nhau và dễ hợp tác với nhau vì lợi ích chung của xã hội.
Tất cả các hiểu biết của chúng ta về thế giới ngày nay (ví dụ như di truyền học hay vật lý lượng tử), tất cả các tư tưởng lớn (ví dụ như bình đẳng chủng tộc, giải phóng nô lệ, dân chủ và tự chủ ở các cấp) và các tiến bộ xã hội đều có công khám phá và truyền bá của các trí thức. Các nhà lãnh đạo lý tưởng của một đất nước và của toàn thế giới phải là những trí thức thực sự. Ngay từ thời phong kiến, người ta cũng đã nhận ra tầm quan trong của tri thức trong lãnh đạo, qua việc tuyển quan bằng các kỳ thi. Đất nước nào, xã hội nào có tầng lớp trí thức càng mạnh và có chính quyền càng trí thức thì càng dễ phát triển, tiến bộ.
Vậy làm sao để phát triển và phát huy vai trò của tầng lớp trí thức? Ở đây, tôi chỉ xin nêu ra một số điểm khá hiển nhiên: 1) Nhận thức về sự kém cỏi của mình (hay là của giới trí thức của đất nước mình) để từ đó quyết tâm vươn lên; 2) Tăng đầu tư và tạo điều kiện cho  sự phát triển của trí thức; 3) Cải thiện hệ thống giáo dục.
Về điểm thứ nhất, dễ thấy rằng, so với thế giới, nước Việt Nam của chúng ta còn yếu về trí thức. Tuy trong lịch sử của dân tộc có một số trí thức lớn như là Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, nhìn tổng thể thì đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới còn rất khiêm tốn so với các nước khác.
Lấy một ví dụ cụ thể để thấy giới trí thức của chúng ta đang còn yếu ra sao, về vấn đề dịch thuật. Có một lượng lớn các tác phẩm hay bằng tiếng nước ngoài, khi được dịch sang tiếng Việt bị sai rất nhiều, thậm chí đến mức làm sai hoàn toàn ý của tác giả. Cách đây ít hôm, tôi được đọc bản dịch tiếng Việt in ra vào cuối năm 2015 của cuốn sách “Xứ Đông Dương” (L’Indo-chine) của Paul Doumer (từng là Toàn quyền Đông Dương trong 5 năm, rồi về sau trở thành Tổng thống Pháp) viết năm 1905. Có thể nói ông Doumer là một người  uyên bác, xuất thân từ một gia đình “vô sản” nhưng được hưởng nền giáo dục khai sáng của Pháp, và quyển sách của ông về Đông Dương là một tài liệu lịch sử quý báu mà có lẽ nhà sử học hay văn hoá học về Việt Nam nào cũng đều cần biết. Chỉ tiếc rằng, bản dịch tiếng Việt năm 2015 của nó bị sai một cách thô thiển, hầu như trang nào cũng sai, và chứa nhiều câu đọc tiếng Việt đã thấy ngớ ngẩn vô nghĩa chưa cần đối chiếu với bản gốc tiếng Pháp. Ai mà đọc và hiểu theo bản dịch này thì sẽ bị hiểu sai hết ý của Doumer và hiểu sai lịch sử. Và sách của Doumer không phải là sách duy nhất bị rơi vào tình trạng như vậy. Rất nhiều sách triết học, mĩ học, văn học, v.v. có bản gốc tiếng nước ngoài đang tồn tại ở Việt Nam bị dịch sai, và như vậy người Việt Nam chúng ta đã bị hiểu sai rất nhiều thứ, khiến cho mức độ tri thức và trí thức bị giảm đi.
Vì sao có tình trạng sách dịch bị sai rất nhiều? Có thể nói đó là do việc học hành của chúng ta không đến nơi đến chốn, tưởng là biết tuy rằng chưa biết, và do cách làm việc cẩu thả, cũng như sự đầu tư kém cỏi cho các công việc trí óc. Trong khi giá ô tô hay nhà cửa ở Việt Nam cao gấp mấy lần thế giới thì giá của sách lại chỉ bằng một phần mấy so với thế giới, đã thế vẫn ít người mua, sách bán được ít tiền, người viết sách hay dịch sách đều chỉ nhận được rất ít thù lao, và do đó chất lượng của sách viết hay sách dịch cũng bị tồi tương xứng. Trong nghiên cứu khoa học cũng tương tự như vậy: thù lao ít và chất lượng thấp, làm ăn quấy quá dẫn đến kết quả tồi tệ, và những ai làm tử tế chất lượng cao thì cũng không được trả công xứng đáng. Trong khi đó, chỉ cần nhìn sang Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng đủ thấy những nơi khác họ coi trọng trí thức hơn như thế nào, trả công xứng đáng hơn cho những người hoạt động trí óc ra sao, và kết quả là họ phát triển nhanh hơn, trở nên văn minh hơn chúng ta như thế nào.
Trong lần đi công tác ở  Trung Quốc vào tháng 01/2016, tôi thật sự ấn tượng về sự tiến bộ, không chỉ về kinh tế, mà còn về văn hoá của họ. Người Trung Quốc vốn mang tiếng ở bẩn và ồn ào, nói oang oang. Nhưng ở những quán tôi vào ăn ở Trung Quốc đầu năm 2016 lại thấy họ nói nhỏ nhẹ không khác gì phương Tây, còn những quán tôi vào ở Hà Nội cuối năm 2015 mới là  oang oang.  Còn về ở bẩn, khi tôi đi vào khu Tầu ở Toronto cuối năm 2013 thì thấy ở đó đúng là bẩn thật, rác vứt khắp phố. Nhưng lạ thay, các nơi công cộng ở những thành phố như Thiên Tân và Trường Xuân của Trung Quốc mà tôi đến vào đầu năm 2016 lại rất sạch sẽ và an toàn, và hệ thống metro ở Thiên Tân thì hiện đại hơn đứt Paris hay London.
Sự tiến bộ trên của Trung Quốc chắc chắn gắn liền với sự coi trọng  giáo dục và trí thức, là những yếu tố đã làm cho con người và xã hội trở nên văn minh hơn. Theo truyền thống hiếu học và tôn trọng giáo viên vẫn được giữ cho đến ngày nay, các trí thức ở Trung Quốc còn được coi trọng hơn cả ở phương Tây. Đặc biệt, các giáo sư ở Trung Quốc có thu nhập cao hơn là bác sĩ hay luật sư. Ngay cả các giảng viên trẻ ở Trung Quốc mà tôi gặp cũng có thu nhập tốt, có tiền để đi công tác nước ngoài thoải mái, có xe hơi riêng, chứ không chật vật như ở Việt Nam. Một buổi tối, họ dẫn tôi vào một quán KTV (karaoke) lịch sự, và ở đó họ hát đủ các thứ nhạc Trung, Nga, Anh, v.v., một chi tiết nhỏ nhưng chứng tỏ họ rất có tinh thần hoà nhập với thế giới về văn hoá.
Nước Pháp có tội xâm lược Việt Nam, nhưng có công truyền bá vào Việt  Nam một nền giáo dục khai phóng. Chính vì được hưởng một nền giáo dục khai phóng nên Việt Nam có được một tầng lớp trí thức ưu tú vào đầu thể kỷ 20 tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta cần phát huy truyền thống giáo dục khai phóng này, đổi mới giáo dục theo hướng đó, thay vì giáo dục theo lối gò bó, hình thức, giáo điều.
Có một số tín hiệu tốt trong giáo dục của Việt Nam gần đây, xuất phát từ các nỗ lực của những trí thức không nằm trong “hệ thống giáo dục” rồi được Bộ giáo dục chấp nhận và ủng hộ, như là chương trình “sách hoá trường học” của Nguyễn Quang Thạch (đông đảo học sinh sẽ có được văn hoá đọc, sẽ biết đến không chỉ sách giáo khoa mà còn chủ động đọc nhiều sách khác, tự nâng cao hiểu biết qua việc đọc sách) hay “liên minh STEM” (cách học sinh động tích hợp khoa học – công nghệ – kỹ thuật – toán học với nhiều thực hành thú vị) của nhiều nhóm tư nhân làm giáo dục (như là DTT, Long Minh, Sputnik Education, v.v.) hợp thành.  Đây là những đóng góp quan trọng góp phần thay đổi nền giáo dục theo chiều hướng tích cực, sẽ góp phần nân cao nền tảng văn hoá của Việt Nam, và hệ quả là tầng lớp trí thức tương lai nhờ đó mà mạnh lên.
Chúng ta có thể hy vọng rằng, với nền giáo dục trên thế giới ngày càng tốt lên, tầng lớp trí thức cũng sẽ ngày càng mạnh lên, và toàn thể thế giới sẽ ngày càng văn minh lên. Khi mức độ trí thức của xã hội càng cao lên, thì xã hội càng có nhiều yếu tố “xã hội chủ nghĩa” (giống như tiên đoán của Marx, hay của Schumpeter, hay của một số nhà triết học hay kinh tến khác, nhưng theo con đường và vì các lý do không hẳn giống như là Marx hay Schumpeter đưa ra). Các trí thức tiến bộ không phủ nhận vai trò của của tư bản, của “free entrepreneurship” (tạm dịch là tự do lập nghiệp), mà chỉ đơn thuần là bản thân họ là những người sẵn sàng đóng góp cho xã hội nhiều hơn là họ đòi hỏi lại từ xã hội, và nhận thấy tầm quan trong của sự hợp tác vì ích lợi chung. Như Einstein có nói, “thế giới này là của chung”. Những gì quan trọng nhất đều là “trời cho”, và tự do mưu cầu hạnh phúc không có nghĩa là vơ vét của chung thành của riêng, không có nghĩa là chiến tranh để tranh giành quyền lực. Một viễn tưởng “utopia” về một “xã hội đại đồng”  cũng có thể đến một ngày nào đó sẽ đạt được khi mà toàn trái đất này có được mức độ trí thức đủ cao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét