Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Tâm linh và Mê tín

Đỗ Kiên Cường

09:05' AM - Thứ tư, 05/02/2014
Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác” (Định luật Blackmore thứ nhất).

Bài “Đất thiêng một giải nghiệm” trên Văn nghệ số 32, ngày 11-8-2007, khá điển hình cho một trào lưu mới tại nước ta hiện nay. Đó là sự lên ngôi của “khoa học tâm linh” hay các hoạt động mang tính tâm linh khác, tuy khái niệm tâm linh chưa bao giờ được làm rõ hay đạt sự đồng thuận. Đây là vấn đề quan trọng mà nếu không giải quyết, có thể gây nhiều hiểu lầm. Có ai ngờ thời thế lại đổi thay đến mức, người viết từng bị nhà thơ T.T.L. qui kết là hồng vệ binh và phản động chỉ vì không tin tâm linh có thật!
Tâm linh là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, 1995, tâm linh là “1. Khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xẩy ra với mình, theo quan niệm duy tâm. 2. (ít dùng) Tâm hồn, tinh thần”. Nếu đề nghị dịch thuật ngữ ra tiếng nước ngoài, có lẽ người biên soạn sẽ lúng túng.
Liên quan với tâm linh, tiếng Anh có hai thuật ngữ là spiritualism(duy linh luận) và spiritism (thông linh luận). Duy linh luận là niềm tin tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết, còn thông linh luận giả định về một số hiện tượng liên quan với sự can thiệp của người chết. Do nhiều tương đồng, nên chúng thường được đánh đồng với nhau. Tâm linh luận giả định có thể liên lạc với người chết qua đối tượng trung gian là giới đồng cốt - những người được xem là có khả năng nói chuyện với người chết.

Cần lưu ý rằng, linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên của con người, vì đó là cách duy nhất để chúng ta chống chọi với thời gian và chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết. Trong mọi nền văn hoá, đều tồn tại ước nguyện đó dưới nhiều hình thức, nhất là khi người xưa chưa hiểu biết đầy đủ về bản chất sự sống. Ngày nay, khi Miller (1953) tạo được axít amin nhờ tia lửa điện phóng qua ống nghiệm mô phỏng khí quyển Trái đất xưa, và khi nhiều phòng thí nghiệm đã gần tạo được tế bào nhân tạo, khoa học đã phát hiện bản chất tự nhiên của sự sống và khẳng định linh hồn không có thật. Là chức năng của bộ não, nên khi ta chết, tư duy, nhận thức và tình cảm chấm dứt, giống như hình ảnh, âm thanh trong tivi mất ngay khi ta ngắt điện. Nói cách khác, về mặt khoa học, linh hồn là quan điểm sai lầm.
Như vậy cần phân biệt ranh giới giữa các hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo với các hoạt động khoa học. Thờ cúng và cầu xin người đã khuất phù hộ tại gia đình, đền chùa hay các cơ sở tôn giáo là các hoạt động tín ngưỡng - tôn giáo cần được giữ gìn như một nét văn hoá đáng quí. Hoạt động này được pháp luật bảo vệ. Còn tổ chức nghiên cứu xem linh hồn có thật hay không lại là việc làm lạc hậu cả về thế giới quan và phương pháp luận. Về mặt thế giới quan, những hoạt động đó kéo lùi nhận thức của chúng ta ít nhất hai thế kỉ (Khi Wohler tổng hợp được urea năm 1828, quan niệm linh hồn đã bị bác bỏ về mặt sinh học). Về mặt phương pháp, các nghiên cứu về cầu hồn hay gọi vong tại nước ta mắc lỗi nghiêm trọng trong thiết kế, đánh giá và bàn luận kết quả. Kết quả là một trung tâm nghiên cứu với nhiều nhà khoa học có tiếng đã kết luận cô đồng Phương tại Thanh Hoá thực sự có khả năng gọi hồn người chết. Trong khi đó, với sự nghi ngờ đúng đắn (xin lưu ý, tín ngưỡng hay tôn giáo dựa trên niềm tin, còn khoa học dựa trên sự nghi ngờ) và “thiết kế thực nghiệm” đơn giản, một phóng viên báo Công an TPHCM đã phát hiện sự thật khi cô đồng nổi danh này mắc bẫy nói chuyện với “vong” không có thật.
Các hiện tượng dị thường:
Như đã trình bày, vì quan niệm linh hồn đã bị xem là lạc hậu, nên giới nghiên cứu nước ngoài tỏ ra ưa thích thuật ngữ psychic, cũng được hiểu là tâm linh (theo nghĩa thứ nhất trong Từ điển tiếng Việt). Nó bao gồm ba phạm trù: ngoại cảm, tức khả năng nhận biết phi ngũ quan (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri); tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn “nhìn cong thìa”); và các hiện tượng liên quan với người chết. Người có một hay nhiều khả năng như trên được gọi là nhà ngoại cảm hay tâm linh. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, giới ngoại cảm nước ta xuất hiện như nấm sau mưa. Tự cho là có nhiều khả năng khác nhau, nhưng để đáp ứng nhu cầu tìm hài cốt liệt sĩ tăng rất cao sau hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, nhiều nhà ngoại cảm tuyên bố có khả năng tìm mộ, chủ yếu do “nói chuyện với người chết”.
Cần nhấn mạnh rằng, sau hơn một thế kỉ nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra tám lí do nghi ngờ ngoại cảm và tâm linh như sau:
1) Sự tiến bộ là tiêu chí bắt buộc của một khoa học tốt.Ngành cận tâm lý (nghiên cứu ngoại cảm và tâm linh) không đạt được một tiến bộ đáng kể nào, kể từ khi Hội nghiên cứu tâm linh đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Anh năm 1882.
2) Ngoại cảm được định nghĩa khác thường, không theo nghĩa nó là cái gì, mà theo nghĩa không là cái gì, nên rất khó giới hạn phạm vi nghiên cứu.
3) Bằng chứng của tâm linh thường không đáng tin, vì chỉ dựa trên lời kể của những người thiếu kiến thức chuyên môn.
4) Nghiên cứu về tâm linh thường mắc lỗi giản lược trong nhận thức và phương pháp.
5) Tâm linh không liên quan với bất cứ lý thuyết khoa học đã được khẳng định nào.
6) Nghiên cứu tâm linh có tính lặp lại kém.
7) Ngụy tạo và lừa gạt gắn bó chặt chẽ với tâm linh trong suốt tiến trình lịch sử.
8) Nhiều hiện tượng tâm linh có thể giải thích theo cách thông thường, mà hiện tượng ma nhập là điển hình (đó là hiện tượng đa nhân cách trong lĩnh vực tâm thần học).

Xin nhấn mạnh hai lí do thứ 3 và 4. Cho đến nay, chưa một ai đưa ra được một bằng chứng thuyết phục về tâm linh. Thế nào là một bằng chứng đáng tin cậy? Đó là bằng chứng thu được trong một thí nghiệm được thiết kế đặc biệt nhằm loại bỏ các kênh cảm giác (vì ngoại cảm là khả năng nhận biết phi ngũ quan), sự lừa gạt hay nguỵ tạo. Nghiên cứu tại nước ta không thoả mãn các tiêu chí này, vì thế các kết luận đều không đáng tin. Hiện quĩ James Randi (nhà ảo thuật chứng tỏ khả năng “nhìn cong thìa” của Iuri Geller chỉ là ảo thuật) treo giải một triệu đô la Mĩ cho bất cứ ai thực hiện được khả năng ngoại cảm trong một thí nghiệm có kiểm soát. Các tổ chức nghiên cứu tại Pháp, Úc, Canada… cũng treo giải 200.000 euro mỗi nước. Và trên hết là giải thưởng 50 triệu đô la cho người chỉ ra vị trí của trùm khủng bố Bin Laden. Cần lưu ý, tất cả các nhà ngoại cảm từng thử nghiệm đều đã thất bại.
Ngược với sự nghi ngờ của giới chuyên môn, sự quan tâm của quần chúng đối với ngoại cảm và tâm linh không hề suy giảm vì bất cứ lí do nào. Đó là căn nguyên khiến nữ tiến sĩ tâm lí Susan Blackmore đưa ra định luật Blackmore thứ nhất. Đã từng xuất hồn và sau mấy chục năm nghiên cứu, bà nhận thấy “Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”. Nói cách khác, vì muốn tin nên chúng ta có xu hướng bác bỏ mù quáng mọi chứng cớ chống lại niềm tin đó!
Chính vì vậy, Uỷ ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường CSICOP được thành lập tại Mĩ năm 1976 nhằm ngăn chặn “cơn triều dâng của nạn mê tín và sự thừa nhận không phê phán các hiện tượng dị thường” và “khám phá các tuyên bố (về dị thường) và xuất bản các báo cáo khoa học về tính hiện thực của chúng”. Nhiều nhà khoa học lừng danh tham gia sáng lập CSICOP, như nhà vật lý Kapitxa (Nobel vật lý), nhà vật lý và thần kinh học Crick (Nobel sinh lý và y học), nhà tâm lý Skinner (cha đẻ thuyết hành vi), nhà thiên văn Sagan (cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất SETI), nhà sinh học tiến hoá Gould (cha đẻ thuyết Darwin hiện đại hoá), nhà ảo thuật Randi (khám phá nhiều màn ảo thuật đội lốt tâm linh), nhà sinh học Dawkins (bác bỏ quan niệm về nguyên lý sáng tạo tối cao của một số nhà khoa học hàng đầu)… Với đội ngũ nhân lực hùng hậu, với tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ xuất bản hàng quí, với hàng loại khảo cứu chuẩn mực về mặt phương pháp, CSICOP là thách thức chưa thể vượt qua đối với giới ngoại cảm và tâm linh trên toàn thế giới. Các tổ chức tương tự cũng xuất hiện tại Nga, Ucraina, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, Achentina, Hồng Kong, Đài Loan và nhiều quốc gia khác. Bạn đọc quan tâm tới các hoạt động của CSICOP có thể vào trang http://www.csicop.com/ để tìm hiểu thêm.
Tại sao giới bói toán hay đồng cốt dường như chính xác?
Nếu ngoại cảm và tâm linh không đáng tin cậy, tại sao một cô đồng giỏi có thể biết một số thông tin về người chết?
Nhiều người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy linh hồn có thật và giới đồng cốt quả thật có khả năng nói chuyện với người chết. Tuy nhiên sau khám phá của Ray Hyman (cũng là sáng lập viên của CSICOP), sự thật về giới bói toán và đồng cốt đã được khám phá. Trong bài báo “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào” trên Người yêu cầu nghi ngờ, tập 1, số 2, năm 1977, Hyman đã phát hiện kỹ thuật đọc nguội (cold reading). Đó là kỹ thuật lấy tin từ chính thân chủ bằng nhiều phương cách như nói lấp lửng nước đôi, đọc ngôn ngữ cơ thể… (thày bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải, khi gặp thông tin khớp, ta thường nhướn mày, chớp mắt, rung cơ, thở nhanh… nên cô đồng nắm được. Giới chuyên môn gọi là hiệu ứng Hans thông minh, khi ngựa Hans tại Berlin đầu thế kỉ 20 “biết làm toán” do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện). Chính vì vậy trong cuốn Sự thật đầy đủ về đọc nguội, Rowland viết: “Trong một buổi gọi hồn thành công, cô đồng có thể nói hầu hết thời gian, nhưng chính người hầu đồng mới là người cung cấp ngữ nghĩa và ý nghĩa của những ngôn từ đó“. Ở đây câu ngạn ngữ Tây Ban Nha tỏ ra thích hợp “Người nói nhiều đôi khi cũng đúng”!
Có thể kể thêm hai kỹ thuật đơn giản là đọc nóng (hot reading) và đọc ấm (warm reading). Đọc nóng là cách lấy tin trước khi bói hay gọi hồn. Ta cứ phải chầu chực mãi mới được bói hay hầu đồng là vì vậy. Còn đọc ấm là việc áp dụng các nguyên lý tâm lý thông thường cho thân nhân người đã khuất. Chẳng hạn giới đồng cốt Mĩ thường nói người chết cảm thấy đau đầu hay đau tim. Thông báo này có xác suất đúng cao vì đột quị não và nhồi máu cơ tim là những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Mĩ. Với một cô đồng giỏi cả ba kỹ thuật, người nghe không tin mới là chuyện lạ!
Vậy có thể kiểm chứng độ xác thực của khả năng “ngoại cảm tìm mộ“ hay không? Cách giải quyết thực ra rất dễ dàng: hoặc xét nghiệm ADN trên hài cốt tìm được, hoặc thực nghiệm với các trường hợp thật giả lẫn lộn. Người viết bài này tin rằng, nếu tổ chức tốt các thử nghiệm có kiểm soát, không một nhà ngoại cảm nào dám chấp nhận thách thức. Vấn đề chỉ là chúng ta có muốn kiểm chứng hay không mà thôi.
Cần bài trừ nạn mê tín mới:
Có lẽ ít người phản đối việc tách biệt hành vi mê tín khỏi các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên đâu là ranh giới giữa mê tín và tín ngưỡng lại là vấn đề rất khó đạt được sự đồng thuận. Đó là vấn đề lớn của toàn nhân loại chứ không riêng của nước ta. Chẳng hạn tại Anh, nhà khoa học đoạt giải Nobel Josephson từng bỏ vật lý để nghiên cứu các hiện tượng tâm linh. Trong một bức thư gửi tạp chí Nature danh tiếng, ông chê trách thái độ thờ ơ của cộng đồng khoa học đối với lĩnh vực tôn giáo và dị thường học. Theo ông, thực hành tôn giáo bắt nguồn từ các gien liên quan với tính thiện và có thể giúp các xã hội vận hành tốt hơn. Các nhà khoa học phản đối ông, cho rằng ngoài các yếu tố tích cực, hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo rất dễ gắn với các hành vi mê tín. Điều này không lạ, vì trong một số trường hợp, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín cũng khá mơ hồ. Chẳng hạn thờ cúng người đã khuất là tín ngưỡng; vậy vay tiền bà chúa Kho là tín ngưỡng hay mê tín?
Theo quan điểm cá nhân, cần phân biệt hai kiểu mê tín: mê tín cũ và mê tín mới. Tin là có ma quỉ, linh hồn, thiên đường và địa ngục hay thực hành gọi vong, cầu hồn, lên đồng… là các hành vi mê tín kiểu cũ. Những hành vi này thì từ xa xưa cha ông ta cũng đã từng đả phá và nay chúng ta cần cương quyết và khôn khéo loại trừ. Sự vụ một cô đồng “nhập hồn lãnh tụ” cần xem là sự giả danh lãnh tụ, và việc lưu truyền băng đĩa về nó cần xem là hoạt động mê tín. Chúng và các hoạt động tương tự cần được ngăn chặn kịp thời, cương quyết, khôn khéo và lâu dài.
Khó ứng phó hơn là các hành vi mê tín mới. Tại phương Tây chúng nổi lên dưới cái tên Tân Kỷ nguyên (New Age). Trào lưu này cho rằng, dựa trên các lý thuyết mới như cơ học lượng tử, khoa học (tự nhiên) đã có thêm tính chủ quan, bên cạnh tính khách quan vốn có. Đã là chủ quan thì không thể bỏ qua các yếu tố thuộc về tinh thần hay “tâm linh” được. Tiến thêm một bước (không hợp lý, theo cá nhân người viết), trào lưu này làm sống lại các chủ đề cũ như xuất hồn, đầu thai và luân hồi, tiên tri, giao tiếp với người chết… với nhiều cơ sở nghiên cứu, thực hành và giảng dạy được thành lập, chủ yếu dựa trên tài trợ tư nhân. Như đã trình bày, đó là những hoạt động thiếu cơ sở lý luận chặt chẽ, không vượt qua được các cuộc kiểm chứng nên đều không đáng tin cậy.
Cuối cùng là một số hành vi chưa hẳn là mê tín nhưng cũng cần được lưu tâm đúng mức. Đó là việc ca ngợi và vận dụng quá mức một số quan niệm và kinh nghiệm người xưa. Với cái nhìn khá tinh nhạy, người xưa đã quan sát, chiêm nghiệm và hệ thống hoá một số quan niệm, kiến thức và thực hành trong nhiều lĩnh vực, như y thuật, thuật phong thuỷ, tử vi, kinh Dịch… Tuy nhiên do hạn chế trong hiểu biết về cấu trúc và hành vi của con người và thế giới, nên các hệ thống đó chứa đựng nhiều quan niệm và hành động sai lầm. Với trình độ ngày nay, không khó để chỉ ra đúng sai, hay dở của các hệ thống đó. Một quan điểm đúng đắn trong việc gìn giữ bản sắc là gạn đục khơi trong, loại bỏ các yếu tố sai lầm, giữ lại các kinh nghiệm đúng để ứng dụng vào cuộc sống. Chẳng hạn quan niệm địa linh nhân kiệt. Người xưa cho rằng do khí thiêng sông núi hay mạch đất mà một địa phương có thể sinh nhiều hào kiệt . Vì thế mà có các quan niệm và hành vi sai lầm như “mả táng hàm Rồng” hay trấn yểm. Ngày nay ta biết rằng, chính con người (với mọi sắc thái sinh học và văn hoá) mới là yếu tố tạo nên hay tô điểm thêm cho một truyền thống văn hoá. Nếu không sẽ không hiểu tại sao các nhà Cần Vương thất bại mà Cách mạng tháng Tám lại thành công. Một ví dụ khác là nhà ở ngã ba bị đường đâm thẳng vào thì không tốt. Kết luận có thể giống nhau, nhưng khoa học giải thích bằng các lí do như dễ bị xe đâm trong các vụ tai nạn hay ảnh hưởng của sự căng thẳng thần kinh khi sống trong căn nhà đó, chứ không phải bằng các quan niệm siêu hình của người xưa. Quan niệm xung khắc tuổi cũng vậy. Khi cả hai người cùng tin tuổi họ xung khắc thì họ sẽ xét nét nhau từng tí một và cuối cùng thành xung khắc thật; trong khi nếu cùng tin hợp tuổi thì sẽ chín bỏ làm mười và cố gắng hợp tác tối đa, kết quả là hợp thật. Như vậy chính sức khoẻ thể chất và tâm thần, chính trí tuệ, cảm xúc, niềm tin và các giá trị tinh thần, cũng như môi trường sống và làm việc có văn hoá, chứ không phải ngày tháng năm sinh hay nơi sinh, mới là yếu tố quyết định chúng ta là ai, chúng ta sống và theo đuổi các giá trị như thế nào. Thiên thần hay ác quỉ nằm trong chính chúng ta, chứ không phải ở con sông hay ngọn núi.
Để kết thúc, xin nhấn mạnh rằng, niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác. Vì vậy chúng ta cần lựa chọn đúng đắn giữa các hoạt động tín ngưỡng và các hành vi mê tín, cho dù trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa chúng thật khó phân định. Với lập trường duy vật và cách nhìn biện chứng, với việc ứng dụng linh hoạt các thành tựu khoa học hiện đại, chúng ta có thể gạn đục khơi trong, góp phần gìn giữ những truyền thống văn hoá quí báu của dân tộc, bên cạnh việc kiên trì loại trừ các hành vi mê tín dị đoan.

Trao đổi/nhận xét (27)

Hãy thận trọng

Thứ sáu, 08/05/2009 01:26' PM  -  Đạo Trường   hoahongblackrose@...

"Để kết thúc, xin nhấn mạnh rằng, niềm tin vào sự huyền bí là nhu cầu có thật của con người, và theo các nhà khoa học, nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác".

Nếu là nhà khoa học thực thụ thì người ta sẽ dễ dàng hiểu " niềm tin lớn hơn mọi chứng cớ phản bác " là kết luận chưa đủ để suy diễn ra một khẳng định mới là " không có sự huyền bí ".

Tiền đề của " niềm tin vào sự huyền bí" không phải bắt nguồn từ " nhu cầu có thật của con người" mà bắt nguồn từ :

1/ Sự tồn tại có thật của nhiều hiện tượng huyền bí.

2/ Nhiều trường hợp huyền bí khoa học chưa đủ khả năng chứng minh cụ thể lẫn lý luận minh triết để phản bác nhưng lại cố gắng đưa ra GIẢ THUYẾT CHỦ QUAN để phản bác. Thái độ cực đoan này của chính nhà khoa học đã trở thành phản khoa học và củng cố thêm niềm tin vào huyền bí đó, thậm chí đẩy người ta đến mê tín. Các nhà khoa học phê bình những người tin huyền bí là dân mê tín " cái có, sự khẳng định", ngược lại nhiều người tin có huyền bí phê bình các nhà khoa học là dân mê tín " cái không, sự phủ định" , như vậy đều là dân mê tín chê nhau cả mà thôi.

3/ Để trình bày vấn đề được thuyết phục thì người ta phải đi tổng hợp và phân tích, đối chiếu, phản biện hàng loạt hiện tượng tâm linh để nắm vững bản chất, nguồn gốc của tâm linh rồi người ta mới có kiến thức và lý luận giải thích các hiện tượng tâm linh. Các nhà khoa học hiện nay lại làm ngược đời : đi giải thích các hiện tượng rồi nhân tiện khẳng định bản chất của tâm linh. Như vậy các nhà khoa học càng nói nhiều người ta càng không chịu nghe.

4/ Hiện tượng huyền bí thực ra cũng đã có những hệ thống kiến thức, triết lý từ xa xưa giải thích và trải nghiệm của con người qua nhiều nghìn năm chứng minh - điển hình là triết Phật và các nhà sư.
Tôi xin nêu lại tình huống nghiên cứu về luân hồi. Trước các hiện tượng luân hồi đã xảy ra cụ thể, chính xác, các nhà khoa học đã giải thích gượng ép bằng học thuyết tâm lý tâm thần và thần kinh của mình. Các nhà khoa học quy kết rằng luân hồi là quan điểm duy tâm, trong khi bản chất thuyết luân hồi không phải duy tâm. Những người chứng kiến và những người nghe không chấp nhận được cách giải thích đó vì thấy các nhà khoa học rõ ràng là đã có sự hiểu sai lầm và cảm thấy lý lẽ nhà khoa học rất nguỵ biện ( trong khi các nhà khoa học lại tự tin về sự sáng suốt của mình). Khi các nhà nghiên cứu trẻ sơ sinh đã thấy những hiện tượng chỉ giải thích được bằng thuyết luân hồi chứ không thể giải thích bằng tâm lý học, thần kinh học được ( trẻ vừa mới sinh ra không có thời gian trải nghiệm để xây dựng tâm sinh lý phức tạp của hoạt động thần kinh ). Trước tình huống này các nhà khoa học "mê tín phủ nhận" im re và lờ đi. Cũng giống như họ lờ đi khi xét Khái niệm luân hồi về mặt khoa học thì nó hoàn toàn phù hợp tính có quy luật của thế giới. Xét xa hợn nữa ta sẽ thấy nghiên cứu về luân hồi chịu sự can thiệp ngấm ngầm nhưng rất kịch liệt của các tôn giáo khác đạo Phật. Không phải nhà khoa học nào cũng giữ được bản lĩnh không tôn giáo, nhà khoa học cũng có năm bảy đường nhà khoa học. Các nhà khoa học VN nên nghiên cứu một cách khách quan để có kết quả nhận định cụ thể của mình, chỉ nên coi kết quả nghiên cứu trên thế giới là tài liệu tham khảo.

Cứ ngồi đọc tổng hợp về một vấn đề nhạy cảm, rồi suy diễn thì nguy cơ sai lệch so với thực tiễn là rất lớn. Đây chính là lý do tôi ủng hộ sự thành lập TTNCTNCN của nước ta, mặc dù bước đầu có những va vấp khuyết điểm. Tôi nghĩ nhiệm vụ của trung tâm này không phải là cố gắng phủ nhận hay đả phá sự huyền bí mà là cố gắng hiểu huyền bí một cách khách quan.

Giữ được lập trường khoa học thực sự khách quan là cực kỳ khó, đòi hỏi nhà khoa học không được định kiến mù quáng - khái niệm trong triết Phật là tránh chấp trước và phải giỏi ( không vô minh). Không như vậy sẽ đi vào vết xe đổ " nhiệt tình cộng với ngu dốt là kẻ phá hoại "

Những người theo triết Phật và những nhà sư chân chính rất không đồng tình với sự mê tín, mê tín là vô minh. Cũng không đồng tình với những nỗ lực chống mê tín nhưng lại làm tăng mê tín.

Tâm linh huyền bí

Chủ nhật, 10/05/2009 02:42' PM  -  Phạm Quang Trung   trungfq@...

Theo dõi các bài viết của ông tiến sĩ Đỗ Kiên Cường.

Tôi thấy quả thật ông ít trải nghiệm mà chủ yếu dựa trên các tài liệu rồi suy luận một cách hết sức sai lầm và nguy hiểm.

Dựa trên một vài hiện tượng cá biệt để rồi kết luận, liệu có khoa học không? Có nhiều hiện tượng chúng ta chưa thể hoặc không thể giải thích bằng khoa học được nhưng chúng vẫn tồn tại trên thức tế, ta chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.

Tiền hậu bất nhất

Thứ ba, 12/05/2009 12:27' AM  -  Trần Quang Đại   quangdaiht@...

"..tôi ủng hộ sự thành lập TTNCTNCN của nước ta, mặc dù bước đầu có những va vấp khuyết điểm. Tôi nghĩ nhiệm vụ của trung tâm này không phải là cố gắng phủ nhận hay đả phá sự huyền bí mà là cố gắng hiểu huyền bí một cách khách quan".

Đó là ý kiến của anh Đạo Trường vào ngày 8/5/2009.

Còn đây là ý kiến của anh được post lên mạng ngày 17/3/09: "Tôi đã thấy rằng việc nghiên cứu ngoại cảm của TTNCTNCN là chưa khoa học.(...) Muốn nghiên cứu thì cứ việc nghiên cứu nhưng xin đừng làm hại đến đời sống xã hội".

Hay là có hai anh Đạo Trường? Lẽ nào anh Đạo Trường lại tự tranh cãi với mình giống như võ công của nhân vật Chu Bá Thông trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung?

Anh nói: "Cứ ngồi đọc tổng hợp về một vấn đề nhạy cảm, rồi suy diễn thì nguy cơ sai lệch so với thực tiễn là rất lớn". Và vì vậy anh ủng hộ sự ra đời và hoạt động của TTNCTNCN.

Ý kiến của anh khiến tôi suy nghĩ đến việc nhà lãnh đạo Trung Quốc ra chỉ thị cho toàn dân nấu gang thép để Trung Quốc có sản lượng thép đứng đầu thế giới. Tuy sản lượng thép của TQ tăng vọt nhưng đó chỉ là những thứ thép vô giá trị. Lại nhớ chuyện người nông dân Việt Nam mày mò chế tạo máy bay trực thăng, mất biết bao nhiêu thời gian và công sức, tiền bạc rồi cũng chỉ tạo ra một phế phẩm.

Việc ra đời và hoạt động của TTNCTNCN Việt Nam nào có khác gì?

Một nhà khoa học đã bỏ ra mấy chục năm nghiên cứu, tổng hợp kết quả nghiên cứu của nước ngoài (nơi có phương tiện kĩ thuật hiện đại, thời gian nghiên cứu lâu dài, phương pháp khoa học...) về cùng một đề tài lại bị xem là "ngồi đọc tổng hợp về một vấn đề nhạy cảm, rồi suy diễn"... thậm chí còn bị kết luận "suy luận một cách hết sức sai lầm và nguy hiểm"...Nghe cứ như đấu tố trong cải cách ruộng đất! Ông Đỗ Kiên Cường đã "suy diễn, suy luận hết sức sai lầm" như thế nào, ở chỗ nào???

Khi đã nắm được rằng không có linh hồn, sao lại còn trách ông này không tổ chức thực nghiệm về linh hồn?? Xin thưa thêm là ông Đỗ Kiên Cường không chỉ ngồi trong phòng đọc sách, lướt web đâu, ông đã tham gia nghiên cứu thực địa rồi đấy.

Người khác dựa trên các nguyên lý khoa học để giải quyết vấn đề thì kết luận là "tằng thêm mê tín", trong khi đó mình lại dựa vào niềm tin tôn giáo để giải thích thì lại cho rằng đó là khoa học. Một nhà sư giải thích việc không có linh hồn là do linh hồn đã đi đầu thai ngay sau khi chết. Nghe cứ như đùa.

Trước một ý kiến phản biện rất gay gắt:

"Bản thân các tôn giáo không có chức năng giải thích thế giới, mà chỉ tạo ra tập hợp các hệ thống luân lý để giúp đỡ tổ chức xã hội loài người mà thôi. Kinh của các tôn giáo cũng đầy rẫy sai lầm và luôn luôn phải sửa chữa.

Những bài viết kiểu như thế này một lần nữa lại chứng tỏ tôn giáo luôn dựa dẫm vào khoa học để tồn tại.

Chê bai người khác mê tín dị đoan chỉ với mục đích duy nhất là truyền đạo. Chả trách tôn giáo chỉ thu hút được đa số giáo dân là những người có năng lực tư duy thấp và trung bình".

Anh Đạo Trường đã không thể bắt bẻ được, chỉ biết "Hoan hô", nhưng vẫn một mực cho rằng Phật giáo là một tôn giáo siêu việt: "Đức Phật dạy cho loài người những kiến thức cơ bản của thế giới này. Những kiến thức vì là cơ bản và đúng đắn nên đi trước thời đại, hướng dẫn thời đại. Truyền thông ? năng lượng hạt nhân ? Phi thuyền ? robot ? không gian đa chiều ( vũ trụ tồn tại nhiều thế giới ) ? bigbang ?..những thành tựu hiện đại này không có gì làm ngạc nhiên những người theo triết Phật 2500năm nay, thậm chí họ còn cho rằng như thế cũng chưa phải là hiện đại và dễ dàng chỉ ra những ý tưởng mới phục vụ mục đích có đạo đức của con người".?!

Theo như anh Đạo Trường, người Việt, và nhân loại nói chung, không cần học hành, nghiên cứu gì nữa cả, chỉ cần nghiên cứu Phật giáo là đủ, quá đủ?

Tài!

Hãy bình tĩnh và xem lại

Thứ năm, 14/05/2009 02:38' PM  -  Đạo trường   hoahongblackrose@...

1/ Quan điểm của tôi luôn thống nhất. Hãy đọc kỹ lại xem có đúng là quan điểm của tôi là như thế này không ?

- TTNCTNCN chưa khoa học, chứ không phải là không khoa học. Trung tâm này sẽ dần có khoa học vì tôi tin mọi người của trung tâm có tấm lòng và nhiệt tình trong sáng đồng thời mọi người chúng ta ai cũng có lòng đấu tranh đóng góp để xây dựng. Tôi luôn tin tưởng vào con người. Cứ việc nghiên cứu khoa học nhưng không được làm hại đến đời sống xã hội là đương nhiên.

- Cố gắng hiểu huyền bí một cách khách quan có nghĩa là cố gắng hiểu huyền bí một cách khoa học, tức là Trung tâm này phải cố gắng hoàn thiện tính khoa học của mình. - Sự chưa khoa học là một khuyết điểm cần phải sửa. Khuyết điểm đó có thể gây hại cho xã hội. Tôi đấu tranh để tiêu diệt cái khuyết điểm đó chứ không phải đấu tranh để tiêu diệt trung tâm này. Tôi đã nhận định sự ra đời của trung tâm là cần thiết và có ý nghĩa lớn lao. Thực tế quan điểm này xuất phát từ nhân sinh quan của tôi xây dựng từ Triết Phật là : tiêu diệt cái xấu của con người chứ không tiêu diệt con người. Và cái xấu đó là cái gì thì tôi cũng đã trình bày nhiều rồi.

- Tôi dự đoán :Khi nghiên cứu một cách hết sức khoa học TTNCTNCN hoạt động sẽ có kết luận là " không thể nghiên cứu Thâm linh bằng khoa học vật thể" khi đó kết luận này mới đáng tin. Như vậy cũng có ý nghĩa lớn lao đấy.

2/ Tôi thấy thầy giáo chưa đọc kỹ và hiểu ý tôi một cách logic. Hoàn toàn không hiểu tôi rồi thầy lại suy nghĩ liên hệ suy luận rộng ra theo ý thầy cho nên tôi thấy quá xa lạ với tôi. THẦY GIÁO CHƯA HIỂU TRIẾT PHẬT LÀ MỘT KHOA HỌC BAO TRÙM MỌI NGÀNH KHOA HỌC KHÁC. Thầy giáo cũng không biết được là có nhiều thư mời tôi tham gia ý kiến giải thích hiện tượng ngoại cảm và đánh giá bài của sư Thích Thông Lạc nhưng tôi đã trả lời rằng TÔI THẬT SỰ CHƯA CÓ ĐỦ TRÌNH ĐỘ ĐỂ TRÌNH BÀY CHO NGƯỜI KHÁC HIỂU VÀ NGƯỜI KHÁC CŨNG KHÔNG CÓ TRÌNH ĐỘ ĐỂ MÀ HIỂU.

Tôi đã nói với họ rằng "rồi bạn sẽ thấy, lời giải thích rất khoa học của nhà sư sẽ bị cho là duy tâm, hoang đường, tôi sẽ cố gắng gợi ý cho mọi người hiểu nhà sư nhưng rất khó thành công". Tôi cũng đã dự đoán sẽ có nhiều tác phẩm như " Chúng ta là ai", nhưng tôi không tham gia ý kiến nữa. NGAY CẢ GIÁO LÝ NHÀ PHẬT KHOA HỌC ĐẾN MỨC THU PHỤC NHỮNG NHÀ KHOA HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI MÀ NGƯỜI TA CÒN KHÔNG THÈM NGHIÊN CỨU ĐỂ HIỂU MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC thì Đạo trường không là cái gì cả. Thầy giáo và nhiều người đâu có hiểu rằng ĐỨC PHẬT LÀ MỘT NHÀ KHOA HỌC ĐỒNG THỜI LÀ NHÀ CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI, HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI LÀ MỘT GIÁO CHỦ, PHẬT KHÔNG THÍCH TRIẾT HỌC CỦA MÌNH BIẾN THÀNH TÔN GIÁO. Các nhà sư khác thì khuyên tôi rằng " Những người có thiện ý học hỏi thì người ta đã tự giác đi tìm những nhà sư và chùa chân chính, Bác sĩ không nên tốn thời gian ở những nơi không biết trân trọng, PHẬT PHÁP LÀ QUÝ BÁU KHÔNG NÊN CHO BỪA". Thầy giáo không biết là tôi đến với đạo Phật không phải là đến để cho các nhà Sư lãnh đạo mình, mà là đến đó để cùng các nhà sư và Phật tử học tập, tự phê bình, và phê bình lẫn nhau hướng tới một lối sống khoa học và nhân văn. Tôi ngợi ca Triết Phật là để gợi ý mọi người chưa biết hãy biết tính khoa học cao siêu của nó chứ hoàn toàn không có mục đích truyền giáo , đối với những người đã biết thì sự ngợi ca này là thừa.

3/ Tôi thấy lạ rằng:

- Nhiều nhà khoa học Việt nam chưa có tinh thần và tác phong khoa học thực thụ. Họ luôn né tránh phản biện. Họ cứ cho công trình của mình đăng thoải mái nhưng không phản hồi những ý kiến đóng góp.

- Việc người nông dân vùng xâu vùng xa ở VN dám nghĩ và dám tốn để chế tạo máy bay là một điều khâm phục đáng để học hỏi không chỉ cho riêng tôi mà còn nhiều người là thầy của tôi. Nhưng ở VN lại đánh giá theo một hướng hoàn toàn khác.

- "Trước một ý kiến phản biện rất gay gắt... Anh Đạo Trường đã không thể bắt bẻ được, chỉ biết "Hoan hô", nhưng vẫn một mực cho rằng Phật giáo là một tôn giáo siêu việt". Quái lạ thật! ở VN mình hình như cứ gay gắt là đúng? Đọc ý kiến người khác nhưng không hiểu mà cứ bình luận( xin thầy giáo đọc kỹ lại lời bình của tôi với ý kiến đó, ngẫm lại tại sao tôi dùng từ "hoan hô" đó). Thầy giáo cũng không để ý là tôi có sự phân biệt sâu sắc giữa hai từ đạo Phật và triết Phật.

- "Theo như anh Đạo Trường, người Việt, và nhân loại nói chung, không cần học hành, nghiên cứu gì nữa cả, chỉ cần nghiên cứu Phật giáo là đủ, quá đủ?" ý tưởng này hoàn toàn không phải của tôi, xin thầy giáo chứng minh đã trích dẫn từ đâu. Nếu thầy giáo không chứng minh được thì đó là suy nghĩ và suy luận của thầy giáo. Mà nếu đó là suy nghĩ của thầy giáo thì tôi không cần phải trả lời. Nhưng ở đây tôi có ý kiến đóng góp cho những người lãnh đạo ( chứ không phải cho thầy giáo) là xin các quý vị tránh thói quen dùng ý mình chụp mũ người khác.

Không nên trao đổi như thế nữa!

Thứ bảy, 16/05/2009 09:30' AM  -  Chúng Tớ Học   minhbui@...

Tôi thành thực mong bạn đọc Trần Quang Đại không nên trao đổi nữa. Khi Đạo Trường đã viết: "Triết Phật là một khoa học bao trùm mọi ngành khoa học khác", thì theo tôi, Trần Quang Đại và những người cùng quan điểm không nên trao đổi nữa, vì chỗ đứng của hai bên hòan tòan khác nhau.

Tôi sẽ không nói rằng, Đạo Trường không phân biệt được tôn giáo và khoa học, vì qua sự phê phán khoa học, có lẽ ông chưa tìm hiểu xem khoa học là gì. Có thể có một số nét tương đồng, nhưng tôn giáo và khoa học rất khác nhau. Chẳng hạn tôn giáo dựa trên niềm tin, còn khoa học dựa trên sự nghi ngờ. Giáo lý tôn giáo là một hệ thống logic tương đối khép kín, ít khi chấp nhận sự cải biên (thậm chí trong một số tôn giáo, sự cải biên còn dẫn tới đổ máu!). Ngược lại, khoa học là một hệ thống mở luôn luôn được phủ định (biện chứng). Đó là lý do khoa học ngày nay khác xa khoa học 1000 năm trước; trong khi các giáo lý rất ít thay đổi trong suốt tiến trình lịch sử. Các bậc trí giả có thể đưa ra nhiều đặc trưng khác của tôn giáo và khoa học.

Tôi tin Đạo Trường sẽ không chấp nhận cách lập luận trên và vẫn tiếp tục xem giáo lý Phật giáo là khoa học bao trùm mọi khoa học. Thật may mắn quá, tôi có một số câu hỏi về bản chất vũ trụ mà chưa thấy các khoa học giải đáp được.

Vậy tôi mong Đạo Trường dùng Triết Phật giải đáp giúp:

1) Bản chất tâm trí là gì? Mối tương quan giữa bộ não và tâm trí là như thế nào? Ý thức, vô thức và tiềm thức tương tác với nhau như thế nào? Vô thức phân tâm học và vô thức nhận thức học giống và khác nhau như thế nào?

2) Bản chất giấc mơ là gì? Tại sao chúng ta nằm mơ nhiều lần hàng đêm mà ít khi nhớ khi tỉnh giấc?

3) Big Bang là khởi thủy của vũ trụ khỏang 14 tỉ năm trước, vậy cái gì sinh ra Big Bang?

4) Không - thời gian là gì? Tại sao vũ trụ đối xứng trong không gian mà không đối xứng trong thời gian?

5) Năng lượng tối là gì mà lại sinh ra lực đẩy làm vũ trụ giãn nở ngày càng nhanh?

6) Sét hòn là gì? Tại sao nó lúc ẩn lúc hiện?

7) Tế bào đầu tiên trên Trái Đất được sinh ra như thế nào? Trong ba lọai phân tử sinh học căn bản của sự sống, lọai nào có trước, ADN, ARN hay protein? (Bài tóan con gà và quả trứng)

8) Máy tính lượng tử có ưu việt thực sự hay không? Chế tạo nó như thế nào?

9) Bản chất thực sự của cơ học lượng tử là gì?

10) Tác dụng của "tinh thần trên vật chất" (chẳng hạn dùng ý nghĩ "bẻ cong thìa") có thật hay không? Nếu có thì giải thích như thế nào? Nếu không, tại sao mọi người lại "mê" nó và các khả năng dị thường khác như vậy?

11) Tại sao tóan học lại mô tả thế giới chính xác một cách kì lạ như vậy?
....

Trên đây là những câu hỏi mà khoa học đang cố công tìm hiểu nhưng chưa trả lời được hay chưa trả lời thỏa đáng. Rất mong Đạo Trường và các bậc thức giả khác giải đáp giúp.

Xin chân thành cảm tạ.

(Đỗ Kiên Cường)

Phải tranh luận tiếp chứ?

Thứ bảy, 16/05/2009 05:51' PM  -  Huy Minh   thminh07@...

Chúng ta đang sống trong cùng một Vũ trụ, đang cùng quan sát Vũ trụ và vạn vật xung quanh, vì vậy có thể nói ngay được rằng: trong chúng ta cũng như trong vạn vật đều phải có một cái gì đó rất chung, rất giống nhau và cũng rất giống bản thể của vũ trụ này, và do đó vạn vật trong vũ trụ đều có liên quan đến nhau, ít hoặc nhiều, nhìn thấy được hoặc chưa nhìn thấy được, chúng ta cũng vậy, đều có liên quan và ảnh hưởng đến nhau. Thí nghiệm của các nhà khoa học về tính 2 mặt (sóng và hạt) của proton còn cho thấy dường như những hạt proton nhỏ bé này cũng có “tính khí”!.

Đức Phật nói: "Một con cá quẫy đuôi cũng chấn động tam thiên đại thiên thế giới"; hoặc chúng ta đã được nghe về hiệu ứng cánh bướm: “Một cánh bướm vỗ ở Bắc Kinh cũng có thể gây nên trận cuồng phong ở Trung Mỹ”; nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận nói: "Để giải thích một hiện tượng dù rất nhỏ, cũng phải viện dẫn đến toàn thể vũ trụ".

Chính vì tính liên thông của vạn vật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nên người trí giả có thể nhìn một hiện tượng dù rất nhỏ, có thể đoán ra chuyện đại sự. Bởi vậy một quẻ bói dịch nhỏ nhoi chỉ có 6 hào, mà Khổng Minh (với Mã Tiền Khoá), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (với Thái Ất Thần Kinh),… có thể tiên đoán được sự vật, hiện tượng sau trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Nhưng đối với kẻ trí thiển thì việc lớn không thấy, chăm chăm tiểu tiết, vạch lá tìm sâu, tầm chương trích cú. Tỷ như Chu Du, thân làm đến Đô đốc mà thấy Khổng Minh cầu gió Đông Nam, tưởng là thần thánh. Rồi uất ức hộc máu mà chết chỉ vì trí thiển mà thôi.

Thời gian gần đây, qua các diễn đàn trên chungta.com, chúng ta có thể nhận thấy được trình độ của các tác giả cũng như các luận giả. Việc đánh giá này do từng người cảm nhận, có thể khác nhau nhiều, mỗi người nên cách nhìn khách quan, cầu thị, hiểu biết và học hỏi. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm rất kiên định, rõ ràng và trí tuệ của bác Đạo Trường, khâm phục bác bởi sự hào phóng sẻ chia và cả sự nhiệt tình trong đó. Bác thường dẫn Triết Phật để minh hoạ hoặc giải thích bởi Triết Phật là một hệ thống lý luận cao siêu mà lại rất gần gũi với dân Á Đông. Tuy nhiên, các giáo lý khác cũng có hệ thống lý luận cao siêu không kém Triết Phật, vậy mà CHÂN LÝ, MINH TRIẾT, VŨ TRỤ chỉ là MỘT thế nên cũng đã có nhiều trường phái đi tìm một ĐẠI ĐẠO chung cho loài người, bởi loài người biết rằng “Vạn giáo Nhất lý” nhưng chưa tìm ra một hệ thống giáo lý đầy đủ nào để thu hạp, dung hoà được các trường phái tôn giáo lớn hiện nay. Chúng ta có thể thấy tư tưởng này khi nghiên cứu về Thông thiên học hoặc giáo lý của Đạo Cao Đài.

Nhìn chung, những luận thuyết trung dung này quan niệm khoa học là phương tiện, là công cụ của loài người còn tôn giáo là ngọn cờ đạo đức dẫn dắt con người, không có mâu thuẫn hay sự loại trừ nhau giữa tôn giáo và khoa học, cả 2 cùng đi về một đích là CHÂN LÝ, nhưng ở 2 phía khác nhau: khoa học tiến dần. phát triển dần còn tôn giáo (chân chính) sinh ra đã bao trùm tất cả, trong đó có khoa học. Khoa học cần sự tiến bộ, sự khám phá vươn lên nhưng tôn giáo sinh ra đã đầy đủ, đã là MINH TRIẾT nên ít thấy thay đổi thay sự tiến bộ, chính sự thay đổi do ý thức chủ quan, vụ lợi của con người đã làm cho tôn giáo nhiều nơi bị lợi dụng, trở thành công cụ của chính giới và phản động đầy màu sắc mê tín dị đoan hay sự cực đoan, cuồng tín.

Với tình cảm yêu mến Đạo Trường, tôi sẽ cùng giúp bác trả lời những câu hỏi của Minh Bùi hay Đỗ Kiên Cường trong comment tới./.

Trả lời các câu hỏi

Thứ bảy, 16/05/2009 05:54' PM  -  Huy Minh   thminh07@...

Huy Minh xin được đem cái “lãng mạn” khoa học và tôn giáo của bản thân để trả lời những câu hỏi của Minh Bùi, cốt chỉ góp vui:

1) Bản chất tâm trí là gì? Mối tương quan giữa bộ não và tâm trí là như thế nào? Ý thức, vô thức và tiềm thức tương tác với nhau như thế nào? Vô thức phân tâm học và vô thức nhận thức học giống và khác nhau như thế nào?

Vũ trụ là một siêu máy tính khổng lồ, con người cũng có thể được hình dung giống như một chiếc máy tính (dĩ nhiên là tinh vi hơn bất cứ chiếc PC nào trên trái đất), có phần cứng, phần mềm điều hành (Windows, OS,..) và phần mềm ứng dụng tương ứng với con người là: thể xác, thể vía và thể trí sự hoạt động hài hoà giữa các thể này tạo nên một cơ thể khoẻ mạnh và ngược lại. Như vậy, bản chất của tâm trí là một chương trình máy tính, một phần mềm (software) chạy trong cơ thể chúng ta từ lúc sinh ra tới lúc chết đi. Tâm trí hoạt động nhờ có bộ não (giống như bộ nhớ của máy tính: đĩa cứng – HDD hoặc RAM), là các quá trình thu nhận, ghi nhớ, vào/ra và xử lý thông tin dữ liệu thông qua các bộ phận ngũ quan (tai, mắt, chân tay,..).

Đi sâu nghiên cứu về khoa học máy tính chúng ta sẽ thấy một sự tương đồng hoàn toàn và có thể hình dung, quan sát, mô phỏng được ý thức, vô thức và tiềm thức tương tác với nhau như thế nào. Qua đó sẽ có những giải đáp thoả đáng về các vấn đề phân tâm học. Chính từ lâu, con người đang nỗ lực nghiên cứu và đạt được những thành tích to lớn về trí tuệ nhân tạo, nhằm mục đích tạo ra những robôt thế hệ mới, thông minh như con người!. Khi đó, rõ ràng con người đã là Thượng Đế, là Đấng Sáng tạo vĩ đại.

Một điều quan trọng nên nhớ là “chiếc máy tính” của ta không hoạt động độc lập, đơn lẻ mà có “nối mạng” với siêu máy tính vũ trụ, chịu sự chi phối nhất định của vũ trụ có cái ta nhận biết được nhưng có nhiều cái chưa nhận biết được.

2) Bản chất giấc mơ là gì? Tại sao chúng ta nằm mơ nhiều lần hàng đêm mà ít khi nhớ khi tỉnh giấc?
Chúng ta mơ hằng đêm, có nhiều kiểu mơ khác nhau, giấc mơ như những đoạn phim hay một hồi, một cảnh dở dang của một vở kịch. Có rất nhiều chương trình, nhiều phần mềm hoạt động trong cơ thể chúng ta, mỗi cơ thể lại có cơ địa khác nhau, đôi lúc không hoàn hảo, mặt khác chúng ta lại “nối mạng” với siêu máy tính vũ trụ, vì vậy, giấc mơ có thể là một hình thức “truy xuất dữ liệu”, “tái tạo hình ảnh”, một software nào đó trong ta bị kích hoạt và hoạt động trong lúc cơ thể đang ở trạng thái ngủ “sleeping”, việc xử lý thông tin dữ liệu có thể xảy ra ở vùng đặc biệt nào đó trong não (giống như RAM, tốc độ đọc, ghi cao hơn HDD nhiều nhưng khi mất điện là dữ liệu trên RAM không còn). Điều này có thể giải thích được rằng trong giấc mơ, mặc dù thời gian rất ngắn (vài giây, vài phút) nhưng chúng ta thấy được cả một núi sự kiện, hiện tượng trong đó (như một cuộn phim dài), và cũng vì vậy, khi tỉnh giấc ít khi chúng ta nhớ được rằng đã mơ thấy gì (dĩ nhiên, có nhiều giấc mơ chúng ta vẫn nhớ rõ).

3) Big Bang là khởi thủy của vũ trụ khỏang 14 tỉ năm trước, vậy cái gì sinh ra Big Bang?
Big Bang được thừa nhận là có thật, là khởi thuỷ của vũ trụ (của chúng ta). Nhưng thật nực cười và ngây thơ nếu nghĩ rằng đây là một vụ nổ vu vơ, được chăng hay chớ, không có mục đích, không được AI ĐÓ “lập trình” trước. Chính Newton đã nói, vũ trụ là một cỗ máy hoàn hảo, tinh vi, phải có ai đó, thời điểm nào đó ấn nút để khởi động cỗ máy này, và năng lượng của nguồn lực để “khởi động” cỗ máy phải vô cùng lớn đê tạo nên cả vũ trụ.

Để dễ hình dung (mà cũng có thể là thật), chúng ta hãy coi Big Bang như một sự nảy mầm của một hạt giống, trong hạt giống này, công trình về vũ trụ đã được thiết kế, được mã hoá, được lập trình sẵn. Cũng cần phải thừa nhận thuyết “đa vũ trụ”, vũ trụ của chúng ta không phải là duy nhất, còn có nhiều, nhiều đến vô tận các cũ trụ khác nữa.

Thời điểm big bang là thời điểm hội đủ điều kiện về mọi mặt cần thiết cho một sự nảy mầm (giống như độ ẩm, nhiệt độ, địa điểm) và một tiếng nổ long trời lở đất xảy ra làm cái vỏ cứng như đá của hạt giống vũ trụ này nứt vỡ, một mầm non của CÂY VŨ TRỤ nhú ra, đẹp đẽ, kiêu sa hơn bất cứ cái mầm nào trên trái đất, và nguồn năng lượng vô tận của các vũ trụ khác soi rọi làm cho cái mầm nhỏ nhoi này lớn nhanh như thổi, và hơn 13,7 tỷ năm trôi qua với biết bao phong ba bão táp, Cây vũ trụ vẫn vươn mình lớn lên trở thành một cái cây khổng lồ với cành, nhánh vô hình đối với con người nhưng hoa, lá, quả là các thiên hà, các tinh vân, các hệ sao, ngôi sao,… lan toả khắp vũ trụ. Các quan sát thiên văn cho thấy, vũ trụ vẫn đang nở ra, tản xa ra với tốc độ ngày càng lớn.

Ở đây, chúng ta cũng cần phải lãng mạn và có óc tưởng tượng một chút, Cây vũ trụ là một loài cây đặc biệt, không giống hoàn toàn như cây cối thông thường trên trái đất. Dĩ nhiên, các loài cây vũ trụ chắc cũng hết sức phong phú, có cây mới lớn, có cây cổ thụ, có cây thân gỗ, có cái rễ chùm, lá kim,…
Về kích thước của cây, ta cũng thấy được qua hình ảnh một hạt cây (xà cừ chẳng hạn) bé bằng móng tay, nhưng sau chỉ 100 năm, cây xà cừ ở điều kiện mọc trong thiên nhiên, không bị gẫy đổ sẽ to lớn như thế nào. Ngay như cơ thể chúng ta, lúc được thụ tinh chỉ là một tế bào trứng nhỏ bé đến vô hình, vậy mà sau 20 năm đã thành một chàng trai, cô gái cao lớn như thế nào. Thế mà Cây vũ trụ của chúng ta đã trải qua 13,7 tỷ năm, một sự sống, một sự phát triển kéo dài gần 14 tỷ năm, thật khó có thể tưởng tượng nổi, bởi vậy, kích thước khổng lồ của Vũ trụ là vì vậy.

4) Không - thời gian là gì? Tại sao vũ trụ đối xứng trong không gian mà không đối xứng trong thời gian?

Không - thời gian là những chiều của Vũ trụ, sự đối xứng trong không gian chỉ là cảm giác, được phản ảnh qua các tấm gương, thực ra không hoàn toàn đối xứng.

Khái niệm trục thời gian đã giới hạn thời gian chỉ như một đường thẳng, trong khi không phải như vậy, thời gian không chỉ là quá khứ, hiện tại và tương lai. đối với con người ta có thể thấy ngay rằng có các loại thời gian song hành tồn tại khác nhau mà chúng ta thấy sự bất đối xứng:
- Thời gian khoa học (ngày, giờ, phút, giây,…);
- Thời gian tâm lý (thời gian chờ đợi bao giừ cũng lâu);
- Thời gian sinh lý (đồng hồ sinh học trong cơ thể) và
- Thời gian Tâm linh (chuyện Từ Thức gặp tiên, 1 ngày trên trời bằng trăm năm dưới đất);

5) Năng lượng tối là gì mà lại sinh ra lực đẩy làm vũ trụ giãn nở ngày càng nhanh?
Vũ trụ có thể có nhiều nguồn năng lượng mà chúng ta chưa được biết, năng lượng tối - thứ năng lượng bí ẩn là một trong số đó. Trong công trình tạo dựng vũ trụ chắc chắn Tạo hoá phải thiết kế nguồn năng lượng để đảm bảo cho sự phát triển của Cây vũ trụ. Sự giãn nở của Vũ trụ được hình dung như sự lớn lên của một cái cây.

6) Sét hòn là gì? Tại sao nó lúc ẩn lúc hiện?

Khi đã coi cả Vũ trụ như là một sinh thể, một cái cây thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc có nhiều sinh thể khác mà chúng ta chưa được biết đến. Sinh thể không đơn thuẩn chỉ là cây, con, thực vật, động vật mà còn có thể là những sự vật, hiện tượng được “lập trình”, Sét hòn có thể là một sinh thể như vậy lúc ẩn, lúc hiện, khó quan sát, nắm bắt được.

7) Tế bào đầu tiên trên Trái Đất được sinh ra như thế nào? Trong ba lọai phân tử sinh học căn bản của sự sống, lọai nào có trước, ADN, ARN hay protein? (Bài tóan con gà và quả trứng)

Giải thích về Big Bang như trên để nói rằng Vũ trụ khi mới sinh ra có thể bé bằng đầu kim. Chỉ có điều, trong cái đầu kim đó đã chứa một bản thiết kế được lập sẵn, được mã hoá, vô hình vô dạng. Do đó, AND, ARN hay protein chỉ là 3 cấu thành trong bản thiết kế của Tạo hoá, không cái nào có trước cái nào, chỉ có Tạo hoá là có trước tiên.

8) Máy tính lượng tử có ưu việt thực sự hay không? Chế tạo nó như thế nào?
Máy tính lượng tử là mong ước vĩ đại của ngành khoa học máy tính cũng như của cả loài người. Muốn chế tạo nó, hãy học hỏi thiên nhiên, hãy trở về với bản thể vũ trụ. Tại sao chỉ với 4 chất hoá học gọi là “các bazơ”, đó là Adénine (A), Cytosine (C), Guanine (G) và Thymine (T) vậy mà mọi cơ thể sống từ hạt mù tạt đến con người hiện đại đều được cấu thành bới sự sắp xếp, kết nối của 4 chất đó!.

9) Bản chất thực sự của cơ học lượng tử là gì?
Không có câu trả lời (giành cho các nhà vật lý lượng tử).

10) Tác dụng của "tinh thần trên vật chất" (chẳng hạn dùng ý nghĩ "bẻ cong thìa") có thật hay không? Nếu có thì giải thích như thế nào? Nếu không, tại sao mọi người lại "mê" nó và các khả năng dị thường khác như vậy?

Việc xây dựng Kim tự tháp Ai cập vẫn còn coi là bí ẩn nếu không thừa nhận rằng đã có một thời, loài người biết sử dụng năng lực tinh thần để xây dựng các đền đài, lăng mộ, sau đó dần dần bị mất đi năng lực đó. Thực ra, nếu không có năng lực tinh thần, con người không thể làm nên trò trống gì. Chẳng hạn, một viên gạch được làm ra cũng là kết quả của các hoạt động tinh thần con người kết hợp với hoạt động chân tay (làm đất, đóng khuôn, nung và vận chuyển). Một tác phẩm nghệ thuật hay một sản phẩm điện tử cũng đều thấm đẫm năng lực tinh thần của con người. Chúng ta và vạn vật cũng thấm đẫm năng lực tinh thần của Vũ trụ, của Đấng Sáng tạo, đó chính là cái gọi là “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể”, bởi vậy chúng ta vẫn mê và mong muốn có được những khả năng dị thường khác - những khả năng của Trời để có thêm sức mạnh.

11) Tại sao tóan học lại mô tả thế giới chính xác một cách kì lạ như vậy?

Vũ trụ hay bất cứ cơ thể sống, sinh thể nào đều được điều khiển bởi một chương trình, một phần mềm tin học. Phần mềm là những câu lệnh (command) được sắp xếp theo một trật tự nghiêm ngặt. Trong mỗi phần mềm là các hàm, các hằng, các biến. Các hàm là các quy luật được định sẵn, các hằng là các giới hạn để kiểm soát mọi hoạt động của hàm và biến. Các biến thay đổi khi chương trình chạy, giá trị các biến được tính toán, tăng hay giảm và so sánh với các hằng để quyết đinh các động tác thực hiện tiếp theo. Các công thức toán học được sử dụng trong các phần mềm bởi vậy, đương nhiên toán học mô tả thế giới một cách chính xác.

11 câu hỏi trên rất thú vị và không dễ trả lời nếu không “viện dẫn đến cả vũ trụ”, mỗi câu là cả một công trình khoa học đồ sộ, không thể trả lời một cách quá dễ dàng, giản đơn như Huy Minh.

Tuy nhiên, chúng ta thảo luận vui là chính, học được thì tốt, đừng cay cú, đừng nóng, đừng vội phủ định, hãy suy nghĩ và hãy thật lãng mạn. Chúc mọi người vui vẻ./.


Trang:    2   3   4
Trao đổi/nhận xét (27)

Hãy bình tĩnh và xem lại.

Thứ bảy, 16/05/2009 11:03' PM  -  Đạo trường   hoahongblackrose@...

Bạn Đỗ Kiên Cường thân mến,

Tôi đã viết cho bạn một bài tham luận rất dài, nhưng tiếc rằng khi gửi thì chương trình báo lỗi làm mất sạch công sức và thời gian. Tôi trả lời sơ lại bạn như sau:

1/ Bạn chưa phân biệt được tôn giáo và triết học. Tôi luôn nói đến triết Phật chứ không nói đến đạo Phật. Triết Phật cần niềm tin có lý trí.

2/ Tôi nói Triết Phật bao trùm mọi ngành khoa học khác chứ không phải Đạo Trường hay nhà sư nào hay cả Đức Phật bao trùm khoa học. Triết Phật hay bất cứ triết nào khác đều là phương tiện, công cụ để giúp ta suy nghĩ và hành động chứ không phải là mục đích

3/ Tôi luôn đứng trên lập trường của người làm khoa học, giới thiệu tính khoa học của Triết Phật chứ tôi không đứng trên lập trường tôn giáo và có ý truyền giáo.

4/ Tôi đã thấy một số nghiên cứu và lý luận của Bạn lẫn các nhà khoa học mà bạn trích dẫn là chưa thực sự khoa học. Tôi sẽ trình bày để mọi người tham luận sau. Mục đích tham luận là cùng nhau trao đổi cách tư duy lý luận trong nghiên cứu khoa học.

5/ Câu hỏi 1 của bạn cho thấy bạn chưa nắm vững vấn đề, tôi khuyên bạn hãy thận trọng khi " nhảy ra" giải thích Tâm linh, linh hồn, mê tín. không cẩn thận bạn chính là người phản khoa học. Điều đó cũng giống như tôi và các nhà Sư khác không cẩn thận sẽ phản triết Phật và đạo Phật. Nếu trình bày với mục đích để trao đổi học tập thì nên lắng nghe phản biện và tìm hiểu những ý kiến khác biệt.

6/ Bạn không nên thách đố tôi trả lời các câu hỏi như vậy. Điều này giống như một cậu học sinh cấp một thách đố tôi giải một bài toán hình học không gian hay toán tích phân..khi thấy tôi là Bác sĩ mà lại ngợi ca toán học.
7/ Mặc dù vậy, trong lời tham luận đã mất khi gửi, tôi đã có những câu trả lời nghiêm túc cho các câu hỏi của bạn. Bây giờ tôi trả lời gói gọn bằng một câu khác:

Bạn đánh giá gì trước nhận định sau: '" Nếu tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới mỗi ngày đều thật tâm nhiệt thành tụng niệm câu thần chú Phật dạy: "Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha" thì thế giới này sẽ luôn hoà bình và hạnh phúc." Câu nhận định này duy tâm hay khoa học ? nếu bạn trả lời là duy tâm thì bạn chưa có ngôn ngữ và chưa đủ trình độ để hiểu những lời tôi sẽ giải thích bằng triết Phật, như vậy sự cố gắng giải thích của tôi sẽ là vô nghĩa và ngu xuẩn. Nếu Bạn trả lời " đó là nhận định khoa học" nhưng không giải thích được tại sao là khoa học thì Bạn đã chứng tỏ mình không phải nhà khoa học và không thật sự có tinh thần học hỏi, như thế Tôi không nên tốn sức trả lời. Nếu bạn trả lời " Nhận định đó là khoa học" và có cách giải thích nó một cách thực sự khoa học thì bạn sẽ không hỏi những câu hỏi đó nữa mà bạn sẽ đi chia sẻ những kiến thức của mình cho tôi và cả những người đã nắm triết Phật.

Chúng ta hãy bình tĩnh và xem lại. Chúc bạn luôn vui và luôn giữ vững nhiệt huyết nghiên cứu học hỏi và chia sẻ.

E rằng chúng ta khác ngôn ngữ!

Thứ ba, 19/05/2009 02:52' PM  -  Đỗ Kiên Cường   kiencuong57@...

Gửi bạn Đạo Trường:

Tôi e rằng tôi và bạn đang nói những ngôn ngữ khác nhau, nên khó hiểu nhau. Vì thế tôi thực sự băn khoăn là chúng ta có nên trao đổi tiếp hay không.

1. Bạn xem tôi không phân biệt được tôn giáo và triết học, vì bạn nói tới Triết Phật chứ không phải là đạo Phật.

Tôi hiểu Triết Phật là một bộ phận của giáo lý Phật giáo, vì bất cứ một giáo lý tôn giáo nào cũng bao gồm nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề triết học. Tôi nhắc lại, giáo lý tôn giáo là những hệ thống logic hầu như bất biến với thời gian. Đó là điều ngược với khoa học. Cũng xin nhấn mạnh, tuy có nhiều nét tương đồng và khác biệt, tôn giáo và khoa học không lọai trừ nhau. Trong bài viết tham dự Hội thảo năm Einstein 2005 do tạp chí Tia Sáng tổ chức tại Hội An, tôi đã viết, thậm chí tôn giáo có thể có vai trò quan trọng hơn khoa học trong cuộc sống con người.

2. Bạn nói Triết Phật bao trùm mọi khoa học chứ không phải bạn, một nhà sư, hay Đức Phật bao trùm mọi khoa học. Theo tôi bạn không cần viết như vậy. Tôi và bạn đọc chungta.com đủ trình độ để hiểu bạn định nói gì. Tôi xin nhắc lại ẩn ý mà lần trước tôi chưa viết thẳng ra: Triết Phật, với tư cách một triết học, đúng là một bộ phận của ngành khoa học triết học. Tuy nhiên nó không thể bao trùm mọi khoa học được, vì quan niệm triết học là "khoa học của khoa học" đã bị khai tử từ lâu. Ngày nay giới khoa học cho rằng, triết học là một ngành khoa học bình đẳng với mọi ngành khoa học khác.

3. Bạn xem nghiên cứu của tôi chưa thực sự khoa học. Ai dám tự nhận mình thực sự khoa học? Vậy tôi chưa khoa học như thế nào, mong bạn Đạo Trường cho biết.

4. Bạn viết: "Câu hỏi 1 của bạn cho thấy bạn chưa nắm vững vấn đề...". Bạn viết khơi khơi như vậy, tôi biết trao đổi lại ra sao!

Câu hỏi 1 mà tôi nêu là bài tóan quan trọng nhất của các khoa học tâm trí (bản chất tâm trí), thế mà với bạn, nó lại là sự chưa nắm vững vấn đề. Như thế chẳng phải chúng ta đang nói những ngôn ngữ hòan tòan khác nhau hay sao.

Xin hỏi bạn: Tôi chưa nắm vững vấn đề như thế nào? Tại sao lại không "nhảy ra" giải thích tâm linh, linh hồn, mê tín? Cách giải thích của tôi "phản khoa học" ra sao? Bạn phải nói rõ ra chứ, sao lại qui kết mà không có lập luận đi kèm như vậy?

5. Xin thú thật là tôi không ngờ lại đọc thấy các dòng chữ: "Bạn không nên thách đố tôi trả lời các câu hỏi như vậy. Điều này giống như một cậu học sinh lớp một thách đố tôi giải một bài tóan hình học không gian hay tóan tích phân khi thấy tôi là Bác sĩ mà lại ngợi ca tóan học".

Xin hỏi bạn Đạo Trường, căn cứ vào đâu và lấy tư cách gì mà bạn xem người đối thọai chỉ là học sinh cấp một (về khoa học), trong khi bạn là Bác sĩ (viết hoa!) (về triết học Phật giáo)?

Tại sao tôi thách đố như vậy? Vì bạn xem Triết Phật là khoa học bao trùm mọi khoa học; đã là khoa học bao trùm thì nó phải trả lời được những câu hỏi đó.

6. Bạn viết: "Bạn đánh giá gì trước nhận định: "Nếu tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới mỗi ngày đều thật tâm tụng niệm cầu thần chú Phât dạy... thì thế giới này sẽ luôn có hòa bình và hạnh phúc". Câu nhận định này duy tâm hay khoa học?". Và bạn đưa ra ba khả năng tôi có thể trả lời. Sao lại đóng khung tư duy của người khác như vậy?

Bạn Đạo Trường thân mến, người ta có thể vừa duy tâm vừa khoa học đấy (khỏang 40% viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Mỹ tin có Chúa), vì duy tâm (hay duy vật) thuộc bản thể luận, còn khoa học (hay phản khoa học) thuộc nhận thức luận. Tuy bản thể và nhận thức thường đi với nhau, nhưng chúng cũng có sự độc lập tương đối, mà Hegel là trường hợp điển hình, khi ông vừa khoa học (đề ra biện chứng pháp) vừa duy tâm (cha đẻ của phép biện chứng duy tâm).

Xin bạn Đạo Trường cho phép tôi không tư duy trong cái khung tư tưởng mà bạn vạch sẵn cho tôi. Tôi đánh giá nhận định trên là ngây thơ, không tưởng. Các nhà lãnh đạo không tụng niệm câu thần chú đó đâu, vì họ là các chính trị gia đại diện cho quyền lợi của những người bầu ra họ. Vì thế mà chiến tranh chưa bao giờ dứt trong lịch sử lòai người. Thế nên Đạo Phật mới đề ra Tứ diệu pháp và Bát chính đạo để khai phóng con người. Nhưng khó lắm bạn ơi, con người chúng ta, tham sân si đã là bản chất mất rồi! (Ngay cả với bạn, rất hăng hái phổ biến Triết Phật, đó không phải là một biểu hiện của thâm sân si?).

7. Với tư cách nhà khoa học, tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến phản biện. Tuy nhiên cho đến nay, tôi chỉ nhận được những nhận định mang tính chủ quan của người viết, chứ chưa nhận được các phản biện đúng nghĩa khoa học (lập luận của tôi đúng sai cụ thể như thế nào). Đó là điều tôi vẫn chờ đơi, vì như người ta thường nó, nghệ thuật thì dài mà cuộc đời thì ngắn, không ai có thể biết hết mọi vấn đề, dù chỉ trên những nét sơ khởi.

Gửi bạn Huy Minh:

Tôi vô cùng khâm phục sự dũng cảm của bạn, khi bạn trả lời 11 câu hỏi tôi nêu. Nếu không có câu phòng thân "cốt chỉ góp vui", tôi e bạn là người tự tin quá sức tưởng tượng. Nhưng bạn ơi, bạn lạc đề mất rồi. Tôi đề nghị Đạo Trường và bạn đọc dùng Triết Phật giải đáp cơ mà. Như thế là bạn vẫn chưa trả lời tôi đấy nhé!


(Đỗ Kiên Cường)

Cuộc thách đố kinh điển

Thứ ba, 19/05/2009 06:02' PM  -  Huy Minh   thminh07@...

Nói đến thách đố, chúng ta phải nhớ đến cuộc thách đố kinh điển, điển hình hơn mọi cuộc thách đố khác, đó là chuyện Phật Tổ Như Lai thách đố Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông, nhảy một cái xa mười nghìn tám trăm dặm vượt khỏi bàn tay của mình. Tôn Hành giả cậy phép nhảy một cái thật xa, tưởng đến tận chân trời bèn viết chữ đánh dấu “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất dụ” và tè một bãi vào 1 trong 5 cột đá (thực chất là các ngón tay của Phật Tổ), cuối cùng Ngộ Không thua cuộc và bị nhốt dưới chân Ngũ Hành Sơn 500 năm.

Tôn Ngộ Không là một con khỉ đá (thạch hầu) tượng trưng bộ óc thông minh, tài năng quán thế và đầy ngạo nghễ của lý trí, với tham vọng chinh phục tất cả ngoại vật không bao giờ biết dừng (ngày nay gọi là khoa học vạn năng chinh phục cả không gian và thời gian). Tam Tạng, tượng trưng tâm đạo, chất phác thật thà ( đạo học). Cả hai đại diện cho Trí (Ngộ Không) và Tâm (Tam Tạng). Bát Giới, tượng trưng thị dục vô bờ bến của thú tính nơi con người. Sa Tăng thật thà chất phác hơn, là sức chịu đựng nhẫn nại của phần thể xác. Cả bốn thầy trò là bốn yếu tố chính trong con người: Bốn người kỳ thực là một. Thiếu một, bộ tứ này không sao đi đến Tây Phương cực lạc... Ngoài ra, chúng ta còn thấy thấp thoáng đâu đó sự hiện diện của Phật Tổ Như Lai với vai trò chủ đạo, một người quan sát, một đạo diễn hay một chủ thể tối thượng trong cuộc thỉnh kinh gian khó của thày trò Đường Tam Tạng.
Nhắc lại tích trên để chúng ta thấy rằng, khoa học và tôn giáo không mâu thuẩn, không loại trừ nhau, đều cố gắng tiến tới đích, tới Chân Lý, Minh Triết như Thầy trò Đường Tăng cùng đi đên Tây phương cực lạc cho dù phải vượt qua 81 nạn gian nan thử thách như là những bài học lớn về học tập, rèn luyện và thử thách.

Về Triết Phật và Đạo Phật, nhà bác học vĩ đại A.Anhxtanh đã nghiên cứu Đạo Phật qua các sách báo của các học giả Phật học của người Âu Mỹ viết, đáng kể là triết gia người Đức Schopenhauer Arthur (1788-1860), tiến sĩ người Đức Paul Carus (1852-1919), viện sĩ hàn lâm người Nga Vasily Vasaliyey (1818-1900)... là những nhà Phật học nổi danh ở phương Tây.

Nhờ nghiên cứu như vậy mà ông đã nhìn thấy Đạo Phật như là một triết lý phương Đông cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, ngỏ hầu cắt ngang sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín, cuồng tín và kém văn minh của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa.

Chính vì thấy rõ cái độc đáo đó mà A. Anhxtanh đã phát biểu về Đạo Phật như sau: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".

Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".

Tuy nhiên, như có lần tôi đã nói, Triết phật cao siêu nhưng trải qua hơn 2500 năm với các khái niệm, ngôn ngữ, tư duy khác nhau giữa người xưa và người nay nên thật khó khi bê nguyên cả hệ thống những giáo lý, lý luận của Triết Phật để áp dụng vào cuộc sống, chẳng hạn ở đây là trả lời các câu hỏi của bác Đỗ Kiên Cường. Bởi vậy, tôi sử dụng những kiến thức IT để chúng ta dễ hình dung.

Người ta nói, kẻ có Nhân thì không ưu phiền, có Trí thì không sợ sai, có Dũng thì không biết sợ, do vậy ai cũng mong muốn trở thành người quân tử Đại Nhân, Đại Trí, Đại Dũng. Sự dũng cảm và tự tin của tôi dĩ nhiên có lý do của nó, tôi viết những gì tôi suy nghĩ, như mọi người tôi cũng chỉ sử dụng có 24 chữ cái a, b, c,… để sắp xếp, nối ghép chúng lại để thể hiện tư duy của mình một cách thật tự nhiên. Trong các luận giải, đối với tôi trước sau như nhất, không hề mâu thuẫn, tôi muốn đem sự giản dị, chân thành để làm giảm đi cái phức tạp, cái rối rắm trong suy nghĩ của mọi người. Hơn thế nữa, tôi mong muốn và sẽ sử dụng công cụ IT để chứng minh, minh hoạ cho hệ thống triết thuyết đang được xây dựng của mình. Người xưa mong muốn có được quyền năng “nghìn mắt, nghìn tay” của Phật Tổ Như Lai để một lúc có thể biết được nhiều việc, làm được nhiều việc, chúng ta ngày nay có thể hình dung được điều đó khi nghĩ về gã tìm kiếm Google, gã “bưu tá” Yahoo Mail, hay đơn giản là các phần mềm thu cước của nhân viên bưu điện tại các đại lý. Đó chính là hàng nghìn “cánh tay” kéo dài, mạnh mẽ quyền năng của con người trong thời đại “thần thánh” này, thời đại của máy tính và Internet này. Tôi nghĩ, sự tiến hoá này thật hợp lý và mọi người đều có thể chập nhận được. Tôi nghĩ, với kỷ nguyên công nghệ thông tin và Internet này cả khoa học và tôn giáo, tâm linh đã tiến một bước dài, gần nhau hơn và rất gần đến CHÂN LÝ.

Một dịp nào đó, tôi sẽ giới thiệu với mọi người về “đội quân ảo” đầy tính nhân văn của chúng tôi, khác với đội âm binh của Cao Biền, đội quân này sẽ giúp cho mỗi người chúng ta tự giác làm việc tốt hơn, cái thiện, cái ác đều có thể “định lượng, đo đếm” được và do đó hy vọng chúng ta sẽ được sống trong một thế giới công bằng, dân chủ và văn minh (dĩ nhiên với cuộc sống giàu có và hạnh phúc của mọi người!)./.

Nào, chúng ta cùng tranh biện để học hỏi lẫn nhau!

Thứ tư, 20/05/2009 01:50' AM  -  Đạo trường   hoahongblackrose@...

Các bạn thân mến,

Bạn Cường mới để ý đến tôi gần đây, còn tôi đã nghiền ngẫm các bài của bạn suốt gần cả năm nay. Tôi thấy bài của bạn ấy đã chứng minh là CÁC NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU TÂM LINH TRÊN THẾ GIỚI NÀY THỰC SỰ CHƯA CÓ ĐỦ TRÌNH ĐỘ KHOA HỌC VÀ TÍNH NHÂN VĂN ĐỂ NGHIÊN CỨU TÂM LINH, THẾ NHƯNG HỌ VẪN CỨ NHẢY RA PHẢN BÁC TÂM LINH. Nhưng tôi chưa phản biện vì tôi e rằng nhiều người lại hiểu sai vấn đề, coi thường khoa học và bùng lên sự mê tín. Tôi cũng không thích tạo ra không khí mất vui trên diễn đàn chungta.com này. Qua thời gian âm thầm thăm dò vừa qua, tôi thấy rằng có những ý kiến phản đối quan điểm các nhà khoa học . Có bạn cảm giác được các nhà khoa học có sai lầm trong nghiên cứu lý luận nhưng không chỉ ra cụ thể được. Có bài phản biện rất rõ như bài " Cần một cái nhìn khoa học tỉnh táo và khách quan".

Nhưng tôi thấy Bạn Cường chưa lưu ý đến những ý kiến phản biện, vì bạn cho rằng những ý kiến đó mơ hồ, chủ quan. Vậy tôi xin phản biện cụ thể để các bạn đóng góp.

1/ Tôi làm công tác khoa học gần 40năm nay. Như vậy tôi có thể hiểu được ngôn ngữ của bạn Cường và các nhà khoa học khác. Nhưng bạn Cường không hiểu được ngôn ngữ Triết Phật-một triết lý nghiên cứu tâm linh sâu sắc nhất hiện nay. Nếu một người hiểu Triết Phật thì sẽ hiểu con người ai cũng có nhiều mặt dốt và một số mặt mạnh riêng. Đó là tiền đề cho sự bình đẳng chân chính của con người. Một nhà bác học không khinh một người nông dân không có học được. Đó cũng là cơ sở cho các nhà giáo dục, tâm lý học, y học có khái niệm " phải tìm cách đạt đến tầm suy nghĩ và tâm lý một đứa trẻ trong quá trình nuôi dạy nó". Như vậy hiểu triết Phật sẽ không có quan tâm đến việc mình được so sánh với đứa trẻ hay người lớn, nhưng bạn Cừơng thì đã dãy nảy lên. Sao bạn không nghĩ là đứa trẻ thì có những lợi thế so với người trưởng thành?: sẽ sống lâu hơn, đầu óc trong sáng dễ học hỏi hơn. Sao bạn không nghĩ Bác sĩ đã bị đứa trẻ thông minh hơn người nên mới học cấp 1 mà đã có trình độ để chất vấn trình độ cấp 3? sao bạn không nghĩ Bs không đủ trình độ giải sự thách đố của đứa trẻ là đáng thông cảm vì ông ta đã lâu không đụng đến những dạng toán đó nữa?. Bạn chỉ nghĩ một chiều ( theo hướng tự ái) và chấp vào chữ nghĩa và cái danh dự hão của con người mà quên đi vấn đề chính là cần hiểu ý tranh luận khoa học dưới ẩn dụ. Bạn không có cơ bản triết Phật nên bạn đã phản ứng hoàn toàn không khoa học như vậy.

2/ Tôi được nền giáo dục ở Hoa Kỳ đào tạo kỹ năng này: bao giờ cũng có sự thăm dò trình độ lẫn nhau trước và sau khi bàn luận, học tập, hội nghị bằng những bài test khoa học . Chính nhờ vậy mà người nói và người nghe mới rút ra được những đánh giá năng lực bản thân và những kiến thức đã hấp thụ được, mức độ hữu ích của khoá học hay buổi hội nghị và tranh luận. Lúc đầu tôi nghĩ Bạn Cường nêu những câu hỏi để test tôi và tôi cũng test lại bạn mà bạn không ngờ. Tôi không cần bạn tư duy, mà tôi cần bạn nhận xét ý tôi, và bạn đã nhận xét- thế là đủ ý tôi cần. Tôi đã biết chắc chắn hơn nữa, bạn không có ngôn ngữ triết Phật và sự hiểu biết cơ bản của triết Phật qua các phần nhận xét của bạn đối với mục 6 và 7 của tôi. Tôi sẽ tham luận với bạn về phương pháp tư duy khoa học mà không tham luận với bạn về tâm linh vì bạn sẽ không hiểu được đâu.

3/ Trước đó vì là nghiền ngẫm về Bài của bạn Cường đã lâu nên tôi cũng đã biết bạn không hiểu gì triết Phật và nhận thức lý luận khoa học của các nhà khoa học mà Bạn đưa ra còn chưa sâu sắc, Những phần test đưa ra để có cớ sự bàn luận mà thôi. Trước đó tôi vẫn có phần trả lời nghiêm túc với các câu hỏi của bạn đưa ra bằng cơ sở lý luận của triết Phật. Mục đích không phải dành cho bạn Cường mà là cho những người đã nắm khá rõ triết Phật thấy thêm diệu dụng của triết Phật trong vấn đề tư duy lý luận. Tiếc rằng bài đó không gửi được làm tôi mất nhiều công sức thời gian.

4/ Tôi được biết ở Việt nam chúng ta chưa có thói quen phản biện. Nhưng mọi người ở VN đã hiểu rằng "không có phản biện không phải là trí thức". Tôi rất quý một vài tác giả đã có dành thời gian phản biện lại những ý kiến phản biện. Như vậy, Tôi quý bạn Cường hơn khi bạn ấy đã sẵn sàng tham gia tham luận. Hy vọng rằng với tinh thần dân chủ, khách quan và khoa học , Chungta.com sẽ hộ trợ cho chúng ta được tham luận một cách thuận lợi.

5/ Tôi sẽ tham luận phản biện cụ thể ở 2 bài " Tâm linh & mê tín" và " Giải mã các hiện tượng dị thường" để chứng minh nhận định:

CÁC NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU TÂM LINH TRÊN THẾ GIỚI NÀY THỰC SỰ CHƯA CÓ ĐỦ TRÌNH ĐỘ KHOA HỌC VÀ TÍNH NHÂN VĂN ĐỂ NGHIÊN CỨU TÂM LINH, THẾ NHƯNG HỌ VẪN CỨ NHẢY RA PHẢN BÁC TÂM LINH.

Hẹn gặp lại các bạn sớm. ĐT

Tất cả chỉ là định nghĩa !

Thứ năm, 21/05/2009 10:55' PM  -  Minh Duc   minhducgalaxy@...

Đạo Phật hay triết phật tôi thấy cực kỳ phức tạp mà cũng đơn giản, mâu thuẫn mà rõ ràng... Chúng ta cứ nhìn vào các vết tích thư viện ở lâm tì ni là chúng ta có thể hiểu được mức độ kiến thức mà phật giáo để lại. Vì vậy mà Tôi nghĩ mỗi chúng ta sẽ hiểu một cách khác nhau về triết Phật. Ngay cả các nhà sư cũng hiểu và giải thích khác nhau về các hiện tượng tâm linh, linh hồn...

Tôi thấy mọi người cứ tranh luận giữa đạo và khoa học. Tôi tin chắc rằng ngay cả định nghĩa như thế nào là đạo, là khoa học cũng sẽ có sự khác nhau như vậy sẽ chẳng bao giờ ai thắng ai thua cả. Chúng ta tranh cãi điều này cũng "gần giống" với tranh cãi duy tâm duy vật cái nào có trước. Mặc dù có nhiều nhà khoa học nổi tiếng đánh giá cao đạo phật hơn khoa học, nhưng điều đó chưa chắc đã đúng. Tôi nghĩ đạo và khoa học sẽ bổ sung điểm mạnh và yếu cho nhau. Mà cả hai sinh ra cũng chỉ để phục vụ cuộc sống của con người tốt hơn thôi. Đạo cho con người niềm tin vào cuộc sống, tin vào cuộc sống công bằng, tin vào nhân quả...

Tôi tin là tất mọi thứ đều có chung một thời điểm sinh ra. Không cái nào có trước không cái nào có sau. Nếu xét về mức độ quan trọng giữa chúng thì chúng ta phải xét về thời gian, không gian và vật mà ta xét. Có thể trong khoảng thời gian, không gian này thì Đạo quan trọng hơn khoa học đối với người này, nhưng cũng có thể không quan trọng đối với người khác. Trong khoảng thời gian không gian khác thì lại khác.

Có một điều tôi cần các bạn lưu ý đó là "tất cả chỉ là định nghĩa" mà định nghĩa thì luôn thiếu và sai. Mà mỗi một người là một thế giới. Chính vì vậy mà sẽ không có ai sai ai đúng cả

Phản biện với bài " Tâm linh và mê tín"

Thứ bảy, 23/05/2009 07:43' AM  -  Đạo trường   hoahongblackrose@...

Qua sự tổng kết của bạn Đỗ Kiên Cường trong bài " Tâm linh và mê tín", Tôi thấy rằng các nhà nghiên cứu về Tâm linh trên thế giới có những biểu hiện chưa thực sự khoa học vì:

I/ Chưa xác định rõ đối tượng nghiên cứu thì không thể nghiên cứu nhưng các nhà khoa học cứ nghiên cứu.

Việc các nhà khoa học đã tạo ra vật chất từ chân không gợi ý rằng có sự tồn tại một môi trường vật chất đặc biệt mà con người không thể cảm nhận được. Thành công này của các nhà khoa học đã củng cố cho niềm tin có từ xa xưa về một cõi siêu hình ( cõi Âm)của đa số dân chúng và nhiều tôn giáo. Dù cho sự hình dung cõi siêu hình ở mỗi người và mỗi tôn giáo có khác nhau nhưng giống điều cơ bản là tất cả đều có quan niệm hoặc cảm giác là con người cấu tạo bởi hai con người Thể xác và linh hồn. Khi con người thể xác tan rã thì con người linh hồn sang trú ngụ và tồn tại ở thế giới siêu hình (cõi âm). Những người tin vào sự tồn tại cõi âm cũng tin rằng thế giới âm và thế giới chúng ta có thể giao tiếp bằng các khả năng đặc biệt như ngoại cảm, Gọi hồn, cầu cúng. Kể sơ tình hình như vậy để chúng ta thấy rõ có ít nhất 5 đòi hỏi của thực tiễn mà nhiều người mong được giải đáp:

1- Có tồn tại hay không một thế giới siêu hình ( cõi âm)?Bản chất của nó ra sao?
2- Nếu có thì các hình thức biểu hiện của cõi âm đó như thế nào?, con người bình thường có cảm nhận được không ?
3-Có linh hồn tồn tại độc lập thân xác không? nếu có thì xã hội linh hồn trong cõi âm như thế nào?
4- Các phương tiện để giao tiếp giữa chúng ta và cõi âm đó: có hay không? nếu có thì khả năng của chúng ra sao?.
5- Tác động của môi trường đó với môi trường chúng ta ra sao ?

Con người cần trả lời những câu hỏi đó để xác định niềm tin của mình: mê tín hay xác tín ? từ đó xác định nhân sinh quan của mình cho đúng đắn hơn. về mặt khoa học điều đó gợi ý có một đòi hỏi mang bản chất suy nghĩ khoa học chân chính ẩn dưới các hiện tượng mê tín.

Nhà nghiên cứu nào cũng hiểu trước tiên nhất, bắt buộc phải nghiên cứu đối tượng 1 - Bản chất thế giới âm có thật hay không có thật. Nếu không có thật thì không ai nghiên cứu tiếp làm gì.

Thế nhưng các nhà khoa học đã đặt ra đối tượng nghiên cứu là Tâm linh " Tuy khái niệm tâm linh chưa bao giờ được làm rõ hay đạt sự đồng thuận"!!! vậy tin hay không tin Tâm linh là tin hay không tin cái gì ? nghiên cứu tâm linh là nghiên cứu cái gì ? tìm hiểu tiếp ta được các nhà khoa học cho biết Tâm linh theo từ điển tiếng Việt thì bó tay - không hiểu nổi. Theo từ điển nước ngoài thì tạm thời chấp nhận Tâm linh là Sự tồn tại sau cái chết ( Tương đương linh hồn chăng ?) và một số hiện tượng liên quan với sự can thiệp của người chết ( tác động của linh hồn đến người cõi dương?) cùng với sự giả định có thể liên lạc với người chết qua đối tượng trung gian là gới đồng cốt( Phương tiện giao tiếp chúng ta với cõi âm). Như vậy các nhà khoa học không nghiên cứu cái cần nghiên cứu nhất là bản chất thế giới âm có thật hay không. Họ chỉ nghiên cứu nông cạn hình thức mù mờ có vẻ là của cõi âm đó. Giống hệt chuyện một Chàng Trai nọ muốn đi tìm một chiếc lá theo yêu cầu của một Cô gái đẹp. Mọi người hỏi lá gì? chàng đáp lá Diêu bông, màu xanh, to bằng 2lá ổi. Rồi chàng đi nghiên cứu những màu lá xanh và kích cỡ của lá để rồi kết luận không có lá Diêu Bông - chàng đã hiểu sai ý nàng, sự tìm kiếm là vô nghĩa!. Họ đã đặt ra đối tượng nghiên cứu xa rời thực tiễn. Để nghiên cứu,các nhà khoa học phải tìm hiểu quan niệm tâm linh hiện nay của mọi người như thế nào, nhất là nhận thức của các nhà trí thức có tính khoa học hơn là số đông nhiều mê tín. Hành động của các nhà nghiên cứu tâm linh được bạn ĐKCường mô tả giống như những nhà nghiên cứu quy hoạch nhà Phố hiện đại nhưng lại đi mở tự điển xem định nghĩa nhà là gì cách nay mấy trăm năm rồi đi tìm và nghiền ngẫm căn nhà tranh vách đất đó. Với cách chọn đối tượng nghiên cứu có khái niệm mơ hồ và thuộc về hình thức sẽ dẫn đến phương pháp và phương tiện nghiên cứu không phù hợp là cái chắc . (Chúng ta có thể tham khảo bài "Tìm hiểu logic của sự hình thành khái niệm " - Trần Thị Ngọc Anh /chungta.com.) Lý luận lại hết sức khập khiễng mâu thuẫn( trình bày dưới đây) . Hậu quả là không hiểu được linh hồn là gì, phủ nhận linh hồn một cách không thuyết phục rồi chủ quan quy kết "khái niệm linh hồn đã bị xem là lạc hậu". Chuyển sang đối tượng nghiên cứu mới ( ngoại cảm, Tác động tinh thần lên vật chất,và hiện tượng liên quan đến người chết) các nhà khoa học đã chuyển từ nghiên cứu nông cạn hình thức này sang nông cạn hình thức khác. Nghiên cứu hiện tượng dị thường hay nhà ngoại cảm không thể cho biết được bản chất của cõi âm. Lý do là nhiều hiện tượng dị thường chỉ là biểu hiện của sự vật hiện tượng cõi dương phức tạp và mới mẻ chứ không phải là biểu hiện của cõi âm. Nhiều nhà xưng danh là nhà ngoại cảm nhưng thực chất là nhà ảo thuật hay hoang tưởng hoặc lừa đảo, nhà ngoại cảm chân chính hầu như không xuất hiện( sẽ phân tích lý do sau).

Nói tóm lại, các nhà khoa học hiện nay chưa lấy được trọng tâm của vấn đề ẩn dưới những hình thức mê tín làm đối tượng nghiên cứu. Nên các nghiên cứu của họ chỉ ở mức độ hình thức, không rõ ràng, chưa thực sự khoa học nên không có sức thuyết phục. Việc không gíup mọi người hiểu bản chất cõi âm là gì?, có thật hay không? làm cho hành động tin-khẳng định và không tin-phủ định của nhiều người vẫn mang tính mê tín chứ chưa là xác tín được.

II/ Các nhà khoa học lý luận khập khiễng và mâu thuẫn:

- Lập luận khoa học là phải chứng minh khách quan, nhưng các nhà khoa học lại luôn suy lý chủ quan trong tiến trình lập luận của mình: " cần lưu ý rằng linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên của con người" (nếu viết khoa học phải viết là " công trình của tác giả X đã chứng minh rằng linh hồn bất tử là ước nguyện"...). Chính vì chủ quan duy ý chí không khoa học nên các nhà nghiên cứu đã sai lầm khi nhận định - Mọi người mong muốn có linh hồn bất tử để chiến thắng sợ hãi trước cái chết. Không có nghiên cứu nào khẳng định điều đó; Và thực tế khác hẳn, khắp thế giới đa số người ta sợ ma, sợ linh hồn, sợ chết đi thì thành ma chứ chẳng có ai khoái linh hồn cả. " Nhất là người xưa khi chưa hiểu biết đầy đủ về bản chất sự sống.". Thật là một câu chủ quan duy ý chí quá đáng, dù cho các nhà khoa học ngày nay đã từng sống ở thời xưa đi nữa thì cũng không phát biểu được như vậy vì không có công trình nghiên cứu nào chứng minh. Lập luận chủ quan không khoa học thì làm sao có kết quả khoa học đây ? mọi người không tin là đúng rồi.

- Việc con người chế tạo ra các đơn vị sống như tế bào, Thụ tinh trong ống nghiệm, sinh sản vô tính , nuôi cấy tế bào đầu dòng...là những bằng chứng cho thấy ý thức sinh ra vật chất chứ không phải chỉ có vật chất sinh ra ý thức như các nhà duy vật nghĩ. Và như vậy gợi ý có một ý thức vĩ đại sinh ra thế giới này - tức là có Thượng đế. Kết hợp với việc tạo thành công vật chất từ chân không, điều đó càng làm cho người ta vững tin có tồn tại cõi âm. Vậy mà các nhà khoa học lại lý luận ra là thành công đó chứng minh linh hồn không có thật, hoàn toàn không logic và ngược ngạo.

- "là chức năng bộ não, nên khi ta chết, tư duy, nhận thức tình cảm chấm dứt ...linh hồn là quan điểm sai lầm" đây là câu lý luận và nhận định khập khiễng của các nhà khoa học. Tư duy nhận thức tình cảm là biểu hiện hoạt động của não mà ta cảm nhận được cho nên khi não chết thì nó mất là đương nhiên, mặc kệ nó. Vì với những người tin vào linh hồn thì những biểu hiện đó không liên quan gì đến khái niệm linh hồn của họ cả nên không suy từ cái này qua cái kia được. Lập luận liên hệ khập khiễng nên khó thuyết phục được mọi người.

III/ Tổ chức nghiên cứu và năng lực nghiên cứu kém, các nhà khoa học quay ra nghi ngờ sự tồn tại đối tượng nghiên cứu của mình! như vậy không thể nói là có tinh thần và phương pháp nghiên cứu khoa học được. Ta hãy xét 8 lý do nghi ngờ tâm linh:

1-"Sự tiến bộ là tiêu chí bắt buộc của khoa học tốt. ngành cận tâm lý không đạt được một tiến bộ đáng kể nào...." nghiên cứu không hiệu quả phải xem lại cách nghiên cứu và năng lực của người nghiên cứu chứ không thể vì đó mà suy luận không có tâm linh được.

2-"Ngoại cảm được định nghĩa khác thường...khó giới hạn phạm vi nghiên cứu" Đây là lỗi do nhà nghiên cứu không biết cách xác định đối tượng nghiên cứu như tôi đã trình bày ở phần (I).

3-" bằng chứng tâm linh không đáng tin. Chỉ dựa trên lời kể...." Đây là lỗi do nhà nghiên cứu không biết cách chọn tham số nghiên cứu, nguyên nhân do không xác định được đối tượng nghiên cứu, chứng minh nhận định (I) của tôi.

4-" nghiên cứu về tâm linh thường mắc lỗi giản lược trong nhận thức và phương pháp" Đây là lỗi do tổ chức và năng lực nghiên cứu. Thực chất đây cũng là hệ quả của phần xác định đối tượng nghiên cứu.

5- "Tâm linh không liên quan với bất cứ lý thuyết khoa học đã được khẳng định nào" cái này đâu phải lỗi do tâm linh mà là cái bản chất của tâm linh đang đòi hỏi nghiên cứu là như vậy. Thấy tâm linh mới lạ quá thì phủ định tâm linh cho đỡ phải nghiên cứu hay sao? thật không hiểu nổi.

6-"Nghiên cứu tâm linh có tính lặp lại kém" lặp lại kém hoàn toàn không đồng nghĩa không tồn tại mà chỉ là khó nghiên cứu mà thôi. Nhưng chuyện khó nghiên cứu không thể giúp nhận định phủ định tâm linh được. Khó nghiên cứu đòi hỏi người nghiên cứu phải có năng lực, kiên nhẫn

7/" Nguỵ tạo và lừa gạt chặt trẽ với tâm linh.." Điều này nhắc nhở khi nghiên cứu phải tránh bị lừa gạt chứ không giúp nghi ngờ tâm linh được. ở đây ta cũng thấy các nhà khoa học chưa biết chọn đối tượng và các tiêu chuẩn tham số nghiên cứu để loại bỏ sự nguỵ tạo.

8/ "Nhiều hiện tượng tâm linh có thể giải thích theo cách thông thường" Điều này là hậu quả của việc xác định tâm linh ( đối tượng nghiên cứu) là gì không rõ ràng nên để lọt những hiện tượng không phải tâm linh vào lô nghiên cứu. ví dụ bệnh tâm thần lại tưởng biểu hiện tâm linh. Đây là lỗi chọn mẫu và tiêu chuẩn nghiên cứu.

Bất lực trong việc nghiên cứu giải quyết đối tượng nghiên cứu ròi quay ra nghi ngờ đối tượng không tồn tại là hoàn toàn không khoa học.

Cần lưu ý rằng, những qua điểm triết học mà chúng ta thấm nhuần sẽ âm thầm tạo dựng trong ta một lề lối, một cách tư duy trong khoa học và cuộc sống. Với phong cách nghiên cứu khoa học như vậy các nhà khoa học dễ có thái độ bảo thủ ( chỉ thích và công nhận những gì đã từng gần gũi với mình)và không học hỏi những điều mới lạ.

Nói tóm lại, qua 8 tiêu chuẩn trên ta thấy các nhà khoa học nên được đi học lại thiết kế mẫu nghiên cứu, chứ không giúp gì cho việc khẳng định hay phủ nhận tâm linh.

IV/ Cần trang bị tính nhân văn cho các nhà nghiên cứu.

1/ Dùng tiền để thu hút nhà ngoại cảm đến nghiên cứu là hoàn toàn sai lầm. Có những nhà sư tu theo mật tông có khả năng ngoại cảm và đạo đức rất cao. Tiền và danh vọng làm nhà sư không bao giờ có được khả năng ngoại cảm, Các nhà sư ( điển hình là Đức Phật) phải bỏ hết của cải để tu tập. Khi có khả năng cao siêu hơn song hành với việc giác ngộ nhiều hơn thì họ hoàn toàn không để ý chuyện tiền tài danh vọng nữa. Sự nhử bằng tiền chỉ thu hút được đám người khát tiền, như vậy hay gặp những kẻ gian dối lừa đảo ảo thuật, Sư giả... là đương nhiên. Đây là lỗi của các nhà khoa học không hiểu văn hoá đạo đức Phật giáo, không hiểu khả năng và phẩm chất của các nhà sư chân chính. Không biết cách thu gom dữ liệu nghiên cứu.

2/" 50 triệu USD cho người chỉ vị trí của trùm khủng bố Bin Laden". Những người bình thường thôi chứ không cần các nhà sư không bao giờ làm những chuyện thất đức như vậy. Chính trị là cực kỳ phức tạp là người dân chúng ta không biết ai đúng ai sai đâu. Hiện nay trên thế giới đã hiểu rằng " Tại anh, tại ả, tại cả hai đằng", qua rồi cái thời đổ vấy cho người. Nước Mỹ cũng đang phải xem lại mình. Tôi thật sự không hiểu nổi căn bản đạo đức của các nhà khoa học như thế nào mà thách đố để nghiên cứu như vậy. Và mọi người hiểu những " nhà ngoại cảm" xô nhau đến thử đó là ai, thất bại là đương nhiên. Chọn mẫu nghiên cứu như vậy sẽ cho kết quả hoàn toàn sai lầm.

3/ Đến đây tôi xin được lan man một chút. Sự thiếu năng lực nghiên cứu và thiếu tính nhân văn không chỉ xảy ra trên các nhà nghiên cứu tâm linh mà ngành khoa học nào cũng có, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa. Tôi đã được đọc một số công trình nghiên cứu y học (của một nước nông nghiệp lạc hậu) vi phạm đạo đức nghiên cứu đến rợn người, và cũng không có giá trị vì không khoa học.

Việc khoa học nghiên cứu tạo ra tế bào, sinh vật mới, thậm chí loài người mới từ phòng thí nghiệm là hoàn toàn có thể. Những thành công đó là bằng chứng vững chắc hơn cho sự tồn tại của Thượng đế. Nhưng các nhà hoạt động tôn giáo và nhiều nhà khoa học chống nghiên cứu quyết liệt. Lý do là 1- không có những chứng minh của khoa học như thế thì tôn giáo đã có niềm tin vững vàng từ hàng nghìn năm nay rồi, sự nghiên cứu để chứng minh không cần thiết. 2- nghiên cứu để chứng minh khả năng của nhà khoa học và loài người thì lại càng không nên, trình độ như thế so với ý thức tuyệt đối ( Thượng đế) là vô nghĩa.3- các nhà tôn giáo và nhiều nhà khoa học khác có tầm nhìn xa hơn các nhà nghiên cứu này ở chỗ thấy được sự thành công của các nghiên cứu đó lợi thì rất rất ít mà hại thì khủng khiếp. Chúng ta thấy sự so tài của các nhà khoa học đối với các nhà tôn giáo hoá ra giống hệt chuyện Tôn Ngộ Không trổ tài trước Phật Tổ. Vấn đề đạo đức nghiên cứu khoa học phải được đặc biệt lưu ý vì không chỉ đảm bảo cho tính khách quan khoa học mà còn quyết định nghiên cứu có ý nghĩa tốt cho cuộc sống hay không, hay nói cách khác: khoa học vẫn cần một tôn giáo chân chính dù rằng có thể dưới những hình thức khác nhau.

Bổ sung tính nhân văn cho nhân sinh quan của các nhà khoa học là một đòi hỏi nóng hổi của cuộc sống.

V/ Từ nghiên cứu chưa khoa học đến kết luận tiêu cực.

Đối với các nhà nghiên cứu thì định luật Blackmore thứ nhất là tiêu cực : "Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác" . Chúng ta xét định luật này có ý nghĩa gì cho hoạt động thực tiễn tuyên truyền chống mê tín và trong nghiên cứu khoa học

1/Phát biểu như thế có nghĩa là dù có chứng cớ phản bác đúng hay sai thì người ta cũng vẫn cứ tin vì cái khát vọng muốn tin của người ta. Như vậy thi đừng có phản bác làm chi nữa, con người có bản chất mê tín. Trong thực tiễn các nhà khoa học vẫn cứ ra phản bác và nêu định luật Blackmore I với ngầm ý: tôi nói sau đây là đúng, các người thấy tôi sai và cứ tin hiện tượng dị thường là do các người mù quáng. Định luật phát biểu như thế này dễ dùng ở những nước kém phát triển, những nước mà có tình trạng giáo dục là nhồi nhét trò không dám có ý kiến phản bác thầy, tuyên truyền là giáo huấn quần chúng không dám cãi lời quan. Ở các nước phát triển đi nói chuyện với người khác với tinh thần ta đúng các người sai thì chỉ có ta nói ta nghe giữa phòng trống. Định luật Blackmore I đã bộc lộ tiêu cực trong hoạt động thực tiễn.

2/Định luật Blackmore I có " Hàm lượng Tuyên giáo thì thừa thãi mà hàm lượng khoa học thì nghèo nàn"

-Nghiền ngẫm kỹ ta sẽ thấy định luật không mang tính khách quan. Thể hiện tầm nhìn khoa học còn đơn giản một chiều,chủ quan. Ta biết khát vọng muốn tin có 2 tình huống ( mê tín và xác tín) và chứng cớ phản bác cũng có 2 tình huống ( Đúng và sai) tổ hợp hai tham số này lại ta có 4 tình huống xảy ra. Nhưng Blackmore phát biểu đã chỉ còn lại một tình huống . Như vậy là đánh đồng giữa xác tín và mê tín, giữa phản bác đúng và phản bác sai. Đinh luật đã ngầm khẳng định sự phản bác của các nhà khoa học tâm linh là đúng và niềm tin của mọi người là mê tín, mọi người dùng sự mê tín phủ nhận tính đúng đắn của các nhà khoa học . Với tư duy như thế, các nhà khoa học sẽ có thái độ bảo thủ lì lợm khi có ý kiến đánh giá phản bác của họ là sai, họ sẽ không xem lại bản thân nghiên cứu mình ( Họ lý sự như bạn Cường đã viết " Vì muốn tin nên chúng ta có xu hướng bác bỏ mù quáng mọi chứng cớ chống lại niềm tin đó"). Đó là tinh thần rất không khoa học .

Blackmore phát biểu như vậy thì các nhà khoa học phải nghiên cứu gì đây ? rõ ràng là không nghiên cứu để phản bác nữa mà phải nghiên cứu " nguyên nhân gây ra cái khát vọng muốn tin ." để từ đó mới có cách hướng dẫn xây dựng niềm tin có lý trí. Về điểm này Các nhà khoa học nhà ta lại chưa nghĩ đến. Họ nghĩ khát vọng đó là bản năng rồi chăng ? nếu là bản năng là nền tảng cơ sở rồi thì đâu cần nghiên cứu Chăng? Nếu không nghiên cứu điểm này thì không còn gì để nghiên cứu nữa. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu - đó là mâu thuẫn.

Định luật Blackmore I không có ý nghĩa tích cực trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Mọi sự cố gắng dùng nó trong " tuyên giáo " sẽ chỉ làm các nhà khoa học khác thấy rằng "mập mờ, đậm màu tà thuật dị đoan, ngụy ẩn trong Thế giới quan Khoa học chân chính."

Blackmore không để ý là " Khát vọng được hiểu biết" của loài người mới là mạnh mẽ nhất, đáng lưu ý nhất. Nhờ đó mà khoa học mới phát sinh và phát triển. Nhờ đó mà loài người có khát vọng được tin và chỉ muốn tin trong đúng đắn ( Xác tín). Sự mê tín chỉ là hậu quả của khát vọng hiểu biết bị khủng hoảng hay không được thoả mãn. Như vậy khi công trình khoa học đưa ra không được ai chấp nhận thì việc đầu tiên là phải xem lại việc nghiên cứu.

Có thể bạn Đ.K.Cường đọc đến đây thì sẽ có ý kiến phản bác : "Lý luận về Định luật Blackmore của Đạo Trường mang tính chủ quan, Đâu phải cứ thoả mãn mong muốn loài người thì mới là đúng đắn. Cuộc sống có những lúc mâu thuẫn, và Blackmore đã rút ra kết luận ấy từ những nghiên cứu khoa học nghiên túc.". Tôi xin trả lời rằng, tôi đã nêu câu này ra thì chứng tỏ tôi đã nghiền ngẫm về nó từ lâu rồi. Nhưng bây giờ mà bàn sang Blackmore thì cũng có rất nhiều điều để nói, lan man. Mục đích tôi nêu ra để mọi người cảnh giác trong nghiên cứu khoa học: " Bất kỳ định luật nổi tiếng nào cũng có cái sai của nó, đó là chân lý của sáng tạo và phát triển trong khoa học. Tránh tin vào những điều các nhà khoa học phát biểu do mê tín danh vọng, lịch sử nhà khoa học đó. Phải tìm ra giá trị sử dụng của những phát kiến khoa học trong quan điểm về tính phù hợp".

Khoa học muốn giúp mọi người thoả mãn đòi hỏi hiểu biết về cõi âm theo kiểu khoa học hiện nay. Nhưng khoa học sẽ không bao giờ làm được việc đó, do khái niệm thế giới âm khẳng định đó là thế giới các giác quan của ta không cảm nhận được mà khoa học lại nghiên cứu và chứng minh bằng các giác quan đó. Không có chứng cớ chứng minh cũng không thể giúp khẳng định là không tồn tại của cõi âm ( giống như không có chứng cớ chứng minh có nền văn minh ngoài trái đất nhưng không thể phủ định có nền văn minh ngoài trái đất). Khoa học duy lý của thế giới hữu hình chúng ta đã gặp phải bức tường giới hạn mới khi nghiên cứu về cõi âm. Đây cũng là nguyên nhân làm các nhà khoa học hiện nay lúng túng trong cách chọn đối tượng, phương tiện và phương pháp nghiên cứu.

THAY LỜI KẾT LUẬN:

- Bài của Tác giả Đỗ Kiên Cường cũng có nhiều ý đúng. Nhưng là vì là bài phản biện nên tôi chỉ nêu những chỗ tôi thấy chưa đúng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tôi không có mục đích phân định đúng - sai của bài viết. Bài viết "Tâm linh và mê tín" chỉ là một cái cớ cho chúng ta bàn luận để hoàn thiện phương pháp nghiên cứu khoa học, sự tư duy lý luận trong nghiên cứu khoa học. Đó là điều tôi bức xúc trước việc quá nhiều công trình nghiên cứu của chúng ta (nhất là trong nước ) tốn tiền của của nhân dân mà không có giá trị vì không bảo đảm tính khách quan, logic trong khoa học.

- Còn nhiều vấn đề đáng bàn, nhưng quá dài, khi có thời gian sẽ từ từ bàn sau.
- Bài của tôi chỉ đứng trên thế phản biện nên từ bài này không giúp suy ra quan điểm của tôi về tâm linh, cõi siêu hình.

- phần kết luận của Bạn Cường có đề cập tới phép biện chứng. Tôi xin chia xẻ với bạn về vấn đề này. Thực chất Phép biện chứng Tây phương là phép biện chứng một chiều. Có khoa học Đông phương khác có phép biện chứng đa chiều. Nhờ phương pháp tư duy biện chứng đông phương mà các nhà khoa học hiện nay biết được có nhiều điều trước kia quan niệm không thể thì nay đã thành có thể. Ví dụ: Nhận định không thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu là một chân lý của khoa học. Nhưng nay người ta hiểu rằng có thể chế động cơ vĩnh cửu khi so sánh tương đối với tuổi thọ của cả loài người. 5 tỷ năm nữa hệ mặt trời diệt vong nhưng loài người đã có khả năng thoát ra khỏi thái dương hệ từ rất sớm.... Tất cả nhờ vào vượt qua những bức tường giới hạn của khoa học. Rõ ràng là ý thức vĩ đại sẽ cứu chúng ta, điều đó cho thấy ẩn hiện triết lý thâm thuý trong Kinh Thánh.

Mời các bạn tham gia bàn luận, chân thành cám ơn các bạn. ĐT

Trả lời bạn Đạo Trường và bạn Huy Minh

Thứ bảy, 23/05/2009 10:54' AM  -  Đỗ Kiên Cường   kiencuong57@...

Gửi bạn Trường: Hãy dừng phản biện kiểu như vậy!

1. Trước tiên tôi phải xin lỗi bạn đọc chungta.com vì sự bất lịch sự. Nhưng dân gian có câu, đi với "Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", nên trong phần trao đổi này, tôi sẽ gọi bạn Đạo Trường là bạn Trường. Ấy là tôi học tập theo bạn Trường, người tự xem mình là nắm vững Triết Phật.

2. Bạn Trường thân mến, xin bạn đừng làm mất thời gian của bạn đọc và của tôi bằng những "phản biện" chỉ có những nhận định giầu cảm xúc mà thiếu tính chuyên môn nữa. Tôi xin nhắc lại lần nữa, cho đến nay tôi chưa nhận được một phản biện đúng nghĩa khoa học (nêu rõ hệ thống lập luận của tôi đúng sai như thế nào). Và tôi vẫn đang mong đợi, vì "nghệ thuật thì dài, cuộc đời thì ngắn".

Gửi bạn Huy Minh: Đó là sự mượn oai hùm:

1. Bạn muốn ca ngợi đạo Phật, muốn ca ngợi triết lý Phật giáo bao trùm mọi khoa học, muốn đạo Phật là tôn giáo của tương lai? Về mặt tình cảm, mọi người, trong đó có tôi, hoàn toàn tôn trọng quan điểm của bạn. Nhưng về mặt lý trí khoa học, cách làm của bạn chưa đúng.

2. Để thuyết phục mọi người rằng giáo lý Phật giáo bao trùm khoa học, bạn cần dẫn ra lập luận từ các bộ kinh Phật (có trích dẫn chính xác, đầy đủ) rằng, quả thật không có nội dung gì (chỉ cần trên những nét lớn thôi) của các khoa học mà không thể rút ra từ giáo lý Phật giáo. Xin lưu ý bạn thêm, giáo lý Phật giáo, cũng như mọi học thuyết từ hàng ngàn năm trước, khi hiểu biết mọi mặt của loài người còn khá sơ khai, có thể có điểm mơ hồ, khó hiểu. Vì thế bạn cần chứng minh rằng, chúng chỉ có thể hiểu theo một cách để dẫn tới các quan niệm khoa học hiện đại, chẳng hạn tình tương đối, tình lượng tử, hay tính di truyền.

3. Bạn dẫn Einstein, nhà khoa học gỉỏi nhất thiên niên kỉ thứ 2. Đó là sự mượn oai hùm, bạn ạ. Nhưng bạn ơi, ý kiến của Einstein về đạo Phật thì cũng như ý kiến của bạn, của tôi hay của bạn đọc chungta.com thôi. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện y khoa Garvan, Úc, thì tại nước ngoài, họ dạy sinh viên và nghiên cứu sinh tiến sĩ tuyệt đối tránh kiểu thao tác mượn oai như thế trong lập luận khoa học. Bạn có thể vào blog của GS Nguyễn văn Tuấn để tham khảo thêm.

4. Tôi xin nhắc lại quan điểm của mình: triết lý Phật giáo, như mọi triết lý của các tôn giáo khác, là một bộ phận của triết học. Đã có thời triết học được xem là bao trùm các khoa học khác, là "khoa học của khoa học". Quan điểm đó đã bị bác bỏ. Ngày nay triết học là một khoa học bình đẳng với mọi ngành khoa học khác. Những kiến thức cơ bản như vậy, lẽ nào chúng ta bỏ qua?


Trang:  1     3   4


Lý trí lành mạnh là nền tảng của tiến bộ!

Thứ bảy, 23/05/2009 09:41' PM  -  Kiêu Phong   lju_ujl@...

Trước tiên, xin cảm ơn Đỗ Kiên Cường về bài viết. Dĩ nhiên, chúng ta ko thể giải quyết tường tận mọi vấn đề trong một bài viết nhưng đối với tôi điều quan trọng hơn là bài viết của bạn có ích cho nhận thức. Nghĩa là, nó hướng con người tới những suy nghĩ khoa học và rõ ràng. Đó là điều hết sức cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện tại. Bản thân tôi luôn tôn trọng những con người như thế.

Phần tranh luận, tôi thấy ko khoa học nên cũng chẳng mang lại gì cho nhận thức. Giá như Đức Phật đang tồn tại để tranh luận với Ngài thì sẽ xác đáng hơn những gì nhân danh Ngài. Cái nhân danh đối với tôi không có giá trị mà còn đáng trách vì như thế là mượn phần nào tư cách mà mình ko bao giờ đạt đến được. Sự nhân danh ấy có thể gói gọn trong một cuộc tranh luận. Thế nhưng thật nguy hiểm khi nó tinh vi hơn và đi vào cuộc sống vì nó khiến con người thần phục một cách mù quáng. Đó chính là sự thần phục với Con trời, với những bà đồng cốt mà tự nhận là được thánh nhập... Hiện tượng đó là mối nguy hại lớn cho tiến bộ xã hội.

Những vấn đề của con người như đạt tới sự văn minh, dân chủ, tiến bộ... chỉ có thể giải quyết bởi những con người mang lý trí lành mạnh và tình yêu thương con người trong sáng. Và tâm linh, để mang lại những giá trị tích cực, trước hết cũng cần phải được nhìn nhận bởi những con người như thế. Nếu ko, bên cạnh những Trí thức nửa mùa chúng ta lại phải đối mặt với nguy cơ Tôn giáo nửa mùa hoặc cuồng tín tôn giáo, những yếu tố cản trở nhận thức và lầm lạc con người.

Cuốn sách nên đọc

Thứ bảy, 23/05/2009 10:29' PM  -  Huy Minh   thminh07@...

Có lẽ bạn đọc sẽ là khách quan hơn cả, tuy tôi hay viết dài nhưng lại là người ít trích dẫn nhất mặc dù việc trích dẫn hoàn toàn không có lỗi, không phải là “cáo mượn oai hùm” như bác ĐKC phát biểu. Các bài viết của bác là các công trình nghiên cứu khoa học nên hiển nhiên trích dẫn hơn tôi nhiều.

Tôi không phải là phật tử và tôi cũng chưa có ý định quy y cửa Phật, tôi chỉ tìm hiểu Triết Phật và Phật giáo cũng như các tôn giáo khác để xem trong đó có gì hấp dẫn mà lại hấp dẫn, lôi cuốn được cả tỉ người đi theo một cách “mù quáng” như vậy.

Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo, tôi nghĩ không có gì đầy đủ hơn cuốn “Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Từ Big Bang đến giác ngộ” của Matthieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, do đó tôi sẽ không phải thuyết phục mọi người thêm gì nữa. “Cuốn sách thú vị này là cuộc nói chuyện giữa hai nhà khoa học. Một là nhà vật lý thiên văn vốn là phật tử, người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học về sự sống theo quan niệm nhà Phật. Một là nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư, người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức khác quan đó. Họ nói chuyện với nhau không phải theo lối tranh luận đối lập mà cùng bổ khuyết cho nhau để xây dựng một cái nhìn nhân văn về khoa học tự nhiên, mượn tinh thần đạo Phật để hạn chế cái ác của nền khoa học kỹ thuật đang phát triển đến tột bậc, có nguy cơ huỷ diệt cả cuộc sống và nền văn minh con người”. Đó là lời tựa của cuốn sách mà mọi người nên đọc và suy ngẫm.

Cũng trong cuốn này có đoạn mà Khyentsé Rinpotché khuyên: “Dấu hiệu của sự minh triết và sự kiểm soát được bản thân, và dấu hiệu cho biết người ta chín muồi trong trải nghiệm tâm linh của mình là không còn những cảm xúc xung đột nhau. Điều này muốn nói rằng, khi người ta đã trở thành một nhà hiền triết và bác học, người ta cũng phải trở thành, theo cùng một tỷ lệ, một người điềm đạm, ôn hoà và có kỷ luật – chứ không phải là người buông thả, kiêu ngạo và lố bịch.

Hãy thường xuyên kiểm tra rằng các ngươi đã sử dụng thành công thực hành tâm linh để chế ngự những cảm xúc tiêu cực của mình. Nếu một thực hành nào đó cho kết quả ngược lại, nếu nó làm tăng sự ích kỷ của các ngươi, tăng sự lầm lẫn và các suy nghĩ tiêu cực của các ngươi, thì tốt nhất các ngươi nên bỏ nó, nó không phải dành cho các ngươi” (trang 444, 445). Thiết nghĩ, đây cũng là lời khuyên bổ ích cho tất cả chungta.com./.

Tôi bênh vực ai?

Thứ năm, 28/05/2009 02:00' AM  -  Phan Anh Tuấn   onggiaramrau@...

Thật là không được vui vẻ lắm, chắc anh Cường và một số bạn khác sẽ tiếp tục phản bác lại, tôi xin nói thẳng ra ngay từ đầu là tôi cũng tin tưởng Đức Phật, và đã đọc một số sách về Phật giáo cũng như khoa học. Đồng ý với anh Cường rằng vấn đề mê tín là một vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức và xã hội. Nhưng tôi không thích cách đánh đồng mọi tín ngưỡng đều là mê tín. Đạo Phật đối với tôi không chứa một chút mê tín nào. Xin anh Cường hãy tạm bỏ cái tự ái, cái ngã to lớn của anh, đừng gay gắt như vậy khi có người nói khác anh. Anh cũng đang mượn danh các nhà khoa học đó thôi. Trước hết, xin anh cứ bình tĩnh, anh cũng chỉ đang nhìn nhận vấn đề từ một phía, hãy xem xét các khía cạnh khác nữa để có đước hiểu biết không phiễn diện, thay vì cố gắng bảo vệ những gì anh đã viết bằng những lời không được cởi mở, khách quan với những ai trái ý anh như thế.

Và cũng thật chẳng may mắn gì cho những nhà khoa học bảo thu, tin tưởng tuyệt đối vào thuyết duy vật, khi tôi thấy không chỉ Einstein có những nhận xét về tính khoa học của đạo Phật, mà những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thiên văn và lượng tử đều đang có những chuyển biến trong nhận thức của họ về vật chất, ý thức, tín ngưỡng và họ cũng đang nhìn nhận ngày càng tích cực về tính khoa học, vượt lên khoa học của Phật Giáo, Lão Giáo và Ấn Độ giáo, tôi xin kể ra Heisenberg, Niels Borh, Openheime, xin các bạn đừng bảo rằng họ là những ông vô danh nào. Tại sao các nhà khoa học tiến bộ trên thế giới lại thân thiện với Đức Đạt Lai Lạt Ma đến vậy? Tại sao Đức Đạt Lai Lạt Ma lại có nhiều thiện cảm, nhiều ham thích đối với khoa học đến vậy, lẽ nào ông không sợ rằng khoa học sẽ phủ nhận Phật Giáo như đã bác bỏ được Kitô giáo? Chẳng có gì phải sợ cả, Phật giáo không đi ngược với khoa học, khoa học cũng không phải là thứ đối lập với Phật Giáo. Khác các tôn giáo khác, người ta bịa ra các câu chuyện về thượng đế, về nguồn gốc loài người ... để làm người khác phải tin họ, phải nghe họ, để họ thực hiện được những mục đích nào đó ẩn sau danh nghĩa Thượng Đế, chúa Jêsu; Phật giáo hoàn toàn không có mục đích gì khác ngoài trí tuệ và từ bi, đó cũng là phẩm chất của những bậc tu hành đạo cao đức trọng. Phật giáo chẳng có những giả thiết về Thượng Đế, cũng chẳng bắt ai phải tin tưởng vào những điều họ thấy vô lý, chính Đức Phật đã bảo mọi người đừng tin tưởng một cách mù quáng vào ai đó, vào điều gì đó mà hãy tự mình thẩm định, nếu thấy nó đúng thì hãy tin. Vì vậy mà các bậc tu hành đắc đạo đều có trí tuệ rất cao, mà vì có trí tuệ cao nên rất gần với khoa học. Các bạn nếu đã đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh, của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay của thiền sư Osho người Ấn Độ, Ajan Chah người Thái Lan, hẳn các bận đều nhận thấy các Ngài rất thông minh, rất từ bi, khiêm tốn và đặc biệt là chẳng bao giờ có mục đích vị kỷ cả. Các nhà khoa học vĩ đại cũng vậy, ngoài trí tuệ họ cũng là những người rất mực nhân hậu, khiêm tốn và không có mục đích vị kỷ. Chẳng lẽ đầu óc anh Cường và kể các đầu óc tôi, anh Đạo Trường, anh Huy Minh lại sáng suột hơn họ? Vậy mà tại sao anh Cường lại có thái độ khinh khỉnh, tự ái như vậy khi người khác nói trái ý anh? Anh muốn trở thành người chiến thắng thì anh hãy đừng có vị kỷ, sẽ không có ai chống lại anh. Cũng không cần phải chấp tôi, chẻ làm tư những lời tôi viết để phê phán tôi, vô ích vì tôi chẳng là gì cả, lời của tôi không đủ để diễn ra những điều Đức Phật đã dạy. Tôi e rằng, bài viết của anh có rất nhiều chỗ bất ổn mà anh Đạo Trường đã chỉ rõ.

Thật là buồn cười, khi không chứng minh được một vấn đề gì thì kết luận ngay là vấn đề ấy không đúng. 8 dẫn chứng anh Cường nêu ra chỉ cho thấy khoa học chưa chứng minh được sự tồn tại của tâm linh, không thể kết luận rằng tâm linh không tồn tại. Muốn hay không, thế giới đều biết đến Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV là tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII, câu chuyện về ngài rất nổi tiếng, bạn có thể đễ dàng tìm đọc. Anh Cường có thể đứng ra chứng minh rằng điều đó là vô lý không? Đạt Lai Lạt Ma đã nói: nếu khoa học chứng minh được một cách xác đáng rằng việc tái sinh là sai thì Phật tử chúng ta phải chập nhận điều đó. Còn gì khoa học và khiêm tốn hơn! Đạt Lai Lạt Ma đã được cả thế giới biết đến với những cống hiến của Ngài cho hoà bình thế giới, nếu anh Cường chứng minh được thì anh cũng sẽ còn nổi tiếng hơn Ngài đấy nhé!

Nhưng tôi cũng thấy có nhiều vấn đề nhức nhối về nạn mê tín, bài viết của anh Cường quả thật rất có ích. Tôi đến chùa, thấy các bạn thanh niên sinh viên đi chùa rất đông, họ dâng hương, dâng hoa, cúng vài nghìn công đức nhưng họ chẳng xuất phát từ lòng thành tâm, mà dường như đó là sự mặc cả, mua bán với Phật và Bồ tát. Đó thật là mê tín và phỉ báng Phật. Đức Phật có bao giờ nói rằng, mọi người phải cúng Ngài 5000 đ, 10000 đ thì ngài sẽ cho họ sức khoẻ, cho họ người yêu, thi đỗ...Ý nghĩa sâu xa của hành động cúng dường Phật một cách thành tâm là buông bỏ lòng tham của mình, cầu nguyện cho chúng sinh, và thông qua việc cúng dường lên Phật mà để tạo phước cho mọi chúng sinh chứ không phải làm lợi cho Phật hay cho mình. Chưa kể đến nhiều loại hình mê tín, bói toán khác mà không liên quan gì đến đạo Phật. Thật buồn cười khi bạn dạo chơi trên hô Tây, có vô số người ra gạ bạn xem bói, bói tay bói bài, bói quẻ... và nếu bạn để cho họ phán vài câu thì họ sẽ xin bạn vài chục nghìn. Tôi hỏi một người rằng chị ta bói có đúng không? Chị ta nói chắc như đinh đóng cột rằng chị ta nói không bao giờ sai. Tôi bảo thế sao chị không bói xem ở đâu có vàng mà đào, để mà giàu có khỏi phải đi bói thế này, đáp lại chỉ là lời chửi rủa vô văn hoá và cái lườm nguýt. Thế mà khối bạn trẻ vẫn mất tiền ngu cho họ vậy.

Để kết, tôi muốn nói rằng mê tín thâqtj sự là một vấn nạn. Nó là vấn nạn vì nhiều kẻ đã lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng sự trong sáng của tôn giáo để làm các mục đích kinh tế, chính trị. Đạo Phật nói riêng cũng đã bị người ta lợi dụng nhiều quá, biến thành mê tín dị đoan, ấy là đi ngược với đạo Phật chân chính do Đức Phật dạy. Đạo Phật chân chính thì rất đẹp, rất khoa học và không có chút mây mờ vẩn đục nào của niềm tin thiếu lành mạnh. Khoa học có thể làm cho các tôn giáo bị lung lay, nhưng đạo Phật chân chính thì không thể lung lay, vì nó là từ bi, trí tuệ, tỉnh thức, hạnh phúc, nên nó không hề trái với khoa học.

Có điều, người viết và người đọc những bài viết này phải có tinh thần khiêm tốn, cởi mở thì mới tiếp thu được những gì mình còn thiếu. Đừng tự ái, đừng bảo thủ và đừng tỏ ra coi thường người khác, bạn sẽ lỡ. Hãy khách quan như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, nếu khoa học chứng minh được xác đáng những gì viết trong khinh Phật là sai, thì Phật tử chúng ta phải theo khoa học. Đơn giản vì một trong những đích đến cuối cùng của Phật Giáo là trí tuệ, như Phật đã dạy.

Hạn chế của chúng ta

Chủ nhật, 21/06/2009 05:13' AM  -  Võ Huân   huanvo87@...

Hạn chế của chúng ta là Chấp vào ý kiến của mình lúc nào cũng đúng và khuynh hướng cho người khác là sai. Bạn Cường có những điểm rất hay và các những ý kiến phản luận khác cũng không hề thua kém.

Một ý kiến nhỏ nhoi của một người trẻ tuổi mà xin các vị tiền bối đi trước ngước xuống:

Tất cả những tư tưởng, lập luận, ngôn ngữ, diển đạt thành lời hay kô thành lời đều là tư tưởng Suy Nghĩ Động.

Khi nào chúng ta tắt dần được cái Suy Nghĩ của mình thì lúc đó bầu trời Chân Lý sẽ dần hé mở...

Đạo Phật hay các Tôn giáo khác hay ngay cả Khoa Học có đi đúng hay không thì thời gian sẽ trả lời.
Mục đích cuối cùng không phải là chứng minh đúng sai hay tranh cái khả năng lý luận của mình vì đó không phải là mục tiêu tối hậu. Mục tiêu tối hậu là sống an vui hạnh phúc.

Tôi vẫn hay đùa vớn những ai khác tư tưởng của mình: Muốn biết tôi đúng hay bạn đúng, thì chỉ có khi gặp Mr. Chết thì ngài sẽ trả lời.... Bây giờ hãy bắt tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp và cao thượng.

Chào Thân Ái.

Tất cả vì sự phát triển của con người...

Thứ năm, 02/07/2009 11:48' AM  -  Dương Tuyết Mai   maiduongtuyet@...

Chào anh Cường và các bạn đọc phản biện!

Đúng là tôi đọc khá dài và dành nhiều thời gian cho bài viết và các bài phản biện. Trước tiên xin cảm ơn các bạn... và xin viết một ý nhỏ:

Tôi nhận thấy chúng ta hầu như đang rơi vào thế tranh cải về những ý tưởng và các vấn đề đặt ra từ bài viết. Tâm linh học tồn tại đã lâu đời từ những đức tin thể hiện trong tín ngưỡng, trong cuộc sống hàng ngày, trong đó cũng có cả những hiện tượng lợi dụng sự cả tin để lường gạt con người, còn khoa học nghiên cứu để lý giải về tất cả vấn đề này còn quá non kém để chinh phục con người rằng đâu là sai và đâu là chân lý. Do đó, chúng ta như đang rơi vào thế tranh cãi mà chưa có lối thóat. Như vậy, có nên chăng là xem bài viết là một ý tưởng nhận xét về cuộc sống hiện hữu đang trong quá trình phát triển chung giữa khoa học về việc lý giải hiện tượng tâm linh và tất cả giải thích bằng thực nghiệm có đủ sức chinh phục chúng ta là vấn đề ở phía trước! Như vậy, ở đây không có gì là phải khó khăn cho cả hai phía tin tâm linh là có thật hay không!

Và có lẽ anh Cường hãy nên tiếp tục quá trình theo dõi sự nghiên cứu cả hai phía tâm linh không có thật và tâm linh có thật để tiếp tục viết và đưa tin cho chúng tôi đang rất muốn nghe anh! Xin cảm ơn

Bạn tin có Thượng đế không?

Thứ bảy, 22/08/2009 11:39' AM  -  Nguyễn Tư Pháp   nguyentuphap@...

Nhìn vào sư bao la, phức tap của vũ trụ,sự kì diệu lạ lùng của cơ thể con người,trong đức tin của người theo đạo Cơ Đốc và Kinh thánh xác nhân là có Thượng đế/Đức Chúa Trời .Nhưng bạn sẽ cho là bảo thủ,chủ quan nếu tôi trích dẫn Kinh thánh để kết luận là có Thương đế.Vì vậy chúng ta cùng xét những bằng chứng sau mà không trích dẫn Kinh Thánh.

Bạn đồng ý với qui luật là có kết quả thì phải có nguyên nhân?

Ví dụ cái quat máy là một kết quả thì nguyên nhân tạo ra nó là công sức của con người. Không có gì là tự nó có, ngẫu nhiên mà có từ hư không.Ví dụ khác là cái máy vi tính tinh vi này là một kết quả mà nó từ bộ não con người tạo ra ,vậy con người quá kì diệu này do ai tao ra? Tôi đồng ý là bất cứ vật sống nào cũng phải có sự thay đổi tất yếu để phù hợp với môi trường sống xung quanh, nhưng quá trình chọn lọc để thích nghi đó… có thể tạo ra bộ não con ngưòi? và sự ngẫu nhiên nào đó không thể tạo ra cái máy vi tính với những phần mêm tuyệt diệu được…Vậy thì quá hợp lí để khẳng dịnh con người là do Thượng đế /Đức Chúa Trời tạo ra.Bạn sẽ thắc mắc Thượng đế là một kết quả vậy thì thượng đế ở đâu ra? nhưng Ngài nói ta là Đấng Tự Hữu. Hay bạn cho rằng Thượng đế là thiên nhiên , không thể chủ quan khẳng định đó là Thương đế của bất kì tôn giáo nào cả? Không thể nào thiên nhiên có thể tạo ra con người được, sự vật vô tri không thể tạo ra sự sống dược cả! giả sử cái nhà dù trãi qua hàng tỉ năm cũng không thể tạo ra con ở người bên trong,sự ngẫu nhiên nào đó cũng không thể tạo ra con chim,con gà …Vậy Thượng đế là ai? Đức phật, Khổng Tử,mo-ha-med..chưa bao giờ nói mình là Thượng đế.và họ chết là chết luôn chứ không sống lại. Thượng đế mà phải chết sao?Chỉ có Chúa jesus mới xưng mình là Thượng dế và Ngài đã chết và sống lại …

Có hay không có Thượng đế không liên quan đến bạn sao?Tôi chắc là còn nhiều thăc mắc mà bạn muốn hỏi…Mời bạn đến Hội thánh tin lành gần nhất để được giải đáp.

Tâm linh là gì?

Thứ sáu, 28/08/2009 05:09' PM  -  Trần thị Ngân   nganrandall@...

Mọi người đều muốn được giải nghĩa cho rõ về chữ " Tâm linh",vậy Tâm linh là gì?

Tôi có thể mạo muội để nói về từ này theo suy nghĩ của tôi : Đó là tâm tư ,suy nghĩ về tình cảm của các linh hồn ở thế giới bên kia ( nghĩa là của ngững người đã chết ).

Linh hồn cũng có linh hồn tốt và xấu.Thực ra khi con người chết đi,có nghĩa là phần hồn lìa khỏi cơ thể con người, họ bay trong thế giới vũ trụ và sống theo trật tự mà xã hội của họ đã sắp xếp.Một xã hội cũng có những trường học về đạo lý con người, cũng có nhà tù cho các linh hồn xấu hay cũng có địa ngục cho những tâm hồn ác độc của kiếp trước làm người...

Các linh hồn đó nghĩ gì khi họ muốn được giao lưu với nhau?Họ muốn được giao lưu với người thân ở trên trần thông qua cô đồng hay họ phải làm gì khi muốn được đầu thai kiếp NGƯỜI?

Chính những suy nghĩ và những hành động của họ tác động vào cuộc sống của con người thật là những điều mà ta chưa thể giải thích nổi với các hiện tượng đã xẩy ra .

Còn tiếp...

văn hoá tâm linh

Thứ tư, 07/10/2009 03:37' PM  -  khang đạt   hkhangdat.@...

Tôi đã đọc một số bài viết về tâm linh ở trên một số tạp chí. Tuy không phải là người mê tín song tôi lại rất thích đọc bài của nhà báo Hoàng Anh Sương đăng trên tạp chí Thế giới mới với tiêu đề những kiến giải về thế giới tâm linh. Nhân vật nhà báo đối thoại là bà Phan Oanh. và tôi cũng đồng ý với câu tựa đầu tiên của bài viết ... Tôi gọi bà Phan Oanh là nhà văn hoá tâm linh. Bài viết gần như ghi lại toàn bộ cuộc đàm đạo của nhà báo với bà PO...rất nhiều nội dung mà tôi cảm nhận được đó là VĂN HOÁ

Nếu có bạn đọc nào quan tâm tới tôi sẽ gõ lại bài viết để chúng ta cùng đàm đạo

Phan Anh Tuấn ?

Thứ năm, 15/10/2009 10:53' PM  -  two of us   miss_all_old_friends@...

Đỗ Kiên Cường : thực sự là một người có cái nhìn rất khách quan, đọc bài của ông chả thấy phiến diện chỗ nào, không thấy nói xấu đạo phật mà sao nhiều người, như Phan Anh Tuấn lại viết nhăng cuội thế nhỉ.

Nên nhớ triết học duy vật biện chứng đến giờ vẫn được đánh giá là hình thức tư duy triết học cao nhất của con người, mà nó dựa trên quan điểm rất đúng đắn là đấu tranh không thỏa hiệp để giải quyết mâu thuẫn. Nhìn vấn đề nhiều khía cạnh mới thấy mâu thuẫn, nghĩa là rõ ràng phật giáo bản chất vẫn là tiêu cực, nhưng nó lại có mặt tích cực thậm chí đối với khoa học, đấy là sự thống nhất đấu tranh giữa các mặt đối lập. Vấn đề là không thỏa hiệp, khi đấu tranh và giải quyết được mâu thuẫn thì sẽ có hình thức mới tồn tại, và mâu thuẫn mới bắt đầu.

Bạn thử ngẫm xem bây giờ còn xã hội phong kiến không? chắc chắn không, nhưng tư tưởng thì vẫn còn. Cho nên, số người theo phật giáo ở Việt Nam đã giảm nhiều, nhưng họ tự cho mình là theo đạo, thực ra đôi lúc chỉ là theo phong trào, chứ không có niềm tin thực sự, điều đó không hề là xấu, tin vào chính mình là hay nhất, thay vì tin vào làm việc tốt thì được ban phước..v..v Ví dụ có kẻ xấu hãm hại người khác, bạn có nhảy vào giúp hay cứ nói: làm ác sẽ quả báo, có quả báo thì chắc chẳng cần đến pháp luật làm gì. Chỉ tiếc là người ta thích tin và hay tự bắt mình tin vào những điều thoát ra khỏi khoa học, chỉ để thỏa mãn nhu cầu cái tôi, nhu cầu lớn nhất của họ mà thôi, để quay lưng lại với khoa học, thách thức nó, và còn nhiều điều khác. Thuốc phiện có hại cho mọi người, nhưng nó giúp các ngôi sao âm nhạc..v..v xoa dịu căng thẳng và thăng hoa cảm xúc để sáng tác nên ca khúc bất hủ.

Tôn giáo mặt nào đó bản chất tiêu cực nhưng nó có tác dụng tích cực là vậy, bạn ngẫm mà xem.

Chống mê tín nhìn từ góc độ Triết học

Thứ sáu, 30/10/2009 08:36' AM  -  Trần Hoài Nam   songladeyeu_get@...

Tại sao ai cũng nói vấn đề mê tín hay không mê tín, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng mà không nói đến Chống mê tín nhìn từ góc độ Triết học. Đó cũng là 1 vấn đề cần được giải quyết chứ không phải chỉ ngồi phê phán nói xấu này nọ. Mình chỉ đặt vấn đề mà không giải quyết thì cũng như nói xuông cho có mà thôi.

Sự thật

Thứ bảy, 21/11/2009 01:16' PM  -  lê đặng hồng đức   boyhd_baby_211193@...

Nếu một ngày nào có những điều làm anh Đỗ Kiên Cường thay đổi cách nhìn thì anh có đón nhận nó không, anh có mở lồng nhìn nhận những điểu mới không.

Theo em tất cả chúng ta khó có thể tìm ra một người đứng ở hai lập trường duy tâm va duy vật, nó là những phần của cấu tạo thế giới này cả về nguồn cội của chúng ta cũng còn phức tạp nữa là

Một giả định sai lầm!

Thứ tư, 06/01/2010 09:49' AM  -  Không nêu   khongneu@...

Về cơ bản, bài viết của anh Cường cũng như nhiều lý luận khác dựa trên một giả định tai hại là: Những cái mà con người hiện nay không thể chứng minh được là nó tồn tại thì nó không tồn tại.

Tôi thách tất cả các nhà khoa học hiện nay chứng minh sự tồn tại của bác tôi. Tôi chắc chắn là ông ấy có tồn tại.

Chắc ở thế kỷ thứ 13, cũng có giải thưởng hàng triệu "đô la" để thách đố những người nào chứng minh sự tồn tại của một châu lục nằm ở phía tây của châu Âu và đương nhiên thời đó không ai chứng minh được. Toàn châu Âu lúc bấy giờ đã chẳng thốt lên: không có một châu lục như thế!

Một giáo sư căn dặn khi chúng tôi bắt đầu bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp: Cái hiểu biết của chúng ta giới hạn trong kiến thức hiện tại của nhân loại. Thậm chí, cái kiến thức hiện tại này chưa chắc đúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét