Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Một Nước Nhật Quá Xa Xôi

Tác Giả: Vương Trí Nhàn 23/2/2014


Cộng với những hiểu biết vốn có từ trước năm ngày du lịch bụi ngắn ngủi, đủ để tôi cảm thấy xã hội Nhật, người Nhật là cả một hình ảnh đảo ngược của xã hội Việt, người Việt

Nhắc lại ảo tưởng đó để hiểu rằng, chiến tranh để đẩy chúng ta chui vào sừng trâu, và ra khỏi chiến tranh chúng ta đã xa lạ với thế giới như thế nào. Ta chẳng hiểu gì về người, mà cũng chẳng hiểu gì về chính mình. Từ đó, trong cái thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, ta vẫn nhắm mắt mở, bước đi loạng choạng xiêu vẹo. Trong sự vội vã điên cuồng lo làm ăn sinh sống, xã hội Việt sau chiến tranh đã trở thành một xã hội mất hết tự tin. Không ai bảo ai, không dám thú nhận, song trong thâm tâm, nhiều người chỉ còn tin rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta sẽ theo kịp thiên hạ. Cách sống thời thượng nhất lúc này là có cái gì bòn mót mang bán lấy tiền. Ăn cắp của nhà nước cũng được, lột da nhau cũng được, miễn có tiền. Rồi đi nước ngoài mua sắm những thứ xịn nhất, mới nhất, hiện đại nhất. Rồi lấy đó làm niềm tự hào rằng người mình cũng đang có sự tiến bộ vượt bậc theo kịp các nước trên thế giới.

8 – 6 -2013
Xuất phát từ Hà Nội, sau một chuyến bay đêm hơn bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu một ngày mới trên chiếc xe từ sân bay Narita về Tokyo. Không khí dịu mát như một ngày cuối thu đầu đông ở đồng bằng sông Hồng, song cái lạnh ở đây lại có khí vị vùng biển bắc, cái cảm giác mà tôi cảm nhận khi đến Leningrad vào năm 1988.
Nhìn chung quanh, thấy khung cảnh thoáng rộng sạch sẽ, cây cối đạm bạc. Ghé lại một trạm bên đường để xe mua xăng, bắt gặp không khí của nước Nhật bình thường, người nào người nấy chăm chú vào công việc.
Có cái lạ là, khi đến Tokyo, tôi cũng lại gặp một khung cảnh vắng lặng như vậy. Không những trên đường người đi bộ thưa thớt mà cả ô tô đi lại cũng ít. Trong khi đó, lại biết rằng Tokyo có đến 20 triệu dân và hàng ngày có đến 40 triệu người lai vãng. Nơi tôi tới chỉ là ngoại ô chăng? Thành phố chính ở đâu? Như đã đoán được thắc mắc của tôi, người hướng dẫn du lịch sớm giải thích, đây chỉ là phần trên mặt đất, còn trong lòng đất có đến bốn thành phố nữa. Ở đó cũng có giao thông, xe điện ngầm, những phố buôn bán; ở đó mặc dù rất đông, nhưng rất trật tự.
Ngày đầu xa lạ
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến tham quan là phía ngoài hoàng cung Nhật. Cũng như mọi người dân nội địa, chúng tôi không được vào tham cung điện chính của hoàng gia, chỉ được đứng và quan sát từ xa và nghe người giới thiệu kể chuyện lại về một cuộc sống rất khổ hạnh của những người sống trong cung điện đó.
Người Nhật quen chấp nhận tình trạng cách ly này bởi họ hiểu những người sống trong hoàng cung phải nhận vai hình mẫu của nước Nhật, có nghĩa phải chịu rất nhiều áp lực. Có những người con gái trong đó cảm thấy thật nhẹ nhõm nếu lấy được người chồng dân thường, ra khỏi hoàng cung, để được sống như mọi người bình thường.
Buổi chiều chúng tôi đến thăm ngôi nhà của Tòa thị chính, ở đây có tháp truyền hình cũ, từ đó có thể nhìn ra cả Tokyo.
Có điều mất vui là ngay trong buổi chiều đầu tiên này, đoàn du lịch chúng tôi đã có một người bỏ trốn. Khi cả đoàn lên tháp rồi lần lượt xuống dần thì anh ta lẩn mất. Sau mới biết, từ Hà Nội anh ta đã chuẩn bị để làm việc này. Cái ba lô còn lại trên xe ô tô của anh nhẹ tênh. Theo sự giải thích của người hướng dẫn, có lẽ đây là một người Việt được bố trí sang Nhật để trộm cắp thuê. Dân Việt có hộ chiếu bên đó, khi phát hiện ăn cắp thì sẽ bị trục xuất khỏi nước Nhật. Nên họ phải thuê những người trong nước sang làm chân rết. Người này có bị tống về thì cũng không mất đầu mối.
Trong lúc vẩn vơ chờ làm các thủ tục, khoảng hơn một tiếng đồng hồ, tôi nhìn quanh khu Tòa thị chính, thấy một không khí vắng vẻ. Nhớ nhất là hình ảnh một cô gái dắt hai con chó đi đường. Cô chăm sóc chúng hết sức cẩn thận. Khi chúng đói lấy thức ăn và theo dõi chúng ăn, bình thản chờ đợi như bà mẹ đang đi chơi với những đứa con thân yêu của mình.
Để giải tỏa nỗi chán chường của bọn tôi, người hướng dẫn giới thiệu một tình thế của người dân Nhật mà trước kia chúng tôi không thể tưởng tượng nổi.
Anh cho biết , hiện nay ở nước Nhật có đến 62% người sống độc thân. Nếu nhìn trên đường, chúng ta luôn thấy những người đàn ông chăm chú nhìn về phía trước. Họ buồn, như là một thứ nhân vật phụ của cuộc đời. Còn chính phụ nữ mới là những người đầy sức sống và thách thức.
Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật –từ nhỏ, đã được nghe câu nói ghi nhận sự tận tụy của người phụ nữ Nhật với gia đình.
Sau chiến tranh, khi nước Nhật bắt tay khôi phục kinh tế, người đàn ông tập trung vào công việc của mình và ít khi về nhà trước 7h tối. Mọi việc liên quan tới gia đình và con cái đặt cả lên vai vào người đàn bà. Họ tự nguyện làm như thế cả đời. Hôm nay đây tôi còn chứng kiến cảnh một đôi ông bà già trên đường; khi tới chỗ nghỉ, người phụ nữ rút chiếc khăn mù xoa trong túi ra mời chồng mình ngồi. Nay mẫu phụ nữ loại đó chỉ còn thưa thớt.
Bề ngoài người phụ nữ Nhật không tự biểu hiện lộ liễu như người Việt. Màu sắc phần lớn trang phục là màu trắng, màu xám và màu đen. Như đang tự giấu mình đi. Không ai tô son, trát phấn… Nhưng cuộc sống bên trong thì, theo anh hướng dẫn viên, thực sự nồng nhiệt. Khoảng mươi, mười lăm năm gần đây, phụ nữ Nhật nổi loạn, nhiều người không lấy chồng vì không thích phụ thuộc vào gia đình chồng và rất tự lập trong đời sống riêng tư.
Ở Nhật, đời sống tình dục được coi bình thường như cơm ăn nước uống và phụ nữ có phố đèn đỏ của mình. Ở đó, đối tác của họ là những thanh niên mới lớn và lấy việc thỏa mãn nhu cầu phụ nữ làm nghề phụ. Người ta có cách giữ bí mật cho cả hai bên.
Trong túi đàn bà, từ em thanh nữ mới lớn đến đám sồn sồn tuổi trung niên luôn có ca-pốt. Và họ chủ động tìm tới những đối tượng để có thể thỏa mãn những khát khao bất chợt nhưng chính đáng. Trong các món quà, chính phụ nữ là màu nóng, còn nam giới được tượng trưng bởi màu lạnh.
9 – 6
Niềm vui với những công việc bình thường
và tính tự lập được rèn từ nhỏ

Buổi sáng chủ nhật, bọn tôi đến khi vui chơi Disney Land nổi tiếng. Ấn tượng lớn nhất, vẫn là những người phụ nữ làm công việc như hướng dẫn người đi tham quan và bảo vệ trật tự chung quanh đó. Những công việc có vẻ tẻ nhạt như thế được người Nhật làm với tất cả niềm vui và sự háo hức khiến người Việt chúng ta gần như không thể hiểu nổi. Đứng bên cạnh những đoàn xe lửa làm theo lối cổ, các nhân viênphục vụ không những ân cần giúp đỡ cho người lên xe, mà còn tình cảm vẫy chào khách lên đường, rồi lại hào hứng đón khách xuống khi hết vòng quay.
Người hướng dẫn du lịch giải thích thêm với chúng tôi, người Nhật rất nghiêm túc trong việc công. Tất cả công chức đi làm đều mặc Âu phục. Với họ, làm công chức không phải chỉ để kiếm tiền mà để phục vụ xã hội, việc làm hợp đạo nghĩa làm người.
Một ấn tượng khác, là trẻ con trên nước Nhật rất ngoan và quen tự lập. Trên đường mỗi trẻ có túi thức ăn riêng, tự lấy thức ăn khi muốn. Thông thường các em đi theo người lớn rất đàng hoàng. Một ngày ở công viên không nghe tiếng khóc nào của bọn trẻ.
Người Nhật có tinh thần tự trọng cao độ. Trong hoàn cảnh nghèo khó, ít khi chấp nhận sự giúp đỡ của người khác mà làm được cái gì thì hưởng cái đó. Điều đó được rèn từ nhỏ. Ở trường nuôi dạy trẻ, từ lúc biết bò, đứa trẻ đã phải tự bò đến bàn thức ăn để lấy thức ăn. Ở lớp lớn hơn, đứa trẻ tự gấp lấy quần áo và lo giữ vệ sinh.
Từ chuyện giao thông tới chuyện pháp luật
Đã hơn chục lần đi theo các đoàn du lịch nước ngoài, tôi thấy trên xe thường người Việt Nam chỉ hay pha trò đùa bỡn, trêu chọc nhau, bàn chuyện ăn uống, nói tục. Đa số người mình đi du lịch để làm dáng, để tiêu tiền, không mấy ai tính chuyện đi để hiểu biết về xứ sở mà mình đặt chân tới. Những người hướng dẫn du lịch Trung quốc chẳng hạn, rất hiểu cái sự tầm thường đó. Trên xe, thể theo yêu cầu của người mình, họ nói những chuyện trong thâm cung bí sử, nhưng toàn thứ vụn vặt gây tò mò. Nói chung trình độ những người hướng dẫn cho các đoàn VN ở các nước gần ta rất thấp. Người có chí chắc đi học tiếng Anh tiếng Đức chứ chả ai chịu học tiếng Việt làm việc với các đoàn Việt.
May mắn lần này chúng tôi gặp người hướng dẫn khác hẳn. Anh cũng là người Việt. Sang Nhật học, sau đó nhập quốc tịch Nhật và đưa cả vợ con sang đó. Trong những lúc rỗi trên xe, anh Đức (tôi không biết họ, chỉ nhớ tên) giới thiệu với chúng tôi rất nhiều về đặc sắc của nước Nhật, và điều đó rất cần thiết với những người từ Việt Nam tới.
Ví dụ có lần anh nói về chuyện giao thông trên đường.
Chúng ta biết rằng người Nhật đi lại rất từ tốn và người ta nhường đường nhau khi có việc cần tranh chấp. Trong câu chuyện của mình, anh Đức có lưu ý thêm một điều. Luật pháp được soạn thảo rất tỉ mỉ và nói cho cùng là rất nhân bản. Một mặt nhà nước bố trí cảnh sát theo dõi tốc độ của xe trên đường, nhưng một mặt họ cho phép các nhà sản xuất cung cấp cho lái xe các thiết bị cần thiết để biết được chỗ nào có công an, cảnh sát đứng bắn tốc độ, để tự động điều chỉnh lại.
Tức là họ muốn bảo vệ quyền được đi nhanh hơn của xe cộ trong hoàn cảnh cho phép.
Sự áp đặt luật pháp của những người cầm quyền ở đây cũng là rất mềm dẻo.
Khi có người lái xe phạm lỗi, cảnh sát, từ lúc yêu cầu giữ lại đến lúc lên xe để đặt vấn đề phạt, đều có thái độ lịch sự tôn trọng đối tác, tìm cách thân thiện bàn bạc, chứ không phải một chiều hạch sách muốn bắt người ta thế nào cũng được. Khi không thống nhất được với nhau, họ để dành quyền phán xét cho tòa án,– cố nhiên đó không phải loại tòa án bao giờ cũng nhăm nhăm bênh cảnh sát như người nước mình. Danh tính của những người bị phạt không bao giờ bị làm lộ.
Tôi cho đó mới là sự tôn trọng, sự khuyến khích người dân sống và làm theo luật pháp một cách hữu hiệu.
Pháp luật — một bên nặng về răn đe, trừng trị và một bên biết “cận nhân tình”
Có lần đọc cuốn Đông Á – Đông Nam Á – Những vấn đề lịch sử và hiện tại (nx b Thế giới, 2004), thấy ông Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói tới những điểm tương đồng trong tổ chức nhà nước của Việt Nam và Nhật Bản có nhấn mạnh cả hai bên đều chú trọng pháp luật (sách trên tr. 62).
Hôm nay nhớ đến đoạn này bỗng thấy phì cười. Vì sự thật trong khi ở nước người, chính quyền hết sức tôn trọng và đặt mình vào trong pháp luật thì ở mình, pháp luật được soạn ra để áp dụng với dân, chứ nhân viên công quyền đều hiểu ngầm rằng mình là người đứng ngoài. Mà người dân cũng vậy, thấy pháp luật là chuyện phiền phức, song mặc nhiên chấp nhận, lại còn tìm thấy niềm vui trong việc làm ngược pháp luật. Trừng phạt răn đe nặng nề đến độ dã man được xem như một sự cần thiết.
Để hiểu tính mềm dẻo mà chặt chẽ của pháp luật ở Nhật Bản, hãy trở lại câu chuyện về nhu cầu phụ nữ, phố đèn đỏ, mua dâm và bán dâm. Một mặt theo phong tục tập quán cổ, luật nước Nhật cấm tất cả sự tiếp xúc nam nữ ở dạng trần trụi. Thế nhưng đồng thời họ vẫn thấy con người Nhật Bản đã thay đổi, nên các nghị sĩ khi làm luật đã nghĩ ra cách để bảo vệ sự tiếp xúc này, không để dân bị ràng buộc vào luật một cách máy móc. Ví dụ như họ sẽ phạt nếu một trong hai bên không có vật lạ trong người khi tiếp xúc. Mà vật lạ này hiểu theo nghĩa rất rộng, nếu phụ nữ có một vòng đeo tay hoặc người đàn ông có một cái răng giả thì tức là đã không phạm luật. Thế thì còn phạt được ai nữa? Những điều này, theo tôi rất nhân đạo. Còn thuần túy truy bức như ở ta là bất cận nhân tình và sẽ sinh ra gian dối.
Các cửa hàng đồ cũ và thói quen cộng tác trong mọi việc
Nhân khi vào cửa hàng đồ cũ, anh Đức giới thiệu cho chúng tôi biết ở Nhật, loại hàng này có cả một hệ thống phân phối. Những năm 70 – 80 người dân bình thường có thói quen thải loại đồ cũ ra theo hình thức rác và người Việt Nam sang nhặt mang những đồ cũ đó đem về trong nước. Nay họ có ý thức thu gom và phân phối lại. Nhân đây, anh Đức kể về việc tổ chức làm ăn ở xứ này. Là khi có một công việc hợp lí thì nó cũng được phổ biến khắp nước Nhật. Những người cùng ý tưởng tự tổ chức thành những công ty, không có người nào đứng ngoài công ty đó mà có thể cạnh tranh với họ được. Người Việt mình dành được miếng mồi thì ăn lẻ, không ai cộng tác được với nhau, mà chỉ dìm dập nhau, phá nhau. Ở Nhật, nếu một người có sáng kiến chung thì sẽ đưa ra để phục vụ lợi ích chung.
10 – 6
Chung quanh núi Phú Sĩ
Tối hôm qua, ngủ đêm tại khách sạn thuộc khu Hà Khẩu Hồ (tôi đọc theo âm Hán Việt) thuộc khu vực núi Phú Sỹ, chúng tôi có cảm tưởng như lạc vào gia đình người Nhật. Ăn một bữa cơm theo kiểu gia đình người Nhật vẫn ăn. Xong, được bố trí đến khu vực tắm. Nam chung một bên, nữ một bên, nhưng đã xuống tắm phải bỏ hết quần áo. Đêm, được bố trí ngủ lại căn phòng như của người Nhật. Việc xâm nhập sâu vào phong tục ăn ở như thế trong những lần đi các chuyến khác, bọn tôi không có dịp thực hiện.
Sáng dậy, đi quanh hồ, tôi chợt nhận ra rằng nhà cửa ở đây cũng nhô ra thụt vào mà không có lớp lang trật tự như mạn Giang Nam bên Trung Quốc. Vườn hoa ở các gia đình hay các công sở không nổi bật lên vẻ rực rỡ mà trông hơi có vẻ khổ hạnh và chỉ gợi chú ý bởi lùm cây hoặc một tảng đá nào đấy. Tất cả khu vườn quy tụ chung quanh vào vật trung tâm đó. Ngoài ra cây cỏ trong vườn thì kém, cỏ mọc rườm rà, thiếu một sự xử lý công phu. Các công viên chỉ lo tạo ra sự kì bí mà tảng đá có vai trò vật chủ và mối liên hệ giữa đá và cây là nhân tố chính gợi nên một vẻ đẹp.
Ngồi xe lên núi.
Các tài liệu du lịch đều nói rằng Phú Sĩ là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Trước khi lên đến trạm 5 ở độ cao 2000m, chúng tôi phải vượt qua hàng chục cây số rừng. Nhưng khi đến nơi, ngôi miếu trên trạm 5 đó khá đơn sơ. Nói chung, chùa chiền của Nhật không hào nhoáng, lộng lẫy như đền chùa của Trung Quốc. Thu hút du khách nhất là việc đứng ở đấy chiêm ngưỡng cả ngọn núi trong tuyết phủ.
Đối với người Nhật, núi Phú Sỹ là biểu tượng cao nhất của sự thiêng liêng. Người ta theo dõi để không ai có thể lấy đi hòn đất nào chung quanh núi. Đã có những khách nước ngoài đến, định lấy những hòn đất đi và đều bị phát hiện.
Chung quanh núi là khu vực huyền bí, người ta nói có những người Nhật đã đến đây để sống những ngày cuối đời, tức là tự tử ngay trong khu rừng trùng điệp mà mãi về sau người ta mới phát hiện ra. Số người này đang tăng hàng năm.
Ấn tượng sau nửa ngày ròng ngồi ô tô 
Từ giã Phú Sỹ, bọn tôi tới Owakudani, nơi có vết tích của miệng núi lửa phun trào cách cây 3000 năm. Sau đó, là chặng đường dài tới Nakoné và Nagoda.
Trước lúc qua Nhật, một người quen cũ đã nói rằng, do du lịch bụi, chắc là bọn tôi không có điều kiện để sử dụng những phương tiện hiện đại nhất như tàu cao tốc và phải di chuyển từ địa điểm nọ đến địa điểm kia bằng ô tô. Ông nói điều đó với sự ái ngại vì ở Nhật số người di chuyển bằng ô tô rất ít. Nhưng đối với tôi, cảm tưởng là được ngồi ô tô đi trên những con đường nhựa nhẵn bóng và hiện đại của nước Nhật cũng đã sung sướng lắm. Nữa là, sau một buổi chiều như thế, lại có may mắn gần như được nhìn gần vào một nước Nhật và hiểu thêm điều người ta hay nói “Xứ này nghèo về tài nguyên và chỉ có một thiên nhiên khắc khổ, nhưng đã chinh phục được thiên nhiên khắc khổ đó để trở thành một xứ giàu có.”
Nhìn một hai ngôi nhà lắt lẻo giữa một triền núi xa, tôi hỏi Đức họ sống ra sao thì được trả lời:
– Một gia đình Nhật định cư ở đâu thì chính phủ Nhật có trách nhiệm làm đường tới đó, bảo đảm hàng hóa lưu thông tới đó để họ có thể sống bình đẳng với mọi người.
Có một chuyện mà ở nhà tôi đã biết nhưng chưa thấy hết ý nghĩa của nó, đó là việc người Nhật không khai thác tất cả những rừng cây và vùng mỏ cũng khá giàu có của mình. Tất cả những đồ gỗ ở đây đều nhập từ nguồn lâm sản nước ngoài, cũng như các khoáng sản cần thiết cho công nghiệp của họ. Đối chiếu với cách nghĩ Việt Nam, kể ra đây cũng là một sự lạ. Và lạ hơn hết là người Việt chúng ta còn cho chuyện tàn phá tài sản thiên nhiên là chuyện thường, không bán hết đi thì lấy gì mà ăn.
Nông thôn đô thị chung một mặt bằng
Lúc này trước mắt du khách không còn là một nước Nhật của các cao ốc và các khu đô thị thoáng đãng. Vùng đất nằm rải rác giữa núi non và bãi biển không có gì là hấp dẫn và mĩ lệ như các vùng biển của Việt Nam mình. Nhưng ở bất cứ nơi nào có điều kiện thì người nông dân Nhật vẫn cần cù sản xuất. Cảm giác còn lại trong tôi là một nước Nhật giống như một mặt bằng, giữa nông thôn và thành thị gần như không có sự chênh lệch. Nay, là thời, theo Đức kể, người nông dân Nhật làm ruộng bằng cách đi thuê các xí nghiệp nông nghiệp làm cho họ. Và đã có các hãng lớn chuyên làm nông nghiệp phụ trách giúp họ từ việc chọn giống, cày bừa đến bón phân và thu hoạch. Người nông dân chỉ việc ở nhà dùng tiền của mình đầu tư chứng khoán.
Người Nhật đặc biệt lo bảo vệ nguồn lương thực của mình, tạo cho xứ sở một thứ thức ăn không những ngon lành mà còn bảo đảm chuẩn khoa học không gạo nước nào có thể có được. Đã có những thời gian mà chính phủ Nhật do áp lực quốc tế phải nhập một số gạo của các nước khác, khi mang về phân phối cho dân thì không đâu người ta lấy, đến cả cho không cũng không ai nhận. Cuối cùng, số gạo đã mua buộc phải đem đi dùng làm hàng viện trợ cho các nước khác.
Đặt người Việt bên cạnh người Nhật
Cũng nhân thời gian rỗi trên đường xa, Đức kể với tôi về chuyện những người Việt Nam ở Nhật. Đức cho biết thật ra sau 4-1975, số người Việt sang Nhật không phải là ít, nhưng số có thể trụ lại được ở Nhật thì không nhiều và phần lớn là họ phải bỏ qua bên Úc hoặc bên Mĩ làm ăn. Việc du nhập vào cộng đồng Nhật, đòi hỏi sự nỗ lực đặc biệt mà người Việt không quen, chưa kể tiếng Nhật với nhiều người là khó học.
Chưa quen là như thế nào? Dù là mới tiếp xúc với người Nhật và văn hóa Nhật một cách đơn sơ, tôi vẫn có cảm tưởng người Nhật với người Việt Nam như hai đối cực, người nọ là thế giới đảo ngược của người kia.
Người Nhật có tinh thần gắn bó với xã hội, cấu kết với cộng đồng còn người Việt khôn lỏi, chạy vặt.

Người Việt thích phô trương còn người Nhật giấu mình sau vẻ ngoài bình lặng.


Người Việt ồn ào, lắm chuyện coi nơi công cộng là chỗ tự do buông thả còn người Nhật sợ nhất làm phiền người khác cũng như là bị làm phiền.

Bữa qua Miến Điện, tôi nhận ra một điều là không hiểu sao người bên đó có vẻ ít nói, trên đường không có cảnh vừa đi vừa cầm điện thoại tán chuyện. Có thể người Miến Điện không có tiền mua các loại máy mới? Nhưng Nhật là một nước giàu có. Sao dân họ vẫn không có thói nói lắm nói nhiều và xả ra cả khối lượng rác âm thanh ngập ngụa trên mọi ngả đường? Chợt nghĩ chính sự nói lắm nói nhiều nói một cách ba vạ đã giết chết sự suy nghĩ của người mình. Nó làm cho chúng ta thành một xã hội câm nín trước các vấn đề rất lớn đang phải đối mặt.
Xuất khẩu lưu manh
Hôm nay có đến hơn một giờ đồng hồ liền, anh Đức toàn kể chuyện người Việt sau 4-1975 tràn sang Nhật làm những việc gian dối như cờ bạc trộm cắp ra sao, cảnh sát Nhật đã từng bước đấu trí với người Việt để vô hiệu hóa các đồng bào lưu manh của chúng ta thế nào.
Chuyện đấu trí ấy tôi định ghi mà không sao theo dõi nổi. Chỉ nhớ nhất một chi tiết. Có nhiều người Việt sau khi kiếm bẫm bằng con đường bất chính trở về nước,liền lấy cái vốn thu được từ nước ngoài về làm vốn kinh doanh và trở thành đại gia.
Từ việc này nẩy ra hai ý nghĩ bổ sung:
1/ Ở các xã hội lành mạnh thì đám nhà giàu là những người con ưu tú của dân tộc họ. Ở một xã hội cách mạng đang biến chất như ở ta, nhất là ở căn cứ miền bắc ”xã hội chủ nghĩa” thì ngược lại, đám nhà giàu phần lớn là đám lưu manh phất lên trong chiến tranh. Với những đồng tiền kiếm được bằng các thủ đoạn xấu xa, khi trở về nước làm kinh tế, họ có góp phần thúc đẩy sự làm ăn và vì thế cả người dân lẫn chính quyền hoan nghênh họ. Nhưng lùi xa mà nhìn thì thấy đóng góp của những người này không thấm là bao so với sự phá hoại những nguyên tắc đạo đức, tức những tác hại lâu dài, mà họ mang lại.
2/ Ngoài số đại gia trên, hiện còn không ít người Việt, đang sống vất va vất vưởng theo kiểu ăn cắp vặt, buôn lậu, làm thuê làm mướn ở xứ người. Nhớ hồi chống Mỹ bộ máy tuyên truyền của ông Tố Hữu cứ nhét vào đầu mọi người dân cái ý nghĩ:  Ta chiến đấu thế này không phải chỉ vì ta. Ta đang chiến đấu cho cả thế giới. Ta đang trở thành lương tâm nhân loại… . Kỳ cục quái gở thế mà ai cũng thích. Được những tư tưởng kiểu đó quấn chặt vào đầu, nhiều người Việt sau 4-75 ra nước ngoài, tự cho mình làm tất cả những việc xấu xa nhất, bất chấp luật pháp nước sở tại và những nguyên tắc đạo đức thông thường. Một cuộc xuất khẩu thói lưu manh đã kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt.

11 – 6
Thăm các di tích lịch sử
Tham quan chùa Thanh Thủy. Ấn tượng nhất không phải là ngôi chùa, mà là cách dựng công trình tôn giáo này. Cách mà nó bám vào chân hòn núi đá. Cũng lại là một biểu tượng của tinh thần bám trụ của con người vào một thiên nhiên khắc nghiệt.
Buổi chiều tới ngôi Chùa Vàng. Đọc chữ Hán, thấy chính ra chùa này phải gọi là Kim Các tự mới đúng. Tôi thích cả không gian chung quanh chùa và cách mà người ta tạo ra ấn tượng đối với người đi tham quan.
Có một điều mà tôi thấy tin là những chi tiết mà người ta trình bày về ngôi chùa, cái giá trị cổ kính của nó. Các di tích ở Việt Nam thường có những bảng giới thiệu rất luộm thuộm, nhiều lúc có cảm tưởng do những người không hiểu biết viết ra.
(Còn nhớ là lần vào Văn miếu gần đây, khi mà đọc tiểu sử Khổng Tử thấy người ta viết là Đức Thánh Khổng “có đến bốn tác phẩm gọi là Tứ Thư”. Điều này sai vì bốn tác phẩm đó có tên là Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử. Sao lại nói cuốn Mạnh Tử do Khổng Tử viết được?)
Một niềm tin khác, khi đến thăm các công trình kiến trúc cổ, là cảm thấy chắc chắn nó giống như là ban đầu nó đã được hình thành. Trong một cuốn sách về văn hóa Nhật, tôi đọc thấy người ta nêu lên một nguyên tắc khi trùng tu các công trình lịch sử. Là bất cứ thời nào, muốn làm lại các công trình cũ thì cũng phải làm đúng như cái ban đầu, kể từ hình dáng, các chi tiết trình bày cho đến chất liệu kiến trúc.
Một cách tự nhiên, tôi có cảm tưởng, chúng ta có thể tin được nền sử học Nhật Bản, một niềm tin không thể có đối với nền sử học Việt Nam hiện nay.
Trong số các đoàn nội địa tới tham quan tại các công trình kiến trúc lịch sử, ở đâu tôi cũng gặp những đoàn học sinh do các giáo viên già dẫn đường và giới thiệu. Sau được nghe lại, thấy nói là trong chương trình học phổ thông, tất cả các học sinh có quyền được đi tham quan các di tích có ghi trong sử sách. Chi phí các chuyến đi ấy do nhà nước đài thọ và chỉ những người kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới được giao việc hướng dẫn các em.
Tình hình này khiến người ngoại quốc hiểu thêm một điều là không bao giờ các di tích, các thắng cảnh ở Nhật lại có tình trạng tràn ngập khách tham quan như bên Trung Quốc. Hình như những người lớn tuổi của nước Nhật đã tham quan di tích này từ lúc nhỏ rồi, nếu có tham quan chỉ đi lại thôi. Còn ở Trung Quốc, các di tích thường bị lấp đầy bởi người nông dân của các tỉnh xa xôi mà họ muốn đến với các thắng cảnh. Giống như cánh du lịch bụi Việt Nam chúng ta, lấy đi làm cái mốt, đi chỉ để chứng tỏ rằng mình chẳng kém gì người.
Trở lại với quá khứ của Nhật Bản, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc. Một mặt thì cái ảnh hưởng ấy quá rõ và người Nhật không giấu điều này. Ai đó đã nói: “Người Nhật tìm ở Trung Hoa đức trầm tĩnh, vẻ hào hiệp và tính muôn màu muôn vẻ mà họ không thể có”. Mặt khác, suốt trong quá trình lịch sử, người ta cũng bắt gặp nỗ lực của người Nhật hướng theo cái tinh thần, trên cơ sở hoàn thiện mình, đã dám là mình, vui với mình và không ghen tức với người nước ngoài. Đó lại là điều tôi không thấy ở người Việt, văn hóa Việt.
Người Nhật làm du lịch
Những người tổ chức du lịch đã cố gắng cho chúng tôi biết được nước Nhật ở nhiều cung bậc khác nhau. Ví dụ về giao thông họ có bố trí cho chúng tôi ngoài chuyện thường xuyên ngồi trên ô tô, có lúc đi tàu thủy, có lúc đi tàu cao tốc.
Về ăn uống, ngoài những lối ăn nhanh theo kiểu buffet thì họ thường xuyên cũng cho chúng tôi vào những quán ăn tổ chức theo kiểu truyền thống. Ở đó, bọn tôi ngồi bệt xuống đất, chân đặt lên cái hố được khoét rộng chung cho cả bàn, trên bàn đặt nồi lẩu. Cái thú vị nhất đối với bọn tôi nói ra kể cũng phàm tục song cũng xin kể ra kể đây. Thú vị vì, nhìn vào cái nồi lẩu, thịt không bao giờ thiếu. Khi ăn hết, nếu cần chúng tôi có thể gọi thêm mà không phải trả thêm tiền.
Lúc đầu bọn tôi cũng lo lắng có những món ăn của Nhật không hợp khẩu vị, sau thì thấy cũng thích nghi dễ dàng.
Trong các chương trình như là thêm vào buổi chiều hôm nay, có việc chúng tôi đến thăm cửa hàng Kimono. Ở đó, khách du lịch vừa có dịp tham quan cả cơ sở người ta đang dệt vải để làm ra Kimono, và cũng có một buổi biểu diễn thời trang, trong đó những người Nhật trình bày cách sử dụng trang phục này.
Điều “rất Nhật” ở đây lại chính là cái bề ngoài “không chuyên nghiệp”, nó ngay lập tức gợi nên một thoáng thất vọng ở những người Việt thạo đời. Ra vào đi lại trên sân khấu lúc này không phải là những cô gái chuyên môn trình diễn thời trang, mà chỉ những người phụ nữ bình thường, tưởng như họ đang đi ngoài phố, vừa được mời vào.
Phụ nữ Nhật nói chung không đẹp, rất ít khi chúng tôi phải sững sờ cả người như khi sang Trung quốc, bắt gặp các cô gái còn chất quý phái hôm qua. Những cô gái Nhật biểu diễn thời trang ở xưởng làm và bán Kimono cũng không thể gọi là đẹp. Họ trình diện trước du khách như những người thông minh, nghiêm túc, tự trọng, có sự cởi mở với người bên ngoài, mà vẫn giữ cho riêng mình đời sống nội tâm. Những bộ trang phục họ mang ra trình diễn hôm đó không phải là những hàng đắt tiền mà đám dân du lịch Việt Nam – những người đang thèm tiêu tiền — háo hức. Nhưng họ đâu có tính chuyện câu khách. Họ chỉ muốn giới thiệu một nét văn hóa Nhật.
Những dư âm của cuộc động đất
Tiếp tục câu chuyện về người Nhật trong sự so sánh với người Việt Nam. Sự kiện động đất xảy ra cách đây mấy năm vẫn còn trong kí ức người Nhật như chuyện mới xảy ra năm ngoái tháng trước hôm qua. Nhưng, chính lúc đó thì phẩm chất dân tộc của họ được bộc lộ.
Đức nói rằng là, ở đây đã lâu song chính anh cũng rất ngạc nhiên vì cách phản ứng của người Nhật với động đất.
Ví dụ như, khi Tokyo mất điện, người ta đi bộ về nhà có khi đến hàng vài chục cây số, cái cửa hàng bên đường tung hàng ra để phục vụ người đi lại, mặc dù họ không có tiền. Khách sạn cho người đi đường vào ở nhà và không tính tiền.
Sau đó, tinh thần và nghị lực của người Nhật cũng bộc lộ ở việc sự nhất trí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả tai họa. Sau động đất, nhà nước cắt điện một số vùng thì các vùng khác cũng tự động cắt theo giúp nhà nước có được lượng điện dự trữ. Khi công chức đi làm việc, có lệnh chính phủ, công chính không dùng caravat để tránh giặt giũ nhiều thì người thường cũng tuân theo việc đó.
Cả nước bao giờ cũng làm quá hơn so với mức chính phủ yêu cầu. Chỉ có câu khẩu hiệu nêu ra và viết trong các taxi: Nhật Bản hãy cố gắng. Mấy chữ ngắn ngủi thế thôi, mà người Nhật đã hiểu rất nhiều.
Trở lại với ý nghĩ mới hình thành trong tôi mấy ngày nay, hình như với người Việt Nam thì người Nhật ở dạng đảo ngược. Người mình sống trong sự cạnh tranh là phải lấy dối trá quan hệ với mọi người. Trong quan hệ với nhà nước và cộng đồng càng trục lợi kiếm chác cho cá nhân càng tốt. Ở Nhật, giữa cá nhân và cộng đồng có niềm tin chắc chắn. Luôn luôn người ta tin rằng, những nỗ lực cá nhân của người ta sẽ được xã hội hiểu, những người tự trọng không thể làm khác.

12 – 6
Chuyện quanh những ngôi chùa
Ngày cuối cùng ở Nhật
Mấy hôm trước, chúng tôi đã đi qua những thành phố nổi tiếng của xứ sở này như Kyoto, nhưng dù thế cũng chỉ là lướt qua. Hôm nay cũng vậy, mang tiếng là được đến kinh đô cổ kính của nước Nhật là Nara, nhưng chúng tôi cũng chi được đi qua phố xá một quãng, sau đó thì được đến thăm ngôi chùa cổ đọc theo chữ Hán là Đông Đại Tự.
Trên đường phố Nara, bắt gặp những ngôi nhà cổ, loại nhà một tầng mà chắc chắn đã có từ rất lâu đời. Trong việc xử lí những di sản này, chỗ khác của người Nhật vẫn rất rõ. Họ có sự bố trí thế nào để những ngôi nhà cổ rộng rãi hòa hợp tự nhiên với những cao ốc hàng chục tầng bên cạnh,– việc này gợi cảm giác những người sống trong ngôi nhà cổ là những cư dân lâu đời ở đất này, có thể là họ còn giàu có nữa kia thì mới được ở trong những ngôi nhà đó.
Còn ở Việt Nam bên cạnh những cao ốc thường khi cũng có những ngôi nhà rách nát, làm hỏng hết cảnh quan chung. Những cuộc đền bù bất minh, hoặc tâm lý thấy ai giàu có là ghen lồng ghen lộn, ì ra ăn vạ…đã là nguyên nhân làm cho cái cũ cái mới không thể chung sống hòa hợp.
Hai bên đường tới Nara, du khách cũng bắt gặp rất nhiều ngôi chùa. Đây là một địa điểm được mệnh danh kinh đô của Phật giáo, đã từng là địa điểm tổ chúc Đại hội Phật giáo của thế giới.
Nhưng một chuyện buồn lại bắt đầu len vào, khó mà quên được. Đức hướng dẫn viên chỉ hai bên đường và nói rằng ở đây có rất nhiều cửa hàng bán đồ dùng dành cho các nhà sư. Anh kể tiếp, nhiều nhà sư Việt Nam đến Nara này, và điều mà người Nhật bản xứ đã sửng sốt là những nhà sư đó đã mua những trang phục đắt tiền nhất mà những nhà sư các nước khác không dám mua.
Đức có người bạn đã đi theo đoàn Phật giáo ấy, chứng kiến cảnh mua bán của các vị sư. Với thói quen của người Sài Gòn, người bạn ấy có hai phản ứng. Một là lập tức tính sẽ tổ chức những của hàng ở Việt Nam để bán cho giới tu hành hám chuyện làm dáng. Hai là nhiều lúc nghĩ không muốn thành Phật tử nữa bời vì không hiểu vì sao sư mô Việt Nam lại trần tục đến như vậy.
Một chút so sánh và cảm giác về một nước Nhật quá xa xôi 
Khi đi trên đất Nhật tôi hay nhớ lại những lần đến các xứ khác.
Du lịch Trung Quốc, đối với tôi như là một chuyến trở về nguồn. Ở đó tôi nhớ không phải là những lâu đài tráng lệ hay những viên lâm cổ kính sang trọng – không khí như trong phim Hồng lâu mộng – mà tôi còn thấy ở đây có những mặt trái, tức cả đời sống cùng cực của người lao động bình thường. Ở Bắc Kinh, tôi đã vào những ngõ nhỏ mà ở đó người ta từng cụm dân trong hồ đồng phải dùng hố xí tập thể, và con đường quanh co là những mái nhà lợp tôn, lợp ngói cổ cái thấp cái cao như những hẻm nhỏ Hà Nội. Tôi cũng thấy người ta buôn gian, bán lận, nói thách, làm hàng giả theo lối làm tiền. Bởi Việt Nam luôn là Trung quốc bị hạ thấp hẳn xuống thu nhỏ hẳn lại cái tốt bớt dần cái xấu tăng thêm, nên tôi càng hiểu những tệ hại của xứ mình không biết bao giờ mới khắc phục được.
Ngay cả với nước Nga nửa Âu nửa Á, tôi cũng thấy điều gì đó tầm thường dung tục. Hồi còn Liên xô, đó là những đống đất xây dựng ngổn ngang ngay ngoài cửa cách hàng rào sân bay không xa; những phiên chợ nông trường lèo tèo; đám đầu trọc nghênh ngang ngoài đường. Và bây giờ ở nước Nga của Putin, cái tôi còn nhớ khi đọc các bản tin, là những làng xóm vắng vẻ, người đàn ông say rượu, những người đàn bà chỉ lo trau chuốt để bán mình cho các nhà tư sản mới nổi.
Tóm lại thì ở đâu cũng có cái gì đó gần gũi với mình.
Ngược lại, đến với nước Nhật, từ lâu tôi cũng biết là đồng văn đồng chủng, da vàng mũi tẹt, nhưng ấn tượng còn lại thì lại là một cái gì khác hẳn so với những ấn tượng đi Nga đi Trung Quốc. Tôi thấy xã hội Nhật là một cái gì quá đồng đều và quá hoàn chỉnh, do đó là quá xa xôi, người mình không biết bao giờ mới có thể có một xã hội hợp lý như của họ.
Tình thế đó của nước Nhật toát ra không phải từ không khí sinh hoạt của đường phố mà nó thấm vào trong cách sống cách nghĩ của từng con người, cũng như lối sống rời rã, cái năng động hỗn loạn, và tâm lý bèo dạt mây trôi đã thấm vào trong cách tổ chức xã hội của người Việt.
Nhớ lại khoảng thời gian mấy năm 75-76. Quá say sưa vì chiến thắng, người mình có cảm tưởng rằng đã đánh Mĩ được thì làm gì cũng được. Tôi nhớ không phải ở người dân thường mà ở những cấp lãnh đạo cao nhất hồi ấy đã có ngưỡng vọng có ngày Việt Nam sẽ đuổi kịp Nhật. Công thức mà tôi còn nhớ như in là lời truyền miệng như thế này: “Thôi, nói 20 năm thì hơi lạc quan quá, độ 30 năm nữa thì chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật”.
Nhắc lại ảo tưởng đó để hiểu rằng, chiến tranh để đẩy chúng ta chui vào sừng trâu, và ra khỏi chiến tranh chúng ta đã xa lạ với thế giới như thế nào. Ta chẳng hiểu gì về người, mà cũng chẳng hiểu gì về chính mình. Từ đó, trong cái thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, ta vẫn nhắm mắt mở, bước đi loạng choạng xiêu vẹo. Trong sự vội vã điên cuồng lo làm ăn sinh sống, xã hội Việt sau chiến tranh đã trở thành một xã hội mất hết tự tin. Không ai bảo ai, không dám thú nhận, song trong thâm tâm, nhiều người chỉ còn tin rằng sẽ chẳng bao giờ chúng ta sẽ theo kịp thiên hạ. Cách sống thời thượng nhất lúc này là có cái gì bòn mót mang bán lấy tiền. Ăn cắp của nhà nước cũng được, lột da nhau cũng được, miễn có tiền. Rồi đi nước ngoài mua sắm những thứ xịn nhất, mới nhất, hiện đại nhất. Rồi lấy đó làm niềm tự hào rằng người mình cũng đang có sự tiến bộ vượt bậc theo kịp các nước trên thế giới.

Mấy năm gần đây, nhờ sự trợ giúp của phía đối tác nước ngoài, các trường đại học ở ta thường mở ra các cuộc hội thảo văn học so sánh, trong đó nhiều báo cáo của giảng viên Việt trình bày như là có một bước tiến song song giữa văn học Nhật Bản hiện đại và văn học VN thế kỷ XX, rồi bước tương đồng giữa văn học Nhật đương đại và văn học Việt Nam hôm nay.
Trên một số phương diện khác của đời sống cũng vậy. Một cái gì giống như ảo tưởng đang chi phối cái nhìn người Việt khi chúng ta làm cái việc đối sánh giữa mình với người, và người Nhật thì vì lịch sự cũng không tiện bác bỏ. Thường những lúc nghe vậy, trong tôi có cái cảm giác xót xa như khi thấy người ta xoa đầu mình coi mình là một lũ trẻ con. Trong những ngày du lịch bụi ngắn ngủi này, cái cảm giác xót xa ấy lại trỗi dậy để mà càng cảm thấy nó một cách thấm thía hơn.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

SỰ CHẾ TẠO VĂN HÓA CỦA CÁC DÂN TỘC CHÂU ÂU


Anne Marie Thièsse
Người dịch: Nguyễn Mạnh Tiến
Các dân tộc châu Âu là kết quả của một cấu tạo lịch sử. Những nhà trí thức ở TK XIX và XX đã tạo nên những biểu trưng, những anh hùng và những sự kiện. Những tiểu thuyết lịch sử, tượng đài công cộng, triển lãm, bảo tàng và sự giảng dạy đã bảo đảm cho sự truyền bá của chúng. TK XIX của châu Âu là thế kỷ của các dân tộc. Sự chuyển dịch từ châu Âu của các quốc vương sang châu Âu của các dân tộc không chỉ là chuyện các cuộc khởi nghĩa, hội kín và liên minh chiến lược. Nó cũng được chuẩn bị và được kèm theo bằng một cuộc cách mạng hệ tư tưởng và văn hóa lớn, qua đó các dân tộc được xây dựng như những thực thể tập thể và những tác nhân xã hội. Các dân tộc không phải thức tỉnh vào thế kỷ vừa qua để tự giải phóng khỏi chế độ chuyên chế: chúng không tồn tại trước đó.
Ngày nay, người ta thường định nghĩa dân tộc như "một nhóm người nói chung khá rộng lớn, mang đặc trưng về ý thức thống nhất của nó (lịch sử, xã hội, văn hóa) và ý muốn sống chung" (định nghĩa của Le Petit Robert, 1996). Nhưng để thể hiện ý muốn sống chung, đối với mỗi dân tộc trước hết không những phải phát triển ý thức về sự thống nhất ấy mà còn phải xây dựng nó. Vì, vào cuối TK XVIII, nó chỉ mới còn là một định đề, nói chung tương phản với những hiện thực xã hội rõ rệt nhất. Để cho những cộng đồng tưởng tượng ấy (1), tức là các dân tộc, ra đời, còn phải đem lại cho chúng một lịch sử, một ngôn ngữ, một văn hóa chung. Đó là một sự nghiệp khổng lồ, huy động các nhà bác học, nhà văn và nghệ sĩ trong nhiều thập kỷ.
Một dân tộc là gì? Theo cách hiểu chung, được tạo ra vào cuối TK XIX và được làm sống lại gần đây, có hai quan niệm đối kháng nhau về dân tộc. Quan niệm chủ quan, gọi là quan niệm Pháp, thoát thai từ cách mạng: coi việc thuộc một dân tộc là biểu hiện của một sự lựa chọn theo lý trí và có tính hợp đồng để tham gia một cộng đồng. Quan niệm khách quan, được coi là của Đức và gắn với phong trào lãng mạn, xác định sự quy thuộc dân tộc bằng những tiêu chuẩn tộc người và văn hóa. Sự đối lập này là giả tưởng, vì cả hai liên kết với nhau một cách nội tại, ngay cả khi chúng được nhấn mạnh một cách khác nhau tùy theo những bối cảnh chính trị và xã hội.
Dân tộc, hiện thân của nhân dân tối thượng
Ý tưởng dân tộc, theo nghĩa chúng ta đem lại cho thuật ngữ này hiện nay, là đồng chất với cuộc cách mạng tư tưởng lớn ở cuối TK XVIII, chuyển tính hợp thức tối thượng sang cho nhân dân và bác bỏ sự phân chia xã hội thành những trật tự khác nhau. Khác với một nhóm cư dân được xác định bằng sự lệ thuộc vào cùng một quốc vương, dân tộc được coi là độc lập với lịch sử triều đại và quân sự: nó tồn tại trước và sau quốc vương. Do những bất ngờ của lịch sử, nó có thể bị áp bức hay chia cắt, nhưng nó có bổn phận đấu tranh cho sự tự do của mình. Dân tộc được hiểu như một sự sinh đẻ chung do thiết lập một sự bình đẳng và một tình hữu ái có tính nguyên tắc giữa các thành viên của nó. Như ta thấy, ý tưởng này có tính lật đổ, và về mặt dân tộc, nó đặt ra một sự ngang bằng giữa nhà quý tộc hùng mạnh nhất và người cày ruộng nghèo khổ nhất. Nghĩa là nó còn bị phân chia để trở thành sức mạnh biến đổi xã hội và chính trị. Để làm được điều này, nó phải hình thành căn tính tập thể của các thành viên dân tộc, trên đó có thể phát triển một ý thức quy thuộc, xuất phát từ những quy chiếu và những tập quán chung.
Nhiệm vụ này lúc đầu chẳng có gì là hiển nhiên cả, như Ernst Gellner nhấn mạnh (2), do tính đa dạng văn hóa là thông lệ trong các đế chế, các vương quốc và các công quốc thời đại tiền dân tộc. Những quy chiếu về căn tính của các cá nhân được quy định bởi địa vị xã hội, tôn giáo và sự quy thuộc của họ vào một cộng đồng địa phương tương đối nhỏ hẹp và phong phú về đủ mọi loại đặc tính. Ở TK XVIII, tất cả hay gần như tất cả mọi người đã phân chia nhà quý tộc ở Francfort với người nông dân xứ Bade, nhà tư sản ở Milan với viên thư lại ở Rouen, kẻ mục đồng ở Calabre với người thợ thủ công ở Provence. Nếu các căn tính dân tộc Đức, Italia hay Pháp ngày nay là điều không còn nghi ngờ gì nữa, thì đó chính là do một công việc khổng lồ nhằm tạo ra căn tính và giáo dục yếu tố dân tộc đã được thực hiện từ hai thế kỷ nay.
Tại sao người ta lại muốn sống chung? Vì người ta có một di sản tập thể, không thể phân chia và không thể tước bỏ. Đó chính là nền tảng của ý tưởng dân tộc, như Ernest Renan nhấn mạnh trong bài giảng nổi tiếng dưới nhan đề Một dân tộc là gì? (3): "Một dân tộc là một tâm hồn, một nguyên lý tinh thần. Nói cho đúng, hai cái đó chỉ là một, chúng xây nên tâm hồn ấy, nguyên lý tinh thần ấy... Một cái là sự có chung một di sản những kỷ niệm; cái kia là sự đồng tình hiện có, là ước muốn được sống chung, là ý chí tiếp tục phát huy giá trị của cái di sản không thể phân chia mà người ta nhận được". Sự hình thành những căn tính dân tộc là ở chỗ xây dựng những di sản mới nhìn qua là giống nhau một cách rõ rệt ấy. Tất cả các căn tính dân tộc đều khác nhau, nhưng chúng biến đổi theo những loại giống nhau.
Mọi dân tộc được thừa nhận thật ra đều có một lịch sử lâu đời và tiếp tục thiết lập mối liên hệ giữa các tổ tiên sáng lập và hiện tại, một ngôn ngữ, những anh hùng, những tượng đài văn hóa, những tượng đài lịch sử, những điểm ký ức, những truyền thống dân gian, những cảnh quan tượng trưng. Trường tiểu học dạy sự kết cấu của di sản tập thể ấy, mà ngày nay đó là cái khuôn của tất cả những biểu tượng của dân tộc, từ những sưu tập tiền ngân hàng đến những nghi lễ chính thức. Về căn bản, sự hoàn chỉnh đã kết thúc vào TK XIX.
Sự hình thành của các ngôn ngữ dân tộc
Người Pháp nói tiếng Pháp, người Thụy Điển nói tiếng Thụy Điển, người Ba Lan nói tiếng Ba Lan, người Bulgari nói tiếng Bulgari,... Một điều có vẻ tự nhiên đối với chúng ta là mọi dân tộc đều đồng nhất với một ngôn ngữ nói chúng có tính đặc thù. Thế nhưng cảnh quan ngôn ngữ của châu Âu thời Khai sáng hoàn toàn không giống với cảnh quan của chúng ta, khi những biên giới dân tộc trùng hợp ít nhiều với những ranh giới ngôn ngữ học. Trên cùng một không gian, ngôn ngữ được các cá nhân sử dụng phụ thuộc vào địa vị xã hội và bối cảnh giao tiếp của họ. Đám đông dân cư nông thôn nói những phương ngữ chỉ dưới hình thức nói miệng, trong khi nhiều ngôn ngữ viết (ngôn ngữ thờ cúng, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ triều đình) cùng tồn tại.
Các văn bản Viện hàn lâm Berlin được soạn bằng tiếng Pháp theo chỉ dụ của Frederic II nước Phổ, và nhà triết học Johann Gottgried Herder đã trách cứ các nhà quý tộc Đức chỉ nói tiếng Đức với lũ ngựa và lũ đầy tớ của họ. Ở một phần khá lớn của châu Âu, tiếng Pháp là ngôn ngữ triều đình và ngôn ngữ văn hóa, nhưng nhiều người vốn là những người dân của vương quốc Pháp lại không nói tiếng Pháp. Từ Francois I, chế độ quân chủ đã làm cho tiếng Pháp thành ngôn ngữ hành chính của vương quốc; về sau nó lại lập ra một Viện hàn lâm để chăm nom sự thuần khiết và tỏa sáng văn hóa của tiếng Pháp.
Tuy nhiên, vương quốc Pháp lại mang đặc trưng có nhiều thứ tiếng ô hợp (các phương ngữ breton, flamand,...), nhưng nhà vua tuyệt đối không quan tâm tới việc thống nhất các tập quán ngôn ngữ của thần dân. Mọi cái thay đổi cùng với cách mạng. Việc dùng ngôn ngữ nhà vua trước đó là dấu hiệu của địa vị xã hội và có nguồn gốc địa lý, còn việc dùng ngôn ngữ dân tộc đã trở thành một nghĩa vụ đối với tất cả các công dân vì nó chỉ sự quy thuộc vào cộng đồng mà từ nay nắm giữ chủ quyền. Do đó, các patois (thổ ngữ) được coi như những tàn tích của chế độ cũ bị loại bỏ trước thực tế ấy.
Trong toàn châu Âu, sự đồng nhất hóa ngôn ngữ xuất hiện như một điều kiện cần thiết cho sự thực hiện dân tộc như sự thống nhất xã hội và văn hóa. Đôi khi đó là phổ cập việc sử dụng một ngôn ngữ đã có, hoặc trong dân chúng (trường hợp nước Pháp), hoặc bên trong các giới thượng lưu (trường hợp nước Đức). Nhưng rất thường khi phải bắt đầu bằng việc xây dựng ngôn ngữ chung. Đôi khi, có một ngôn ngữ viết, nhưng đó là một ngôn ngữ cổ, không thích hợp với nhiều việc sử dụng: lúc đó phải làm giàu và hiện đại hóa nó (trường hợp tiếng Italia và nhiều thứ tiếng slaves). Có những trường hợp khác, ngôn ngữ viết bị giới hạn vào những sự thờ cúng, khi đó phải xây dựng nó trên cơ sở những phương ngữ được dùng trong dân cư (trường hợp tiếng Phần Lan, tiếng Estonie, các thứ tiếng slave ở Balkan).
Một công việc vô cùng lớn đã được các nhà ngữ văn học thực hiện từ cuối TK XIX để hoàn thiện các ngôn ngữ dân tộc, chuẩn hóa chúng bằng các từ điển và ngữ pháp. Còn việc xúc tiến chúng thì có các hội chiến đấu được thành lập để trợ cấp cho việc ấn hành những cuốn sách và những tờ báo bằng nhiều ngôn ngữ dân tộc; các trường học được mở cửa để dạy những ngôn ngữ ấy. Sự thống nhất ngôn ngữ được tiến hành khá nhanh chóng, theo những chính sách giáo dục và trình độ phát triển kinh tế.
Quá trình tạo dựng ngôn ngữ ấy gắn liền với sự xuất hiện những yêu sách dân tộc mà ngày nay vẫn còn được theo đuổi. Nhất là hiện nay, khi các nhà nước mới thoát thai từ sự tan vỡ của Nam Tư (sự phân chia giữa tiếng serbe và tiếng croate, các thứ tiếng từng được các nhà thông thái xây dựng ở TK XIX như ngôn ngữ thống nhất viết theo hai vần chữ cái, sự tuyên bố lấy tiếng Macédoine làm ngôn ngữ dân tộc, tách khỏi tiếng bulgare). Việc yêu cầu thừa nhận một dân tộc romkhông có lãnh thổ, được đệ trình ở Prague tháng 7-2000, có kèm theo một dự án mã hóa một ngôn ngữ thống nhất từ những phương ngữ được nói bởi những người Rom và Tsigan khác nhau ở châu Âu.
Các lịch sử và các huyền thoại dân tộc
Vào TK XIX, các dân tộc chưa có lịch sử. Chỉ trong những thập kỷ sau đó, những truyện kể đầu tiên vạch lại sự tồn tại của những thực thể ấy qua các thời đại mới được những nhà trí thức tự do và yêu nước soạn ra. Các lịch sử dân tộc khác về căn bản với các lịch sử nhà vua. Một dân tộc không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ các láng giềng. Qua các thế kỷ, nó chỉ chống lại áp bức và xâm lược, quyết liệt bảo vệ mảnh đất do tổ tiên mình để lại với những vấp váp và những bất hạnh. Những anh hùng của nó thuộc về tất cả mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người bình thường nhất: những nông dân (hiếm khi là nữ nông dân) đứng lên quyết liệt chống lại kẻ thù và các bạo chúa. Tính thống nhất hàng đầu và tính thừa kế lâu đời của thực thể dân tộc là hai nguyên lý căn bản của các lịch sử dân tộc, do đó chúng che đậy sự khác biệt của các lịch sử vùng hay các xung đột giữa các bộ phận của dân tộc. Ngược lại, tất cả những thời điểm, dù rất tạm thời, của sự đoàn kết chiến lược đều được đánh giá cao. Trong lịch sử dân tộc Pháp, người ta biết rõ di sản của sự liên minh giữa vài thủ lĩnh gaulois trước quân đội La Mã!
Lịch sử dân tộc nêu bật những tình tiết và những gương mặt tiêu biểu, đó cũng là những bài học và những khuôn mẫu cho những cuộc chiến đấu sắp tới. Nó tạo ra một ký ức tập thể để về sau tất nhiên được truyền bá bằng giáo dục và cũng bằng cả một tập hợp sáng tạo văn học và nghệ thuật rộng lớn. Tiểu thuyết lịch sử, do Walter Scott khai trương đầu TK XIX, là một phương tiện có hiệu quả để truyền bá rộng rãi trong dân chúng sự nhận thức lịch sử dân tộc về mặt tình cảm và sự đồng nhất với các anh hùng của nó. Các tiểu thuyết Risorgimento ở Italia, trong những năm 1830, đã cổ vũ các cuộc đấu tranh chống những bạo chúa nước ngoài và tôn vinh việc xây dựng Liên minh Lombardie chống lại Fréderic Barberouse, và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức thống nhất của Italia, tiền đề của sự thống nhất.
Vô số tranh lịch sử vẽ vào TK XIX cũng đóng vai trò như vậy: được sao lại hay bắt chước vô tận trên những tranh khắc hay những đồ vật trong nhà, chúng biến lịch sử dân tộc thành cảnh trang trí trong cuộc sống riêng tư. Với sự phát triển của đô thị hiện đại, những pho tượng vĩ nhân trở thành sự trang trí thường gặp thấy ở những nơi công cộng. Ở sân khấu, nhà hát nhạc kịch, các cử tọa, tâm hồn người ta dễ rung động về lịch sử chung. Những lễ tưởng niệm lớn nảy nở mạnh mẽ trong thế kỷ này cũng phát triển một cách có hệ thống sự tôn vinh tính cộng đồng xuyên thế kỷ ấy.
Cùng với sự phát triển lịch sử dân tộc, đã xuất hiện một loại di sản tập thể mới, những tượng đài lịch sử. Cho đến lúc đó chỉ mới tồn tại những tòa nhà tương đối cổ kính được xác định bởi việc sử dụng chúng. Chủ nhân của chúng có thể làm gì tùy thích. Nếu họ có tiền, họ hiện đại hóa chúng cho thích hợp với sở thích đương thời. Những nhà thờ roman hay gôtic, cứ từng thời gian, lại được làm đẹp đều đặn theo một dáng mới, và để cho oai, người ta chạm một dàn hợp xướng của TK XIII lên một bàn thờ barôc. Một ông chủ nghèo khổ hoặc lo lắng tới việc hợp lý hóa tài sản của mình rất lấy làm thích thú khi chuyển một tu viện cũ hay một lâu đài phong kiến thành một công trường đá.
Cả ở đó nữa, mọi cái đã thay đổi với sự xuất hiện nguyên lý dân tộc. Nguyên lý này đặt ra quyền cao nhất của tập thể đối với một số tòa nhà được đánh giá lại như những công trình lớn của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên khi những công việc đầu tiên trong lĩnh vực này được tiến hành tiếp theo cách mạng Pháp, và khi tu viện trưởng Grégoire bày đặt ra thuật ngữ nạn phá hoại văn vật (vandalisme) chỉ một kẻ dã man, một kẻ bên ngoài tồn tại mới có thể xâm phạm di sản tập thể như vậy. Nhưng còn cần phải xác định những gì thuộc về di sản này.
Các học giả, nhà văn, họa sĩ hồi đó cố phân biệt cho được, trong số những công trình ấy, những cái nào đặc biệt thuộc về lịch sử dân tộc và cái nào là đối tượng sùng kính riêng của cộng đồng. Chẳng hạn, năm 1831 ở Paris, đã xuất bản một tiểu thuyết lịch sử lấy nhà thờ làm nhân vật của nó. Tác giả Nhà thờ Đức Bà Paris tặng cho độc giả của nó một bài học về lịch sử thời Trung đại, trong đó những người nghèo được dành cho một phần thật đẹp: tác giả cũng cho độc giả một bài học về kiến trúc gôtic cho đến lúc đó còn chưa được chú trọng mấy. Đến mức Victor Hugo phải thốt lên: "Hãy bảo toàn những tượng đài lịch sử của chúng ta. Nếu có thể được, hãy đem lại cảm hứng của dân tộc đối với tình yêu kiến trúc dân tộc".
Vài năm sau, một ủy ban tượng đài lịch sử được chính thức thành lập, chịu trách nhiệm lập danh mục các tòa nhà sẽ là đối tượng bảo tồn và khôi phục. Cũng trong thời gian này, giai cấp tư sản Đức được huy động vào một công việc lớn do vài học giả Rhénanie khởi xướng: khôi phục Nhà thờ Cologne, để nó trở thành một ẩn dụ về việc xây dựng sự thống nhất của nước Đức.
Bản tính dân tộc: một cảnh quan tượng trưng
Trong cả TK XIX, còn có thêm một sự dân tộc hóa có hệ thống tiếp theo sau tất cả những sản xuất văn hóa của các thời đại trước đó: những tác phẩm văn học nghệ thuật của các thế kỷ trước được phân loại lại theo những thẩm định dân tộc, thường là hoàn toàn vô nghĩa đối với thời kỳ chúng được sáng tạo ra. Như vậy là đã tăng thêm việc hiểu dân tộc như một cái đã có sẵn, mà các thế hệ hiện tại có nghĩa vụ phải trung thành và truyền thụ.
Ngày nay, khi nhìn một tấm biển quảng cáo du lịch, chúng ta biết cách đoán ra địa chỉ được nhắm tới. Những nếu như chúng ta có thể liên kết ngay một cảnh quan với một xứ sở, thì đó là do đã thực hiện ở TK XIX một công việc vô dùng rộng lớn về mã hóa bản tính dân tộc. Các họa sĩ, nhà thơ, nhà tiểu thuyết đã cách điệu hóa và tôn vinh những cảnh quan tượng trưng của dân tộc, được coi là hiện thân của tâm hồn dân tộc. Chính do sự đồng nhất dân tộc với cảnh quan tượng trưng của nó mà Bộ Di sản văn hóa Italia, cách đây vài năm, đã chống lại việc đặt một chiếc đèn chiếu quảng cáo thương hiệu ô tô Thụy Điển lên những ngọn đồi Toscane. Việc quy định cảnh quan dân tộc thường được thực hiện theo lối phân biệt. Tự tách ra một cách căn bản khỏi nước Áo và những thung lũng núi Alpes của nó, Hunggari hiện thân ở Puszta (đồng bằng lớn) mà các họa sĩ và các nhà thơ hình dung như một thứ biển lục địa bị gió quét tung lên, tượng trưng cho một sự tự do quyết liệt. Thụy Sĩ, với lãnh thổ khá hẹp so với các cường quốc láng giềng, được phóng chiếu qua những đỉnh cao lấp lánh và những núi băng. Cảnh quan dân tộc Na Uy được tạo bằng những vịnh dựng đứng đến chóng mặt, tương phản với những cánh đồng xanh rờn của Đan Mạch, người chủ cũ của đất nước này, cũng như những cánh rừng không kém xanh của người chủ cuối cùng là Thụy Điển. Sự quy định về thực vật cho thấy rõ hơn những chỉ dẫn về địa hình: bạch dương Nga, thông Phần Lan, sồi Đức, bách Italia.
Cảnh quan dân tộc Pháp thật phức hợp, vì nó hiện ra chủ yếu dưới những hình thức một chuỗi cảnh quan vùng rất rõ rệt nhưng cũng rất khác nhau. Thật vậy, vào TK XIX đã hình thành một quan niệm về tính đặc thù Pháp, dựa vào tính đa dạng về những tài nguyên thiên nhiên của đất nước: nước Pháp có lẽ là một kiểu tóm lược lý tưởng của châu Âu. Ý tưởng này có một hệ quả: nước Pháp, sự kết hợp hài hòa của những tương phản, đúng là mảnh đất của sự điều hòa. Thể hiện ở cảnh quan: một thung lũng cỏ rập rờn khi hiện ra hiền hòa dưới một bầu trời phơn phớt mây; những cây tạo thành một cái lùm mà không phải một khu rừng; một ngôi nhà ở xa xa. Tất cả đều là những tổng hợp yên bình...
Giống như những tượng đài lịch sử, những cảnh quan tượng trưng cũng trở thành đối tượng làm tranh tượng và văn chương, sau đó được phổ biến rộng rãi bằng nhiếp ảnh, bưu thiếp, các tấm quảng cáo. Nhiều chiến dịch động viên và nhiều hội được lập ra để bảo vệ chúng. Cả ở đó nữa, nguyên tắc về các quyền cao nhất của tập thể đối với các bất động sản cũng được đặt ra, khiến cho người sở hữu chúng không thể thay đổi theo ý thích của mình được nữa. Những quyết định chính thức đầu tiên về bảo vệ các phong cảnh tự nhiên ở Pháp được đưa ra năm 1861: những quyết định này giới hạn các khu phải được bảo vệ ở trạng thái tự nhiên trong rừng Fontainebleau, nghĩa là giống hệt với những bức tranh được vẽ ra vài chục năm trước đó.
Các folklore và sự bày đặt ra truyền thống
Ở TK XIX, người nông dân trở thành thực thể dân tộc tiêu biểu nhất. Tầng lớp nông dân được coi như một loại bảo tàng sống về những nguồn gốc dân tộc, các bảo tàng này đã nắm giữ được một sợi chỉ trực tiếp với tổ tiên xa nhờ có những truyền thống của nó. Nó cũng không được coi như đã có những quan hệ thân thiết với mảnh đất dân tộc. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi có rất nhiều cuộc điều tra và sưu tầm tộc người học được tiến hành, mà mục đích được nêu rõ là để khám phá những cơ sở đích thực của các văn hóa dân tộc.
Những người sưu tầm đầu tiên, vào cuối TK XVIII, đã tung ra một tiếng kêu báo động: các truyền thống sắp biến mất mãi mãi, thâu thập chúng là một nghĩa vụ yêu nước cấp bách. Nhưng thời gian càng trôi đi thì các folklore lại càng phong phú. Ở đâu những nhà quan sát đầu tiên phàn nàn vì đã đến quá muộn, thì vài chục năm sau, những người tiếp nối họ lại tìm được những sự mô tả phong phú: đặc biệt đó là trường hợp những trang phục truyền thống, được mô tả và minh họa dồi dào từ những năm 1830. Dường như sự bày đặt ra truyền thống, nói theo một cách nói nổi tiếng (4), hay ít ra sự cải tiến chúng, đã giữ một vị trí quan trọng trong nhiều folklore dân tộc của TK XIX.
Dù sao, các dân tộc châu Âu càng công nghiệp hóa và đô thị hóa bao nhiêu, thì chúng càng ghi khắc căn tính của mình theo sự quy chiếu vào tính cổ xưa và vào thế giới nông dân bấy nhiêu. Trong những cuộc trưng bày lớn về căn tính của mình, tức là các cuộc triển lãm quốc tế, từ năm 1951, những gian hàng máy móc nằm cạnh những triển lãm về truyền thống dân gian của dân tộc và những làng tộc người học. Được tạo ra bằng những ngôi nhà truyền thống nói chung xây dựng nhân dịp này, đôi khi đặt vào một bối cảnh gợi lại cảnh quan dân tộc tượng trưng, các ngôi làng này làm cho khách thăm triển lãm thích thú ngắm nghía những người nông dân ăn mặc một cách tiêu biểu đang vắt sữa bò và làm các nghi lễ vào giờ giấc đã báo trước trong chương trình.
Khu Thụy Điển của Triển lãm quốc tế tại Paris năm 1878 đã thành công lớn và đem lại một xung lực quyết định để mở ra các bảo tàng tộc người học ở tất cả các thủ đô lớn châu Âu. Các bảo tàng này rõ ràng được dành làm những nơi giáo dục yêu nước và gây cảm hứng về một văn hóa dân tộc đích thực. Sự xuất hiện và phổ biến nguyên lý dân tộc gắn chặt với những biến đổi kinh tế và kỹ thuật: đó chính là các cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Nhưng, như Anthony D.Smith (5) nhấn mạnh, chính những nhà trí thức và nghệ sĩ đã hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc, xây dựng gia tài tượng trưng và vật chất bằng cách đem lại hình thức và sức mạnh động viên cho nó. Những sáng tạo văn hóa tỏ ra có hiệu quả lớn, cho phép tạo nên những hình thức tổ chức xã hội và chính trị bền vững. Nhiều tấm gương hiện nay (Québec, các nhà nước thoát thai từ Liên Xô, những chủ nghĩa dân tộc vi mô phương Tây) còn cho thấy rằng việc tạo dựng một gia sản văn hóa tập thể đang đóng một vai trò hàng đầu trong yêu sách dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. B.Anderson, Cái tưởng tượng dân tộc: suy nghĩ về nguồn gốc và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc, La Découverte, 1996.
2. E.Gellner, Các dân tộc và các chủ nghĩa dân tộc, Payot, 1989.
3. E.Renan, Một dân tộc là gì?, bài giảng ở Sorbonne ngày 11-3-1882.
4. E.Hobsbawm, T.Ranger, Sự phát minh ra truyền thống, Cambrridge University Press, 1983.
5. A.D.Smith, Căn cước dân tộc, Pengun books, 1991.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Sáng tạo trong dạy và học (2)

   

Chào các bạn,
Phần chia sẻ tiếp đây là nội dung buổi training của GS Richard, được chia thành 2 phần chính:
Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching
  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
  2. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
  3. Ai là người có thể đứng lớp giảng dạy
Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
  1. Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối nằm ở đâu?
  2. Làm thế nào để kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning

Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
  1. Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối ở đâu ra?
Vậy thì chúng ta học với các phong cách như thế nào?
Trước hết là ở bất cứ môn học nào thì không cần phải tranh cãi chúng ta cũng thấy được là: Những điều thầy dạy một trăm, một triệu thì bao giờ học trò cũng nắm được một đôi phần có khi là không nắm được gì hoặc hiểu sai lệch.
Yếu tố quyết định phần dạy của thầy là: Đam mê, tâm huyết, khả năng, kiến thức chuyên môn, phương pháp phong cách dạy và truyền đạt. Ví dụ như là bao nhiêu năm kinh nghiệm, được ai đào tạo và đào tạo ở đâu, khả năng tự học đến đâu, khả năng sáng tạo đến đâu…
Yếu tố quyết định phần học của trò là: Động lực, phương pháp và phong cách học. Ví dụ học để đi thi, học để có kiến thức, học để xin việc kiếm tiền, học để yêu người.
h5
Mô hình về các phong cách học có thể chia thành các cặp nhóm chính như sau
  1. Sensing learner vs. Intuitive learner / Người học qua giác quan vs. Người học qua trực giác
  2. Visual learner vs. Verbal learner / Người học qua hình ảnh thị giác vs. Người học qua ngôn ngữ lời nói
  3. Active learner vs. Reflective learne/ Người học qua thực nghiệm hành động vs. Người học qua chiêm nghiệm
  4. Sequential learner vs. Global learner/ Người học qua sự kiện rời rạc vs. Người học qua bức tranh tổng thể
Một điểm lưu ý là trong mỗi chúng ta đều có một phần trong tất cả các learning style này, chỉ là mức độ mạnh yếu rõ rệt khác nhau. Có người thì cực kỳ rõ rệt, có người thì style nào cũng trung bình ở giữa. Và trong một lớp học hay một nhóm thì bao giờ cũng có đủ loại học sinh với các learning style này. Cho nên nhiệm vụ của thầy là cần keep balanced cho chương trình học để đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện cho tất cả các phong cách học của học trò là vậy.
Qua nghiên cứu thực nghiệm cho thấy một trong những cái mismatch – mất tương xứng –  lớn nhất xảy ra đó là phần lớn giảng viên đại học có learning style trái ngược với sinh viên. Chúng ta sẽ đi tiếp sâu vào hơn các loại learning style này và sự không tương thích này và cách khắc phục và cân bằng trong bài giảng mà GS Richard đưa ra.
Với kinh nghiệm của mình thì do cái sự mismatch luôn luôn tồn tại này thì trước hết cần phải  Nói và viết giản dị. Truyền thông thật giản dị và giản dị
h6
1        Sensing learner vs. Intuitive learner / Người học qua giác quan vs. Người học qua trực giác
Sensing learner – Người học qua giác quan
Đúng như cái tên là Người học qua các giác quan, người học với style này thích và tiếp nhận qua các thứ bên ngoài có tác động đến giác quan (external input) như sờ mó, nếm ngửi.
Người học qua thực tế, quan sát, làm thí nghiệm.
Thích các facts, sự kiện, sự vật con số, tính toán. Để ý những chi tiết nhỏ.
Lúc nào cũng đòi hỏi có phương pháp cụ thể để giải toán hoặc phải có phương pháp vạch sẵn cho một vấn đề để giải quyết.
Thích làm việc với những chi tiết nhỏ tỉ mỉ, có tính lập lại, tính toán.
Thường phàn nàn là các môn học không có tính thực tiễn, kiến thức không áp dụng được với thực tế.
Vấn đề trong khi làm bài kiểm tra: thường bị thiếu thời gian vì để ý và tốn quá nhiều thời gian cho những chi tiết nhỏ.
Intuitive learner – Người học qua trực giác
Người có style này tiếp nhận thông tin và kiến thức qua trực giác (internal input) như là suy nghĩ, trí nhớ, hình ảnh.
Có khả năng tưởng tượng tốt và rất nhanh, định hướng tốt.
Luôn tìm kiếm ý nghĩa the meaning behind điều gì đó mà bỏ qua các chi tiết nhỏ lặt vặt.
Thích những thứ trìu tượng, lý thuyết, mô hình.
Thích học nhiều môn đa dạng, không thích những thứ lặp lại.
Thích làm việc với các concepts, ý tưởng.
Thường phàn nàn về những bài học có tính lặp lại nhàm chán.
Vấn đề trong khi làm bài kiểm tra: bị mất điểm do những lỗi nhỏ cực kỳ ngớ ngẩn
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Hầu hết các sinh viên ở bậc đại học là sensing learner – sensor, khoảng 70%.
Hầu hết các giảng viên là intuitive learner – intuititor.
Cách khắc phục
Quay lại nguyên tắc cân bằng khi đi làm dâu trăm sinh viên đó là kết hợp lý thuyết và thực hành. Đưa các bài giảng lý thuyết nhỏ trong phòng lab và các thì nghiệm nhỏ trong bài giảng, sử dụng hình ảnh, biểu đồ và phân tích ý nghĩa…
2        Visual learner vs. Verbal learner / Người học qua hình ảnh thị giác vs. Người học qua ngôn ngữ lời nói
Visual learner – Người học qua hình ảnh thị giác
Luôn đòi hòi chỉ cho tôi thấy: Hình ảnh, biểu đồ, hình vẽ, sơ đồ (a picture is worth a thousand words).
Verbal learner – Người học qua ngôn ngữ lời nói
Yêu cầu giải thích cho tôi: ý nghĩa bằng từ ngữ, diễn giải bằng lời nói, văn bản.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
95% chúng ta là visual learners trong khi đó hầu hết nội dung, textbook và sách biểu đạt bằng từ ngữ và không có nhiều hình ảnh (trừ text book của mấy ngành nghệ thuật, kiến trúc).
Cách khắc phục
Lấy ví dụ, hình ảnh, vật thể cụ thể. Cái này rất dễ search trên Google và Youtube. Google search by Images is an excellent source. Ngoài ra cho engineering có SMETE và MERLOT digital libraries mới đây có coursera.
Hồi mình học đại học, những lúc làm viết luận bao giờ mình cũng lấy rất nhiều hình ảnh minh họa cho bài luận. Và mình rất khó chịu khi thầy cô giảng không có hình ảnh minh họa.
h7
3        Active learner vs. Reflective learne/ Người học qua thực nghiệm hành động vs. Người học qua chiêm nghiệm
Active learner – Người học chủ động qua thực nghiệm hành động
Rất chủ động làm cái gì đó với các vật liệu công cụ thí nghiệm.
Muốn nhảy vào làm ngay lập tức để kiểm chứng “let’s try it out and see how it goes”.
Học thì thường đọc to, nói to, ầm ĩ.
Thích làm việc nhóm.
Reflective learne – Người học qua chiêm nghiệm
Thường là thích suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Làm việc một mình, im lặng.
Trì hoãn sự bắt đầu “let’s think it through and then try it”.
Thích học một mình hoặc là chỉ học với một người khác chứ không phải một nhóm.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Tất cả các lớp học thì đều có tất cả các thể loại người học qua thực nghiệm và chiêm nghiệm. Nhưng hầu hết các lớp học (trừ trong phòng lab) đều là BỊ ĐỘNG (passive) tức là: người học chủ động qua thực nghiệm thì không có thực hành và người học chiêm nghiệm thì không có khoảng thời gian chiêm nghiệm trong bài giảng ở trên lớp.
“the active learners don’t get to act on the material presented, the reflectice learners don’t do much reflecting during the lectures”.
Cách khắc phục
Để làm cho lớp học trở nên CHỦ ĐỘNG (active): đưa vào những khoảng ngắn dưới 3 phút có những hoạt động nhóm và các nhân để cung cấp những thực hành và phản hồi cho những concepts và phương pháp khó. Điều này tạo cơ hội cho cả hai nhóm actioners and reflectioner tiếp thu được.
Tham khảo thêm và download tại đây: Active learning: An Introduction
4        Sequential learner vs. Global learner/ Người học qua sự kiện rời rạc vs.Người học qua bức tranh tổng thể
Sequential learner – Người học qua sự kiện rời rạc
Cắt nghĩa qua những tư duy phân tích logic từ A suy ra B ra C.
Hoạt động tiếp nhận kiến thức thông tin dựa trên những thông tin rời rạc (function with partial understanding of information).
Có những bước tiến rất đều trong khóa học.
Dễ dàng giải thích các khái niệm concepts.
Tốt trong tư duy phân tích, nhìn rõ từng cây từng cá thế riêng lẻ.
 Global learner – Người học qua bức tranh tổng thể
Tiếp nhận thông tin rất ngẫu nhiên sau đó tổng hợp thành bức tranh lớn – synthesize the big picture through random information.
Hoạt động tiếp nhận kiến thức dựa trên những bức tranh lớn tổng thể để kết nối các sự kiện.
Không có những bước tiến đều đặn nhưng thường có những bước tiến vượt bậc.
Không dễ dàng giải thích ngay lập tức các khái niệm concepts.
Tốt về tư duy tổng hợp, nhìn thấy bức tranh lớn của cả một cánh rừng.
MISMATCH – mất tương xứng ở đâu?
Hầu hết sinh viên, người học, giảng viên, người soạn sách hay nói đúng hơn là tất cả chúng ta là những người tư duy rời rạc. Đây không hẳn là một điều mất tương xứng NHƯNG
Những người học global learners là thiểu số rất nhỏ và họ có vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội, ví dụ như Einstein là một trong số global learners. Nguy cơ của hệ thống giáo dục và trường học hiện nay đánh mất những con người này là không cung cấp và trang bị được cho những người học global learners những bức tranh tổng thể để liên kết sự việc.
Cách khắc phục
Điều này quay lại việc cân bằng trong bài giảng bởi vì trong khi thời gian thì có hạn không thể nào đưa đủ thứ thông tin vào bài giảng. Cho nên đòi hỏi người soạn bài giảng bài phải có bước review về topic mà mình dạy để đưa ra những bức tranh lớn; cung cấp thêm những tài liệu tham khảo cho người học nếu họ có nhu cầu tìm hiểu thêm.
Ví dụ nếu mà giảng về môi trường, ô nhiễm thì từ những hành động nhỏ như tiết kiệm điện, tiết kiệm nước của cá nhân ảnh hưởng môi trường toàn cầu ra sao. Mình quan sát đây là một lỗi rất phổ biến ở các trường dạy về khoa học kỹ thuật. Ngay từ đầu vào sinh viên, học sinh không hiểu background của môn học, không hiểu liên quan thực tế như thế nào mà chỉ cắm cúi tính toán. (Bản thân mình xưa nay các môn tính toán lúc nào điểm cũng kém thậm tệ)
Đi sâu xa hơn về tâm lý học, triết học thì đòi hỏi người giảng dạy nắm rất chắc để áp dụng vào giảng dạy. Điều này áp dụng cho những môn intangible như là tư duy tích cực hay Thiền thì đi từ cái cụ thể tại sao kiểm soát cảm xúc hơi thở của mình lại liên quan đến giữ gìn hòa bình thế giới…
Nhắc lại một điểm lưu ý là trong mỗi chúng ta đều có một phần trong tất cả các learning style này, chỉ là mức độ mạnh yếu rõ rệt khác nhau. Các bạn có thể sẽ thấy hiện nay rất nhiều những test xuất hiện nhan nhản về personality về phong cách, tính cách để hướng nghiệp chọn nghề đủ kiểu. Nhưng thầy cô giáo và cha mẹ rất không nên dựa vào cái đó để hướng nghiệp sinh viên học sinh. Điều này GS Richard Felder cũng nhắc lại.
h8
CÂU HỎI: Trong buổi training có rất nhiều người, hay cũng có thể chính bạn đặt câu hỏi này: Vậy tại sao lại có sự mismatch, mất tương xứng giữa phong cách dạy và học này?
Trả lời: Rất đơn giản, do quá trình chọn lọc tự nhiên, self-seletion process cho bậc đại học mà thôi. Từ sinh viên đại học, đến master, rồi PhD, số lượng dần dần giảm. Và phong cách học từ khi còn nhỏ tới qua bậc đại học cũng thay đổi là chuyện rất bình thường do tâm lý, môi trường được giáo dục và tự giáo dục của bản thân.
Mình tự quan sát bản thân mình cũng thấy vậy. Ví dụ như còn bé, học theo đúng kiểu active, tức là thấy cái gì cũng muốn mở tháo tung nó ra xem bên trong ra sao, như là thấy cái đồng hồ dây cót nào cũng tháo tung tóe rồi không bao giờ lắp lại được; lớn lên thì thích ngồi yên đọc sách hơn. Ví dụ vậy…
  1. Làm thế nào để lôi kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning and teaching
Đặt câu hỏi, thúc đẩy sinh viên đặt câu hỏi (tham khảo kỹ hơn tài liệu trên website của GS Richard)
Rõ ràng là trong lớp có trao đổi, hỏi đáp thì đỡ boring và buồn ngủ hơn là thầy độc thoại một mình rồi. Áp dụng việc đặt câu hỏi cụ thể cho các bài giảng như thế nào thì bạn có thể tham khảo kỹ hơn tài liệu trên website của GS Richard.
Một cách rất đơn giản GS Richard đề cập và mình cũng thấy nó rất hiệu quả ở mọi lớp học đó là những câu hỏi lửng kích thích tư duy ví dụ: có một cái biểu đồ thì chưa đưa tất cả ra vội và chỉ đưa ra cái khung thôi, còn đồ thị lên xuống như thế nào thì hỏi sinh viên và khán giả đoán xem xu hướng lên xuống ra sao. Có thể sinh viên không cần trả lời nhưng cách đó cũng giúp sinh viên chủ động suy nghĩ ngay tại đó.
Mình có những ông thầy thích tranh luận và muốn sinh viên đặt câu hỏi đến mức mà ông giảng xong 1 đoạn, dừng lại rồi hỏi có câu hỏi gì không. Có khi sinh viên còn chưa kịp tiêu hóa để có câu hỏi thì ông nói: “if you do not have any question, then I have to ask you. So, ASK ME NOW!!! (very loud voice!)
May quá có người hỏi một câu. Ổng nói là: “I’m glad you asked otherwise it could be an awkward moment.” :D
Mang trực quan thí nghiệm cho phép vào trong lớp học
Mình nhớ một lần xem video bài giảng môn Vậy lý ở đâu đó, ông giáo sư biến lớp học như một phòng thí nghiệm, bài học về con lắc ông giáo sư đã tự treo mình lủng lẳng làm con lắc để miêu tả cho học sinh.  Những hoạt động như vậy dễ tạo kích thích cho học sinh đặt câu hỏi.
Tất nhiên là trong điều kiện cho phép chứ nếu những thí nghiệm liên quan đến cháy nổ khói lửa tùm lum thì phải thực hiện ở phòng lab yêu cầu an toàn nghiêm chỉnh.
Làm phiếu đánh giá

Đừng ngại sinh viên, đồng nghiệp đánh giá mình. Không có người góp ý thì mình đâu khá lên được. Các trường ở các nước đều có phiếu đánh giá giảng viên hàng kỳ. Sinh viên bây giờ rất giỏi, có thể làm việc cùng giảng viên góp ý và giúp mình cải thiện.
(Thế nên các cô cậu sinh viên mà giỏi quá thì cũng đừng nên tự hào mà trách móc thầy cô, hãy cùng học và dạy lại thầy cô, bạn bè)
Mình làm nghiên cứu sinh mà đến giáo sư hướng dẫn của mình hiện giờ cũng vậy. Điều gì ông giúp được, ông nói sẽ giúp hoặc tìm người giúp. Có những thứ mình phải tự học và dạy lại ổng. Không ai có thể biết hết mọi thứ.
Ở Việt Nam, trường đại học chưa yêu cầu phiếu đánh giá thì giảng viên có có thể tự làm phiếu đánh giá cho lớp học của mình 2 lần cho 1 kỳ để điều chỉnh dần nội dung khi mà mới bắt đầu dạy. Phiếu đánh giá như thế nào thì tùy thuộc vào mục đích mình muốn truyền đạt cho học sinh. Nên tham khảo những mẫu phiếu đánh giá mà có thể thu được nhiều thông tin và phản hồi nhất từ học sinh vì tâm lý ai cũng lười làm phiếu đánh giá.
NGUY CƠ
Trong tài liệu của GS Richard có đề cập đến nhiều giảng viên và giáo viên khi mới thực hiện và cố gắng thực hiện active learning class thì một số risk nguy cơ hay những trường hợp có thể dẫn đến mà người dạy cần kiểm soát trong lớp học khi mà:
Để phần câu hỏi tranh luận diễn ra quá dài cháy bài giảng: stay focus.
Nhóm hoàn thành rồi nhóm chưa.
Chẳng có phản hồi nào từ sinh viên cho câu hỏi đặt ra (cái này cần phải work out rất nhiều nữa cho kỹ năng đặt câu hỏi của học sinh, sinh viên Việt Nam).
Sinh viên chưa biết cách làm việc nhóm
Sinh viên chưa biết cách đặt câu hỏi
Lớp quá ồn
Sinh viên phàn nàn là thầy cứ dạy những cái gì ở đâu, chả có dẫn đến cái point nào: make sure students understand your points, let them know what you expect them to get from the lectures.
h9
Cuối cùng, Richard Felder mất 15 năm dạy học để nhận ra rằng “something is going wrong with my way of teaching and how student’s learning” do đó ông mới bắt đầu trăn trở tìm hiểu và tìm cách cải thiện bằng cách hiểu về learning and teaching style qua tìm hiểu tâm lý học, truyền thông…. Và lời khuyên cuối cùng kết thúc khóa học của ông là nếu bạn mới đi dạy, chưa biết làm gì thì find a star to follow! Sẽ luôn luôn có một star ở mọi trường đại học, ở mọi nơi để mà học đó chính là Tìm thầy giỏi mà học, đó chính là when the student is ready the teacher appears
Chúc các bạn sáng tạo vượt bậc trong dạy và học.
Thân mến,
Thu Hằng

Sáng tạo trong dạy và học (1)

   

Chào các bạn,
Bài chia sẻ này là kết hợp những kinh nghiệm của mình và report trong một training mà mình có được tham dự về Innovation in Learning and Teaching – Sáng tạo trong dạy và học, một điểm mà Việt Nam còn phải nỗ lực cố gắng rất rất rất nhiều.
Mình tham dự của GS Richard Felder, North Carolina State University. Giáo sư có vài chục năm kinh nghiệm về sáng tạo trong phương pháp dạy học, đặc biệt là cho khối ngành công nghệ kỹ thuật. GS Richard Felder thường được các trường đại học công nghệ hàng đầu ở Châu Á mời đến giảng dạy về phương pháp giảng dạy trong giáo dục bậc đại học.
Sáng tạo trong dạy và học là những điều cực kỳ thiết yếu không chỉ cho các giáo viên mà cho tất cả các học sinh, sinh viên. Và một trong điểm sáng tạo đó là cần phải hiểu teaching and learning style của mình ra sao để phát huy và cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Các trường đại học lớn trên thế giới hiện nay có môn Technical communication dành cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối khoa học kỹ thuật để có thể biết cách giao tiếp truyền tải kiến thức tới audience. Việc này là để tránh khi mình đang thao thao bất tuyệt nói về một con khủng long còn khán giả hay học trò ngồi dưới hoặc là chẳng hiểu gì hoặc là nghĩ rằng mình đang nói về một con gà.
Ở Mỹ hay Châu Âu, trở thành giáo viên giỏi của năm hay của một nước – teacher of the year, không phải là do họ có đầy đủ công cụ và kỹ thuật – những công nghệ chỉ là cái hỗ trợ cho họ mà thôi, họ trở thành the best là nhờ sự đam mê, yêu nghề và sáng tạo.
532136_383778771676180_1694509282_n
Những lời giới thiệu dài dòng chỉ muốn nói là Bạn hoàn toàn có thể trở thành giáo viên giỏi nhất xã, nhất tỉnh, nhất Việt Nam và thực sự đó cũng là tầm cỡ thế giới rồi.
(Sinh viên giờ năng động, học cũng giỏi, chơi cũng giỏi, nhiều khi xét nét thầy cô quá trời! Các cô các cậu cũng nên học cách Tha thứ cho thầy chứ. Thầy cô cũng còn đang học để làm việc với các bạn, thầy cô có phải là người biết tuốt đâu. Thế nên các bạn cùng học với thầy cô cũng là giúp chính các bạn.)
Hồi trước, thầy cô nào trẻ mà không vững vàng, thân thiện là cũng bị tụi mình cũng bắt nạt. Thế nên các thầy cô trẻ, các bạn cũng phải tự tin phấn đấu, để mà thi đua với sinh viên.
Những chia sẻ này mình mong rằng giúp cho chúng ta có thêm những góc nhìn khác nhau, vì mỗi người có cách tiếp cận khác nhau. Và các bạn nên biết rằng những vấn đề về sáng tạo trong dạy và học này không khỉ là ở Việt Nam mà vẫn đang xảy ra mọi nơi trên thế giới, ở các trường đại học, những engineering schools “tàn bạo” nhất với sinh viên mà mình đang và đã từng học.
Mình muốn nói rằng mình vẫn đang là nghiên cứu sinh và mình chưa có kinh nghiệm đứng lớp giảng dạy. Mình đang đứng ở góc độ vừa làm trò và làm thầy. Vậy nên điều quan trọng là mình mong rằng các chia sẻ như thế giúp các bạn giảng viên, các sinh viên trẻ sẽ cùng tham gia thảo luận để biết là sinh viên và giảng viên gặp khó khăn ở đâu. Các anh chị có nhiều kinh nghiệm giảng dạy đứng lớp sẽ cùng góp ý thảo luận để chúng ta học hỏi ở nhau.
Đây chỉ là những tóm tắt cơ bản nhất, các bạn quan tâm sẽ có một kho tài liệu rất chi tiết hướng dẫn cụ thể về cách bố trí bài giảng, dạy trong lớp học trên website của GS Richard Felder để tham khảo Website Prof. Richard Felder
Và, một điều cổ xưa như vũ trụ mà Đọt Chuối non đã nói rất nhiều lần đó là: Nếu chúng ta master được môn học Tư duy tích cực, Khiêm tốn – thành thật – yêu người vô điều kiện thì tự khắc sẽ có đủ mọi sáng tạo trong dạy, học hay tất cả mọi công việc (Chuỗi bài về Sáng tạo)

h1
Phần chia sẻ tiếp đây là nội dung buổi training của GS Richard, được chia thành 2 phần chính:
Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching
  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
  2. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
  3. Ai là người có thể đứng lớp giảng dạy
Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
  1. Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối nằm ở đâu?
  2. Làm thế nào để kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning


Sáng tạo trong dạy và học – Bài 2

Chào các bạn,
Phần chia sẻ tiếp đây là nội dung buổi training của GS Richard, được chia thành 2 phần chính:
Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching
  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
  2. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
  3. Ai là người có thể đứng lớp giảng dạy
Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style
  1. Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối nằm ở đâu?
  2. Làm thế nào để kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning

Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching
  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
Mở đầu bài giảng G.S Richard xổ ra một tràng tiếng gì đó không ai hiểu (có lẽ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ pha lẫn vài tiếng vùng Trung Đông hoặc cũng có thể chẳng là cái thứ tiếng gì).
Vài phút ông dừng lại: “You got it? How do you feel?”
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, chẳng ai nói gì cả.
Ông nói là: “Tôi vừa mới chỉ nói chào mừng các bạn tới buổi học hôm nay và giới thiệu về bản thân thôi mà. Vậy mà không ai hiểu gì sao? Điều này giống như bạn đang đang giảng bài mà học trò ngồi dưới không hiểu gì ngồi nghệt mặt ra vậy”.
Trên website của Richard Felder có đoạn giới thiệu rằng giảng dạy ở bậc đại học có lẽ là một nghề kỹ năng duy nhất mà chẳng có yêu cầu và chuẩn bị hoặc đào tạo gì về chuyên môn sư phạm cho cái việc giảng dạy đó cả.
“Anh có cái bằng Tiến sĩ, tốt thôi! Nhân tiện kỳ tới anh dạy cho tôi môn này!”. “So you got a PhD. Good! By the way you are going to teach this course next semester!”.
Chưa kể đến việc là người thầy chẳng được học các kỹ năng môn học intangible (không thể sờ thấy được) khác liên quan đến tư duy tích cực, tâm lý học, nhân văn học… nên không biết cách tự vấn trăn trở ra sao để mà cải thiện thực trạng này.
Bạn có thấy bức tranh ở dưới này không? Nó nói vào thời tiền sử, lớp học ở trong hang đá và họ vẽ lên tường. Và hàng trăm nghìn năm sau chúng ta vẫn đang giảng dạy như người tiền sử là cắm mặt vào bảng để viết và dạy.
h2
Thực sự là các kỹ sư và nhà công nghệ hiện nay được đào tạo không chỉ để ra ngồi máy lập trình được code, hay làm việc với máy móc, các con số đơn thuần. Để tồn tại trong thị trường lao động trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hiện nay đòi hởi những kỹ năng tối cần thiết mà tâm lý học hiện đại của phương Tây gọi là right-brain skills, ví dụ như: ngôn ngữ, sáng tạo, quản lý, quan hệ con người, khả năng tự học. Các left-brain skills thiên về logic, tính toán…
Và chính các trường đại học cũng phải cạnh tranh sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu để mà thu hút sinh viên giỏi, giảng viên giỏi để mà kiếm tiền. Điều này được nhấn mạnh và đề cập bởi hai tác giả rất nổi tiếng của Mỹ là Thomas Friedman – The world is flat và Daniel Pink – A whole new mind. Ở mức độ quốc gia và quốc tế thì đất nước nào mà không nỗ lực sáng tạo thì sẽ chết và cứ thụt lùi trong tối tăm.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là các bạn không cần chú trọng để ý quá nhiều băn khoăn đến kỹ năng não trái, não phải – right brain, left brain làm gì. Tâm lý học phương Tây chia ra như vậy cho dễ nhận diện và quản lý (sẽ nói kỹ hơn ở phần sau). Còn tâm lý học Phật giáo của phương Đông thì không chia thành hai phần riêng biệt như vậy mà chứng minh và khẳng định là ai cũng có cả kỹ năng não trái và phải. Chỉ có điều chúng ta muốn phát triển nó tới đâu và ở môi trường nào.
HẬU QUẢ nhìn thấy ngay trước mắt của không có sáng tạo trong dạy và học và sự mất tương xứng giữa phong cách dạy và học (sẽ được đề cập sâu hơn ở phần II), phần này GS Richard nói ở cuối nhưng mình đưa lên đầu.
- Ở người học sinh viên
    Người học chẳng nắm được tí kiến thức nào ngoài mớ thông tin mòng mòng trong đầu.Sinh viên chán học, mất chú ý, mất trật tự trong lớp, nói chuyện riêng, chơi game, ngủ trong lớp.
    Kết quả thi tồi tệ, cho rằng mình kém cỏi.
    Không có động lực motivation nào để học tiếp và theo đuổi môn học.
    Mất kiên nhẫn và chuyển nhanh qua môn học khác.
    Bỏ học, chuyển ngành…
- Giảng viên khi nhận thấy biểu hiện của những việc trên có thể là:
    Thất vọng, tức giận với sinh viên cho rằng sinh viên lười biếng vì mình mất bao nhiêu công sức dạy thế mà sinh viên chả tiếp thu được gì là sao?Thất vọng về chính mình, nghi ngờ về khả năng của mình?
    Tự vấn bản thân là không hiểu mình có hợp với cái nghề làm dâu trăm sinh viên này không, rồi dằn vặt vì có muốn đổi nghề thì đã quá muộn.
- Tổn thất cho xã hội: Rõ ràng không phải bàn nữa nếu mà chất lượng giáo dục như vậy.

  1. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
Phần này mình không nói quá chi tiết vì một là mình chưa có kinh nghiệm, hai là các bạn có thể tự tham khảo tài liệu trên website của GS Richard và rất nhiều nguồn khác tùy theo môn học ngành học. Một key point GS Richard đề cập đó là:
Keep it balanced: Cân bằng giữa lý thuyết, thực hành, làm việc cá nhân hay làm việc nhóm… trong các môi trường văn hóa và hoàn cảnh khác nhau.
Để điều chỉnh và giữ cân bằng được ra sao thì bản thân mình nghĩ là trước hết phải hiểu được Learning and teaching style mà sẽ đề cập ở trong phần II. Tới nữa là cần phải có kinh nghiệm. GS Richard Felder mất 15 năm dạy học để nhận ra rằng “something is going wrong with my way of teaching and how student’s learning” do đó ông mới bắt đầu trăn trở tìm hiểu và tìm cách cải thiện vấn đề.
Nhìn lại bản thân mình, thực sự là mình được học đào tạo về đủ thứ khoa học kỹ thuật gần 6-7 năm nay rồi nhưng mình vẫn rất kém về các con số và tính toán liên quan đến máy móc kỹ thuật.
Mình học ở cả Á, Âu và Mỹ thì thấy là ở bậc đại học thì các technique có thể được áp dụng linh hoạt và gần như là như nhau mặc dù trong các môi trường văn hóa khác nhau, mà đặc biệt là giảng dạy về Engineering. Nên các bạn giảng viên trẻ hãy cùng với sinh viên linh động để cho lớp học của mình trở nên active và hiệu quả. Đừng lấy lý do văn hóa của ta thế nọ thế kia. Trừ khi là bạn phải dạy ở một số nước Trung Đông khi mà giáo viên chẳng nhìn thấy mặt sinh viên vì bị che mạng kín mịt thì mình phải có cách để thích ứng đặc biệt khác.
h3

  1. Ai là người có thể đứng lớp dạy học
Về nguyên tắc ở tất cả các trường đại học trên thế giới thì để dạy ở bậc đại học phải có bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ tùy từng ngành. Điểm này hợp lý nhưng cũng là một điều cản trở trong việc tiếp cận và sáng tạo trong giáo dục. Nhiều khi các thầy cô giảng dạy quên mất là mình có thể phối hợp mời các guest speakers là kỹ sư, là nông dân, thợ lành nghề, là chuyên gia có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực đó đến giảng một vài buổi đến một phần trong chương trình học của mình để sinh viên tiếp cận với những cái kiến thức thực đang diễn ra.
Một ông Tiến sĩ dạy về thực hành trồng lúa trong phòng lab thì chưa chắc là tốt bằng một bác nông dân hướng dẫn sinh viên kỹ thuật trồng lúa ra sao và hơn nữa dạy ở ngoài đồng ruộng. Khi mình đi học ở Mỹ hay ở Châu Âu, một môn học có 2-3 người dạy là rất bình thường (tất nhiên là có một người đứng ra chịu trách nhiệm chính về nội dung và mời các guest speakers và đồng giảng cho môn học).
Có những buổi thực hành – field trip mà được các kỹ sư hay công nhân lành nghề, hay người làm vườn chuyên nghiệp giới thiệu về trồng cây, máy móc dây truyền cho 1 buổi ngộ ra bao nhiêu điều bằng cả kỳ thầy dạy trên lớp mà mình cứ ù ù tai chả hiểu gì cả.
Hay ví dụ là mình học về môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không có nghĩa là mình không học gì từ than đá dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác. Trong các bài giảng, các guest speakers đến từ các tập đoàn than đá, dầu mỏ đến giảng là chuyện rất bình thường.
Từ vài năm trước, mình đã nói chuyện với các anh chị giảng viên trẻ là nên mời các guest speakers từ các ngành khác nhau, các chuyên gia kỹ sư từ các nhà máy đến lớp vì giảng viên trẻ lấy đâu ra kinh nghiệm thực tế. Khi mình tốt nghiệp đại học, thầy cô nói là ở lại trường. Mình nói là mình chưa muốn. Có thể sau này mình sẽ quay lại nhưng không phải bây giờ vì mình muốn được dạy theo cách mình muốn được học mà mình chưa được tiếp nhận.
Mình rất hiểu là hoàn cảnh thầy cô ở Việt Nam còn vất vả lắm, còn bị hạn chế lo đủ thứ mà không chuyên tâm giảng dạy được. Nhiều anh chị mình biết và nói chuyện tâm sự ban đầu cũng hào hứng áp dụng nhiều phương pháp mới nhưng rồi nhiều việc phải lo qua bẵng quên đi. Nếu mà cứ bẵng quên đi không sáng tạo đổi mới thì bản thân sẽ bị thụt lùi, sinh viên sẽ bị thụt lùi. Thầy mà dở thì làm hỏng không biết bao nhiêu thế hệ.
h4
(Còn tiếp)
Chúc các bạn sáng tạo vượt bậc trong dạy và học.
Thân mến,
Thu Hằng