Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Bá Quyền Nhóm

Đây là khái niệm thứ hai chia rẽ những người theo Chủ nghĩa Tập thể và Tự do Cá nhân. Chủ nghĩa Tập thể dựa trên niềm tin rằng nhóm quan trọng hơn là cá nhân. Theo quan điểm này, nhóm là một thực thể riêng độc lập và nó có quyền của riêng nó. Thêm nữa, những quyền này quan trọng hơn là quyền của cá nhân. Vì thế, nó có thể chấp nhận được việc hy sinh những cá nhân nếu cần thiết cho “lợi ích lớn hơn của đa số”. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe điều này? Ai có thể phản đối việc mất đi tự do nếu như nó có một lý do thích đáng là cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội? Nhóm tối cao, dĩ nhiên, là nhà nước. Vì thế, nhà nước là quan trọng hơn những cá nhân công dân, và nó có thể chấp nhận được việc hy sinh các cá nhân, nếu cần thiết, cho lợi ích của nhà nước. Khái niệm này là trái tim của tất cả các hệ thống chuyên chế hiện đại được xây dựng trên mô hình của Chủ nghĩa Tập thể.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa Tự do Cá nhân nói ”Khoan đã. Nhóm? Nhóm là cái gì? Nó chỉ là một danh từ. Bạn không thể chạm vào nhóm. Bạn không thể nhìn thấy nhóm. Tất cả những gì bạn có thể chạm vào hay nhìn thấy chỉ là những cá nhân. Danh từ nhóm là một sự trừu tượng hoá và không tồn tại như là một thực tế hữu hình. Nó giống như là một vật trừu tượng gọi là rừng. Rừng không thực sự tồn tại. Chỉ có cây là tồn tại. Rừng là khái niệm của nhiều cây. Tương tự vậy, danh từ nhóm chỉ miêu tả một là khái niệm trừu tượng của nhiều cá nhân. Chỉ có cá nhân là thực, và vì vậy, không có cái gọi là quyền của nhóm. Chỉ những cá nhân mới có quyền.

Nếu chỉ vì có nhiều cá nhân trong một nhóm này và ít hơn trong một nhóm khác thì nó không có nghĩa cho phép sự ưu tiên cao hơn cho các cá nhân của nhóm lớn hơn – thậm chí nếu bạn gọi nhóm lớn hơn đó là nhà nước đi chăng nữa. Đa số cử tri không có nhiều quyền hơn là thiểu số. Quyền không xuất phát từ việc đếm số lượng. Quyền không đến từ nhóm. Chúng là sở hữu bẩm sinh thuộc về mỗi con người.

Khi một ai đó lập luận rằng cá nhân cần phải hy sinh bản thân cho lợi ích lớn hơn của xã hội, chính xác cái mà họ đang nói là một số cá nhân sẽ bị hy sinh cho lợi ích lớn hơn của những cá nhân khác. Quan điểm đạo đức của những người theo Chủ nghĩa Tập thể dựa trên số lượng. Mọi điều đều có thể làm được miễn là số người được hưởng lợi được cho là lớn hơn số người cần phải hy sinh. Tôi nói được cho là bởi vì, trên thực tế, những người quyết định ai sẽ phải hy sinh không thể đếm chính xác. Kẻ độc tài luôn luôn tuyên bố họ đại diện cho quyền lợi lớn hơn của đa số, nhưng trên thực tế, họ và những tổ chức ủng hộ họ thường chiếm không quá một phần trăm dân số. Khi một ai đó nói minh vì đám đông và đại diện cho quyền lợi tốt nhất của họ, thì lý do bên dưới chỉ có thể là vì đám đông quá ngu xuẩn để có thể tự luận ra cái gì là tốt nhất cho họ. Do đó những nhà lãnh đạo Tập thể Chủ nghĩa, tự cho là khôn ngoan và đức độ, luôn quyết định thay cho họ. Bằng cách này, họ có thể giải thích cho bất kỳ hành động tàn bạo hoặc bất công nào như là biện pháp cần thiết vì lợi ích lớn hơn của xã hội.

A, đúng. Lợi ích lớn hơn dành cho đa số lớn hơn. Những kẻ chuyên chế hiện đại luôn khoác lên mình chiếc áo nhân đạo.

Bởi vì những người Tự do Cá nhân không thừa nhận sự bá quyền của nhóm, nên những người Tập thể Chủ nghĩa thường phác họa họ như là những kẻ ích kỷ và vô cảm đối với khó khăn của người khác. Luận thuyết đó khá phổ biến trong trường học ngày hôm nay. Nếu một đứa trẻ không sẵn sàng đồng hành với nhóm, nó bị chỉ trích là tính cộng đồng kém và không phải là “đồng đội” tốt hay công dân tốt.... Nhưng chủ nghĩa Tự do Cá nhân không dựa trên cái tôi. Nó dựa trên nguyên tắc. Nếu bạn chấp nhận lập luận rằng cá nhân có thể được hy sinh cho nhóm, khi đó bạn đã phạm sai lầm rất lớn ở hai điểm. Thứ nhất, do các cá nhân là thành phần cơ bản của nhóm, nên dù gì thì khi đó chính nhóm cũng bị hy sinh, từng chút từng chút một. Thứ hai, nguyên tắc bên dưới là chết người. Hôm nay, cá nhân bị hy sinh có thể là người bạn không biết hoặc là ai đó bạn không thích. Ngày mai, đó có thể là chính bạn. Phải mất một thời gian suy ngẫm để nhận ra rằng lợi ích lớn hơn cho đa số không đạt được bằng cách hy sinh cá nhân mà phải là bảo vệ cá nhân. Trên thực tế, lợi ích lớn hơn cho đa số được phụng sự tốt nhất dưới chủ nghĩa Tự do Cá nhân, không phải Chủ nghĩa Tập thể.

Cộng hòa đối lập Dân chủ

Chúng ta đang bàn ở đây một trong các lý do làm nên sự khác biệt giữa cộng hòa và dân chủ. Trong những năm gần đây, dân chủ thường được cho là một thể chế nhà nước lý tưởng. Lấy ví dụ trên thế giới, nhà nước Mỹ là một thể chế Cộng hòa. Tuy nhiên rất nhiều người lầm tưởng rằng Hiến pháp Mỹ đã khai sinh ra một nước dân chủ, và lý do thích đáng cho việc Mỹ tấn công các nước khác và lật đổ các chính phủ chuyên chế báo ngược ở đó là, như chúng ta được bảo, để phổ biến nền dân chủ ra khắp thế giới. Nhưng nếu bạn đọc các tài liệu và bài diễn văn của những bậc khai quốc đã viết nên Hiến pháp Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng họ đã phê phán mạnh mẽ nền dân chủ – và nếu bạn nhìn lại thực tế của cuộc sống tại những vùng đất mà nền dân chủ đã được mang tới, bạn tìm thấy ít sự khác biệt giữa chế độ cũ và chế độ mới, ngoại trừ chế độ mới có thể còn tệ hơn.

Trong nước Mỹ thuộc địa, Samuel Adams, nhà lãnh đạo xuất chúng của phong trào độc lập, đã bày tỏ quan điểm chung của các đồng sự của ông khi ông nói: “Dân chủ không bao giờ tồn tại lâu. Nó sẽ nhanh chóng đào thải, kiệt quệ, và tự giết chính nó. Đã không bao giờ có một nền dân chủ mà cuối cùng không tự sát”.

Sự hiểu biết về mặt tối của dân chủ không phải chỉ duy nhất tìm thấy ở những người Mỹ thuộc địa. Những nhà sử học Âu Châu và các nhà lý luận chính trị đương thời cũng đã đi đến cùng một kết luận. Tại Anh quốc, Lord Acton viết: “Một điều xấu xa của thể chế dân chủ đang tràn ngập khắp nơi là sự bạo ngược chuyên chế của đảng chiến thắng, bằng vũ lực hoặc gian lận, trong cuộc bầu cử.” Ở Scotland, giáo sư lịch sử tại đại học Edinburgh, Alexander Tyler, đã viết:
“Dân chủ luôn luôn là tạm bợ từ trong bản chất – nó đơn giản không thể tồn tại như là một thể lâu dài của chính phủ. Dân chủ sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi các cử tri khám phá ra rằng họ có thể tự bầu cho chính họ những bổng lộc hào phóng từ ngân khố chung. Từ thời điểm đó trở đi, đa số sẽ luôn luôn bầu cho các ứng viên có thể hứa hẹn mang lại nguồn lợi lớn nhất lấy từ ngân khố chung, và đưa đến kết quả là mọi nền dân chủ cuối cùng sẽ sụp đổ bởi vì các chính sách tài khóa thâm thủng – thông thường được theo sau bởi một chế độ độc tài.”
Những bậc khai quốc đã viết nên Hiến Pháp Mỹ tin rằng dân chủ là một trong các dạng thức tồi tệ nhất có thể của chính phủ; và do đó họ đã tạo ra cái mà họ gọi gọi là nền cộng hòa. Thật không may, danh từ này đã không còn mang ý nghĩa kinh điển của nó vào năm 1787. Ngày nay nó được sử dụng một cách bừa bãi cho tất cả mọi thứ từ độc tài quân sự, như là Cộng hòa Angola, cho đến độc tài tập thể chủ nghĩa như là Cộng Hòa Trung Hoa. Nhưng hãy nhớ rằng vào lúc Nước Mỹ Cộng Hòa được thành lập, danh từ này đã có ý nghĩa chính xác và nó được hiểu bởi tất cả mọi người.

Đó cũng là lý do tại sao danh từ dân chủ không hề xuất hiện trong Hiến pháp Mỹ; và khi người Mỹ nguyện thề trung thành với lá cờ, đó là trung thành với nền cộng hòa mà lá cờ đại diện, không phải nền dân chủ. Khi Colonel Davy Crockett gia nhập cuộc Cách mạng Texas trước trận đánh Alamo nổi tiếng, ông đã từ chối ký vào lời thề trung thành với chính phủ tương lai của Texas cho đến khi từ ngữ được sửa thành chính phủ cộng hòa tương lai của Texas. Lý do điều này là quan trọng là ở chỗ sự khác nhau giữa dân chủ và cộng hòa chính là sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Tập thể và chủ nghĩa Tự do Cá Nhân.

Trong nền dân chủ thuần khiết, đa số cai trị, chấm dứt tranh luận. Bạn có thể nói “Có gì sai với nó?” Chà, có thể có vô khối thứ sai. Lối hành hình linh-sơ không qua xét xử mà theo biểu quyết của đám đông ở Mỹ chống lại những người Mỹ gốc phi trong thế kỷ trước? Chỉ có một người với ý kiến bất đồng, chỉ duy nhất anh ta ở phía bên đối lập. Đó là dân chủ trong lúc thi hành nhiệm vụ.

“Khoan đã.” bạn nói. “Đa số nên cai tri. Vâng, nhưng trong phạm vi không từ chối quyền của thiểu số.” Và, tất nhiên, bạn đã đúng. Như Lord Acton đã quan sát:
“Nó thật tồi tệ khi bị đàn áp bởi thiểu số, nhưng nó còn tệ hơn nữa khi bị đàn áp bởi đa số... Bài thử chắc chắn nhất chúng ta có thể dùng để đánh giá một đất nước có thực sự tự do hay không là tổng lượng an toàn mà thiểu số được hưởng.”
Cung cấp sự đảm bảo cho thiểu số chính xác là vai trò của nền Cộng hòa. Cộng hòa là một nhà nước dựa trên nguyên tắc giới hạn sự cai trị của đa số, sao cho thiểu số – thậm chí dù chỉ là một người – sẽ được bảo vệ khỏi ý thích bất chợt hay cảm hứng của đa số.

Nền Cộng hòa được đặc trưng bởi hiến pháp được viết thành các luật lệ để đảm bảo điều đó có thể thực hiện được. Đó là chức năng của Luật Nhân Quyền của Mỹ, nó không là gì khác ngoài danh sách các việc mà nhà nước không được làm. Nó viết rằng Quốc hội, mặc dù là đại diện cho đa số, sẽ không ban hành bất cứ điều luật nào từ chối quyền của thiểu số thực thi sự tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, hội họp hòa bình, quyền tham gia quân ngũ, và các quyền “không thể chuyển nhượng” khác.

Những giới hạn này đối với sự cai trị của đa số là bản chất cốt lõi của nền Cộng hòa, và chúng cũng là cốt lõi của ý thức hệ Tự do Cá nhân. Và đây lại là một điểm khác biệt lớn giữa hai quan điểm: Những người Tập thể Chủ nghĩa ủng hộ bất kỳ hành động nào miễn là nó có thể được cho là vì lợi ích lớn hơn của đa số; và ở phía bên kia những người Tự do Cá nhân bảo vệ quyền của thiểu số chống lại sự giận dữ và lòng tham của đa số.

-- Thánh Ca Tự Do --

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

QUYỀN LÀ GÌ?

Quyền là sự công nhận hành vi độc lập. Quyền là những gì có thể được hành xử mà không cần sự cho phép của bất cứ ai. Nếu bạn tồn tại chỉ bởi vì xã hội cho phép bạn – bạn không có quyền đối với cuộc sống của riêng bạn. Sự cho phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Nếu, trước khi thực hiện một số hành động, bạn phải có được sự phê chuẩn của xã hội – bạn không có tự do bất chấp sự phê chuẩn này được thông qua hay không. Chỉ có nô lệ mới hành động dựa trên sự cho phép. Sự cho phép không phải là quyền. Đừng nhầm lẫn tại điểm này khi nghĩ rằng một người công nhân là nô lệ và rằng anh ta giữ được việc làm vì sự cho phép của người chủ. Anh ta giữ việc làm không phải vì sự cho phép – mà là bởi hợp đồng, mà là sự đồng thuận tự nguyện với nhau. Người công nhân có thể bỏ việc. Nô lệ thì không.
NHỮNG QUYỀN CỦA TẠO HÓA CHO CON NGƯỜI LÀ GÌ?
Những quyền của tạo hóa cho con người là: quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Quyền được sống có nghĩa là một người không thể bị tước đi cuộc sống của mình vì lợi ích của những người khác hoặc bất cứ số đông nào những người khác.
Quyền được Tự do có nghĩa là quyền của một người có hành động cá nhân, lựa chọn cá nhân, tự chủ cá nhân, và tài sản cá nhân. Không có quyền đối với tài sản cá nhân thì không thể có tự do hành động.
Quyền mưu cầu hạnh phúc có nghĩa là mỗi người có quyền sống cho bản thân, quyền chọn những gì cấu thành hạnh phúc bản thân, cá nhân và riêng tư, và làm việc để đạt được những điều đó miễn là anh ta tôn trọng cũng quyền đó của những người khác. Nó có nghĩa là một người không thể bị ép buộc hiến dâng cuộc sống của mình cho hạnh phúc của người khác hoặc của bất cứ số đông nào những người khác. Nó có nghĩa là tập thể không thể quyết định cái gì nên là mục đích của sự tồn tại của một người cũng như không thể qui định những chọn lựa hạnh phúc cho một người.
-- Trích: TỰ DO - SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG (Thánh Ca Tự Do) --
QUYỀN LÀ GÌ?
 
 Quyền là sự công nhận hành vi độc lập. Quyền là những gì có thể được hành xử mà không cần sự cho phép của bất cứ ai. Nếu bạn tồn tại chỉ bởi vì xã hội cho phép bạn – bạn không có quyền đối với cuộc sống của riêng bạn. Sự cho phép có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Nếu, trước khi thực hiện một số hành động, bạn phải có được sự phê chuẩn của xã hội – bạn không có tự do bất chấp sự phê chuẩn này được thông qua hay không. Chỉ có nô lệ mới hành động dựa trên sự cho phép. Sự cho phép không phải là quyền. Đừng nhầm lẫn tại điểm này khi nghĩ rằng một người công nhân là nô lệ và rằng anh ta giữ được việc làm vì sự cho phép của người chủ. Anh ta giữ việc làm không phải vì sự cho phép – mà là bởi hợp đồng, mà là sự đồng thuận tự nguyện với nhau. Người công nhân có thể bỏ việc. Nô lệ thì không.

NHỮNG QUYỀN CỦA TẠO HÓA CHO CON NGƯỜI LÀ GÌ?
 
Những quyền của tạo hóa cho con người là: quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc.
 
Quyền được sống có nghĩa là một người không thể bị tước đi cuộc sống của mình vì lợi ích của những người khác hoặc bất cứ số đông nào những người khác.
 
Quyền được Tự do có nghĩa là quyền của một người có hành động cá nhân, lựa chọn cá nhân, tự chủ cá nhân, và tài sản cá nhân. Không có quyền đối với tài sản cá nhân thì không thể có tự do hành động.
 
Quyền mưu cầu hạnh phúc có nghĩa là mỗi người có quyền sống cho bản thân, quyền chọn những gì cấu thành hạnh phúc bản thân, cá nhân và riêng tư, và làm việc để đạt được những điều đó miễn là anh ta tôn trọng cũng quyền đó của những người khác. Nó có nghĩa là một người không thể bị ép buộc hiến dâng cuộc sống của mình cho hạnh phúc của người khác hoặc của bất cứ số đông nào những người khác. Nó có nghĩa là tập thể không thể quyết định cái gì nên là mục đích của sự tồn tại của một người cũng như không thể qui định những chọn lựa hạnh phúc cho một người.

-- Trích: TỰ DO - SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG (Thánh Ca Tự Do) --

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

GIÁO SƯ

http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2013/08/giao-su.html

Đàm Hà Phú -... Kính tặng Giáo Sư Lợi

Thực ra không ai biết lý do từ đâu họ gọi ông là Giáo Sư, chỉ một số người lớn trong hẻm biết, biết nhiều nhứt có lẽ là Tư Danh.

Nhưng cũng không mấy người muốn nói, đại khái cư dân trong hẻm biết rằng đó là một người đàn ông lịch lãm, trí tuệ và nghiện rượu.

Họ gọi ông là Giáo Sư vì nghe đâu trước đây ông có dạy học ở Đại Học Sài Gòn, gọi riết thành quen tên, Giáo Sư thành như tên của ông, đến nỗi cái quán nhậu không tên chỗ ông hay ngồi ở ngã ba của hẻm cũng dần dần bị gọi là quán Giáo Sư, hay ông xe ôm hay chở ông đi đây đi đó cũng bị gọi luôn là xe ôm Giáo Sư.

Trong hẻm, sau Tư Danh thì vợ chồng anh Tư Xe Ôm luôn được Giáo Sư tín cẩn nhứt.

Giáo Sư dáng cao ráo, có lẽ đã ngoài bảy mươi, mái tóc bạc lưa thưa nhưng luôn được chải nếp cẩn thận, trên túi áo ngực của ông luôn có một cây lược nhỏ, được gài chung với một cây bút pa ke chánh hiệu.

Trừ những lúc quanh quẩn trong nhà thì hầu như lúc nào ông xuất hiện cũng bảnh bao, dù chỉ là loanh quanh trong hẻm rồi đi uống rượu, quần khaki màu sáng, áo sơ mi trắng ngắn tay có áo lót phía trong, giày xăng đan có quai hậu.

Ông luôn đi đứng khoan thai, ánh mắt luôn toát lên nụ cười tươi, dù có tỉnh hay say thì cũng ít ai thấy ông không cười.

Ông nói giọng bắc, thứ giọng bắc năm tư đã pha trộn, người trong hẻm rất thích nghe ông nói chuyện, có người chỉ xin ông nói đi nói lại chữ “Xài Goòng”, nghe đã lỗ nhĩ gì đâu.

Nhìn bề ngoài ông khác hẳn với những người còn lại trong hẻm, nói chung nếu bất chợt nhìn lại một cách dò xét, ông như một mẫu người lưu cữu từ đầu thế thế kỷ 20.

Cư dân trong hẻm ai cũng mến Giáo Sư.

Ông thường xuất hiện từ 10 giờ sáng, đi một vòng hẻm, chào hỏi hết thảy mọi người, bất kể nam phụ lão ấu, ông luôn chào họ với kiểu chào cũng lịch lãm không kém, hơi cúi đầu và nghiêng mình kiểu một quí tộc châu âu thời trung cổ: "Chào cô Sáu, hôm nay khỏe hả cô Sáu, chào chị Hai, hôm nay khỏe hả chị Hai!"… tất nhiên cư dân trong hẻm không ai lại đi đối đáp với ông theo kiểu cách dị kỳ của ông, họ chỉ mỉm cười hoặc gật đầu, lễ phép hơn thì họ “Cảm ơn Giáo Sư!”, vậy thôi.

Ông ăn một dĩa cơm tấm hoặc một tô hủ tíu, đó là bữa sáng kiêm luôn bữa trưa của ông, rồi ông ra quán Tư Danh uống café.

Quán Tư Danh không có ghế nhựa, dù là quán bình dân nhưng bàn ghế mây, kiểu mây từ xưa cũ, đó là quán ông thích.

Khi Giáo Sư vào thì ông ngồi chỗ quen, con Lành phục vụ sẽ đem cho ông một ly café đen không đường, rồi nó vào mở một trong mấy cái đĩa nhạc ông thích.

Đôi khi Tư Danh ra ngồi với ông, ngôi thinh vậy thôi, không nói câu nào.

Bất luận trong hẻm ai ra hay vào quán Tư Danh, nếu có ông ở đó thì phải luôn chào ông.

Mỗi khi có người chào mình, Giáo Sư sẽ kéo ghế, đứng dậy, nghiêng mình đáp lễ.

Đôi khi ông ngủ trưa luôn trong quán café hoặc về nhà ngủ chút.

Buổi chiều xế là ông ra quán nhậu. Gu của ông cũng lạ, ông sẽ uống bia Sài Gòn, không đá, mỗi ly bia sẽ pha với một ly rượu nhỏ.

Ít khi ông ngồi một mình, thường thì anh Tư Xe Ôm sẽ ngồi với ông, hoặc luôn có một người khách nào đó, ở đâu đó, chạy xe máy hoặc đi xe ôm tới, ngồi uống cùng ông.

Đôi lúc trong cuộc rượu ông nói chuyện bằng tiếng Pháp, có lúc lại nói tiếng Anh, đa phần lúc say ông sẽ nói tiếng Pháp nhiều hơn.

Tùy bữa uống nhiều uống ít, nhưng ông thường về nhà tầm 9h tối.

Không bao giờ lè nhè hay chân nam đá chân xiêu như những kẻ say khác, Giáo Sư vẫn đi khoan thai, vẫn chào hỏi mọi người trước khi vào nhà.

Giáo Sư sống một mình, bà vợ ông đã mất mấy năm trước.

Giáo Sư có hai người con, một gái một trai, con trai ông sống ở Mỹ còn cô con gái sống ở Canada, họ đều ở chỗ rất lạnh.

Mỗi năm hai người con thường phân công về thăm ông ít nhất một lần, đem theo dâu rể và mấy đứa cháu ông.

Họ không gọi ông ba, cha hay tía, gọi ông là papa.

Họ ít giao du với cư dân trong hẻm, nhưng cũng như ông, họ rất lịch thiệp.

Đôi khi nói chuyện với ai đó, họ thường thanh minh rằng: "Papa không chịu qua bển với tụi này, papa sợ lạnh!".

Giáo Sư cũng hay đỡ lời cho con mình, ông nói: "Mấy đứa nó kêu tôi qua bên đó (À, ông là người hiếm hoi vẫn xưng “tôi”), nhưng tôi không đi, bển lạnh lắm, có lúc dưới dê rô luôn, tôi già rồi, chịu lạnh không được!".

Một lần, lúc uống rượu với Tư Xe Ôm, Giáo Sư mời vợ chồng Tư Xe Ôm về ở chung.

Vợ chồng anh Tư cũng dễ thương, anh Tư trước làm bốc xếp ở chợ đầu mối, rồi tham gia đánh nhau, bị đi tù hết mấy năm.

Ra tù thì mất nhà, nên vợ chồng thuê cái nhà trọ cuối hẻm, anh Tư chạy xe xôm còn chị vợ thì bán xe thuốc lá ngoài lộ.

Anh Tư có một đứa con trai, nhưng nó lấy vợ ở miệt Bạc Liêu, nhà vợ có nhiều công chuyện mà ít con trai nên thằng con anh bị bắt rể luôn ở dưới, lâu lâu nó đón xe về, cho anh anh chị tiền bạc, vài ký tôm cua, vậy thôi.

Mấy bữa sau đó thấy vợ chồng Tư Xe Ôm trả nhà trọ, qua nhà ở luôn với Giáo Sư.

Từ có chị Tư lo cơm nước, Giáo Sư không ăn ở ngoài nữa, nhưng rượu thì vẫn uống ở quán.

Mới đầu, khi biết nhà mình có anh chị Tư qua ở với papa, hai người con của Giáo Sư cũng vui, thậm chí ngỏ lời biết ơn anh chị Tư, đi về thể nào cũng quá cáp như ân nhân.

Nhưng một hôm, lúc Giáo Sư say rượu, ông nói rằng ông thật vui vì có anh chị Tư ở chung, rằng vài bữa ông chết sẽ cho lại cái nhà này cho anh chị Tư.

Từ sau câu nói đó, hai người con của Giáo Sư về thường hơn, những lúc anh chị Tư vắng nhà thì họ tranh cãi với Giáo Sư nhiều hơn, họ nói rất nhỏ, còn Giáo Sư thì thường hét lên giận dữ, nhưng cũng không ai biết họ nói chuyện gì, vì thường Giáo Sư sẽ nói bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp.

Đó là lần hiếm hoi họ thấy Giáo Sư nổi giận, dù hai người con luôn tỏ vẻ kính trọng, lễ phép với ông.

Sau đợt cãi nhau đó, cô con gái hầu như về ở hẳn với Giáo Sư , còn anh chị Tư lại dọn ra nhà trọ ở.

Cô con gái cấm hẳn ông uống rượu, nói cấm thì hơi quá nhưng cô hầu như chặn cửa không cho ông ra ngoài.

Thi thoảng lắm, lúc cô đi với bạn, ông tranh thủ ra quán chút, dù không được lịch sự như trước, chỉ với bộ đồ pi da ma và đôi dép, tranh thủ làm vài ly bia pha với rượu rồi về, cái dáng đi không còn khoan thai, mà lật đật trông tội nghiệp.

Cô con gái của ông thật cao tay, là cô đôi lúc cũng tự nhận mình như thế, cô ngăn được ông uống rượu là việc nhỏ, việc lớn hơn là cô thuyết phục ông sang tên lại ngôi nhà ông đang ở cho một người cậu, là em của mẹ cô, đang ở miệt Thủ Đức.

Giáo Sư biết việc này, ông buồn lắm, nhưng ông không nói gì, thuận theo luôn.

Rồi Giáo Sư bịnh.

Ông nằm viện gần một tháng ròng, khi về nhà thì ông ốm hơn trước rất nhiều, nhưng ánh mắt vẫn toát lên vẻ tươi cười như cũ.

Cô con gái phải quay về Canada sau một tháng vất vả chăm ông.

Người ta lại thấy ông như xưa, xuất hiện lúc 10h sáng, lịch lãm đến kỳ dị, và uống bia pha rượu với chú Tư vào buổi chiều.

Lịch lãm trở lại được hơn tuần lễ nữa thì Giáo Sư mất.

Chỉ có Tư Danh là biết, nhắn với Tư Danh trước, rồi bấm máy gọi cho con xong là ông đi.

Khi các con ông về, thì mọi người trong hẻm đang lo hậu sự cho ông chu đáo.

Khách tới viếng Giáo Sư đông vô kể, xe máy xe hơi đậu tràn hẻm.

Vợ chồng Tư Xe Ôm đeo tang trắng tiếp khách, như hai người con của ông.

Hôm đưa ông đi thiêu, cả hẻm đều đi, bọn thanh nên đi xe máy, còn người già đi hai chiếc xe bus lớn, rồng rắn đi tiễn ông.

Đến mấy ngày sau khi ông đi rồi, ở quán Tư Danh vẫn để ly café đen không đường ở chỗ cũ, ở quán Giáo Sư vẫn có một ly bia Sài Gòn, không đá, pha với một ly rượu nhỏ, cho ông.

Chừng hơn tháng sau khi Giáo Sư mất, Tư Danh kêu Tư Xe ôm qua nhà, đưa một bọc tiền.

Tư Danh nói: "Giáo Sư dặn là khi nào ổng chết mới đưa, đây là số tiền ổng để dành từ lúc con cái ổng gửi tiền về cho, có bao nhiêu ổng đưa tao giữ hết, không nhiều nhưng chắc đủ mua cái nhà, ở Gò Vấp hay đâu đó, cho vợ chồng bây có chỗ mà ở. Giáo Sư đã nói lời là giữ lời!".

Vợ chồng Tư Xe Ôm sụm xuống, khóc ồ ồ như con nít.
-----------------
* Hình ảnh cuộc sống và những gương mặt người dân Sài Gòn của tác giả Nhật Quang, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.