Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Năm Tỵ nói chuyện rắn: Biểu tượng rắn trong các nền văn hóa



Rắn là loài sinh vật có mặt nhiều nơi trên trái đất. Trong một số nền văn hoá, rắn là một siêu biểu tượng, biểu trưng cho sự sống (tính đa giá trị và mâu thuẫn tự thân): cho vật tổ (totem) của tộc người, cho nước và lửa, cho linh hồn và nhục dục, huỷ diệt và tái sinh, sự linh hoạt và thụ động, quyết đoán và đa nghi… Chính nét đặc trưng sinh học của loài rắn đã góp phần quyết định ý nghĩa biểu tượng của nó: cách di chuyển uyển chuyển và sự siết chặt trong động tác bắt mồi khiến nó biểu trưng cho sức mạnh; sự lột da biểu trưng cho sự tái sinh; nọc độc của rắn có liên hệ đến đặc tính xấu; tính lưỡng giới tượng trưng cho khởi nguồn của vũ trụ; thân hình rắn là một đường ngoằn ngoèo không đầu không đuôi kéo dài vô tận hoặc là một đường tròn thể hiện tính luân hồi của sống và chết. 


Ở Ai Cập, rắn là biểu tượng của thánh thần, sự thông thái và khả năng tiên tri về tương lai. Rắn được coi là thần hộ mệnh cho các bậc vua chúa nên vương miện của các pha-ra-ông thường chạm trổ hình rắn.

Ở châu Âu, tục thờ rắn phổ biến quanh lưu vực những con sông ở Hy Lạp. Ở đây, rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực về khả năng sinh sản.


 
Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược để cứu con rắn đã chết. Từ đó ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Esculape được xem như thần bảo hộ của các thầy thuốc. Để khắc họa thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh. Ngoài ra, rắn thường lột da để lớn và để loại bỏ các ký sinh trùng trên da nên rắn cũng là biểu trưng của sự tái sinh, hồi phục, tuần hoàn luân hồi và bất tử.

 
Ấn Độ được xem là một nền văn hoá lớn ở phương Đông, là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng và dĩ nhiên đó là nơi xuất phát của nhiều biểu tượng tín ngưỡng và tâm linh. Từ Ấn Độ, các tôn giáo và biểu tượng tâm linh được truyền nhập vào văn hoá bản địa của các quốc gia khác, đặc biệt là văn hoá một số quốc gia Đông Nam Á, làm nên bản sắc của các quốc gia. Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là con rắn lớn, cũng là tên gọi của vị thần rắn trong Ấn Độ giáo (Hindouisme). Rắn Naga được gắn với hai vị thần quan trọng là Vishnu và Shiva, với ý nghĩa cuộn tròn lấy cái gốc của trục thế gian, biểu trưng cho sự sinh thành, phát triển và huỷ diệt, nâng đỡ và bảo đảm sự ổn định của thế giới.
Đối với người Hindu, rắn được coi như thần thánh. Trong lễ hội, người ta chia gạo cho rắn với hy vọng tai ương sẽ qua đi và những điều tốt đẹp sẽ tới. Tín ngưỡng này còn được thể hiện trong điêu khắc, với hình ảnh các vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn ngang mình. Trên các mái, vách của các ngôi đền, hang động cổ, người ta cũng tìm thấy những hình ảnh rắn được chạm khắc

 

Người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn Naga (tiếng Khmer gọi là Niệk) chín đầu, là biểu tượng cho thần đất và thần nước, giúp ích cho cuộc sống con người. Về sau, dưới những ảnh hưởng của đạo Bà la môn, rắn còn mang biểu tượng nguồn gốc của các vị vua lập quốc. Truyền thuyết của người Khmer cho rằng vị vua lập quốc là con của một người Bà la môn (từ Ấn Độ đến vùng đất người Khmer bằng thuyền) tên là Kaudinya và con gái thần rắn Naga tên là Nagini. Người Khmer tin rằng: “chính Kaudinya đã truyền cho họ bí quyết nghề trồng lúa và công việc thuỷ lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giữ nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Chúng còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thuỷ nông của người Khmer cổ”. Trong kiến trúc nhiều ngôi đền cổ của người Khmer, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khmer có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hoả hoạn và bảo vệ đạo Phật

Trong văn hoá dân gian Việt Nam, rắn không được xem là biểu tượng gắn với tôn giáo (trừ trường hợp Phật giáo của người Khmer Nam Bộ) với các vị vua khai quốc. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thuỷ của người Việt với hai ý nghĩa chính là vật tổ và thuỷ thần.
Việc xem rắn như là thuỷ thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp và tương đối phổ biến ở nhiều vùng, cho đến ngày nay vẫn còn chứng tích. Các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống…. “Người Mường ở Thanh Hoá cũng có tục thờ rắn, ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thông Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. (…) Đình làng Phú Bài, xã Thuỷ Phù, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế cũng lập bài vị thờ hai vị thần rắn là ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hoà, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thuỷ thần. (…) Tại xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình rắn, tại đây vẫn lưu truyền đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành”.
Cùng với việc thờ thần rắn ông Dài và ông Cụt là truyện kể dân gian với nhiều dị bản với hình ảnh con rắn bị bố mẹ (có khi là bố mẹ nuôi) chém nhầm đứt đuôi, có khi người phụ nữ đẻ ra quả trứng rồi nở ra con rắn trong các truyện kể của các dân tộc Tày, Thái, Mường. Người Việt vùng Nghệ An có truyền thuyết về rắn ông Dài ông Cụt gắn liền với một cái giếng cổ trên đồi cao, sâu chừng một mét nhưng không bao giờ cạn. Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nghèo lấy nhau mãi mới sinh được một cặp rắn. Hai con rắn rất tinh nghịch và thường hay theo người cha ra đồng. Một hôm, sau trận mưa to, người cha ra đồng be bờ ngăn nước và hai con rắn theo. Rắn nghịch ngợm dùng đuôi đục lỗ cho nước chảy. Người cha vô tình chặt đứt đuôi của một con. Rắn nghĩ cha cố ý hại mình nên tức dận bỏ đi. Từ đó người dân gọi con rắn bị đứt đuôi là ông Cụt và con còn lại là ông Dài. Ông Cụt bị đứt đuôi, máu ra nhiều nên khát nước. Lúc đi qua vùng này, phát hiện thấy mạch nước liền ủi cho nước trào lên để uống và dưỡng thương đồng thời tạo nên một cái giếng được dân gian gọi là giếng ông Cụt. Người dân tôn tạo giếng thành nơi thờ phượng ông Dài và ông Cụt. Ngày giỗ mẹ của ông Dài và ông Cụt, hai ông thường về báo mộng cho dân làng tránh được những trận cuồng phong. Nếu với người Thái, rắn tượng trưng cho âm, cho thần mẹ thì với người Việt “rắn lại là dương, rắn là ông Dài - ông Cụt, là Bố Rồng.
Biểu tượng rắn thuỷ thần có hai thuộc tính: tốt và xấu. Rắn là vị thần nước giúp mưa thuật gió hoà, mang điềm lành và báo điềm dữ. Rắn là con vật tinh quái phá hoại mùa màng và cuộc sống của người dân. Hình tượng con Chằn (một biến thể của rắn) trong văn hoá người Khmer Nam Bộ lại thể hiện cả hai mặt tốt và xấu: có vai trò bảo vệ con người nhưng đồng thời cũng đại diện cho tính ác, phá hoại cuộc sống bình yên của con người. Dù rắn có mang thuộc tính nào đi chăng nữa thì với cư dân vẫn một lòng kính trọng và thờ phượng.
Có thể thấy, trong truyện kể dân gian của người Việt, ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, hình tượng rắn thể hiện trong nhóm các truyền thuyết về thuỷ thần (nhóm truyện Ông Cộc ông Dài và người anh hùng rắn); ở miền trung và Tây Nguyên hình tượng rắn thể hiện trong các truyện kể về người dũng sĩ diệt rắn ác cứu người đẹp hay hôn nhân giữa người và rắn (rắn lấy người, rắn hoá người như chuyện Chàng Rắn của người Gia Rai); trong các truyện kể ở Nam Bộ hình tượng rắn gắn với ông thầy trị rắn, nơi chốn linh thiêng và loài rắn khổng lồ. Nhìn chung, trong câu chuyện dân gian rắn có quan hệ với con người qua qua 3 dạng thức: rắn là bố của người, chồng của người và con nuôi của người.
(Linh tinh trên mạng)







Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT CỔ (1)

HÀ VĂN TẤN
Văn hóa là hệ thống ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội, trong hoạt động sinh tồn và phát triển của mình. Nói khác đi, văn hóa là sản phẩm hoạt động của con người trong mối quan hệ tương tác với tự nhiên và xã hội diễn ra trong không gian, thời gian và hoàn cảnh nhất định.
Nếu như con người là sản phẩm đặc sắc nhất, cao nhất của tự nhiên, thì văn hóa cũng là cái sản phẩm tự nhiên đặc sắc được con người tác động lên, biến đổi và tạo ra những phương tiện nhằm phục vụ và thỏa mãn cuộc sống và sự phát triển của mình. Những hoạt động đó, những hành vi đó được lặp lại, được xử lý, uốn nắn, được đúc rút trở thành những kinh nghiệm, những thói quen, những nguyên tắc, những chuẩn mực hướng dẫn lại hoạt động của con người.

Như vậy thì, văn hóa như những chuẩn mực ứng xử của con người được thể hiện ra trong mọi sinh hoạt, mọi hành vi, mọi nếp nghĩ từ chốn ở, cách ăn, cách làm, lối sinh hoạt đến cách đối nhân xử thế.
Trên phạm vi thế giới, có một nền văn hóa chung cho toàn nhân loại. Tính chung đó được thể hiện ra ở mọi nơi, trong mọi nền văn hóa cụ thể. Và trong mỗi khu vực địa lý-lịch sử nhất định, ở đó nhiều dân tộc cùng chung sống, cùng có những hoàn cảnh và điều kiện sống tương tự nhau, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi và hòa nhập tạo ra một khu vực văn hóa riêng. Ví dụ như nền văn hóa Đông Nam Á cổ truyền của cư dân trồng lúa nước, sống trong hệ sinh thái phổ tạp và gió mùa nhiệt ẩm. Và mỗi cộng đồng người, mỗi dân tộc sông trong một phạm vi nhỏ hơn, trong một quốc gia, lại tạo ra một nền văn hóa riêng mang bản sắc dân tộc độc đáo riêng của mình.
Tính đa dạng của văn hóa xuất phát từ tính muôn vẻ của tự nhiên, tính phức tạp, phong phú của xã hội, tính không đồng đều, không giống nhau của bản thân con người mang thể trạng và tâm thức khác nhau.
Vậy bản sắc văn hóa là những nét văn hóa riêng làm thành hệ giá trị được một dân tộc chấp nhận, được xem như phù hợp và thích hợp, được đem vào vận hành nhằm thỏa mãn nhu cầu sống và phát triển của dân tộc mình trong nền cảnh lịch sử tương ứng.
Trong bản sắc văn hóa dân tộc chứa đựng tính nhân loại, tính khu vực và tính tộc người, ở đó tính nhân loại và tính khu vực được đa dạng hóa, được biến dạng, cụ thể, được kết hợp với cái riêng dân tộc mà dân tộc đó sáng tạo ra trong những hoàn cảnh lịch sử riêng của nó. Tất cả những cái đó làm thành bản sắc văn hóa của dân tộc, chứ bản sắc dân tộc không phải chỉ là những cái riêng của dân tộc đó nghĩ ra và làm ra. Như vậy, có thể hình dung bản sắc dân tộc của văn hóa như một vòng tròn chính tâm đa sắc, hội kết và chiết xuất muôn vàn vòng sáng đa sắc của văn hóa nhân loại.
Bản sắc văn hóa dân tộc là hệ thống các giá trị văn hóa mà mỗi dân tộc chấp nhận. Tất nhiên nói “giá trị” ở đây, ta không hề dùng khái niệm đó theo nghĩa giá trị học (axiologic), nghĩa là tiến bộ hay không tiến bộ, theo nhận thức chủ quan của chúng ta. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng gồm những giá trị phù hợp với nó, kể cả những giá trị trung tính (neutre).
Ví dụ ăn là một nhu cầu sinh học. Nhưng ăn bốc, ăn đũa hay ăn bằng thìa thì đó là văn hóa. Và chúng ta không thể coi cách ăn nào là tiến bộ hơn cách ăn nào. Đó là những giá trị trung tính. Cũng như thế, cái đói là động lực sinh học, nhưng khẩu vị để thỏa mãn cái đói chính là văn hóa.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tách rời tự nhiên và văn hóa. Người ta thường nói cái gì không phải tự nhiên thì là văn hóa. Nhưng có điều, văn hóa không thể tách rời với môi trường tự nhiên. Tất nhiên, văn hóa gắn liền với ứng xử, và ứng xử là cả thiên nhiên và xã hội. Và ứng xử thì phải có chuẩn mực của cộng đồng. Chính ở những chuẩn mực cộng đồng này, bản sắc văn hóa bộc lộ ra rõ ràng. Và sau cùng, chúng ta cần thấy rằng văn hóa cũng phụ thuộc vào lịch sử: lịch sử biến đổi và do đó, văn hóa cũng biến đổi theo, do nhưng điều kiện mà lịch sử đưa lại.
Như vậy, chúng ta cần chú ý đến ba điểm:
1- Văn hóa và môi trường tự nhiên:
Trong thư Triệu Đà gửi cho vua Hán có câu: “Âu Lạc  phía Tây, ở trần mà cũng xưng vương”. Chắc là câu đó không tránh khỏi có ý miệt thị. Nhưng ở trần ở nước Âu Lạc, và trước đó, ở thời đại các vua Hùng, thì là một đặc điểm gắn liền với văn hóa, với bản sắc văn hóa: ở trần đóng khố đối với nam và mặc váy đối với nữ. Đóng khố mặc váy thì ở nông thôn Việt Nam cho đến trước Cách mạng tháng Tám còn rất phổ biến. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó phù hợp với điều kiện khí hậu. Đó là nói chuyện cái mặc. Cũng như vậy, trong cái ăn, bát canh có vị trí quan trọng trong bữa cơm Việt Nam. Chan canh là cách ăn đặc biệt Việt Nam. Lấy ví dụ như người Nhật, họ không bao giờ chan lẫn cơm với canh mặc dầu nước này cũng ăn cơm và ăn canh. Và trong các thứ rau làm canh, người Việt lại thích loại rau nhớt như rau mồng tơi, rau đay…Cũng lại do điều kiện tự nhiên.
Tất nhiên, cũng do điều kiện khí hậu, giữa các vùng có khác nhau. Miền Nam, như hiện nay, thích uống trà đá, còn miền Bắc, thì lại thích trà nóng. Nhưng nhìn chung, cần chú ý môi trường tự nhiên đối với văn hóa.
Môi trường tự nhiên, từ thời dựng nước đến nay, lại ít thay đổi. Do đó, nhiều yếu tố bản sắc văn hóa gắn liền với môi trường, có lẽ là ít thay đổi.
2- Văn hóa và môi trường xã hội:
Môi trường xã hội thì biến đổi có phần nhanh hơn môi trường tự nhiên. Thế nhưng ở Việt Nam, văn hóa nói chung là văn hóa xóm làng và văn hóa nông nghiệp. Cho đến nay, tình hình đó không có mấy thay đổi.
Cái mô hình làng, liên làng và trên đó là siêu làng, vẫn là cái mô hình đã hình thành từ ngày lập nước cho đến hôm nay.
Các chuẩn mực văn hóa vẫn được quy định bằng thói quen, phong tục, cấm kỵ đã hình thành từ nghìn xưa. Mà chuẩn mực là việc áp dụng các giá trị vào đời sống.
“Miếng giầu là đầu câu chuyện”, “Một miếng giữa làng bằng sàng trong bếp”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, v.v và v.v. là những ứng xử mà chúng tôi nghĩ rằng đó là những chuẩn mực khá bền vững. Và suy cho cùng, những chuẩn mực đó chắc đã nảy sinh từ thời dựng nước. Ví dụ: Mối quan hệ giữa họ và làng ở Việt Nam, không bao giờ công xã láng giềng hay công xã nông thôn trở nên thuần nhất, mà vẫn gắn liền với công xã thị tộc, nghĩa là vai trò của huyết tộc bao giờ cũng lớn. Chắc ai cũng biết rằng cho đến nay, ở nông thôn vẫn còn các “chi bộ họ ta”.
Nói như vậy là phải nói đến nguyên nhân lịch sử. Đáng lý ra, khi nhà nước đã xuất hiện, thì các tàn dư thị tộc, các cơ sở cộng đồng dần dần biến đi. Nhưng ở Việt Nam lại khác. Các cuộc xâm lược đã buộc các yếu tố cộng đồng phải cố kết lại. Và trong một lịch sử mà các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm xảy ra liên miên thì các yếu tố cộng đồng phải tồn tại lâu dài. Trước quyền lợi của dân tộc thì cá nhân phải quên đi và cộng đồng là trên hết.
Vì vậy, nhìn nhận về văn hóa, về bản sắc văn hóa, chúng ta không nên quên điều kiện lịch sử và xã hội.
3- Bản sắc văn hóa dân tộc cũng thay đổi:
Đi tìm bản sắc văn hóa, ta thường đi tìm những hằng số của văn hóa. Ta hãy nghe Trần Văn Khê nói: Khi người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, khác với kimônô của Nhật, áo sari của Ấn Độ, áo dài “xẻ từ đùi tới chân” như áo Thượng Hải, chúng ta cho rằng áo dài
tính dân tộc. Ai thấy áo dài cũng biết ngay là áo của dân tộc Việt Nam. Khi chúng ta ăn thịt kho, cá kho bằng nước dừa xiêm, có bỏ nước màu khác hẳn với thịt heo xào “chua ngọt” và cá chưng tương của người Trung Quốc, thì thịt kho, cá kho đã mang tính “dân tộc” Việt Nam. Nói chi đến cách gói “nem chua”, thì các dân tộc Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiền, Thái Lan nhất định không biết làm món ấy. “Nem thua” rất đậm màu dân tộc Việt Nam”.
Nhưng ta bỗng tự hỏi rằng cái áo dài Việt Nam kia có từ bao giờ? Cái áo dài đó sản sinh ra gần đây thôi, chứ đâu có phải từ đầu. Thế mới biết, trong các yếu tố bản sắc dân tộc, có những cái xuất hiện sau, có những cái hấp thụ từ bên ngoài nhưng cải biên đi, phù hợp với con người Việt Nam. Có người nói rằng văn hóa Việt Nam vốn là thuộc nền văn hóa Đông Nam Á, rồi sau đó do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, văn hóa Việt Nam chuyển dần sang văn hóa Đông Á.
Chúng ta cần phân tích rõ điều này. Lấy ví dụ trong âm nhạc. Có người cho rằng dưới ảnh hưởng của Trung Quốc, chúng ta mới có thêm đàn đáy, đàn nguyệt… Nhưng cũng có người cho rằng đàn đáy của Trung Quốc (tam huyền cầm) và Mông cổ (sandfe) bịt bằng da trăn, thùng đàn shamisen của Nhật bịt bằng da mèo ở phía mặt và da chó ở lưng. Còn đàn đáy Việt Nam, tuy cũng có ba dây nhưng rất khác các loại đàn trên. Đàn nguyệt Việt Nam cũng không giống đàn nguyệt cầm (yuegin) Trung Quốc. Nguyệt cầm Trung Quốc có cần đàn ngắn, phím không cao, đàn có chữ chuyền, thiếu chữ nhân. Do đó đàn đáy, đàn nguyệt phải coi là có tính dân tộc. Và gần đây thôi, ta lại phải nói đến đàn ghi-ta phím lõm dùng cho hát cải lương.
Do đó không nên đối lập sự vay mượn và sự biến đổi sáng tạo. Tất cả cái đó, đều có thể làm cho bản sắc văn hóa dân tộc thêm giàu có.
Điều đáng chú ý là lúc nào thì yếu tố ngoại sinh vay mượn của người đã trở thành yếu tố nội sinh của dân tộc mình.
Bản sắc văn hóa Việt Nam được hình thành và phát triển đến nay, trong suốt 4.000 năm lịch sử, từ thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc. Nền văn hóa đó, mà những yếu tố làm thành bản sắc luôn được tuyển chọn, luôn được đổi mới, thêm giàu có, đây sức sống và phát triển vươn lên không ngừng.
Văn hóa Việt cổ, ở cái buổi sinh thành và tuổi ấu thơ, mang ý nghĩa là nền tảng, giá đỡ và bệ phóng cho sự cất cánh của dân tộc và văn hóa ở các thời kỳ lịch sử tiếp theo. Bởi vậy, tìm về cội nguồn và nhận ra cái cốt lõi đầu tiên của bản sắc văn hóa Việt Nam là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết nhằm kế thừa, bảo vệ, đổi mới và phát huy những tinh hoa, đẩy lùi, loại bỏ những cái lạc hậu, khiến văn hóa thực hiện được các chức năng làm nền và định hướng cho cách ứng xử (thể hiện ở tâm hồn đạo lý, lối sống, hành vi…) của mỗi cá nhân và của cộng đồng hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong quan hệ với mình, với người, với xã hội và với tự nhiên.
Nhưng thành tựu cơ bản nhất, di sản quý giá nhất mà người Đông Sơn để lại cho hậu thế là ở chỗ họ đã tạo lập được, đã định hình được những đường nét lớn của nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc mà ở đó cái thần của nó được hun đúc từ hệ thống những giá trị những bản tính, những phẩm chất, những tính cách. những truyền thống về:
- Đức tính kiên nhẫn, cần cù lao động, kiên định, kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ khi phải đối mặt với một thiên nhiên hà khắc: lũ lụt lắm, hạn hán nhiều, tàn phá công trình thủy lợi, mùa màng, cũng như chịu đựng đau khổ khi phải tạm sống dưới ách áp bức của kẻ thù.
- Mặt đối lập với kiên nhẫn là kiên quyết, là kiên cường, là thế vùng lên, đổi thay sự vật. Kiên cường khắc phục thiên nhiên bằng ra sức đắp đê, khơi mương, làm mới những cái bị phá hoại nhằm có được những vụ mùa bội thu. Kiên quyết chống lại kẻ thù, giành lại độc lập, tự do. Người xưa đã lấy hình tượng con rùa và con cóc để biểu trưng cho đức tính đó. (Cóc trên các trống đồng Đông Sơn, rùa trên khóa thắt lưng Làng Cả).
- Tinh thần tập thể, tính cộng đồng được gói lại trong chữ Công, và được mở ra ở hai vế: công cộng và công ích. Từ đó toát lên vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam đọng lại trong hai tiếng trách nhiệm. Đức tính này được tạo ra do nhu cầu khách quan.
Nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước đòi hỏi phải tuân thủ sít sao tính thời vụ: từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, không thể để chậm trễ ở khâu nào. Nông nghiệp lúa nước cũng đòi hỏi việc bảo đảm có nước đầy đủ, không thừa, không thiếu cho cây lúa sinh trưởng. Muốn vậy phải đắp đê phòng lụt, be bờ giữ nước, đào mương dẫn nước. Công việc này đòi hỏi sức lực của nhiều người, đòi hỏi sự hiệp lực của cả làng xã hay liên làng xã.
Cũng vậy, việc chống lại một đối phương lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần, lại thường xuyên đe dọa xâm lấn. Để chống lại có hiệu quả, ắt hẳn phải cần đến công sức của cả cộng đồng.
Trong bối cảnh sống như vậy thì cái cộng đồng bao giờ cũng vượt lên trên cái cá thể. Từ đó, cái nghĩa vụ, cái vị tha được nhấn mạnh, được đề cao trước cái vị kỷ. Cái ý niệm sống ở làng, một miếng giữa làng, trở thành chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam chắc hẳn có cội rễ từ thời dựng nước đầu tiên đó.
- Lòng nhân ái, khoan dung, sống rộng bụng, có tình nghĩa là truyền thống quý báu của nhân dân ta. Tính nhân bản này, được nảy sinh từ tính ôn nhu của người làm nông nghiệp lúa nước, hẳn đã được hình thành từ thời Đông Sơn. Chính cái công việc làm ăn đầy vất vả và nhiều éo le này, cái thực tiễn “ba tháng trồng cây không bằng một ngày trông quả” này, khiến con người sống trong thấp thỏm lo âu, trước những tai họa như “nước lụt thì lút cả làng” không chỉ ập đến với riêng ai, đã khiến con người ý thức được phải đùm bọc lẫn nhau.
- Tính cách mềm dẻo, lối ứng xử linh hoạt, không câu nệ cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh sống của người Đông Sơn. Một tấc đất có giá trị như một tấc vàng này vì con người phải đổ nhiều mồ hôi triệt để tận dụng nó dể trồng cấy mọi thứ có thể trồng, cần trồng đỗ bên ngô, cần đưa cây lúa lên cao, xuống trũng, cải biến giống làm nảy sinh nhiều giống lúa mới thích nghi với sinh thái. Về mặt xã hội, sống bên cạnh một nước lớn, có nền văn minh rực rỡ, người Việt cổ muốn tồn tại, giữ được cái TA, dĩ nhiên là phải có thái độ ứng xử linh hoạt, không thể cứng khi cần mềm, không thể bài khi cần nhập. Chấp nhận nhân nhượng để tránh tổn thất vô ích. Có bản lĩnh, tiếp thu có chọn lọc để làm phong phú mình. Từ thực tiễn cuộc sống đó đã đẻ ra nghệ thuật ứng xử như nước ấy. Và con rắn – biểu tượng của nước, cũng được người Đông Sơn lấy làm biểu tượng cho tính cách này. Người ta đã tạc tượng những đôi rắn quấn nhau, mồm đỡ lấy chân voi hoặc chân báo làm thành chuôi những con dao găm được các chiến binh Đông Sơn mang bên người như một vũ khí tự vệ, cũng như một thứ bùa hộ mệnh.
- Triết lý dung hợp được biểu hiện trong chữ Hòa cũng góp tạo bản sắc vàn hóa Việt Nam. Khi trở thành dân tộc người Việt cổ vốn là một cộng đồng nhỏ bé bên cạnh một nước lớn mạnh, nhưng nhờ lòng yêu quê hương thiết tha, mảnh đất đã phải đổ biết bao mồ hôi sôi biết bao nhiêu nước mắt mới có được, đã khiến người Việt Nam sớm có tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tự khẳng định cái TA, tự tạo cho mình một chỗ đứng dưới bầu trời. Xuất phát từ ý thức đó, trong bối cảnh lịch sử đó, người Việt cổ đã tìm mọi cách để tạo sức mạnh cho mình, đã thâu tóm mọi cái hay của người cũng như đã đồng tâm hiệp lực trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống xâm lược. Tư duy dung hòa chi phối toàn bộ văn hóa truyền thống Việt Nam (Hà Văn Tấn). Vốn có bản lĩnh và ý chí tạo lập cho mình một nền văn hóa có sức sống mạnh mẽ, lại được tư tưởng HÒA dẫn dắt, người Viêt Nam đã tạo được một biệt tài riêng, một tính cách riêng độc đáo là biết biến cái của người thành của mình (Phan Ngọc).
- Dũng cảm cũng là một phẩm chất, một tư chất Việt. Phẩm chất này cũng được nảy sinh trong những bối cảnh tự nhiên và xã hội được phân tích ở trên. Thời đại Đông Sơn, là thời đại mà nhiều cộng đồng người trong khu vực chuyển mình thành giai cấp, thành quốc gia – dân tộc. Mà quốc gia không phải là cộng đồng văn hóa tự nhiên, mà là một cộng đồng quyền lực… chỗ dựa chủ yếu của quyền lực là sức mạnh quân sự. “Chiến tranh là biện pháp thường dùng để mở rộng hay bảo vệ biên giới vì lợi ích quốc gia” (Nguyễn Tấn Đắc). Sức mạnh quân sự được thể hiện ở cả hai mặt vật chất và tinh thần, vũ khí, kỹ thuật quân sự và lòng dũng cảm, mưu lược. Ở người Đông Sơn cả hai mặt của sức mạnh đó đều được thể hiện rất rõ và cái nọ nói lên cái kia
Tóm lại, đi vào lớp văn hóa đầu tiên – lớp văn hóa thuộc văn minh sông Hồng, chúng ta thấy người Việt cổ thời Đông Sơn đã tạo được một phổ sắc mà nhiều sắc màu trong đó góp tạo thành bản sắc của văn hóa Việt sau này.
Và khảo cổ học chứng tỏ được khả năng “…góp phần xác định tính chất và truyền thống của nhân dân Việt Nam, bản lĩnh và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Nó chứng tỏ, trong lĩnh vực của mình, những đức tính cô truyền của nhân dân Việt Nam là cần cù, dũng cảm, sáng tạo, có sức sống mãnh liệt, có tinh thần tập thể trong lao động và đoàn kết trong chiến đấu chống ngoại xâm v.v.” (Trường Chinh). Những tính cách, phẩm chất, truyền thống và đức tính cổ truyền đó chính là những sắc màu, là bản sắc của văn hóa Việt cổ, mà chúng ta đang ra sức nghiên cứu. Đó là những mặt tốt cần nhấn mạnh, cần đề cao, cần phát huy. Song nói như vậy không có nghĩa là trong những hằng số văn hóa không có những mặt hạn chế, mặt không tốt. Bởi lẽ sự vật đều có hai mặt đối lập luôn chuyển hóa lẫn nhau và mọi cái tồn tại đều có giới hạn của nó, quá đi đều có khả năng không còn là nó nữa. Vấn đề phụ thuộc vào cách nhìn nhận (biện chứng hay máy móc) và vào khả năng điều tiết của con người (nắm được và làm theo quy luật hay chủ quan duy ý chí). Và khi nói đến một phẩm chất, một tính cách hay một truyền thống, nó dễ là cái này, dễ là cái kia, có nghĩa là chúng ta mới chỉ nói đến khả năng. Và mỗi khi mới chỉ là khả năng (dù ít dù nhiều) thì đâu được coi là cái tất yếu. Khi xác định một loại hành vi nào đó là phẩm chất hay là tính cách của một dân tộc có nghĩa là chúng ta phải định được tính trội của hành vi đó và sự tồn tại của nó phải ở bộ phận đa số của dân tộc đó.
Đức tính kiên nhẫn cũng vậy, tự nó không thể đẻ ra nhu nhược, an phận, cam chịu, cùng lắm chỉ là nhẫn nhục để chờ thời cơ. Trong một con người hay một bộ phận của cộng đồng có thể có đức tính yếu hèn này, song người Việt Nam nói chung là một dân tộc kiên cường, bất khuất. Nếu khác đi hẳn dân tộc đó đã bị đồng hóa, diệt vong.
Lễ hội cúng giỗ là một hành vi đẹp về tưởng nhớ tổ tiên, những người anh hùng có công với nước. Song cúng bái tràn lan, sùng bái mọi thứ đều cho là thiêng, là thần bí… lại là biểu hiện của mê tín dị đoan, một hoạt động mê hoặc làm tâm thức con người u tối, cần bài trừ.
Cũng vậy, tính dung hòa là giá trị căn bản của văn hóa Việt Nam, nó giúp làm giàu và mạnh cho nền văn hóa và cho dân tộc. Bản tính này đôi khi hoặc dễ (song không nhất thiết) dẫn tới thỏa hiệp, ba phải. Đều đó nhắc nhở con người cần phải cẩn thận, cảnh giác, đề phòng, phải biết điều tiết đúng mức.
Tuy nhiên, có và cần chỉ ra những mặt yếu do hoàn cảnh và điều kiện khách quan, hạn chế của lịch sử đem lại và để lại. Ví như tác phong sống lề mề, chậm chạp, không tiếc thời gian “tháng Giêng là tháng ăn chơi’’ còn gặp khá phổ biến hiện nay có nguyên nhân
sinh thành trong môi trường tự nhiên và hoàn cảnh kinh tế của một xã hội trồng lúa nhiệt đới: cảnh thanh bình của đồng quê, những chu kỳ nghỉ của sản xuât, những dịp nông nhàn, mà kinh tế phụ lại ít phát triển và phương thức tiến hành làm ra sản phẩm cũng không đòi hỏi khẩn trương, chuẩn xác về thời gian.
Nền kinh tế tự cấp tự túc tồn tại lâu dài, tự nó mang tính khép kín tương đối khiến lưu thông, thương mại và kinh tế thị trường hàng hóa nói chung kém phát triển.
“Phép vua thua lệ làng”, là chuẩn mực ứng xử của nền dân chủ xóm làng, một thời đã giữ được an bình cho người dân. Hẳn không mấy thích hợp với đổi mới ngày nay. Cần pháp luật: một sự quy định tối thiểu của phẩm chất mà mọi người nhất thiết phải tuân theo (Cao Xuân Phổ).
Sự phân công xã hội giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa lao động cơ bắp và lao động trí óc diễn ra chậm chạp ở nước ta rõ ràng đã dẫn tới sự phát triển yếu về khoa học tự nhiên, sự hình thành chậm chạp tầng lớp trí thức chuyên sản xuất sản phẩm tinh thần, văn hóa làng nói chung mang màu sắc dân gian tuy khỏe khoắn mộc mạc, đáng yêu nhưng thiếu tinh tế sâu sắc, thông tuệ cao. Nhưng biết làm sao được, vì như Mác đã nói, con người sống trong những điều kiện mà nó gặp chứ không sống trong điều kiện mà nó chọn. Lịch sử là như vậy. Nhưng giờ đây, nếu hiểu sâu sắc cơ bản bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể tìm ra các biện pháp để bảo vệ và phát huy các tinh hoa và đẩy lùi các tao phách của văn hóa truyền thống.
* Nguồn: Đến với LỊCH SỬ – VĂN HÓA VIỆT NAM, nhà xuất bản Hội nhà văn, Tác giả: HÀ VĂN TẤN.
(1) Đã in trong Vãn hóa-phát triển và bản sắc, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 1995.
About these ads

VỀ SỰ HÌNH THÀNH BẢN SẮC DÂN TỘC VIỆT NAM (1)

HÀ VĂN TẤN
Bản sắc dân tộc, tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc là những vấn đề chung có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận cần phải được làm sáng tỏ trước khi chúng ta bàn đến bản sắc dân tộc Việt Nam, tính cách, tâm lý dân tộc Việt Nam.
Những vấn đề này hiện nay đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà lý lụận mác-xít. Chẳng hạn, nhà tâm lý học xã hội Liên Xô I.S. Kôn đã viết một bài báo mà đầu đề là một câu hỏi: “Tính cách dân tộc – huyền thoại hay thực tế ?” Ông viết: “Nếu chúng ta hiểu tính cách dân tộc là một bản chất không thay đổi nào đó, vốn sẵn có của tất cả mọi người trong một dân tộc nhất định, bản chất ấy phân biệt họ với tất cả những nhóm tộc người khác, và quyết định một cách kín đáo hành vi xã hội của họ, thì trên quan điểm khoa học, đó là huyền thoại. Nhưng giống như mọi huyền thoại tâm lý-xã hội, nó phản ánh một thực tế lịch sử nhất định: sự cộng đồng, những nét tâm lý được hình thành và lĩnh hội trong quá trình phát triển lịch sử nói chung và những phương thức hành động được củng cố bởi ý thức tự giác của nhóm(2)

Chính Stalin đã đưa dấu hiệu tâm lý dân tộc vào định nghĩa dân tộc: “Cộng đồng tâm lý biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa”. Nhưng hiện nay có nhiều người phê phán định nghĩa của ông. Riêng về mặt cộng đồng tâm lý dân tộc, có người cho rằng nếu dựa vào luận điểm của Lê-nin, trong văn bản của một dân tộc có hai nền văn hóa, vậy thì cũng không thể nói về mặt cộng đồng tâm lý: “Dân tộc bao gồm các giai cấp có những nhu cầu, những lợi ích đối lập nhau dĩ nhiên là không thể có chung một nếp tâm lý” (3).
Vây phải chăng có cái gọi là tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc? Theo tôi có tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc. Marx, Engels đã nói nhiều đến vấn đề này Chính trong tác phẩm “Tình hình nước Anh”, Engels đã nói về sự khác nhau giữa tính cách dân tộc Anh với tính cách dân tộc Đức và Pháp. Trong cuốn “Tình cảnh giai cấp lao động Anh”, ông đã phân biệt tính cách dân tộc Anh và Ailen. Như vậy theo Engels là có tính cách dân tộc. Đương nhiên, không nên tuyệt đối hóa đối lập các mặt hay một địa điểm ở dân tộc này với các dân tộc khác, và không đối lập với đặc điểm giai cấp.

Tâm lý là của nhóm, nhưng qua giao tiếp giữa các nhóm dẫn đến sự lan tỏa giữạ các nhóm, tạo ra những nét chung – tâm lý cộng đồng, đồng thời cũng tạo ra những sự biến thiên nào đó. Tâm lý dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi) đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm dân tộc. Nó bị chế ước bởi các điều kiện tự nhiên mà trong đó cộng đồng đang tồn tại, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử. Mà các điều kiện này có những yếu tố ổn định, có những yếu tố luôn luôn vận động và phát triển. Do đó khi nghiên cứu, cần phải thấy tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc là có biến chuyển.
Không phải mỗi dân tộc chỉ có những đặc điểm tâm lý riêng mà không có cái chung với các dân tộc khác. Nhưng ngay cả những đặc điểm chung của nhiều dân tộc khi có ở một dân tộc nào đó cũng trở thành một bộ phận của tâm lý dân tộc đó, cấu thành nên cái riêng của chính dân tộc đó(4).
Tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc là một hệ thống các yếu tố mà sự khác nhau giữa các dân tộc là do yếu tố trội. Yếu tố trội này bị quy định bởi các điều kiện tự nhiên xã hội và lịch sử như đã nói trên. Trong tâm lý dân tộc hay tính cách dân tộc, có cả những mặt tích cực lẫn những mặt tiêu cực. Ngay trong mặt tích cực hay tiêu cực đó cũng phải hiểu thật biện chứng, tức là trong mặt tốt cũng có những cái chưa tốt, hoặc tốt lúc này, xấu lúc khác, và ngược lại. Như vậy, bất cứ truyền thống văn hóa lịch sử nào cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực(5), Và tại thời điểm lịch sử này, những nét tâm lý truyền thống nào đó được xem là tích cực nhưng sang giai đoạn lịch sử khác có thể bị xem là tiêu cực hoặc ngược lại.
a/ Dân tộc Việt Nam hình thành và phát triển trong những điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử cụ thể, chịu sự chi phối mạnh mẽ của cả ba yếu tố này. Nhưng theo tôi vai trò của các yếu tố này là không như nhau. Điều kiện tự nhiên đó ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa của dân tộc, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách, tâm lý dân tộc, điều kiện tự nhiên như nhiệt, ẩm, gió mùa, cùng với nền văn minh trồng lúa nước là những yếu tố ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt nói riêng, người Đông Nam Á nói chung (6). Nhưng cũng là dân trồng lúa nước, cũng sống trong điều kiện tự nhiên tương đối giống nhau, tại sao người Việt có nhiều đặc điểm về văn hóa, tính cách khác với người Ấn Độ, người Lào và các dân tộc phía nam Trung Quốc. Phải chăng đó là do điều kiện xã hội và lịch sử cụ thể của từng dân tộc đó quy định? Yếu tố xã hội và yếu tố lịch sử là yếu tố quyết định, chi phôi nhiều nhất các đặc điểm tâm lý dân tộc, tính cách dân tộc, bản sắc dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam về cội nguồn vốn dĩ là nền văn hóa thuộc vùng Đông Nam Á. Nhưng sau đó, do sự xâm lược của nhà Hán, cùng với sự xâm nhập của văn hóa Hán, nền văn hóa Việt Nam tiếp tục biến đổi theo hướng tiếp tục mang thêm các đặc điểm vùng Đông Á. Hiện tượng này rõ ràng chịu sự chi phối nhiều nhất của điều kiện lịch sử-xã hội (ví dụ: các dân tộc Tây Nguyên sử dụng các nhạc cụ mang những đặc trưng của nền văn hóa Đông Nam Á, còn người Kinh dùng đàn thập lục mang đặc trưng của nền văn hóa Đông Á).
b/ Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nông dân theo hệ thống nông nghiệp kỹ thuật cũ, đa canh, trồng lúa nước. Dân tộc Việt Nam hình thành sớm và luôn phải làm các cuộc chiến tranh giữ nước. Đây là những đặc điểm lớn nhất, ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành tính cách người Việt Nam, tâm lý người Việt Nam, hay nói cụ thể hơn là quy định nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt.
Chiến tranh liên miên, đó là lý do chủ yếu tạo nên tính bất thường trong lịch sử phát triển xã hội Việt Nam. Nó để lại dấu ấn rất đậm nét lên toàn bộ nền văn hóa nói chung và đời sống tâm lý nói riêng của người Việt Nam. Đây thực tế không có định luật xã hội nào biểu hiện chính thường như ở những nơi khác. Tất cả cơ cấu kinh tế – xã hội thường bị chiến tranh làm gián đoạn, hay phát triển chậm lại, thậm chí ngay từ lúc phôi thai hoặc vừa mới hình thành. Do vậy kết cấu kinh tế – xã hội của Việt Nam chưa bao giờ đạt được sự phát triển đến đỉnh điểm của sự chín muồi ở tất cả các giai đoạn vận động của nó.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi nghiên cứu đặc điểm dân tộc, có một điểm có thể khẳng định được, có thể tin được là: Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn đã hình thành vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đó là văn hóa Đông Sơn. Trong thời kỳ Tiền Đông Sơn, chưa có một văn hóa nào phân bố rộng lớn như vậy. Theo những tài liệu nghiên cứu mà chúng tôi có được thì những con đường phát triển văn hóa Tiền Đông Sơn khác nhau tại các khu vực khác nhau (lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả…) cùng tiến lên Đông Sơn. Có thể ví như các dòng sông đổ vào một biển. Chúng tôi coi đó là thời kỳ các bộ lạc tiến lên dân tộc như trong các tác phẩm của Marx và Engels đã bàn tới (7).
Cộng đồng văn hóa Đông Sơn phát triển cao so với các nền văn hóa khác đương thời trong khu vực, có nhiều nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều đặc điểm đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á. Có thể lúc này có sự ra đời của nhà nước “phôi thai” đầu tiên của Việt Nam. Nhà nước phôi thai đó được hình thành như một cộng đồng siêu làng. Trong đó có nhiều làng, giữa các làng có mối liên hệ liên làng và siêu làng. Đây là cái lõi kết tinh đầu tiên của người Việt cổ được hình thành.
Trước khi đi đến sự hội tụ để hình thành nền văn hóa Đông Sơn, từ văn hóa Phùng Nguyên đã có sự giao lưu với văn hóa Hán (thời Ân Thương). Nhưng trong suốt quá trình đi lên văn hóa Đông Sơn và kể cả thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, ảnh hưởng của văn hóa Hán là không lớn. Chưa thể nói là có sự tiếp biến (acculturation) với văn hóa Hán. Nhưng sau đó cuộc xâm lăng của người Hán, người Hán trực tiếp thống trị (Bắc thuộc) thì một acculturation cưỡng bức đã xảy ra. Và để chống lại sự xâm lăng, chống đồng hóa, người Việt Nam phải cố kết lại mà lúc này phương thức chủ yếu là duy trì các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thuỷ đáng lẽ ra phải tan rã theo đúng quy luật.
Nước, tức thể cộng đồng siêu làng, đã mất nhưng hình ảnh của nó vẫn còn trong những người dân của làng. Lại bắt đầu một cuộc vận động đưa mối liên hệ làng – liên làng gắn bó trở lại, nhằm khôi phục cộng đồng siêu làng đã mất. Chỉ có sự cố kết thể cộng đồng mới tạo ra “sức mạnh chống xâm lược”. Ý thức cộng đồng này là điểm xuất phát, là cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc. Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng nhiều yếu tố cộng đồng được duy trì trong trường kỳ lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta có nguồn gốc nguyên thuỷ và đã bị biến dạng đi trong quá trình phát triển của dân tộc, đã bị giai cấp thống trị lợi dụng. Từ đây chúng ta cho rằng tính cộng đồng cao là một nét tâm lý, một nét tính cách Việt Nam, đó là mặt tích cực, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hạn chế, đó là sự ức chê phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển của cá nhân (do cộng đồng không chấp nhận cá nhân ngoài cộng đồng và cá tính không phù hợp với “luật bầy đàn” của cộng đồng).
Mặt khác, cùng với sự duy trì thể cộng đồng, hệ thống nông nghiệp kỹ thuật cũ (chẳng thay đổi mấy qua hàng ngàn năm) cũng làm cho nhiều tàn dư nguyên thủy được bảo lưu lâu dài. Chiến tranh liên miên làm cho kinh tế luôn bị đình đốn, bị đẩy lùi, khoa học kỹ thuật kém phát triển cũng là một lý do khách quan khiến nhiều tàn dư nguyên thuỷ được bảo lưu.
Khoa học kỹ thuật kém phát triển kéo theo tư duy lô-gích kém phát triển. Đây là đặc điểm nổi bật trong tư duy của người Việt. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu coi tư duy lưỡng hợp (với hai cực đối lập, dualisme, binaire) là đặc điểm tư duy Việt Nam hay tư duy Đông Nam Á. Nhưng thực ra điều đó gần như là một đặc điểm trong tư duy của nhiều dân tộc nguyên thủy trên thế giới, chẳng hạn ở Nam Mỹ (xem các công trình nghiên cứu của Levi – Strauss). Chỉ khác là ở Việt Nam nó tồn tại khá lâu dài. Duy lý ít phát triển làm cho cách xem xét đánh giá các mối quan hệ, các sự vật, hiện tượng thường nặng tình hơn lý. Hình thức tư duy chủ yếu được sử dụng rộng rãi là tư duy cụ thể, tư duy hình tượng. Xem quy nạp là phương tiện truyền đạt, chứng minh tốt hơn diễn dịch(8). Thích sùng bái và thần thánh hóa cũng là một nét tư duy có cội nguồn nguyên thủy. Các đặc điểm này làm thành một thứ “màng lọc chủ quan” có ảnh hưởng đến sự tiếp thu văn hóa bên ngoài.
Từ những nhận xét trên đây, chúng tôi thấỵ rằng trong điều kiện xã hội mà kinh tế kém phát triển, tư duy lý luận không phát triển, nhiều tàn dư nguyên thủy còn tồn tại (đặc biệt khá phổ biến trong nếp nghĩ, nếp cảm của mỗi người) thì đó là một khó khăn vô cùng lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phi thường mới có thể khắc phục được khi muốn biến dân tộc ta thành một dân tộc hiện đại.
* Nguồn: Đến với LỊCH SỬ – VĂN HÓA VIỆT NAM, nhà xuất bản Hội nhà văn, Tác giả: HÀ VĂN TẤN.
(1) Đã in trong Thông tin Khoa học giáo dục, số 12, 1987.
(2) I.S. Kôn: Tính cách dân tộc – huyền thoại hay thực tế? Tạp chí Văn học nước ngoài, số 9 – 1968, tr 228.
(3) S.T Kantahjan: Chủ nghĩa Lênin bàn về bản sắc dân tộc và các con đường hình thành cộng đồng người quốc tế, Moskva, 1976, tr 108.
(4) Về vấn đề tâm lý dân tộc, có thể đọc N. Dzhanzizin: Bản chất của tâm lý dân tộc,, Alma Ata, 1971.
(5) Hà Văn Tấn: Biện chứng của truyền thống, Tạp chí Cộng sản, số 3, 1981, tr 50-54.
(6) Có thể xem Hà Văn Tấn: Các hệ sinh thái nhiệt đới với tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á, tạp chí Khảo cổ học, số 3, 1982.
(7) Hà Văn Tấn: Về khái niệm “dân tộc” của Marx và Engels và sự hình thành dân tộc Việt, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1980.
(8) Xem thêm Hà Văn Tấn: Bàn thêm về cội nguồn lịch sử của đặc điểm văn hóa Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 11, 1979.
About these ads